Thảm họa sinh thái đô thị, nguyên do không phải từ ông trời

- Quảng Cáo -

Tân Phong – Web Việt Tân

Nước sinh hoạt nhiễm dầu thải, dư lượng styrene gấp 1300 – 3600 lần so với tiêu chuẩn, họp báo công bố cho người dân chỉ vượt mức 3,6 lần. Những kẻ táng tận lương tâm.

Trong những ngày qua, người Hà Nội đang khát. Giữa thủ đô, nguồn nước cấp sinh hoạt bỗng trở nên ô nhiễm tới mức không thể sử dụng, dù chỉ là tắm giặt. Thứ nước được gọi là sạch do tổng công ty nước sạch Viwasupco cung cấp trở lên đen ngòm, sặc mùi hóa chất, và khi rửa mặt thì có thể xa xẩm mặt mày, dị ứng da và đau mắt. Khi sử dụng thứ nước này để nấu cơm thì cơm sặc mùi hóa chất không thể ăn được. Thông tin họp báo mới đây thì lãnh đạo của công ty này cho biết là nồng độ một chất hữu cơ là styrene trong nước gấp 1,3-3,6 lần so với TCVN và các tiêu chuẩn hóa lý khác thì đều ở mức chấp nhận cho phép. Do đó, họ vẫn cấp nước bình thường. Nhưng thực chất vấn đề thì có phải như vậy không?

Tổng công ty cấp nước Viwasupco – đơn vị mà trước đây đã rất nổi tiếng với việc trong 6 năm đã xảy ra tới 22 lần vỡ đường ống nước cấp. Đường ống nước này được mua từ Trung Quốc có chất liệu bằng gang dẻo và đã bị khuyến cáo về chất lượng cũng như nguy cơ gây rủi ro sức khỏe cho người tiêu dùng nhưng nhà đầu tư và cả cơ quan hữu trách Hà Nội cũng bỏ qua khuyến nghị từ các chuyên gia. Chất lượng xây lắp của công trình hàng ngàn tỷ này tệ hại tới mức đã đạt được kỷ lục chưa từng có trên thế giới về số lần vỡ đường ống. Tuy nhiên, sau một hồi báo chí phanh phui thì cuối cùng sự việc và nghi vấn về chất lượng công trình cũng như đường ống của Viwasupco đã được chìm xuồng đúng qui trình. Từ đó đến nay đường ống nước của Viwasupco vẫn tiếp tục vỡ.

- Quảng Cáo -

Lần này thì không phải do đường ống vỡ nữa mà là nước bốc mùi không thể sử dụng được và được thông báo là có hàm lượng chất styrene cao hơn tiêu chuẩn TCVN 20mg/l là 3,6 lần còn lại thì các tiêu chuẩn khác không vượt mức cho phép. Nhưng khi kiểm tra lại TCVN (Tiêu chuẩn Việt Nam) chúng tôi thấy không phải như vậy.

Chất lượng nước dùng để ăn uống và sinh hoạt trong QCVN 01:2009/BYT (Qui chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống) trong đó chỉ cho phép tồn dư của Styrene (một trong các loại hợp chất hữu cơ hydrocarbon thơm, cùng nhóm với benzene, toluene, phenol và dẫn xuất phenol…là những hợp chất có khả năng gây ung thư cao) là 20 µg/l (tức 20 phần tỷ) chứ không phải 20mg/l (tức 20 phần triệu) như ban lãnh đạo công ty Viwasupco nói. Như vậy rõ ràng là có một sự sai lệch khủng khiếp giữa phát ngôn của công ty cấp nước và tiêu chuẩn theo qui định tới 1000 lần. Nếu nồng độ thực tế của styrene đo được trong nước cấp của nhà máy là 3,6 x 20mg/l = 72 mg/l. Thì đây là mức ô nhiễm thảm họa, vượt so với TCVN (20 µg/l) tới 3600 lần.

(Tỷ lệ là 1000 µg = 1mg; 1000 mg = 1gram; 1000gram = 1kg).

