Lý Thái Hùng – Web Việt Tân
Năm 2019 đối với Trung Quốc không chỉ đánh dấu 70 năm ra đời của nhà nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (1949-2019) mà còn là cột mốc đánh dấu 40 năm bình thường hóa quan hệ giữa Bắc Kinh và Hoa Thịnh Đốn và Đặng Tiểu Bình chính thức áp dụng chính sách mở cửa kinh tế đối với thế giới bên ngoài từ năm 1979.
Là một quốc gia rất chú trọng vào việc tổ chức những buổi lễ diễn binh, diễn hành để phô trương sức mạnh số đông nhân các cột mốc lịch sử, năm nay phải là năm mà họ Tập sẽ tổ chức thật hoành tráng những buổi lễ kỷ niệm với sự tham dự của nhiều lãnh tụ thế giới như Hoa Kỳ, Nga, Nhật, Anh, Pháp để phô trương sức mạnh phát triển kinh tế, công nghệ cao và vũ khí sau 40 năm phát triển.
Nhưng cuộc thương chiến Mỹ Trung xảy ra từ tháng Chín, 2018 và nhất là biến động tại Hong Kong xảy ra từ đầu tháng Sáu đến nay, đã khiến cho Tập Cận Bình và lãnh đạo Bắc Kinh phải thu nhỏ phạm vi tổ chức lễ diễn binh, kể cả việc không mời nguyên thủ các quốc gia tham dự, qua hai buổi lễ tiếp tân mừng quốc khánh vào tối ngày 30 tháng Chín, và cuộc diễn binh, diễn hành với hơn 120.000 binh lính và quần chúng tham gia tại quảng trường Thiên An Môn vào sáng 1 tháng Mười. Theo dõi hai sự kiện này, có ba vấn đề được chú ý nhất.
Thứ nhất là cách nhìn vấn đề Hong Kong. Tại buổi tiếp tân đêm 30 tháng Chín, họ Tập khẳng định rằng sẽ tiếp tục tôn trọng và thực hiện đầy đủ các nguyên tắc “một quốc gia hai hệ thống,” và Hong Kong sẽ do người Hong Kong lãnh đạo. Họ Tập còn nói rằng, Bắc Kinh không can thiệp bạo lực mà để cho chính quyền Hong Kong tìm cách tiếp cận với những người chống đối, vì coi sự bất hòa giữa các cư dân Hong Kong là một sự phát triển tự nhiên của phần đất thuộc địa quá khứ và cũng là kết quả của những ảnh hưởng liên tục từ các giá trị phương Tây. Nói cách khác, cách giải quyết vấn đề Hong Kong và cả khu bán tự trị Ma Cao của Bắc Kinh là để cho thời gian hóa giải mọi chuyện.
Phát biểu của họ Tập mang dáng vẻ đầy tự tin rằng cuộc khủng hoảng đang xảy ra ở Hong Kong sẽ bị đẩy lùi và chính người Hong Kong rồi sẽ phải trở về với đại lục. Nhưng sự kiện cảnh sát dùng đạn thật tấn công những người biểu tình vào ngày 1 tháng Mười, khiến cho một sinh viên phải nhập viện, cho thấy là họ Tập và lãnh đạo Bắc Kinh đã không còn kiên nhẫn như họ tuyên bố. Sự kiện cảnh sát dùng đạn thật tấn công vào các nhóm biểu tình không thể là một chỉ thị đơn thuần từ bà Đặc Khu Trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) mà phải từ Bắc Kinh để từng bước đo lường phản ứng của dư luận trước khi áp dụng các biện pháp trấn áp bạo lực mạnh mẽ trong thời gian tới.
Thứ hai là thông điệp đánh dấu 70 năm ra đời Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Tuy chỉ phát biểu trong vòng 10 phút trước khi cuộc diễn binh, diễn hành bắt đầu, Tập Cận Bình đã đưa ra hai thông điệp: Thứ nhất là hướng vào người dân Hoa Lục, họ Tập nói rằng Trung Quốc và người dân Hoa Lục có được đời sống ngày hôm nay là nhờ sự ra đời của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa vì thế mà phải cảm kích sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản, kiên trì con đường chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc. Thứ hai là hướng vào quốc tế, họ Tập nói rằng Trung Quốc sẽ tiến lên con đường hòa bình, thực hiện chiến lược mở cửa đôi bên cùng có lợi. Quân đội và cảnh sát vũ trang của Trung Quốc giữ vững tính chất, tôn chỉ và bản sắc quân đội nhân dân, kiên quyết bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia và kiên quyết giữ gìn hòa bình thế giới.
