Vụ Trung Quốc điều tàu HD-8, được hộ tống bởi hai tàu hải cảnh, bất thần xâm nhập khu vực bãi Tư Chính ở vùng biển đông nam Việt Nam vào tháng 7 năm 2019 để ‘thăm dò dầu khí’ đã chỉ được báo nước ngoài đưa tin, trong lúc giới tuyên giáo và báo chí nhà nước Việt Nam vẫn duy trì thói câm nín như đã từng câm lặng trong rất nhiều lần xảy ra khiêu khích từ Bắc Kinh trên Biển Đông.
Từ năm 2014 Trung Quốc đã sử dụng chiến thuật cho giàn khoan và tàu ‘thăm dò dầu khí’ vào biển Đông để khủng bố tâm lý rệu rã của chính thể bị cộng đồng lên án là ‘hèn với giặc, ác với dân’.
Tháng 5 năm 2014, giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đã lần đầu tiên tấn công vào Biển Đông, chen lấn vào vùng hải phận của Việt Nam và như một cú tát tai nổ đom đóm vào mặt Bộ Chính trị ở Hà Nội, nhất là với những quan chức Việt vẫn còn mộng mị ngủ ngày mà đã biến thành cơn mê sảng bi kịch trong thói đu dây quốc tế giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Vào thời điểm đó, đã xuất hiện những kế hoạch khai thác dầu khí ở giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với những đối tác nước ngoài là Repsol tại mỏ Cá Rồng Đỏ ở vùng biển Đông Nam, với Tập đoàn dầu khí Rosneft của Nga tại mỏ Lan Đỏ, cũng như bắt đầu có kế hoạch thăm dò khai thác với tập đoàn dầu khí khổng lồ ExxonMobil của Mỹ tại mỏ Cá Voi Xanh ở vùng biển Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Biến cố Hải Dương 981 đã kéo dài suốt vài tháng và gây ra một cơn chấn động lớn trong nội bộ đảng CSVN. Nhưng trong lúc toàn bộ đảng này không hề dám có một phản ứng ra mặt nào mà chỉ im thin thít, còn quốc hội cũng không phát ra nổi một nghị quyết về Biển Đông mà chỉ nói như vẹt về từ ngữ ‘tàu lạ’, hàng chục ngàn người dân Việt Nam đã rùng rùng phẫn nộ xuống đường biểu tình để phản kháng cú khiêu khích của Trung Quốc thông qua Hải Dương 981. Khi đó, một lần nữa châm ngôn ‘hèn với giặc, ác với dân’ đã ứng nghiệm: làn sóng biểu tình này đã bị chính quyền và công an Việt Nam đàn áp thô bạo và dã man.
Vào cuối tháng 7/2017, đã xảy thêm một vụ “nhục quốc thể” nữa, khi chính quyền Việt Nam phải “giương cờ trắng” và yêu cầu ngừng hoạt động thăm dò khí đốt của Repsol ngay tại Bãi Tư Chính mà luôn được Bộ Ngoại giao Việt Nam chiến đấu võ miệng “thuộc vùng chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam”. Dù chưa bao giờ giới tuyên giáo hay Bộ Ngoại giao Việt Nam dám nói toạc về cái nguồn cơn sâu xa của vụ “nhục quốc thể” ấy, nhưng vụ “giương cờ trắng” này lại trùng hợp với tin tức quốc tế cho biết sau khi Bắc Kinh đe dọa sẽ tấn công một số căn cứ quân sự của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa nếu Việt Nam cho phép Repsol tiếp tục khoan thăm dò dầu khí.
Vào thời gian trên, cho dù có muốn loan tải những thông tin trên kèm theo thái độ phẫn nộ, một số tờ báo nhà nước cũng bị Ban Tuyên giáo trung ương – cơ quan nổi tiếng với biệt danh “vòng kim cô” – cấm cản. Chính thể độc đảng ở Việt Nam đã giấu biệt thông tin được coi là quá sức nhạy cảm này và như co rúm trong nỗi sợ hãi của lịch sử “ngàn năm Bắc thuộc” lẫn và hiện tại “mười sáu chữ vàng”.
Sau vụ “giương cờ trắng” lần đầu ở Bãi Tư Chính vào tháng Bảy năm 2017, trong cơn quẫn bách mất ngủ lẫn mất ăn, Hà Nội đã một lần nữa phải “cầu viện” Hoa Kỳ, mà cụ thể là kêu gọi một sự hỗ trợ từ hải quân Hoa Kỳ. Tướng Ngô Xuân Lịch – Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam – được giao nhiệm vụ sang Washington để thuyết phục Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis hỗ trợ hải quân.
Thế nhưng những gì mà hải quân Mỹ đã tiếp cận Biển Đông vẫn không khiến cho giới chóp bu Việt Nam hết run sợ trước Trung Nam Hải. Giờ đây, kịch bản thất bại đến mất ngủ ở Bãi Tư Chính đang lặp lại, khiến giới chóp bu Việt Nam mất ăn dầu khí ngay trên vùng lãnh hải của mình và càng bế tắc trong cơn ác mộng những khoản nợ nước ngoài đang ập đến như sóng thần Biển Đông.
Trong khi đó, những thước phim lịch sử “ngư dân bám biển, hải quân bám bờ” vẫn được nhăn nhở chiếu lại. Từ nhiều năm qua, đã không có bất cứ trường hợp ngư dân Việt nào bị tàu Trung Quốc bắn giết được Bộ Quốc phòng Việt Nam công bố kết quả điều tra, bất chấp cơ quan bộ này hàng năm chi xài đến 5 tỷ USD tiền do dân phải è cổ đóng thuế./.