Ảnh chụp QCVN 01:2009/BYT (Qui chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống)

Thật khó tin rằng đây là “lỗi đánh máy” vì báo cáo về chất lượng nước phải do người có chuyên môn hóa lý và hóa phân tích phụ trách phòng thí nghiệm đưa ra nên không thể nhầm lẫn giữa µg/l (microgram -phần tỷ) và mg/l (miligram – phần triệu). Trên thực tế thì với nồng độ đậm đặc styrene mới có thể phát hiện được bằng cảm quan. Còn nếu chỉ ở mức cao hơn 3,6 lần so với TCVN (tức 3,6 x 20 µg/l = 72 µg/l) thì chắc chắn không thể ngửi thấy được. Ban giám đốc công ty Viwasupco và giới chức Hà Nội đã cố ý đánh lừa dư luận.

Vấn đề nữa là kết quả chất lượng nước được công bố lại do chính đơn vị cung cấp nước tự công bố chứ không phải đơn vị xét nghiệm độc lập đáng tin. Giới chức Hà Nội cũng không nói rõ là kết quả xét nghiệm này của đơn vị nào đo đạc. Điều này làm cho người dân liên tưởng đến sự việc tương tự khi xảy ra sự cố cháy nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông.

Ban đầu, phích nước Rạng Đông công bố là không sử dụng thủy ngân lỏng nữa, nhưng khi bị cơ quan tài nguyên môi trường của Bộ TNMT đo trắc nghiệm đã phát hiện tồn dư thủy ngân trong môi trường xung quanh và theo tính toán có thể 15-22 kg thủy ngân đã phát tán ra môi trường thì nhà máy mới công nhận có lượng thủy ngân lỏng tồn kho của công ty đã bị cháy. Gần đây nhất là sự dối trá về chất lượng không khí do chính Bộ Tài Nguyên Môi Trường đã sử dụng chỉ số không khí từ 2005 để báo cáo quốc hội và chính phủ. Như vậy là từ doanh nghiệp cho đến cơ quan chủ quản về môi trường đều không hề biết đến sự trung thực. Như vậy, người dân không thể biết tin vào ai và tin vào số liệu môi trường nào.

Một câu hỏi nghi vấn khác là tại sao lại chỉ có duy nhất chỉ tiêu styrene được công bố? Các chỉ tiêu hóa lý, vi sinh khác thì sao? Trong khi chỉ riêng về mặt cảm quan, đã không thể chấp nhận được màu sắc và mùi vị. Người dân kể lại là chỉ rửa mặt cũng đủ xây xẩm mặt mày thì hàm lượng hydrocarbonkhác như benzene, phenol, dẫn xuất phenol… và các nhóm benzene clo hóa và Alkan clo hóa phải ở nồng độ cao đậm đặc. Là người có chuyên môn về hóa phân tích tôi khẳng định báo cáo của ban giám đốc Viwasupco hoàn toàn giả mạo và bịa đặt, cố ý đưa các con số lừa bịp công chúng. Và ngay cả cơ quan hữu trách khác của thành phố Hà Nội cũng đang tiếp tay giấu diếm sự thực về mức độ ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt tại Hà Nội. Đó là một tội ác và việc làm táng tận lương tâm.

Thậm chí chúng tôi nghi ngờ quá trình xử lý nước sinh hoạt của thành phố đã bị đơn vị cung cấp là Viwasupco đã cắt bỏ những bước xử lý quan trọng như quá trình kết tụ, tạo bông, lắng, lọc và khử trùng lần 2… Nhiều khả năng, nước chỉ được lọc thô, khử trùng sơ bộ, lọc tiểu ly và cấp trực tiếp vào hệ thống. Chỉ như thế thì nước cấp mới có màu đen đục và cặn lắng như quan sát được thời gian qua. Hoặc là hệ thống xử lý nước của nhà máy đang gặp sự cố khiến cho các quá trình hoạt động bị gián đoạn và ban giám đốc nhà máy đã chỉ đạo bỏ qua các công đoạn xử lý quan trọng. Điều này khá logic với hiện tượng trong thời gian qua thỉnh thoảng nước cấp chuyển màu đen xì vài hôm, sau đó mới trở lại bình thường cho thấy rằng quá trình xử lý nước của nhà máy gặp sự cố nhiều lần trong quá trình vận hành.

