Dù vậy, theo viên chức đứng đầu Bộ Công An Việt Nam, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn diễn biến phức tạp. Báo chí trong nước trích dẫn nguyên văn lời đại tường công an Tô Lâm rằng “Các tổ chức phản động lưu vong, đối tượng chống đối trong nước tiếp tục gia tăng các hoạt động chống phá, trong đó có cả hoạt động khủng bố manh động; không gian mạng, nhất là mạng xã hội, đang bị các thế lực thù địch, phản động, các loại tội phạm triệt để lợi dụng hoạt động chống phá”
Đây không phải lần đầu tiên thế lực thù địch, phản động, tức tội phạm chuyên sử dụng mạng xã hội như Facebook, được nhắc đến và bị liệt vào thành phần khủng bố, âm mưu chống phá, lật đổ chính phủ.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Già, cựu tù nhân quyền mà tài khoản Facebook cá nhân từng bị đánh sập trước đây, nói ông không ngạc nhiên và hiểu vì sao báo chí lề phải, điển hình báo Thanh Niên, đưa phát biểu về tội phạm không gian mạng của bộ trưởng công an Tô Lâm lên hàng đầu bản tin với hàng chữ đậm nét:
Khi đã gọi là thế lực thù địch thì phải chỉ rõ đó là tổ chức nào, tên tuổi, đóng tại đâu. Nếu là cá nhân thì phải chỉ rõ cá nhân nào, ở đâu. Đó gọi là cách làm việc có khoa học, còn cứ nói chung chung như vậy thì nên nghiêm túc nhìn lại trách nhiệm của mình chứ đừng đổ thừa theo cách tôi cho là ấu trĩ.
Điều IV Hiến Pháp qui định đảng cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân và chịu mọi trách nhiệm trước nhân dân về các quyết định của mình. Như vậy, ông Tô Lâm nói riêng và Bộ Chính Trị nói chung cần phải nhớ khi mà qui cho thế lực thù địch thì vô hình chung họ đã chứng tỏ họ bất lực trước thế lực thù địch nào đó.
Đối với tiến sĩ giáo dục Mạc Văn Trang, cũng là một Facebooker, thế lực thù địch, phản động, chống phá trên không gian mạng là điều được công an Việt Nam liên tục nhắc đến:
Thậm chí trên Facebook tôi xem lúc chiều tôi thấy họ đưa hình ông giám đốc hay phó giám đốc công an Nghệ An nói rằng trong tỉnh Nghệ An có 150 tổ chức phản động đang hoạt động. Chuyện này không có gì mới đâu, người cộng sản, đặc biệt bên công an hay an ninh nói chung, luôn tìm cách tung hỏa mù, gây hoang mang để đe dọa quần chúng nhân dân là có thế lực thù địch nó phá hoại, nó tuyên truyền, nó bôi nhọ, nó xuyên tạc, nó nói xấu vân vân…
Thế bây giờ hỏi ai là thù địch, ai là phản động họ không chỉ ra đâu, họ chỉ đưa ra được bằng chứng là một số người có đăng bài phản biện trên Facebook rồi họ cho là kích động lật đổ chính quyền nhân dân, họ bắt bỏ tù. Đó là chủ trương, là cách tuyên truyền của chế độ cộng sản ở đâu cũng vậy.
Gán ghép và xử phạt những tổ chức hay những cá nhân dùng Facebook để trao đổi tin tức là manh động, kích động, khủng bố, mà Việt Nam thường áp đặt lâu nay, mới chính là hành động khủng bố, là nhận định của nhà hoạt động Đoàn Huy Chương đang ở bên ngoài Việt Nam: :
Nhà nước Việt Nam đã lập ra lực lượng AK47 có 10.000 dư luận viên, đó là những dư luận viên cấp cao, còn có những dư luận viên cấp thấp nữa, để đánh phá những tiếng nói trên không gian mạng. Thế lực thù địch trên không gian mạng chỉ là những người muốn cho Việt Nam có sự thay đổi tốt đẹp hơn, nhưng nhà nước Việt Nam không muốn và họ tìm cách ngăn chặn những tiếng nói tự do. Đó là những tiếng nói như Nguyễn Ngọc Ánh, Trương Minh Đức, Hoàng Đức Bình, Phạm Văn Trội, Nguyễn Bắc Truyển, nhiều và nhiều lắm.
