Khi vào bệnh viện thăm sau khi ông vừa trải qua ca phẫu thuật thập tử nhất sinh vào tháng 11-2017, tôi thấy mình mẩy ông được gắn đầy thiết bị y tế, kể cả cổ họng. Không nói được, ông ra hiệu cô con gái lấy giấy viết. Ông cụ hơn 90 tuổi – giáo sư Lê Xuân Khoa – run rẩy viết nguệch ngoạc: “Tôi lo mất nước về tay Tàu rồi”!
“Mất nước” – như thế nào là “mất nước”? “Mất nước” thời thế kỷ 21 không giống như khái niệm “mất nước” giai đoạn bị đô hộ dưới ách thống trị quốc gia khác, khi kẻ đô hộ có thể cai trị trực tiếp hoặc áp đặt cai trị bằng một bộ máy bù nhìn. Sự lệ thuộc chính trị và kinh tế thời nay đã tạo ra những phiên bản đô hộ kiểu mới. Quốc gia bị đô hộ vẫn có “chủ quyền”, vẫn có bộ máy nhà nước riêng và đầy đủ “công cụ” để gìn giữ an ninh quốc gia, từ công an, tình báo đến quân đội. Tuy nhiên, thực dân mới không cần thò chân sâu vào trong và ngồi hẳn lên chiếc ghế chủ nhà. Chúng chỉ cần thọc tay điều khiển hoặc tạo ra những ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp lên sự vận hành guồng máy kinh tế và thậm chí chính trị. Chúng dùng mọi thủ đoạn có thể, để không chỉ khống chế kinh tế mà còn làm lệ thuộc kinh tế.
Phiên bản xâm chiếm quốc gia bằng quyền lực mềm vài năm gần đây đã được ám chỉ đến sự bành trướng Trung Quốc. Những than van “mất nước về tay Tàu” không chỉ được nghe ở một hoặc vài quốc gia. Các phóng sự nặng ký của New York Times về sự phủ bóng Trung Quốc ở Trung Á đã không chỉ một lần nêu lên cảm thán “mất nước” mà người dân các quốc gia này thốt lên. Ở châu Phi cũng văng vẳng than van “mất nước” trước sự xuất hiện dày đặc Trung Quốc. Ở Đông Nam Á, một trong những quốc gia đang cúi mình để “sang nhượng” không chỉ tài nguyên, đất đai mà cả quyền lực chính trị cho Trung Quốc, không thể không kể, là Campuchia. Với nhiều người Trung Á, châu Phi, hay Campuchia hoặc Lào, họ không nghĩ họ đang bị mất nước. Quốc gia họ vẫn còn đó, cờ tổ quốc vẫn phất phới bay, mỗi sáng trường học vẫn hát quốc ca. Chính phủ nước họ vẫn đi dự các phiên họp LHQ. Quân đội họ vẫn ôm súng “bảo vệ biên cương”… Tuy nhiên, với không ít người khác, họ tin là quốc gia mình đã “mất nước về tay Tàu rồi”.
Không như các nước Trung Á hay châu Phi, Việt Nam không chỉ lệ thuộc Trung Quốc về kinh tế. Việt Nam là quốc gia duy nhất thế giới đi theo cái bóng Trung Quốc, áp dụng mô hình chính trị gần tương tự Trung Quốc, sử dụng ngôn ngữ chính trị lẫn ngoại giao bằng “từ vựng Trung Quốc” (chẳng hạn khái niệm “diễn biến hòa bình”). Quân đội Trung Quốc và quân đội Việt Nam thậm chí vận quân phục gần tương tự. Chưa có quan hệ song phương nào trên thế giới hiện nay được miêu tả bằng những từ ngữ đẹp đẽ như trường hợp Trung Quốc-Việt Nam. Ngay cả khi Trung Quốc không ít lần dùng những cách nói vô luân như “dạy Việt Nam một bài học”, hay “Việt Nam là đứa con hoang”…, Việt Nam vẫn khẳng định “mối quan hệ tốt đẹp” với Trung Quốc.
Khó có thể nói Việt Nam thật bụng trong cách thể hiện với Trung Quốc, nhưng bất luận giả hay thật đằng sau hậu trường như thế nào, thì cũng thấy Việt Nam đang rất thật trong việc… rất giả dối với chính người dân về mối quan hệ với Trung Quốc. Điều gì khiến Việt Nam không trung thực với người dân? Việt Nam không ít lần “bất mãn” và “căm tức” nhưng cuối cùng vẫn ngậm bò hòn làm ngọt với Trung Quốc. Tại sao lại thế? Ai khai sinh ra cái chủ trương “Ba Không” trong quan hệ đối ngoại Việt Nam để ngày nay gần như bất kỳ người dân nào, dù ít am hiểu chính trị, cũng có thể thấy Trung Quốc đang lợi dụng triệt để chính sách “Ba Không” của Việt Nam và ngày càng dồn Việt Nam vào thế khó xử? Điều gì mới thật sự là nguy cơ đối với dân tộc Việt Nam: mất nước hay mất thể chế?
“Mất nước” – điều này có hay không? Người dân chưa bao giờ được giải đáp thỏa mãn từ chính cái bộ máy nhà nước đang ở vị trí thay mặt họ để bảo vệ chủ quyền. Người dân chưa bao giờ được giải thích tại sao có những “đặc khu Trung Quốc”, như Formosa (dù trên bề mặt thuộc tập đoàn Đài Loan), lại trở thành nơi không có người Việt nào “không phận sự” được phép vào. Người dân cũng không biết Việt Nam đã thỏa hiệp với Trung Quốc những gì sau mỗi lần xảy ra xung đột, từ vụ cắt cáp tàu Bình Minh, vụ giàn khoan HD-981 đến vụ bãi Tư Chính đang diễn ra. “Mất nước” rồi chưa? Không ai có thể trả lời xác đáng. Tuy nhiên, cờ quốc gia vẫn tung bay không có nghĩa là chủ quyền vẫn còn. Hãy nhìn sang Trung Á, nhìn qua Campuchia, và nhìn lại mình. Cho đến một ngày mà người dân có thể nhìn thấy được “bàn tay” thật sự kẻ nào đang cầm ngọn cờ dân tộc để vẫy thì lúc đó không chỉ là mất nước!
Mạnh Kim
– Trong bài có một chi tiết không chính xác: năm 2017, cụ Lê Xuân Khoa 89 tuổi chứ không phải hơn 90 tuổi như trong bài (cụ sinh năm 1928). Xin đính chính lại.