Thảm trạng thủ đô không có nước sạch

Ít ai có thể tưởng tượng được rằng thủ đô Hà Nội có tới gần 3 triệu người đang không có nước sạch sử dụng https://vnexpress.net/longform/ha-noi-gan-3-trieu-dan-khong-nuoc-sach-3868349.html. Và nguồn nước mà người dân Hà Nội đang sử dụng có mức độ ô nhiễm asen (thủy ngân), amoni và kim loại nặng cao nhất nước https://doctorhouses.com/ha-noi-dia-phuong-co-nguon-nuoc-nhiem-asen-nang-nhat.html.

Ảnh chụp màn hình Vnexpress
Ảnh chụp màn hình Vnexpress

Trên hình bản đồ trên thì phần màu xanh đậm là địa bàn nội thành Hà Nội được cấp nước sạch. Phần màu nâu vàng là vùng địa bàn chưa có nước sạch đang sử dụng nước giếng khoan. Trong khi, nước ngầm ở Hà Nội bị ô nhiễm nghiêm trọng, có lượng amoni, arsen, mangan… cao nhất nước. Nguồn nước ở vùng Bắc Ninh, Thạch Thất Hà Tây, Hà Đông ô nhiễm trầm trọng hàng thập kỷ qua do nước thải từ hoạt động công nghiệp và sinh hoạt dân dụng không qua xử lý thải trực tiếp vào môi trường. Những vùng này nổi tiếng với những làng ung thư tỷ phú với những ngôi nhà khang trang nhưng vắng người ở. Cái giá phải trả cho việc hy sinh môi trường để lấy kinh tế là quá đắt.

Với thực trạng hiện nay, thì người dân Hà Nội hiện đang được sử dụng nguồn nước được gọi là “sạch” do Viwasupco cung cấp cũng không có gì là đảm bảo. Thông tin không bao giờ được minh bạch và người dân chỉ khi nào không thể dùng nổi thứ nước màu đen, khét lẹt mùi hóa chất thì mới phản ứng một hồi. Một sự thờ ơ và vô cảm về sức khỏe của bản thân, cộng đồng đến mức đáng kinh ngạc. Qua hai sự kiện về nước nhiễm dầu thải và không khí phơi nhiễm thủy ngân arsen, phản ứng của người Hà Nội làm cho người viết bài này đang không thể tin nổi não trạng nhận thức của người xứ “ngàn năm văn vật”. Có lẽ cái họ quan tâm vẫn là kiếm tiền bằng mọi giá, ăn nhậu, khoe mã,“đi bão” bóng đá và xem mạng xã hội Lo…tus.

Khuyến nghị khẩn cấp

Chúng tôi khuyến nghị người dân Hà Nội dừng sử dụng nguồn nước cấp đang bị nhiễm dầu thải và lập tức kiến nghị yêu cầu cơ quan thẩm định độc lập đủ năng lực và khách quan kiểm tra chất lượng nguồn nước này. Công bố rộng rãi kết quả xét nghiệm để người dân được biết. Đề nghị nhà cầm quyền phải cung cấp nước sạch miễn phí cho người dân sử dụng trong thời gian đơn vị cung cấp nước sửa chữa và khử độc nguồn nước. Người dân tuyệt đối không sử dụng nguồn nước hiện tại vào bất cứ việc gì ngoài việc xả bồn cầu.

Vấn đề gốc ở đây là đơn vị cung cấp nước sạch hiện tại ở Hà Nội là Viwasupco không đủ khả năng đảm bảo chất lượng dịch vụ và sản phẩm. Công trình đường ống thường xuyên bị vỡ gây gián đoạn cấp nước, chất lượng nước không ổn định và sự cố vừa xảy ra cho thấy là toàn bộ hệ thống kiểm tra chất lượng nước đã không thực hiện. Như vậy, thành phố Hà Nội phải thanh kiểm tra toàn diện hệ thống máy móc năng lực và qui trình quản lý nhà máy của Viwasupco, đồng thời tìm nhà cung cấp thay thế đủ năng lực nếu không toàn bộ dân cư Hà Nội có khả năng phơi nhiễm với đủ mọi chất độc từ nguồn nước ăn và sinh hoạt không đảm bảo.

