Chẳng có gì bảo đảm là bản thỏa thuận hợp tác quốc phòng và an ninh song phương Việt Nam – Liên minh châu Âu (EU), được ký vào ngày 17/10/2019, sẽ mang lại một sự an ủi đáng kể về mặt bảo vệ công cuộc ‘khoan dầu nuôi đảng’ cho giới quan lại bị người dân Việt bình phẩm ‘hèn với giặc, ác với dân’.
Bởi tại buổi lễ ký kết, đại diện của EU chỉ bày tỏ quan ngại chung chung về “tình hình phức tạp ở Biển Đông gần đây” và kêu gọi các bên liên quan tuân phủ luật pháp quốc tế, đồng thời ủng hộ việc đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) “một cách minh bạch”, nhưng không một từ ngữ nào nhắc đến Bãi Tư Chính và cái tên Trung Quốc.
Việc ký kết trên là kết quả sau chuyến công du Việt Nam của bà Federica Mogherini – đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh, đồng thời cũng là phó chủ tịch Ủy Ban Liên Âu – vào đầu tháng 8 năm 2019.
“Những hành động đơn phương trong những tuần lễ qua ở Biển Đông dẫn đến hệ quả làm gia tăng căng thẳng và suy thoái môi trường an ninh biển. Đây là biểu hiện của mối đe dọa nghiêm trọng đến phát triển kinh tế hòa bình trong khu vực” – Thông cáo báo chí của Ủy Ban Ngoại Vụ, Chính Sách An Ninh, Chính sách Láng giềng và Đàm phán của EU nêu ra sau chuyến đi trên.
Chi tiết đáng chú ý là dù đã đề cập về ‘những hành động đơn phương’, nhưng tuyên bố của EU lại không có một từ nào nói rõ về chủ thể của hành động đơn phương đó: Trung Quốc.
Lối tuyên bố như thể ‘đi hàng hai’ của EU cho thấy một sự thật đắng chát: Trung Quốc đang vượt mặt Việt Nam về quốc tế vận.
Hồi cuối tháng Bảy, đầu tháng Tám 2019, Trung Quốc đã giành được một lợi thế trên phương diện quan hệ quốc tế và ngoại giao so với Việt Nam khi Hội Nghị Các Bộ Trưởng ASEAN diễn ra ở Thái Lan vào đã chỉ đề cập khá chung chung và “quan ngại” về tình hình Biển Đông mà không hề nhắc đến cái tên Trung Quốc.
Thái độ lấp lửng của EU khiến người ta phải nhìn lại bản Thỏa thuận quốc phòng mà EU và Việt Nam xem có tính thực chất hay không.
Bởi từ chuyện ký kết cho đến một hành động thực chất nào đó của EU đối với tình trạng nan giải ở Bãi Tư Chính lại là một khoảng cách có thể còn khá xa.
Trong khi đó, chính thể độc tài ở Việt Nam lại liên tiếp cử các ‘đoàn đại biểu cấp cao’ đi một số nước Tây Âu nhằm vận động cho những ‘mặt hàng’ đang trở nên nhu cầu cấp bách ở dải đất quằn quại hình chữ S.
Một trong những ‘đoàn đại biểu cấp cao’ đó được dẫn đầu bởi quan chức Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, đi Cộng hòa Liên bang Đức vào tuần cuối tháng 9 năm 2019.
Chuyến đi Đức của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhắm đến nhiều mục đích như vận động chính phủ Đức sớm phê chuẩn EVFTA (Hiệp Định Thương Mại Tự Do Châu Âu-Việt Nam) cũng như Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (IPA)”, vận động Đức ủng hộ Việt Nam hơn nữa trước căng thẳng ở Biển Đông và bãi Tư Chính, và… xin viện trợ ODA.
Dù gì thì vào tháng 8 năm 2019, Bộ Ngoại giao 3 nước trụ cột EU là Pháp, Đức và Anh đã ra một Tuyên bố chung về tình hình Biển Đông, trong đó có nhắc đến cái tên Trung Quốc, tuy chẳng có lấy một lời lên án.
Nhưng cũng như hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan của Mỹ đi vào Biển Đông để tuần tra nhưng chưa có động tác nào can thiệp vào khu vực Bãi Tư Chính, cả Mỹ và EU dường như đều đang dè dặt trước vụ bãi Tư Chính nói riêng và Biển Đông nói chung, bởi họ muốn chờ xem chính thể Việt Nam sẽ ‘bản lĩnh’’ đến mức nào trong việc đối phó với chế độ cùng ý thức hệ là Trung Quốc, hay chỉ đánh võ mồm và luồn cúi là giỏi./.