Phạm Nhật Bình – Web Việt Tân
Trong khi chủ quyền đất nước bị đe doạ qua sự kiện tàu thăm dò địa chất Trung Cộng HD 8 và nhiều tàu cảnh sát biển võ trang hộ tống ngang nhiên xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế chung quanh bãi Tư Chính, người dân chưa nghe lãnh đạo đảng và nhà nước hé môi. Còn báo Quân Đội Nhân Dân, “tiếng nói của lực lượng vũ trang” cũng im hơi lặng tiếng khi chủ quyền đất nước bị đe doạ. Thay vào đó, tờ báo không ngớt ồn ào chống diễn biến hoà bình, liên tục chĩa mũi dùi vào lực lượng đấu tranh dân chủ hiện nay.
Qua bài báo “Đừng phá lúa trên cánh đồng từng nhiều giông bão” tác giả Nhị Minh đã điểm qua những phiên toà đàn áp dân chủ trong thời gian gần đây, như vụ án Michael Phương Nguyễn mà cộng sản đã gán ghép vào những hành động tưởng tượng như “lập kế hoạch mua vũ khí” để kết tội âm mưu lật đổ chính quyền. Lập luận của báo Quân Đội Nhân Dân ca ngợi những phiên toà ấy như thành công nổi bật của đảng và nhà nước trong việc cương quyết bảo vệ độc quyền cai trị.
Tác giả bài báo cũng tỏ ra “hào hứng” khi nhắc lại toà án tỉnh Nghệ An năm 2018 đã tuyên án thật nặng nhà hoạt động Lê Đình Lượng 20 năm tù giam với nhiều tội danh gán ghép linh tinh không thể cấu thành tội. Điều này cho thấy lạm dụng luật pháp, chà đạp công lý là bộ mặt thật của chế độ toàn trị.
Cho tới giờ phút này đảng và nhà nước cộng sản vẫn còn âu lo với “Mùa Xuân Ả Rập” mà họ cho là đang rình rập đe doạ sự tồn vong của chế độ. Vì vậy họ gán cho những cuộc biểu tình của người dân hồi tháng Sáu, 2018 chống Dự Luật Đặc Khu và An Ninh Mạng là “cách mạng mùa hè” để biện minh cho việc kêu án hàng trăm người biểu tình yêu nước.
Nhị Minh còn cho rằng những năm trước đây có nhiều người dân đi biểu tình nói là chống Formosa, bảo vệ môi trường nhưng chưa hiểu cặn kẽ sự việc xảy ra. Khôi hài và trơ trẽn hơn nữa khi anh ta đề quyết rằng người dân đi biểu tình “vì chỉ nhìn thấy những bức ảnh cá chết hàng loạt là ảnh cá chết ở Mỹ từ năm 2011” được kẻ xấu “chế biến” thành ảnh cá chết ở ven biển miền Trung!… Nghệ thuật bịa đặt của báo Quân Đội Nhân Dân quả nhiên đã đạt tới đỉnh cao.
Lấy lý do “hàn gắn vết thương chiến tranh” tác giả bài báo của QĐND ví Việt Nam như một xứ sở “đã đi qua những chặng đường dài đầy khổ ải” và kêu gọi một cách thống thiết những kẻ gây rối, phá hoại hay tìm cách châm ngòi chiến tranh “đừng phá lúa chín trên cánh đồng từng nhiều giông bão.”
Cần phải nói chiến tranh đã chấm dứt hơn 4 thập niên qua, nếu thực sự lúa chín vàng trên cánh đồng đất nước thì giờ đây không vì lý do gì mà Việt Nam không cất cánh. Có thể nói với tiềm năng nhân lực cần cù, đất đai mầu mỡ đáng lý ra Việt Nam phải phát triển không thua gì Hàn Quốc, Singapore và nhất là dễ dàng qua mặt Thái Lan!
Kinh tế Việt Nam cũng thế, sau 1975 cả nước thừa hưởng nền tảng công, nông nghiệp của Miền Nam theo chiều hướng kinh tế thị trường. Nếu cứ tiếp tục với những gì sẵn có, kinh tế Việt Nam chắc chắn sẽ phát triển nhanh và Việt Nam đã có thể trở thành nước công nghiệp tiên tiến. Và nhất là không phải bỏ công sức hô hào “đổi mới”, sau khi đã ra tay phá bỏ nền móng kinh tế thị trường có sẵn. Hậu quả là ngày nay, mặc dù có nhiều sự giúp đỡ của các nước, kinh tế Việt Nam vẫn “không chịu phát triển” mà còn lao nhanh vào con đường tụt hậu. Do đó đành phải chấp nhận cảnh hàng triệu thanh niên nam nữ vừa tốt nghiệp trung học, thậm chí cả cử nhân phải đi bán sức lao động ở xứ người.
