Nguyễn Hồng Phúc – (VNTB) – Nếu không có quyền tự do chính trị thì báo chí chỉ là nơi dành để phát ngôn dùm cho phe nhóm nào đó trong bộ máy công quyền.
***
Lược ghi ở một hội luận ‘bỏ túi’ của nhóm thân hữu trang Việt Nam Thời Báo, sáng 28/08/2019 tại Sài Gòn.
“Hồi còn là sinh viên lớp luật của thầy Triệu Quốc Mạnh, chúng tôi được dạy rằng tự do chính trị là sự không can thiệp vào chủ quyền của mỗi cá nhân bằng cách áp bức hay gây hấn cá nhân đó. Người dân của một xã hội tự do phải có đầy đủ quyền của mình trong cộng đồng và cuộc sống cá nhân của riêng họ. Trái ngược với xã hội có tự do chính trị là xã hội toàn trị, một xã hội hạn chế tối đa tự do chính trị nhằm áp đặt mọi hành vi của người dân”. Luật gia Lê Đức Du, nhớ lại.
Theo ông Lê Đức Du, báo chí sau năm 1975 ở miền Nam đã không còn được quyền tự do chính trị như trước đó, nên ông không mấy ngạc nhiên khi hổm rày trong vụ một học sinh tử vong ở trường Gateway, Hà Nội, báo chí dường như đang đăng tải tin tức nhằm mục đích không nhắm tới sự thật vốn có của nó.
Góp thêm vào câu chuyện, bà Nguyễn Lan Phương – tân cử nhân luật, hiện đang theo học khóa đào tạo luật sư ở Học viện Tư pháp, nhìn nhận chính trị không phải là sợ sệt từ những răn đe của ‘phản động’, của ‘tự diễn biến – tự chuyển hóa’, mà “khái niệm tự do chính trị có liên hệ chặt chẽ với các khái niệm về các quyền tự do công dân và quyền cá nhân. Hầu hết các xã hội dân chủ được quy định nhiều quyền tự do cụ thể được pháp luật của các quốc gia đó bảo vệ”.
Bà Nguyễn Lan Phương nói rằng không chỉ sinh viên trường luật, mà sinh viên các khối về xã hội khi tìm hiểu về quyền tự do chính trị, đều hiểu rằng về cơ bản ‘tập hợp con’ của quyền tự do chính trị gồm có: Tự do báo chí; Tự do di chuyển; Tự do giáo dục; Tự do tính dục; Tự do lập hội; Tự do nhập hội; Tự do ngôn luận; Tự do diễn đạt; Tự do lương tâm; Tự do tôn giáo; Tự do tư tưởng…
“Nói theo ngôn ngữ trường luật, thì Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị, tiếng Anh là International Covenant on Civil and Political Rights, viết tắt: ICCPR, là một công ước quốc tế do Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc và các quốc gia thành viên thông qua ngày 16 tháng 12 năm 1966, và có hiệu lực từ ngày 23 tháng 03 năm 1976, nêu tổng quan các quyền dân sự và chính trị cơ bản của con người.
Cụ thể, các bên tham gia ký kết sẽ phải tôn trọng các quyền dân sự và chính trị của từng cá nhân, bao gồm quyền sống, quyền tự do tôn giáo, tự do phát biểu, tự do hội họp, quyền bầu cử và quyền được xét xử bình đẳng và theo đúng trình tự pháp luật. Việt Nam gia nhập ICCPR từ tháng 9 năm 1982”. Bà Nguyễn Lan Phương diễn giải.
Tuy nhiên trên thực tế, Việt Nam vẫn chưa thực hiện đúng như những gì đã cam kết ở ICCPR.
“Lâu nay người ta ít chịu để ý tới quyền tự do chính trị của báo chí nhưng lại trách cứ báo chí viết một gam màu. Nhiều người quên mất rằng ngay dưới bảng tên của mỗi tờ báo luôn có dòng tự giới thiệu là ‘tiếng nói của Đoàn Thanh niên cộng sản’, hay của ‘Đảng bộ tỉnh/ thành’ gì đó.
Đã là tiếng nói của Đảng/ Đoàn thì đương nhiên phải nói theo quan điểm chính trị của Đảng/ Đoàn. Ngay cả báo của các hội, đoàn nghề nghiệp thì cũng nên nhớ những hội/ đoàn này có cơ quan chủ quản theo luật lại thuộc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Mà tổ chức mặt trận này lại trực thuộc Đảng…”. Nhà báo Thảo Vy, góp câu chuyện.
Nhà báo Thảo Vy dẫn phát biểu hôm 27/08 của chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, “ông Kình lợi dụng việc khiếu nại ở Đồng Tâm để trục lợi” [http://bit.ly/2Zqs3QY], cho thấy thói tráo trở của người cộng sản đồng thời cũng là tướng công an Nguyễn Đức Chung, có nguyên do từ quyền chính trị của ông này chịu sự bó hẹp trong phạm vi lợi ích của Đảng bộ thành phố Hà Nội.
Luật gia Lê Đức Du tạm kết câu chuyện về quyền tự do chính trị bằng phát biểu phiếm chỉ song coi ra rất dễ bị chụp mũ ‘tự diễn biến – tự chuyển hóa’: Chính trị là các cảm hứng về nhận thức khác nhau đối với đời sống. Đã là con người khác nhau thì chắc chắn sẽ có những cảm hứng nhận thức khác nhau và do đó sinh ra các khuynh hướng chính trị khác nhau.
Vì xem chính trị là thống soái, xem các quyền chính trị có vai trò to lớn nên nhà cầm quyền ở những quốc gia phi dân chủ không dám trao cho nhân dân quyền ấy. Họ quên mất rằng trong đời sống hàng ngày, các khuynh hướng, các bản năng chính trị, các tình cảm chính trị thể hiện rất tự do, nhưng do không được pháp chế hoá nên nó không trở thành các cảm hứng cá nhân, và chính vì thế không tạo ra các cảm hứng cộng đồng. Nếu không có sự đa dạng trong cảm hứng chính trị có tính chất cộng đồng thì không thể có xã hội dân chủ được.
“Tự do chính trị không có nghĩa là vô chính trị. Con người không bao giờ vô chính trị. Bởi chính trị là gì nếu không phải là cách con người tác động để bảo vệ cuộc sống? Tự do chính trị là hạt nhân cơ bản của tự do cá nhân vì tự do chính trị là con người không bị nô lệ bởi bất kỳ loại chính trị nào.
Và nếu được như vậy, chắc chắn sẽ không có cách hiểu như cô Bí thư Đoàn phường Thành Công của thành phố Buôn Ma Thuột mà bài viết trên Việt Nam Thời Báo đã luận bàn [http://www.vietnamthoibao.org/2019/08/vntb-ve-quan-iem-bao-ve-nen-tang-tu.html]”. Nhà báo Thảo Vy chia sẻ ý tứ của luật gia Lê Đức Du bằng một dẫn chứng.