Đỉnh điểm sự tàn ác (tiếp theo và hết)

- Quảng Cáo -

nguyenvubinh’s blog|

 Những câu hỏi đặt ra?

Ngay khi sự việc xảy ra, thông tin về vụ hành hung, khủng bố của công an và côn đồ ở trại 6 đã được cập nhật trên mạng xã hội dưới nhiều góc độ và khía cạnh. Đã có ngay một số video clip hình ảnh về vụ khủng bố lan truyền trên mạng. Sự phẫn nộ của dư luận lên tới đỉnh điểm. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến thắc mắc xung quanh vụ việc. Phần nhiều những ý kiến này là của những người quan sát, chưa có thực tế đấu tranh và va chạm với công an, hoặc công an mặc thượng phục giả dạng côn đồ. Tuy nhiên, có nhiều vấn đề, nếu chưa qua trải nghiệm, mà không được giải thích cặn kẽ, nhiều người vẫn không thể hình dung ra. Vậy nên cũng cần nêu ra các câu hỏi và giải đáp thỏa đáng.

Các câu hỏi được nêu ra có nhiều, xong có thể tập hợp thành một số câu hỏi quan trọng sau:

- Quảng Cáo -

–  “Tại sao chúng nó đàn áp khủng bố mà chúng ta không chống trả?”
– “Tại sao nhiều lần gia đình TNLT bị đánh đập đàn áp ngay cả lúc đi đón thân nhân như vụ của gia đình chị Cấn Thị Thêu mà mọi người không tính đến tình huống này để có biện pháp giảm thiểu hậu quả ?”
– “Tại sao không có sự kết hợp rộng khắp với các giáo xứ Công giáo quanh khu vực lân cận nhà tù để có thể yểm trợ giúp đỡ đoàn và có lực lượng cân bằng hoặc nhiều hơn lũ khủng bố?”

Về câu hỏi đầu tiên, “Tại sao chúng nó đàn áp khủng bố mà chúng ta không chống trả?”, cá nhân người viết bài này sau một vài lần thấy nhóm người đấu tranh bị đánh, bị hành hung cũng cảm thấy thắc mắc. Tuy nhiên, chỉ sau thời gian ngắn, khi tôi tham gia vào chuyến viếng thăm Tù nhân Lương tâm Trần Anh Kim ở Thái Bình khi ông mãn hạn tù lần đầu (đầu năm 2016) đã có câu trả lời từ thực tế. Ngay tại chỗ của vụ khủng bố, chúng ta không thể chống trả. Bởi vì số lượng công an, côn đồ quá đông, áp đảo so với người hoạt động (thông thường là đông gấp đôi, lại toàn thanh niên lực lưỡng trong khi những người hoạt động có nhiều người già, phụ nữ). Cách thức đánh người cũng rất khó để người bị đánh chống trả. Đó là, chúng tách riêng người chúng nhắm đánh, quây vào 4-5 tên trực tiếp đánh, ngoài ra vòng ngoài chúng có 5-7 tên sẵn sàng đánh hoặc hất người vào can. Cá nhân tôi hôm đó vào can ngăn bảo vệ đồng đội đã bị ba tên chắn ngang và hất ra. Còn tại sao lại để chúng tách người ra đánh, thì việc đánh người của công an đã được tính toán và chuẩn bị. Mặt khác, những người hoạt động là những người bị động, hơn nữa không phải khi gặp mặt là chúng đã đánh ngay, còn chọc ghẹo, đôi co, chửi bới nhau trước. Đó còn chưa tính tới trường hợp công an bẫy người đấu tranh, nếu họ chống cự sẽ bắt giam và quy vào tội chống người thi hành công vụ, điều đã từng xảy ra với chính nhà giáo, cựu Tù nhân Lương tâm Vũ Hùng gần đây. Toàn bộ quá trình này khiến cho người hoạt động không thể biết chúng có đánh ngay hay không, và chúng nhằm vào ai? Tóm lại, với lực lượng áp đảo, và hành động có chuẩn bị, có tính toán từ trước của công an, chúng ta, những người đấu tranh lực lượng ít hơn hẳn, bị động và hầu như không chuẩn bị, không thể đánh trả lại được trong những thời điểm đó.

