Bãi Tư Chính: Việt Nam vẫn sẽ ‘chậm chạp bị động rụt rè’

- Quảng Cáo -
Nguyễn Hiền – (VNTB) – Bãi Tư Chính ngày càng trở nên phức tạp, và bản thân Hà Nội hoàn toàn bất ngờ về diễn biến của nó. Chính vì thế mà vào sáng 7/10, khi hội nghị Trung ương lần thứ 11 (khoá XII) họp tại Hà Nội, ông Tổng Bí thư – Chủ Tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ‘đề nghị Trung ương phân tích, dự báo có căn cứ, cơ sở khoa học, tình hình thế giới và trong nước, nhất là tình hình Biển Đông’.
***
Việt Nam vẫn đang lưỡng lự trong các lựa chọn, và mới đây, GS Chu Hảo trong một chia sẻ tại tọa đàm khoa học “Vùng biển Bãi Tư Chính và Luật pháp quốc tế” cũng đã cho biết, vài người bạn ở Bộ Ngoại giao Mỹ có nói với tôi rằng phản ứng của Việt Nam hiện nay chậm chạp bị động rụt rè, việc này làm cho phía Mỹ nản lòng.
Thực tế, đối sách của Việt Nam vẫn là tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế, và đấu tranh trên cơ sở ngoại giao.
Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng, Phó Chính ủy Quân khu 7, trong buổi tiếp xúc cử tri Tp. HCM đã cho biết: Có người hỏi rằng chúng ta có sẵn sàng kiện Trung Quốc hay không, có sẵn sàng đánh nhau với Trung Quốc hay không. Những điều này là đều có thể hết, nhưng không phải là điều chúng ta mong muốn.
Và cơ sở đấu tranh của Hà Nội tựu chung là hướng tới ‘đấu tranh bằng con đường chính trị, ngoại giao hòa bình’. Điều này, phụ thuộc vào phần lớn sự hữu hảo từ phía chính quyền Bắc Kinh, cũng như khả năng nhường nhịn của Việt Nam.
Câu chuyện Bãi Tư Chính và thái độ của Hà Nội, cũng như diễn biến thời gian qua có thể cho thấy Việt Nam xoay trục về phía Mỹ như nhiều quan điểm đề ra?
Có vẻ là không, mặc dù Việt – Mỹ đang tăng cường hợp tác thương mại và củng cố nền quốc phòng của cả hai quốc gia. Hà Nội vẫn đang nghiền ngẫm bài học lịch sử mang tên ‘đồng minh’ với các cường quốc. Một đến từ mối quan hệ VNCH – Mỹ, và một đến từ Việt Nam – Liên Xô.
Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục ‘đu dây’ ngoại giao, và không nghiêng về một phía nào cho đến khi sự uy hiếp trở nên trực diện hơn. Và điều này có thể biểu hiện qua việc, Hà Nội sẽ dời các hội nghị hoặc thậm chí hoãn tổ chức Đại Hội cho đến khi tình hình trở nên ổn định hơn.
Đối sách của Hà Nội theo hướng ‘không nghiêng hẳn về một bên nào’ đang gặp sự phản ứng, và quan điểm ‘3 không’ về quốc phòng được cho là sẽ khiến năng lực tự vệ của Việt Nam không đủ để bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Thế nhưng, trong một diễn biến mới nhất, một báo cáo của Viện nghiên cứu Brookings (Mỹ) dường như đứng về phía Hà Nội trong quyết sách ‘3 không’.
Theo báo cáo này, chính quyền của Tổng thống Donald Trump nên ngăn chặn hành vi phá hoại của Trung Quốc tại khu vực ASEAN, và việc buộc các nước trong khu vực phải lựa chọn giữa Bắc Kinh và Washington có thể phản tác dụng. Bởi các quốc gia ASEAN, thích giữ mối quan hệ mang tính xây dựng với cả hai bên, thay vì về một phía. Lý do, nếu Mỹ là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài hàng đầu vào khu vực và đóng góp an ninh quan trọng, thì Trung Quốc là đối tác thương mại số 1 và chi phối động lực kinh tế.
Báo cáo này cũng đề nghị chính phủ Mỹ nên điều chỉnh chính sách ASEAN bằng cách hỗ trợ các sáng kiến khu vực, tăng cường quan hệ song phương với các đối tác mới nổi như Việt Nam, tăng cường phối hợp cơ sở hạ tầng với các đồng minh và đối tác, và thậm chí chỉ định một đặc phái viên của Hoa Kỳ về cơ sở hạ tầng khu vực.
Hà Nội có thể tiếp tục ‘đu dây’, nhưng đồng thời dựa vào ASEAN để phản ứng cứng rắn hơn thường lệ.
Bahauddin Foizee, một nhà phân tích chính trị chia sẻ trên Asiasentinel rằng, một số quốc gia trong khu vực hình thành các liên minh an ninh riêng biệt để chống lại mọi mối đe dọa có thể có từ Bắc Kinh. Và vào tháng 9, Hải quân Mỹ và 10 quốc gia ASEAN đã khởi động năm ngày diễn tập hàng hải như một phần của cuộc tập trận chung kéo dài ra Biển Đông với tám tàu chiến, bốn máy bay và hơn 1.000 người.
ASEAN chỉ tụ họp lại khi có mối đe dọa, trước là nỗi lo cộng sản và Xô-Viết, và giờ chính là Bắc Kinh. Và nhu cầu liên hiệp về mặt quân sự, hoặc hình thành các liên minh an ninh giữa một số quốc gia thành viên ASEAN và một số quốc gia ngoài ASEAN như Úc, Ấn Độ hoặc Nhật Bản không thể bị loại trừ.
Điều này là phù hợp trong bối cảnh, năng lực quân sự của ASEAN yếu kém hơn so với Bắc Kinh, và hoàn toàn thiếu thống nhất.
Vào năm 2020, Việt Nam sẽ là Chủ tịch ASEAN, điều này trợ giúp cho Hà Nội rất lớn, không chỉ trong xây dựng dự thảo pháp lý COC trong giải quyết tranh chấp với Trung Quốc. Mà còn đảm bảo một sự hiện hữu liên kết quân sự thông qua các cuộc trao đổi quốc phòng, tạo răn đe cần thiết với Bắc Kinh trong vấn đề thuộc Biển Đông. Tận dụng được sự hỗ trợ của Mỹ đối với ASEAN trong xây dựng năng lực phòng thủ hàng hải, và đảm bảo quyền tự do đi lại tại vùng biển quốc tế Biển Đông.
Hà Nội sẽ không tìm cách xoay trục, mà tìm cách cân bằng mối quan hệ với các nước lớn. Đảm bảo khả năng phòng thủ và gây ra sức ép bảo vệ chủ quyền, nhưng đồng thời đảm bảo giữ được mối quan hệ chính trị với Trung Quốc, trong bối cảnh Việt Nam đang tiến hành chuyển giao quyền lực trong thời gian tới, thời điểm mà Hà Nội không muốn bất kỳ trục trặc nào với Bắc Kinh xảy ra. Đó phải chăng là nguyên nhân, và gốc gác của sự ‘chậm chạp bị động rụt rè’ mà những người bạn ngoại giao Mỹ đã than thở với GS Chu Hảo?
- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here