Đốt tiền để thở 

Gần 1 triệu đồng một hộp khẩu trang được cho là có khả năng ngăn bụi mịn đang được người dân Hà Nội tranh nhau mua khi chỉ số ô nhiễm không khí của Hà Nội đã được xếp hạng nhất thế giới. Sáng sớm ngày 30 tháng Chín, 2019, chỉ số AQI cao bất thường ở Hà Nội có nơi được ghi nhận được là 385 và hàm lượng PM2.5 là 335 µg/m3 – đây là mức độc hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Chỉ số ô nhiễm không khí đo được ở Hà Nội liên tục bị xếp loại độc hại Harzadous, đứng ở mức ô nhiễm nhất thế giới, vượt xa những thành phố khác ở vị trí thứ 2 và 3 (thành Hồ). Như vậy, có thể nói không hề ngoa rằng người dân Việt đang đốt tiền để thở.

Đó là những người có tiền và thu nhập cao, còn lại thì 70% số dân trong số 6 triệu dân Hà Nội và 8 triệu dân thành Hồ chắc chắn không bao giờ dám mua loại khẩu trang đắt đỏ đó. Chấp nhận lá phổi bị bào mòn bởi các loại hóa chất và bụi mịn có thể xâm nhập vào các mô phế quản, vào máu gây các chứng tắc nghẽn, tim mạch, viêm phỗi mãn tính, suy hô hấp và thiếu oxy, hen suyễn và suy kiệt cơ thể.

Khí hậu miền Bắc đang ở mùa thu, nhiệt độ cao vào ban ngày nhưng ban đêm xuống thấp nhanh, chênh lệch trong ngày khá lớn khiến cho tạo mù sương trong trong đêm và sáng sớm. Sương mù kết hợp với khói bụi trong không khí, lắng lại vào buổi đêm và tích tụ ô nhiễm nơi địa hình thấp và ít gió. Đây là thời điểm nồng độ khí độc và bụi cao nhất trong ngày. Việc phơi nhiễm, hít thở, tiếp xúc với môi trường không khí có mức độ ô nhiễm nghiêm trọng này được các chuyên gia y tế cảnh báo là sẽ phá hủy mọi chức năng phổi, gan, thận, gây viêm phổi mãn tính, ung thư phổi, đột quị, tim mạch và các chứng suy giảm sức khỏe khác. Mỗi ngày chúng ta hít thở khoảng 10.000 lít không khí hoặc hơn tuỳ vào lứa tuổi và hoạt động thể lực. Do đó nếu nồng độ bụi PM2,5 trong không khí cao thì mức phơi nhiễm hàng ngày là lớn và tăng nguy cơ bị các vấn đề sức khoẻ cấp tính và mãn tính.

Theo một nghiên cứu của GS Christopher J. L. Murray và các cộng sự đăng trên tạp chí khoa học Lancet năm 2016, ô nhiễm không khí (trong đó có ô nhiễm bụi PM2,5) là nguyên nhân của 7 triệu ca tử vong hàng năm trên thế giới. Ô nhiễm không khí là nguyên nhân của 19% ca tử vong do bệnh tim mạch, 24% ca tử vong do bệnh tim thiếu máu cục bộ, 21% ca tử vong do đột quỵ và 23% ca tử vong do ung thư. Những nguyên nhân chính gây tử vong do ô nhiễm không khí là đột quỵ, bệnh tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư và các bệnh nhiễm trùng hô hấp. Ở Việt Nam, khoảng 60.000 người mỗi năm tử vong được cho có liên quan đến vấn đề ô nhiễm không khí. Con số này đang “tăng trưởng bền vững” với tốc độ phi mã hàng năm.

Trong một cuộc họp báo gần đây, một vị quan chức CSVN phát biểu nguyên do của tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội ngoài vấn đề ô nhiễm từ phương tiện giao thông, xây dựng đô thị thì do người dân Hà Nọi đang đốt hơn 500 tấn than bùn và tổ ong hàng ngày. Thực ra thì không thiếu những câu chuyện tiếu lâm khi các vị quan chức công sản đưa ra các lý do mà dẫn đến những vấn nạn xã hội. Không bao giờ có lỗi của sự yếu kém ngu dốt trong quản lý và điều hành của họ gây ra cả. Nhưng thực tế rằng, cách thức qui hoạch đô thì theo lối “tư duy mét vuông” để tối đa hóa lợi nhuận bán đất và “lấy lu đựng nước chống ngập” của quan chức Việt Nam đã khiến cho các đô thị lớn ở Việt Nam đều ở tình trạng ngập lụt, ô nhiễm kinh hoàng.