Câu hỏi thứ hai, “Tại sao nhiều lần gia đình TNLT bị đánh đập đàn áp ngay cả lúc đi đón thân nhân như vụ của gia đình chị Cấn Thị Thêu mà mọi người không tính đến tình huống này để có biện pháp giảm thiểu hậu quả ?”. Trả lời câu hỏi này, tuy không tham gia vào đoàn người bị khủng bố hôm đó, nhưng tôi cũng xin được trả lời thay, bởi tôi cũng đã tham gia nhiều đoàn nên biết được cách thức tổ chức và sự hạn chế chung (khách quan) về mọi mặt của những người đấu tranh. Chúng ta không (và chưa) có tổ chức, và chúng ta thậm chí cũng không có kinh phí cho những cuộc viếng thăm này (lúc có lúc không, có cũng rất hạn chế). Tất cả đều ở tấm lòng của những người tổ chức chuyến đi. Vì không có tổ chức, nên việc liên lạc, mời (rủ) người tham gia đi cũng rất khó khăn trong việc bảo mật và sự tham gia. Người tham gia, có người có kinh nghiệm, có người đi lần đầu trong khi không ai biết chắc chắn sẽ có khủng bố xảy ra. Chính vì vậy, những người tổ chức và người tham gia, mặc dù đã cố gắng giữ bí mật chuyến đi, nhưng nếu đông người quá cũng không chắc giữ được sự bảo mật. Vậy nên, họ chỉ cố làm hết khả năng trong việc giữ bảo mật và với phương châm tùy cơ ứng biến. Nếu như chúng ta có tổ chức, có nguồn lực (tiền) thì chúng ta sẽ phân công phân nhiệm đàng hoàng, có các bộ phận để lo từng vấn đề, khía cạnh. Có tổ chức chúng ta cũng sẽ lo được vấn đề tăng cường lực lượng khi cần…  Việc không có tổ chức và nguồn lực hạn chế bó chân bó tay tất cả những người tổ chức các chuyến đi. Chúng ta chỉ có thể tính toán để xử lý các tình huống cụ thể, với một sự cảnh giác không đồng đều giữa những người tham gia chuyến đi vì có người có kinh nghiệm, có người không có kinh nghiệm mới tham gia lần đầu…

Về câu hỏi thứ ba, cuối cùng “Tại sao không có sự kết hợp rộng khắp với các giáo xứ Công giáo quanh khu vực lân cận nhà tù để có thể yểm trợ giúp đỡ đoàn và có lực lượng cân bằng hoặc nhiều hơn lũ khủng bố?”. Việc tham gia vào các đoàn đồng hành cùng gia đình Tù nhân Lương tâm là việc làm có nhiều ý nghĩa. Ngoài thân nhân các Tù nhân Lương tâm phải là những người là cựu Tù nhân Lương tâm, những người hoạt động hoặc chí ít cũng là những người ủng hộ hoạt động phản biện, đấu tranh dân chủ. Việc này thể hiện tinh thần liên đới giữa những người hoạt động trong phong trào dân chủ. Và đây không phải là việc đơn giản, có nghĩa là tham gia đồng hành cũng cần có quyết tâm và sự can đảm nhất định. Chính vì vậy mà việc mời gọi cũng không hề đơn giản. Nếu không phải là những người (thành phần) nêu trên, việc liên lạc để mời gọi tham gia vào những công việc này không thể thực hiện được một mặt vì sự bảo mật, mặt khác nhiều người không sẵn sàng tham gia. Các giáo xứ Công giáo xung quanh nhà tù không phải giáo xứ nào cũng như Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà, hoặc giáo xứ Song Ngọc, Kẻ Đọng… Trong phạm vi nhất định, đoàn đồng hành cũng đã liên hệ với những người hoạt động ở Nghệ An, và họ cũng đã tham gia (2 xe ô tô con) vào chuyến đi. Nếu đặt thêm câu hỏi, có thể nhờ huy động người trong những giáo xứ có mối liên hệ với phong trào dân chủ ở Nghệ An, như giáo xứ của các linh mục Nguyễn Đình Thục, Đặng Hữu Nam hay không? Câu trả lời về lý thuyết là có, nhưng trong thực tế rất phức tạp. Bởi vì, khi huy động như vậy, ngoài tinh thần tương trợ của các vị chủ chăn và giáo dân, còn cần kinh phí cho đoàn người, phương tiện và cũng phải tính tới việc, nếu như công an, côn đồ không thực hiện việc đánh người theo kế hoạch, họ sẽ tính tới việc đập phá phương tiện, trả thù giáo xứ sau đó. Tóm lại, đó là những việc vượt quá khả năng của những người tổ chức chuyến đi trong điều kiện chưa có tổ chức và kinh phí hạn hẹp như hiện nay.

