Mỹ chỉ sẵn sàng ra tay một khi chính thể Việt Nam chịu từ bỏ phần lớn chủ trương đu dây chính trị và có thái độ phản ứng dứt khoát đối với sự gây hấn của Bắc Kinh.
Đầu tháng 8 năm 2019, Hội nghị các Bộ trưởng Asean lần thứ 52 tại Thái Lan đã kết thúc chỉ với một bản tuyên bố khá chung chung ‘quan ngại về tình hình Biển Đông với những sự việc nghiêm trọng’. Nhưng không biết có phải do sự hiện diện của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ở đó hay vì nguyên do nào khác mà tuyên bố này đã không nhắc đến cái tên Trung Quốc – thủ phạm chính thường xuyên gây ra những bất ổn ở Biển Đông và vụ khiêu khích gây hấn tại khu vực Bãi Tư Chính của Việt Nam từ đầu tháng 6 năm 2019 cho đến tận giờ đây.
Khó có thể cho rằng bản tuyên bố chung chung trên biểu lộ mối quan tâm ít ỏi của các nước ASEAN về Biển Đông và vụ Bãi Tư Chính, bởi nhiều quốc gia trong ASEAN như Malaysia, Indonesia, Philippines đều là nạn nhân bị tàu Trung Quốc xâm phạm lãnh hải từ nhiều năm qua. Hơn nữa, quốc gia đối trọng chủ yếu với Bắc Kinh là Hoa Kỳ đã có một tuyên bố gián tiếp ủng hộ Việt Nam về vụ Bãi Tư Chính.
Vậy vì sao ASEAN lại tỏ ra thờ ơ với tình hình ‘nghiêm trọng’ ở Biển Đông và vụ Bãi Tư Chính? Hay mọi sự vận động của ‘đảng em’ ở Việt Nam với cộng đồng các nước Đông Nam Á nhằm đối phó với ‘đảng anh’ Trung Quốc đã thất bại, hoặc nếu không phải thất bại thì cũng chẳng thể được xem là thành công?
Câu trả lời mang tính khả dĩ nhất cho dấu hỏi trên đang được phần lớn giới chuyên gia quan sát chính trị quốc tế khẳng định: sau Hoa Kỳ, đến lượt các nước trong khối ASEAN không muốn vội vã thể hiện thái độ và hành động ủng hộ Việt Nam, bởi họ muốn chờ xem Việt Nam có tự đi trên đôi chân của mình hay không để dám nhìn thẳng vào mặt Trung Quốc, và nếu cần thiết thì dám đối đầu với con sói đầy tham vọng bành trướng này, chứ không phải bằng lối ‘vừa đi vừa quỳ’ như từ trước tới nay,
Hãy nhớ lại, vào ngày 21/7/2019 Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ra tuyên bố lên án Trung Quốc bằng những lời lẽ đanh thép, cáo buộc nước này có “hành vi bắt nạt” và “làm suy yếu hòa bình và an ninh” khu vực giữa lúc tàu khảo sát địa chất của Trung Quốc tiếp tục hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở phía nam Biển Đông.
Sự lên tiếng này chỉ diễn ra sau khi Bộ Ngoại giao Việt Nam chịu mở miệng: “Trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam tại khu vực phía nam Biển Đông” vào ngày 20/7. Đó là lần đầu tiên chính thể Việt Nam dám nhắc đến cái tên Trung Quốc và chỉ trích trực tiếp hành vi của tàu Hải Dương-8, còn trong hai tuần trước đó đã tuyệt đối câm nín và bất lực đến cùng cực – tương tự trong rất nhiều lần xảy ra gây hấn của tàu Trung Quốc đối với tàu bè ngư dân Việt, đặc biệt trong vụ giàn khoan Hải Dương 981 vào năm 2014 và hai lần tàu Trung Quốc bao vây gây sức ép ở Bãi Tư Chính vào năm 2017 và 2018.
Thế nhưng ngoài việc ‘đánh võ miệng’ trong tuyên bố của mình, và kể cả hành động hiếm muộn ‘trao công hàm phản đối cho phía Trung Quốc’, cho tới nay chính thể Việt Nam vẫn chẳng có hành động kiên quyết nào, dù đã có Luật Cảnh sát biển và hoàn toàn có thể huy động tàu cảnh sát biển lẫn tàu hải quân ra khu vực gần đảo Trường Sa lớn để đẩy đuổi các tàu Trung Quốc. Trong tư thế lép vế mà rất có thể đã ăn sâu vào não trạng khiếp sợ Bắc Kinh, Bộ Chính trị đảng và Bộ Quốc phòng Việt Nam vẫn chỉ kiên nhẫn chiến thuật ‘vờn tàu’, dùng loa phóng thanh công suất lớn để ‘tuyên truyền, vận động và thuyết phục’, nhưng lại khiến cho dư luận trong nước và quốc tế hiểu là chính thể này đang và sẽ rất bị động, hay về thực chất là chẳng biết làm gì, nếu phía Bắc Kinh không muốn rút ngay tàu Hải Dương-8 ra khỏi Bãi Tư Chính mà cứ để nguyên tàu thăm dò địa chất này ở đó như một cách khiêu khích và nắn gân phía Việt Nam, tương tự cái cách mà Hải Dương 981 đã ngự trị ở Biển Đông suốt hai tháng trời và chỉ chịu rút đi sau khi phía Việt Nam đã phải muối mặt nhịn nhục và thỏa mãn một số điều kiện về kinh tế và ngoại giao.
Biểu hiện cầm chừng của Hoa Kỳ và khối ASEAN trong vụ Bãi Tư Chính cho thấy Mỹ chỉ sẵn sàng ra tay một khi chính thể Việt Nam chịu từ bỏ phần lớn chủ trương đu dây chính trị và có thái độ phản ứng dứt khoát đối với sự gây hấn của Bắc Kinh. Còn nếu chính thể Việt Nam vẫn tiếp tục ngả ngớn đu lắc, một cái chết cô độc chắc chắn sẽ đón chờ nó ở phía trước./.