Nguyễn Hiền – (VNTB) – Trung Quốc đang chơi trò gì tại Biển Đông? Phải chăng những bất ổn trong nước và khó khăn trong giao thương Mỹ – Trung khiến Tập Cận Bình “xuất khẩu bất ổn” ra ngoài, và Biển Đông là một lựa chọn?
***
Trong khi dư luận Việt Nam vẫn xôn xao với lon coca và lu nước chống ngập, thì ngoài Biển Đông, những giằng co giữa lực lượng kiểm ngư Việt Nam với lực lượng biển Trung Quốc tại Bãi Tư Chính vẫn đang tiếp tục.
Trung Quốc đang chơi trò gì tại Biển Đông? Phải chăng những bất ổn trong nước và khó khăn trong giao thương Mỹ – Trung khiến Tập Cận Bình “xuất khẩu bất ổn” ra ngoài, và Biển Đông là một lựa chọn?
Panos Mourdoukoutas trong một bài viết trên Forbes đã nhấn mạnh, Bắc Kinh không nên đối xử với Việt Nam như Philippines. Tác giả này lý giải, bởi điều đó sẽ không thành công và sẽ không giúp cho sự hội nhập kinh tế của khu vực.
Việt Nam không muốn điều đó, và đó là lý do vì sao mà Hà Nội đã “triển khai lực lượng của mình để đối đầu với các tàu Trung Quốc, tại các vùng lãnh thổ đang tranh chấp.”
Bắc Kinh đang áp dụng trò chơi đảo chiều đối với Việt Nam, tương tự như làm với Philippines. Theo đó, Bắc Kinh đã từng biến Philippines từ một kẻ thù thành một người bạn, và thúc đẩy kế hoạch biến Biển Đông thành biển của chính mình. Đó là lý do vì sao vào tháng 4. 2018, Duterte đã đảo ngược quyết định trước đó của mình về việc giương cờ Philippines tại các đảo tranh chấp, thậm chí là hoãn thi hành phán quyết trọng tài quốc tế về Biển Đông (vốn có lợi cho nước này) theo lời khuyên thân thiện của Bắc Kinh.
Sự yếu đuối của Duterte thể hiện ngày càng rõ, khi nội các của ông đã gọi vụ Trung Quốc đâm “chìm tàu ngư dân” chỉ là sự “va chạm”.
Và sự thật là, ông Duterte nói rằng ông không thể ngăn tàu Trung Quốc đánh bắt cá ở vùng biển Philippines. Văn phòng của ông tiết lộ ông đã ký một thỏa thuận bằng lời nói vào năm 2016 với Chủ tịch Tập Cận Bình để cho phép các tàu Trung Quốc đánh cá, bao gồm cả ở Bãi Cỏ Rong – Reed Bank, để đổi lấy việc Philippines tiếp cận các khu vực tranh chấp khác dưới sự kiểm soát của Trung Quốc.
Gần đây, Bắc Kinh đã bắt đầu thử chiến lược tương tự với Việt Nam. Tuần này, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tiếp Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân, “kêu gọi hai nước để thúc đẩy tình hữu nghị và tăng cường hợp tác để nâng quan hệ song phương lên tầm cao mới”, theo Hoàn Cầu Thời Báo.
Tuy nhiên, “hợp tác” theo hướng hội nghị này không hẳn là khiến cho tình hình êm dịu. Bởi, tranh chấp hàng hải lần này vẫn diễn ra, bất chấp cam kết hồi tháng 5, của Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc và Việt Nam nhằm giải quyết tranh chấp hàng hải bằng đàm phán.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm thứ Sáu vẫn tiếp tục khẳng định yêu sách của Trung Quốc đối với khu vực.
“Vị trí của Trung Quốc trong Biển Đông là rất rõ ràng. Chúng tôi kiên quyết giữ vững lợi ích và quyền chủ quyền của mình ở đó”.
Giáo sư Baladas Ghoshal, chuyên gia hàng đầu của Ấn Độ về Đông Nam Á trong một bài luận đăng trên ET vào ngày 13.7, đã lý giải các hành động khiêu khích của Trung Quốc. Theo đó, căng thẳng tiếp tục gia tăng ở Biển Đông, bất chấp kỷ niệm 3 năm phán quyết của PCA về Biển Đông xuất phát từ lòng tham vô độ của Bắc Kinh đối với đất đai và lãnh thổ, tham vọng muốn cạnh tranh sự thống trị khu vực với Mỹ.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền không tranh cãi đối với đảo Thị Tứ, và thể hiện sức mạnh của mình bằng cách triển khai ít nhất bốn máy bay chiến đấu J-10 tới. Đây là lần đầu tiên máy bay chiến đấu hiện diện ở đây kể từ năm 2017.