Chúng ta cũng cần hiểu thêm rằng, bên phía nhà cầm quyền, họ có những người ăn lương để chủ trương thực hiện việc này, đó là những an ninh cấp cao, những công an cấp tỉnh, huyện, trại giam và cơ sở. Họ có đầy đủ lực lượng, phương tiện và cả pháp lý khi cần để bảo vệ người của họ, và họ có cả sự chủ động trong việc đàn áp, khủng bố. Trong khi bên phía những người hoạt động, ngoài tấm lòng chia sẻ, thể hiện tinh thần liên đới giữa những người hoạt động, họ không có tổ chức, và kinh phí cũng không phải muốn thực hiện việc gì cũng được. Hơn nữa, họ hoàn toàn bị động trong các tình huống. So sánh tương quan lực lượng để thấy được đây là vấn đề rất khó khăn.

Tuy nhiên, vẫn còn một câu hỏi có thể đặt ra, với tương quan chênh lệch như vậy, có thể có những cách thức nào để giảm thiểu những tổn thất có thể xảy ra trong những hoàn cảnh tương tự. Tôi nghĩ là có, những cũng rất khó thực hiện. Đó là việc nhanh nhạy trong dự đoán và xử lý tình huống, đồng thời cần quán triệt tinh thần đối với các thành viên của các chuyến đi. Có thể có vài vấn đề cần tham khảo.

Thứ nhất, nếu như quan sát thấy, phía công an, côn đồ có số lượng đông đảo vượt trội, gấp đôi hoặc gấp ba đoàn người, cần nghĩ ngay tới tình huống họ sẽ thực hiện việc đánh đập, khủng bố. Bởi vì nếu không có mục đích đánh đập, họ sẽ không huy động lực lượng lớn như vậy. Có thể lúc đầu phía nhà cầm quyền chưa huy động ngay toàn bộ lực lượng, nhưng theo thời gian, họ sẽ đưa người tới với mức độ áp đảo phía bên những người hoạt động. Khi thấy số lượng công an côn đồ tăng lên, cũng cần xác định họ sẽ thực hiện việc đánh đập, khủng bố. Khi đã xác định được mục đích của nhà cầm quyền, cần nhanh chóng rút lui. Điều này phải được bàn bạc trước, và chỉ cần một người có trách nhiệm ra hiệu kín đáo, mọi người nhanh chóng để rút lui.

Thứ hai, trong trường hợp không xác định được mục đích của đối phương, hoặc xác định được nhưng khi rút lui không kịp, đoàn người cần nhanh chóng tập trung thành một khối để bảo vệ lẫn nhau. Tuyệt đối không để công an tách người, cô lập người và thực hiện việc đánh đập. Khi một người bị đánh đập, cần tất cả mọi người lao vào can ngăn (can ngăn chứ không đánh lại) và ngay sau đó lập thành một khối không rời nhau. Sau khi hợp thành một khối, có thể gọi người ứng cứu, và có thể tiến hành livestream để đánh động dư luận và tự bảo vệ đoàn.

Trên đây là cách xử lý tình huống để giảm thiểu tổn thất, hi vọng có thể thực hiện được trong những hoàn cảnh tương tự. Và dù không thực hiện được, dù chúng ta có bị đánh đập, chúng ta cũng đã thắng tà quyền cộng sản về chính nghĩa, về sự chia sẻ, tương thân tương ái giữa những người đấu tranh, cũng như tố cáo tội ác của nhà cầm quyền./.

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here