Phát biểu của họ Tập nói trên không đúng tầm với lễ thượng thọ 70 năm. Bình thường ra, bài phát biểu của họ Tập sẽ phải là một bản văn phô trương những thành quả về chiến lược một vành đai, một con đường, về Made in China đóng góp vào việc thực hiện Trung Hoa Mộng mà họ Tập thai nghén từ những năm 2010 – 2011, trước khi thay thế Hồ Cẩm Đào lên làm Tổng Bí Thư vào năm 2012. Điều này cho thấy là cuộc chiến tranh mậu dịch giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã có những tác động tiêu cực trong nội bộ Trung Quốc, với rất nhiều khó khăn và nghịch lý đe dọa sự tồn tại của Bắc Kinh. Chính vì thế mà Tập Cận Bình đã không thể nào mạnh miệng hô hào kiểu toàn đảng, toàn quân tiến lên đánh tan kẻ thù là Hoa Kỳ để thực hiện giấc mộng 100 năm…
Thứ ba là những phô trương sức mạnh Trung Quốc. Cuộc diễn binh, diễn hành lần này được tổ chức lớn nhất so với các lần tổ chức trước đây. Có tổng cộng 15.000 binh lính tham gia trong 59 đội hình diễn binh khác nhau cùng với 160 máy bay đủ loại và 580 loại trang thiết bị quân sự. Ngoài ra, Bắc Kinh còn huy động hơn 100.000 quần chúng được chia làm 3 giai đoạn lịch sử: Lập nước; Mở cửa; Phục hưng với 70 đoàn xe hoa, 36 khối quần chúng và ba hoạt cảnh của ba giai đoạn lịch sử nói trên.
Nhưng đáng chú ý nhất là Bắc Kinh cho xuất hiện lần đầu tiên những vũ khí mới như xe tăng hạng nhẹ Type-15, máy bay trinh sát không người lái WZ-8, máy bay không người lái GJ-11, máy bay không người lái dưới nước (tàu ngầm), hỏa tiễn hành trình CJ-100, hỏa tiễn đạn đạo siêu thanh DF-17, hỏa tiễn đạn đạo phóng từ tàu ngầm JL-2, hỏa tiễn vượt đại dương DF-41, pháo đài bay ném bom chiến lược H-6N…
Những loại vũ khí mà Bắc Kinh cho phô trương trong lần diễn binh này có một dụng ý là muốn cho thế giới nói chung và Hoa Kỳ nói riêng phải thừa nhận sự tiến bộ vượt bực của Trung Quốc so với cách nay 40 năm, lúc Hồng quân Trung Cộng tấn công 6 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam vào đầu năm 1979 với những vũ khí thô sơ, lạc hậu. Hỏa tiễn hạt nhân liên lục địa (DF-41) và pháo đài bay ném bom chiến lược H-6N được coi là hai vũ khí lợi hại nhất của Trung Quốc không thua gì Hoa Kỳ, vì cả hai có thể đáp ứng cho những mục tiêu tấn công tầm xa, mang tính toàn cầu.
Những nội dung nói trên cho thấy có điều gì đó rất gượng ép trong cách phô diễn và không xứng tầm với cái gọi là giấc mộng Trung Hoa mà họ Tập vẽ ra cho 30 năm tới (2049), Trung Quốc qua mặt Hoa Kỳ trở thành siêu cường số 1. Chính cuộc thương chiến Mỹ-Trung trong hơn 1 năm qua là đòn bất ngờ khiến cho họ Tập choáng váng, chưa tìm ra đối sách để thoát ra khỏi những khó khăn chồng chất từ vụ khủng hoảng không lối thoát ở Hong Kong, chiến lược Made in China bị đình đọng cho đến nguồn vốn đầu tư đang chạy khỏi Trung Quốc, với ước tính khoảng 12 ngàn tỷ Mỹ Kim trong thời gian qua.
Hai học giả Mỹ Larry Diamond và Minxin Pei từng lưu ý rằng các chế độ độc tài thường có tuổi thọ khoảng 70 năm. Đế quốc đỏ Liên Xô sụp đổ non 70 năm (1922-1991), liệu Trung Quốc có vượt qua định mệnh này hay không? Giáo sư Minxin Pei cho rằng mọi đế quốc trước khi sụp đổ đều có ba triệu chứng khủng hoảng: thất bại trong đối ngoại, khủng hoảng kinh tế, và sự bất ổn xã hội bùng nổ. Trung Quốc hiện đang tồn tại cả ba triệu chứng nói trên và Hong Kong là ngòi nổ.
Tóm lại, Trung Quốc đã mừng thượng thọ 70 trong khung cảnh u ám và đầy bất trắc. Qua cuộc thương chiến Mỹ Trung, người ta thấy rõ hơn sức mạnh kinh tế của Trung Quốc vốn vẫn lệ thuộc vào sản xuất để xuất khẩu. Chế độ đặt cược vào tăng trưởng kinh tế để nâng đời sống vật chất của người dân. Nhưng khi kinh tế đình đọng, người dân Trung Quốc sẽ thấy ra rằng họ không có quyền gì khác ngoài quyền tiêu thụ, mà khi quyền này cũng không được đáp ứng thì đó chính là mấu chốt sẽ làm bùng nổ cuộc đại khủng khoảng trong lòng Hoa Lục trong những năm tháng trước mặt.
Lý Thái Hùng