Thử hỏi đồng lúa vàng mà tác giả Nhị Minh nói đó ai làm chủ và ai đã phá nát nó, nếu không phải là chính Đảng Cộng Sản Việt Nam. Sau năm 1975, từ một nước sản xuất lúa gạo đủ ăn, vựa lúa Miền Nam đã không gánh nổi nhu cầu cả nước. Do chính sách hợp tác hoá nông nghiệp áp dụng theo mô hình Miền Bắc khiến nông dân bất mãn, đồng ruộng hoang hoá gây ra nạn đói kém, một tình trạng chưa bao giờ có ngay trong thời kỳ chiến tranh.
Chỉ cần nhìn qua con số thống kê của Bộ Kinh Tế chế độ cũ đưa ra, năm 1973 sản lượng lúa gạo thu được gần 5 triệu tấn trong khi năm 1974 là 7,1 triệu tấn. Như vậy không khó để xác định thủ phạm đã huỷ hoại những cánh đồng lúa chín vàng là ai.
Tiếp theo thời kỳ gọi là đổi mới, trên thực tế là lần mò quay lại con đường kinh tế thị trường, ruộng vườn, đất đai một lần nữa bị thu hẹp do nạn quy hoạch bừa bãi của chính quyền bất chấp quyền sở hữu của người dân. Trong khi những người cầm quyền cộng sản làm giàu nhờ cướp đất, bán đất thì nhân dân tiếp tục sống lầm than.
Muốn xoá bỏ bất công đồng thời chấm dứt sự phá hoại này, người dân khắp nơi đã đứng lên đấu tranh trong tinh thần ôn hoà bất bạo động. Sử dụng quyền biểu tình của công dân, mục đích của họ chỉ để bày tỏ chính kiến và sự phản kháng của mình trước tình cảnh suy sụp mọi mặt của đất nước.
Nhưng thay vì lắng nghe và đối thoại, chính Đảng Cộng Sản Việt Nam đã dựng chuyện, dùng “thế lực thù địch”, “âm mưu lật đổ” như con ngáo ộp để đe doạ, bắt bớ. Những phiên toà dàn dựng và vội vã được mở ra để gán ghép tội lỗi cho những nhà hoạt động bảo vệ môi trường, chống thuế phí bất công.
Thời gian vừa qua tòa án cộng sản đã kết án nhiều người từ 10 đến 20 năm, thế mà phiên xét xử chỉ diễn ra vài tiếng đồng hồ. Không cho tranh luận, không cho trình bày lý do vì sao phản kháng thì những bản án ấy khác gì tờ giấy ghi án một chiều bỏ túi sẵn. Cho nên cái gọi là “giông bão” mà tác giả Nhị Minh đề cập thực ra do chính sự ngu xuẩn và dốt nát của đảng CSVN tạo ra để tàn phá đất nước. Và đáng lý ra những cánh đồng lúa Việt Nam phải chín vàng mang lại sự no ấm thì lại không có ai cày cấy vì phải đi làm cu-ly xứ người.
Những bản án và những phiên toà mà tác giả Nhị Minh lấy làm dẫn chứng chỉ là sự dàn dựng do bàn tay phù thuỷ của Đảng CSVN để khống chế người dân. Nhưng thực tế trong 10 năm gần đây chính quyền cộng sản càng khống chế, càng đàn áp thì sức bật của người dân càng mạnh và cuộc đấu tranh đòi dân chủ càng gia tăng mà thôi.
Thiết tưởng tác giả Nhị Minh và tờ Quân Đội Nhân Dân nên tập trung nỗ lực bảo vệ độc lập và sự toàn vẹn bờ cõi, biển đảo mà Bắc Kinh đang đe dọa hiện nay, hơn là viết những bài vở xúc phạm đến lòng yêu nước của người dân Việt Nam trước hiểm họa phương Bắc.
Phạm Nhật Bình