Việc triển khai cũng là một tuyên bố rằng Trung Quốc có thể mở rộng sức mạnh không quân của họ trên biển Đông và những vùng vận chuyển quan trọng, như J-10 (máy bay phản lực có tầm bắn chiến đấu lên đến 500 dặm), theo nhu cầu của Bắc Kinh.
Bắc Kinh cũng xây dựng các cơ sở trên đào, triển khai tên lửa đất đối không, xây dựng 20 nhà chứa máy bay tại sân bay, nâng cấp hai bến cảng và thực hiện cải tạo đất đai. Tình hình càng trở nên trầm trọng hơn khi Bắc Kinh thử nghiệm tên lửa chống hạm. Lầu Năm Góc đã lên án hành động mới nhất của Trung Quốc là tiếp tục quân sự hóa ở vùng biển tranh chấp. Lầu Năm Góc, theo một tuyên bố chính thức, đã ghi nhận nhiều vụ phóng tên lửa của Trung Quốc từ các công trình nhân tạo ở Biển Đông gần quần đảo Trường Sa, và mô tả vụ phóng tên lửa này thực sự đáng lo ngại vì nó mâu thuẫn với Tuyên bố của Chủ tịch Tập Cận Bình trong Vườn hồng 2015. Khi đó, ông Tập đã cam kết với Mỹ, các quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và thế giới rằng ông sẽ không quân sự hóa các tiền đồn nhân tạo đó.
Tên lửa DF-21D, sát thủ hàng không mẫu hạm, có tầm bắn 1.500 km cũng hiện diện trên khu vực Biển Đông.
Những tranh chấp và lấn lướt bất chấp các quan điểm và thỏa thuận trước đó của Bắc Kinh đã chỉ ra điểm yếu của ASEAN.
Trong cuộc chiến chéo giữa Mỹ – Trung, ASEAN rơi vào tình trạng bất lực vì thiếu sự thống nhất trong vấn đề Biển Đông. ASEAN chắc chắn lo ngại về tình hình xấu đi ở Biển Đông, điều này được thể hiện trong tuyên bố của Chủ tịch ASEAN trong một hội nghị gần đây.
“Chúng tôi đã thảo luận về các vấn đề liên quan đến Biển Đông và bày tỏ một số lo ngại về việc cải tạo đất và các hoạt động trong khu vực, đã làm xói mòn niềm tin, làm gia tăng căng thẳng và có thể phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực. Chúng tôi tái khẳng định sự cần thiết phải tăng cường niềm tin lẫn nhau”.
Có vẻ, Trung Quốc đã thành công trong cách tiếp cận của mình, “hoãn tranh chấp và cùng phát triển tài nguyên”.
Vậy giải pháp duy nhất đặt ra đối với vấn đề Biển Đông là gì?
Đó là thông qua Bộ quy tắc ứng xử (CoC) có tính chất ràng buộc về mặt pháp lý. Điều này hiện đang được đàm phán giữa Trung Quốc và ASEAN. Nhưng có những nghi ngờ về ý định của Trung Quốc bởi Bắc Kinh được cho là không ưa thích một CoC ràng buộc về mặt pháp lý. Nhưng một CoC không ràng buộc như vậy sẽ là vô nghĩa. Thứ hai, Trung Quốc cũng đã cho thấy xu hướng đàm phán với các quốc gia yêu sách khác trên cơ sở một đối một. Và cách thức này khiến Bắc Kinh cảm thấy có thể áp đảo ý chí đối với quốc gai đối diện, bởi sức nặng ngoại giao và kinh tế đối với các quốc gia nhỏ hơn. Đây là lý do tại sao CoC phải được ASEAN đàm phán chung với Trung Quốc và không thành viên ASEAN nào nên có thỏa thuận riêng với Bắc Kinh. Tuy nhiên, ngay cả khi Trung Quốc đồng ý với một CoC ràng buộc, ai sẽ thực hiện nó?
Trong khi đó, Việt Nam cũng đang đau đầu, khi Bắc Kinh gây hấn trước thềm Đại hội Đảng tiếp theo. Những lo lắng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về việc xử lý không tốt với vấn đề Biển Đông có thể ảnh hưởng đến tổ chức Đại hội của mấy năm về trước đang quay trở lại.