Tính từ tháng Mười đến đầu tháng Mười Một 2019, nhiều Facebookers trong nước đã bị tuyên án tù. Điển hình hôm 31/10 Facebooker Nguyễn Văn Phước bị tuyên 5 năm tù giam với cáo buộc sử dụng mạng xã hội để chia sẻ thông tin xuyên tạc, chống phá Nhà Nước. Cùng ngày 31/10, Facebooker Phạm Xuân Hảo, thạc sĩ giảng viên Khoa Công Nghệ Đại Học Cần Thơ, bị kết án một năm tù giam vì chia sẻ trên mạng bài viết có nội dung bị cho là trái chiều, xuyên tạc đường lối, chủ trương của đảng.
Mới đây nhất, ngày 5 tháng Mười Một, tức chỉ một ngày sau báo cáo của bộ trưởng công an Tô Lâm nhắm vào các thế lực phản động, thù địch trên không gian mạng, đến lượt Facebooker “ Giáo Sư Hớt Tóc” Nguyễn Văn Nghiêm, bị bắt tạm gian đã 4 tháng, nay bị khởi tố tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ bang chính quyền với nội dung bịa đặt gây hoang mang trong nhân . Facebooker Nghiêm Nguyễn được cộng đồng mạng biết tới qua những video trên YouTube với các chủ đề thời sự như “Dấu hiệu Trung Quốc tiếp tục xâm lược Bãi Tư Chính của Việt Nam” , “Tướng hèn đông như quân Nguyên”, vân vân…
Kế tiếp là nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Ánh, thường có bài viết trên tài khoản Facebook cá nhân khiến ông bị bắt từ tháng Tám 2018, ra tòa phúc thẩm ngày 6/11 và bị y án 6 năm tù giam đã tuyên trước đó. Tội danh của Facebooker Nguyễn Ngọc Ánh là chia sẻ tin, bài phản động, nói xấu đảng và nhà nước, kích động biểu tình trong ngày lễ Quốc Khánh…
Mạng xã hội: càng siết, càng phát
Nguồn tin trong nước cho thấy từ trung tuần tháng Tám 2019, Bộ Thông Tin Truyền Thông Việt Nam đã đẩy mạnh việc trao đổi với Facebook và Google để gỡ bỏ các thông tin sai sự thật, trái quan điểm, chủ trương của đảng và Nhà Nước. Trong báo cáo gởi Quốc Hội ngày 9 tháng Mười, Bộ Thông Tin Truyền Thông đã đề cập đến những giải pháp về việc tăng cường quản lý thông tin điện tử trong những ngày tới.
Đến ngày 6 tháng Mười Một, Hà Nội một lần nữa yêu cầu Facebook góp phần bảo đảm an ninh mạng cho Việt Nam bằng cách hợp tác gỡ bỏ các thông tin độc hại.
Cụ thể, tại buổi tiếp xúc giữa ông Nguyễn Văn Bình,trưởng Ban Kinh Tế Trung Ương Việt Nam, với ông Silmon Milner, phó chủ tịch chuyên trách chính sách công khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Tập đoàn Facebook, ông Nguyễn Văn Bình đã đề nghị Facebook phối hợp gỡ bỏ những thông tin mà ông cho là xấu độc, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và trật tự xã hội nhằm bảo đảm an ninh, an toàn cùng là bảo vệ thông tin cá nhân người sử dụng.
