Liên quan vụ 39 người Việt chết trên xe container đông lạnh vào Anh, báo Nhân Dân – cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng Sản – đã lên án “các thế lực thù địch”, quy trách nhiệm thuộc về nước Anh, trong khi cho rằng chính phủ Việt Nam đã làm hết sức mình (sic).
Báo Nhân Dân phiên bản điện tử, hôm 1 tháng Mười Một, 2019, viết: “Đừng cứ lúc nào cũng gán ghép trách nhiệm cho Nhà nước Việt Nam”.
Qua bài viết trên, báo Nhân Dân cáo buộc “một số tổ chức, cá nhân lại tìm cách lợi dụng sự hoang mang, lo lắng, thậm chí là nỗi đau để cố đẩy vấn đề theo hướng tiêu cực, coi đó như là cơ hội để vu cáo Nhà nước Việt Nam.”
Báo này thanh minh rằng các cơ quan chức năng, điển hình là Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đã “khẩn trường làm rõ vụ việc để có biện pháp xử lý phù hợp với pháp luật Việt Nam và quốc tế”. Nhân Dân Online cũng không quên chỉ trích chính sách nhập cư của nước Anh. Và cho rằng việc di cư của dân chúng từ nước này sang nước khác là chuyện bình thường.
Có thể thấy, qua bài báo trên, nhà cầm quyền Việt Nam đang muốn rũ bỏ trách nhiệm về thảm họa này và đổ lỗi cho các thế lực thù địch và chính sách của nước Anh.
Dù nhà cầm quyền CSVN có ngụy biện thế nào, thì thực tế bối cảnh xã hội đã, đang và sẽ là động lực thúc đẩy người dân phải liều mạng ra đi.
Nếu chính quyền quản lý đất nước tốt, chăm lo tốt cho đời sống, an sinh và tạo việc làm cho dân chúng, dân không đói nghèo, không thất nghiệp thì đâu có lý do gì phải mạo hiểm mạng sống của mình để tha hương cầu thực.
Trong số 39 nạn nhân, họ đều là những người rất trẻ đầy sức sống. Cái chết bi thảm của họ đã phản ảnh phần nào tình hình kinh tế và xã hội tại Việt Nam.
Đằng sau những con số tăng trưởng kinh tế được Hà Nội cho là “nhanh nhất thế giới”, là một xã hội đầy rẫy bất công. Đất nước còn là nơi không khí nhiễm bụi, nước nhiễm dầu thải, đất nhiễm độc, công an thì nhiễm thói bạo lực,… cả một đống hỗn độn khiến cả người giàu lẫn kẻ nghèo, có học thức và ít học, đều tìm cách rời khỏi.
Cũng có thể đối với một số người thì nghèo đói chưa phải là lý do duy nhất khiến họ phải bất chấp nguy hiểm ra nước ngoài, tuy nhiên điều đó chỉ phản ánh rằng họ đang thiếu niềm tin và không muốn đầu tư vào quê hương của mình.
Chính vì mất niềm tin vào cái xã hội bất công, nơi không có chỗ cho dân thường, bởi những “miếng bánh” đều dành hết cho các con ông cháu cha. Người dân có rất ít khả năng để cải thiện đời sống. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi họ vay mượn hoặc bỏ hàng tỷ đồng để ra đi làm ăn tại một quốc gia khác có nhiều cơ hội tốt hơn.
Bỏ nước ra đi và trốn lại nước ngoài không phải là hiện tượng cá biệt hay đơn lẻ. Chỉ riêng năm nay đã có ba câu chuyện chấn động về tình trạng này. Đó là nhóm 152 du khách đi Đài Loan, chuyện 9 người “đi nhờ” chuyên cơ phái đoàn của Chủ Tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đến Hàn Quốc, và giờ là vụ 39 người Việt tại Anh Quốc.
Vậy sau những thực trạng nói trên, còn ai khác phải nhận trách nhiệm ngoài nhà nước và chính sách của đảng cầm quyền?
Người người kéo nhau ra nước ngoài để tìm kế mưu sinh là những lá phiếu bầu phủ quyết cho niềm tin và sự tín nhiệm của người dân vào thể chế chính trị. Ngày nào chính phủ còn không biết lo cho dân, ngày đó sẽ còn có nhiều người bỏ nước ra đi.
Ngoài ra, điều đáng bàn ở đây là phản ứng của quốc gia trước thảm họa của người dân. Trung Quốc sau khi nghe tin này thì phản ứng đầu tiên của họ là đổ lỗi cho nước Anh. Và bây giờ đến lượt nhà cầm quyền Việt Nam cũng hành xử như vậy. Có thể thấy các chính quyền độc tài không thực tâm chăm lo cho đời sống của người dân. Họ càng không hiểu rằng mọi chính quyền phải có trách nhiệm bảo vệ công dân của mình một cách tốt nhất có thể.
Để chấm dứt tình trạng dân chúng mạo hiểm trốn ra nước ngoài, cách giải quyết tốt nhất là cần nghiêm trị những kẻ buôn người. Bao năm qua chúng lộng hành, công khai, xem mạng sống con người như cỏ rác trước sự làm ngơ của chính quyền. Giải pháp dài hạn là cần sớm giúp người dân học nghề, tạo công ăn việc làm cho họ mưu sinh, cải thiện đời sống, thành lớp người hữu ích đóng góp xây dựng quê hương đất nước.