Giới chức thành phố Sài Gòn lý giải hệ thống camera trên là nhằm theo dõi triều cường, tình trạng ngập úng, cướp giật… Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng mục đích chính của hệ thống trên là chống biểu tình và bắt chước theo mô hình giám sát công dân của Trung Quốc.
Lập luận trên phù hợp với sự mô tả của báo Thanh Niên: “Hệ thống camera còn phân tích hình ảnh, nhận diện và định danh khuôn mặt nhằm tìm kiếm đối tượng; nhận diện theo độ tuổi, giới tính, đếm khuôn mặt và tần suất xuất hiện; nhận diện hành vi và phát hiện đám đông tụ tập, đếm số lượng người, phát hiện hướng di chuyển của đám đông…”
Trước đó, hồi tháng Tư, 2019, dư luận từng dành nhiều sự chỉ trích đối với ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành Ủy, vì ông này cam kết với Bộ Chính Trị là không để xảy ra biểu tình ở Sài Gòn.
Theo thống kê, tính đến tháng Tám, 2018 Sài Gòn có hơn 37.000 camera giám sát, nhưng hiệu quả chống tội phạm là không rõ ràng. Tuy nhiên, nếu tiếp tục việc lắp đặt hàng loạt camera có chức năng tự động nhận diện khuôn mặt và hành vi, thì những hệ luỵ mà người dân có thể phải gánh chịu sẽ rất lớn.
Bởi trong trường hợp xuất hiện những bức xúc xã hội như vấn đề chủ quyền, môi trường, chính sách bất công,… hệ thống này sẽ là công cụ giúp chính quyền thực hiện đàn áp quyền tự do biểu đạt của người dân.
Một hệ lụy khác, đó là với những camera hiện đại, chính quyền có thể tính tới khả năng sẽ thu thập các hành vi cá nhân của người dân rồi thực hiện việc “xếp hạng công dân” giống như Trung Quốc đang làm. Đến lúc đó, người dân sẽ không còn bất cứ không gian riêng tư hay tự do nào nữa.