Để tìm hiểu rõ, đài Á Châu Tự Do đã liên lạc bằng điện thư cho Facebook nhưng đến giờ vẫn chưa nhận được hồi đáp. Trước đó, hồi tháng Tám, trả lời qua email với RFA về câu hỏi Facebook sẽ giải quyết yêu cầu của Bộ Thông Tin-Truyền Thông như thế nào, bà Amy Sawitta Lefevre, Quản lý chính sách truyền thông của Facebook cho biết khi nhận được yêu cầu từ chính phủ Việt Nam gỡ xuống một nội dung thì trước tiên Facebook sẽ xem xét báo cáo về việc không tuân thủ các Tiêu chuẩn cộng đồng và sẽ gỡ bỏ nội dung mà Facebook thấy vi phạm các tiêu chuẩn này.
Trường hợp nôi dung bị coi là bất hợp pháp ở Việt Nam, bà Lefevre nói tiếp, Facebook có thể hạn chế quyền truy cập và việc này được thực hiện ở Việt Nam giống như những nơi khác trên thế giới.
Giới phân tích cho rằng đây là bằng chứng cho thấy tự do Internet ở Việt Nam ngày càng bị hạn chế. Tuy vậy, tiến sĩ Mạc Văn Trang cho rằng nhận xét này chưa chính xác:
Về phương diện tự do Internet ở Việt Nam thì phải nói à hơn hẳn bên Trung Quốc vì nhiều mạng xã hội như Facebook và Google được sử dụng. Việt Nam đã đề ra Luật An Ninh Mạng, ai vi phạm thì cứ việc đem ra xét xử. Trong Luật An Ninh Mạng thì vi phạm thứ nhất là làm lộ bí mật quốc gia, thứ hai là bôi nhọ người này người kia, thứ ba nữa là kích động hận thù dân tộc, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc vân vân… Thế thì những ai làm việc đó họ đã bắt họ xử rồi, mà những người đó là công dân phạm pháp chứ đâu phải là thù địch.
Theo tôi ở Việt Nam hiện nay mạng xã hội cũng rất là mạnh, nhờ mạng xã hội mà phát hiện được rất nhiều vấn đề trước kia còn che dấu được hết. Chính mạng xã hội làm dân trí được nâng cao hơn, chính quyền cũng được cảnh báo nhiều hơn. Cho nên hiện nay tôi nghĩ cái mức độ tự do trên mạng xã hội của Việt Nam là tương đối tốt chứ không phải bị đàn áp triệt để đâu.
Càng không có tự do mạng thì càng không thể nào xử lý hết hay dẹp bỏ cho xuể những thông tin gọi là trái chiều hay phản động trên không gian mạng, là khẳng định của nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng:
Không thể ngăn chặn vì đó là xu hướng toàn cầu đã lan tới Việt Nam rất rộng, thứ hai là ảnh hưởng đến toàn bộ khối đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Vấn đề thứ ba, lượng người theo dõi, sử dụng cũng như phản biện trên mạng xã hội, mạng Internet, càng ngày càng tăng.Có một cuộc khảo sát của một nhóm các nhà hoạt động nhân quyền thì trong vòng khoảng 4 hay 5 năm qua lượng người “like” và lượng người “follow” Facebook của những nhà hoạt động này tăng lên ít nhất là gấp đôi, có những trường hợp tăng gấp 4 tới 5 lần.
Đáng chú ý là những người “like” như vậy ban đầu họ chỉ like thôi, nhưng rồi sau đó chính họ trở thành những người viết phản biện, nói phản biện và livestream phản biện. Vô hình chung chính họ bước vào và trở thành một thành viên của phong trào dân chủ, nhân quyền và phản biện ở Việt Nam.
Và, hôm thứ Năm 7 tháng Mười Một, Hà Nội chính thức lên tiếng phủ nhận thẩm định của Freedom House cho rằng Việt Nam không có tự do Internet.