Thành phố Hà Nội có địa hình thấp nhất so với các tỉnh lân cận và ở cuối hướng gió Đông Bắc so với các tỉnh như Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh và sát với tỉnh Bắc Ninh –những tỉnh có qui hoạch công nghiệp nặng có mức độ ô nhiễm công nghiệp rất cao như nhiệt điện, xi măng, luyện thép, tái chế phế liệu, giấy, thủy tinh, giày da, đóng tàu… Những ống khói ở Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Ninh đang ngày đêm “hun” thành phố Hà Nội không ngừng nghỉ, những luồng khí thải đậm đặc này được gió mùa Đông Bắc cuốn theo, kết tụ với hơi nước và rơi xuống… Hà Nội. Thậm chí những cơ sở công nghiệp có mức độ ô nhiễm cao như cao su, bóng đèn phích nước… vẫn tồn tại ngay trong nội thành của Hà Nội.

Hà Nội là thành phố mà tỷ lệ cây xanh nội thành thấp nhất trong tất cả các đô thị. Tuy vậy, những “thiên tài đảng ta” như giai đoạn ông Nguyễn Thế Thảo làm chủ tịch đã chặt gần hết tất cả những hàng cây xà cừ, sấu, me, phượng đẹp nhất, giá trị nhất ở Hà Nội để bán cho các đầu nậu gỗ Bắc Ninh.

Hà Nội cũng rất nổi tiếng với những công trình xây không biết đến bao giờ xong như đường sắt Cát Linh – Hà Đông và luôn trong tình trạng cả thành phố lúc nào cũng như một đại công trường xây dựng dang dở… Như vậy, xem ra, vấn nạn ô nhiễm bụi mịn ở Hà Nội và HCM sẽ là một câu chuyện dài không có lời giải đối với chính quyền vừa bất tài vừa tham nhũng và tư duy quản trị không bao giờ nhìn vượt quá cái bụng của họ.

Không khí để thở, nước để uống và sinh hoạt đã không còn an toàn (thực ra thì nó đã không còn an toàn cách đây 20 năm) và hàng ngày người dân phải ngụp lặn trong những bãi nước thải ngập đến thắt lưng – điều đó sẽ dẫn đến thảm họa rất nhanh chóng, âm thầm và tàn khốc cho tất cả chúng ta. Tôi gọi đó là thảm họa sinh thái đô thị hay diễn thế sinh thái đô thị. Một kết cục đi đến sự diệt vong đời sống con người ở các khu đô thị lớn có hạ tầng qui hoạch và quản trị yếu kém một cách lặng lẽ, âm thầm có nguyên do từ sự hủy hoại môi trường do con người gây ra.

Không ai đủ tiền để mua mạng sống của mình khi thần chết gõ cửa cả. Hoặc giả như chúng ta có đủ tiền kéo dài sự tồn tại thân xác trên giường bệnh thì chúng ta cũng nên phải nghĩ lại điều đó có đáng hay không? Cuối cùng tiền chúng ta kiếm được chỉ để mua 1 chiếc giường bệnh cho cho bản thân chúng ta? Đó là một cuộc sống xuẩn ngốc.

Ai sẽ phải chịu trách nhiệm về thảm hóa sinh thái đô thị này? Các bạn hãy tự hỏi bản thân mình, tôi biết các bạn có câu trả lời và hãy nghĩ về cuộc sống của bạn và người thân của mình ở bệnh viện u bướu TW trong một tương lai không xa. Nếu các bạn đã từng đến đó thăm thân, chắc chắn các bạn sẽ đều đồng ý đó là cơn ác mộng giữa chốn trần gian. Đừng kết thúc cuộc đời như vậy!

Ngày 17/10/2019

Tân Phong

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here