Sau khi ‘hấp thụ’ không khí ô nhiễm với lượng bụi mịn đạt ngưỡng cao, người dân thủ đô Hà Nội tiếp tục gặp vấn đề với nguồn nước máy… có mùi.
Chất lượng sống đang bị tụt xuống nhanh chóng, và Hà Nội trở thành một Đà Lạt với sương mù dày đặc, và một vùng sâu, vùng xa, nơi chất lượng nước không đáp ứng được nhu cầu sử dụng được.
‘Thủ đô có bao giờ được như thế này chăng!’, hẳn nhiên, khi Thăng Long bay lên hay bay xuống, thì bộ máy chính quyền vẫn là nơi mà người dân truy vấn về trách nhiệm. Thế nhưng, trách nhiệm của chính quyền Tp. Hà Nội luôn gắn liền với ‘phản ứng chậm’.
‘Hà Nội, không vội được đâu’ được hiểu ngay trong sự phản ứng của chính quyền trong các tình huống mang tính khẩn cấp, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Từ Rạng Đông, bụi mịn, cho đến nước bốc mùi, bộ máy chính quyền dường như chuyển động một cách nặng nề, có thể là do nhiều ban bệ.
Và có lẽ, Hà Nội phải một lần nữa được Thủ tướng đích thân chỉ đạo và đòi báo cáo sự việc thì chính quyền mới chịu nhúc nhích trong làm nghĩa vụ, trách nhiệm của mình đối với đời sống dân sinh.
Chính quyền Hà Nội có thể chưa cảm nhận hết mức độ nghiêm trọng của vấn đề thuộc về môi sinh cộng đồng. Và nếu so sánh với cách chuyển động giữa chính quyền Hà Nội với chính quyền Bắc Kinh, thì chính quyền Bắc Kinh phản ứng nhanh hơn. Và nếu so sánh giữa người dân Hà Nội với người dân Bắc Kinh, thì người dân Hà Nội hơn ở điểm… chịu đựng và sống mòn giỏi hơn.
Mới đây, trang Independent (Anh Quốc) đã chia sẻ về thành tựu thanh lọc môi trường của nhà nước độc tài Bắc Kinh. Theo đó, nạn sương mù vào năm 2014 đã được chính quyền nước này giải quyết bằng ‘nắm đấm sắt’.
Năm 2014, Bắc Kinh là thành phố ‘không thể ở được’ cho con người, với mức độ ô nhiễm xếp hạng 40 thế giới về PM 2.5.
Thế nhưng, chính quyền Trung Quốc đã xếp ô nhiễm môi trường ngang với vấn đề chống chiến tranh và chống đói nghèo, như tuyên bố của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường vào năm 2014. Và 5 năm sau, Trung Quốc đã được loại ra khỏi 200 thành phố ô nhiễm nhất thế giới, cắt giảm lượng không khí ô nhiễm hơn 32%.
Việt Nam giống như Trung Quốc, với lượng xả thải của các nhà máy nhiệt điện than. Tại Việt Nam, lượng tiêu thụ than đã tăng gấp ba và tiêu thụ dầu đã tăng 70%.
Chính quyền Bắc Kinh đã đánh thẳng vào mấu chốt của vấn đề, bằng cách kiểm soát, thậm chí cấm các nhà máy nhiệt điện than ở Bắc Kinh và số lượng xe hơi trên đường cũng bị hạn chế.
120 tỷ USD là số tiền dành để ‘dọn dẹp môi trường’.
Nhà cầm quyền Bắc Kinh hiểu vấn đề hơn Hà Nội ở điểm, nếu môi sinh không tốt, thì bất mãn sẽ tăng lên, và ổn định chính trị – trật tự an toàn xã hội sẽ không còn được giữ vững ở khu vực thành thị.
Một nghiên cứu trên Nature Human Behavior về ảnh hưởng của môi trường đến đời sống kinh tế – xã hội cho thấy, ô nhiễm (không khí) không chỉ gây hại cho sức khỏe, khả năng nhận thức, năng suất lao động, và kết quả giáo dục. Mà còn tác động rõ nét đến hành vi xã hội của mọi người.
Về mặt chính sách từ Trung ương, Việt Nam tìm cách tăng cường giám sát và thực thi pháp luật bằng cách phạt các doanh nghiệp không tuân theo các quy định về bảo vệ môi trường. Cấm sử dụng máy móc và thiết bị nhập khẩu đã qua sử dụng hơn 10 năm. Và tăng cường thuế carbon ở các nhà máy thuộc tỉnh Quảng Ninh, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế và Thanh Hóa, trước khi đi đến chính sách toàn quốc vào năm 2022. Dự luật về đánh thuế khí thải nhà kính đối với các công ty trong lĩnh vực thép, xi măng, điện và hóa chất cũng đang được đưa lên bàn nghị trình, nhằm giảm lượng ô nhiễm.
Thế nhưng, tất cả những phương thức xử lý ô nhiễm nêu trên là chính sách từ Trung ương, còn riêng Tp. Hà Nội, tình trạng cảnh báo – kiểm soát ô nhiễm thiếu sự đồng bộ. Tình trạng ‘trên nóng – dưới lạnh’ mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng cảnh báo lại hiện diện công khai ngay tại Tp. Hà Nội, ngay trong lĩnh vực đảm bảo môi sinh cho người dân.
Đó là lý do vì sao, khi dân hoang mang vì ‘nước có mùi nhựa cháy’, ảnh hưởng đến sinh hoạt của hàng chục nghìn hộ dân khu vực các quận Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm thì chính quyền Tp. Hà Nội vẫn chưa có một câu trả lời hợp lý và khoa học. Còn trong khi đó, theo báo Tuổi Trẻ, nhà cung cấp nước – Công ty CP đầu tư nước sạch Sông Đà, lại giữ… im lặng trước sự cố nước bốc mùi.
Khi quả bóng trách nhiệm chưa định hình, và vai trò quản lý và chịu trách nhiệm của cơ quan, ban ngành nhà nước còn buông lỏng thì nhận thức về mức độ rủi ro đối với an ninh trật tự xã hội của ô nhiễm nguồn không khí, nước sẽ vẫn còn lạnh nhạt.
Không ai chịu rách nhiệm bảo vệ tài nguyên nước, tài nguyên không khí. Không ai chịu trách nhiệm trong phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm. Và không ai chịu trách nhiệm về thiệt hại môi trường trong địa bàn quản lý.
Và vì thế, người dân thủ đô Hà Nội tiếp tục lãnh đủ./.