Chuyện cái lu và Biển Đông

Báo chí ồn ào chuyện Đại biểu HĐND TP. HCM đề xuất dùng lu chống ngập nhưng hoàn toàn im lặng trước sự kiện tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc thăm dò địa chấn vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ hôm 3/7.
- Quảng Cáo -

Diễm Quỳnh – Web Việt Tân

Chuyện lu chống ngập

Trong phiên họp kỳ thứ 15 của HĐND thành Hồ khóa IX tổ chức vào ngày 12 tháng Bảy vừa qua, bà PGS. TS. Phan Thị Hồng Xuân, Chủ Tịch Hội Hữu Nghị Việt Nam – Đông Nam Á, Phó Chủ Tịch kiêm Tổng Thư Ký Hội Dân tộc học – Nhân học TP. HCM đưa ra đề xuất “dùng lu chống ngập”, khiến hội trường xôn xao.

Bà Xuân cho rằng ở góc độ khoa học xã hội và nhân văn, có thể tìm ra giải pháp chống ngập đơn giản, thay vì chờ các giải pháp chống ngập hiện nay. Bà Xuân lấy dẫn chứng rằng người nông dân thường trang bị các lu nước rất to để mỗi lần mưa xuống là hứng nước mưa. Một phần nào nước mưa được chứa lại trong lu sẽ hạn chế nước ra ngoài đường. Vì thế, bà Xuân đề xuất: “nên trang bị cho mỗi nhà một lu nước để chống ngập cho thành phố khi các công trình lớn chưa hoàn thành. Đây cũng là một giải pháp chống ngập bên cạnh các công trình chống ngập khác; là ứng dụng từ giá trị văn hóa bản địa.”

- Quảng Cáo -

Về lợi ích của đề xuất này:

Trên trang Wiki, dân số ở Sài Gòn hiện là 8,637 triệu người trên diện tích đất là 2.061 km². Trong đó có 7,087 triệu người sống trong 19 quận nội thành với diện tích tổng cộng là 494,70833 km².

Nếu trang bị cho mỗi hộ nội thành một cái lu, bình quân dân số một hộ là bốn người như vậy chúng ta cần 1,772 triệu cái lu. Còn nếu trang bị mỗi người một cái sẽ là 7,087 triệu cái lu. Như vậy, mỗi người trang bị một cái lu 1 m³ thì tổng số nước có thể chứa là 7,087 triệu m³ còn mỗi nhà một cái lu sẽ chứa được 1,772 triệu m³.

Lượng mưa trung bình thành phố hàng năm khoảng 2.000 mm/năm, trong khoảng 155 ngày có mưa. Ngày có mưa nhiều khoảng 200 mm. Tạm tính là những ngày có thể gây ngập lụt là lượng mưa khoảng 100 mm/ngày. Suy ra tổng lượng nước mưa vào quận nội thành ngày mưa 100 mm sẽ là 41,8 triệu m³ nước.

– Nếu mỗi nhà một cái lu 1 m³, thì lượng nước chứa 1,772 triệu m³ = 4,24 % lượng nước mưa.

– Nếu mỗi người có một cái lu thì tổng lượng nước mưa chứa được khoảng 7,087 triệu m³ tức chứa được 17% lượng nước mưa.

Về chi phí của đề xuất này:

Thứ nhất, chi phí mua lu giá thị trường có thể thay đổi tùy thời điểm và chất liệu, nhưng tính chung là một triệu đồng, thì khi trang bị mỗi người môt cái lu chi phí sẽ là 7.087 tỷ đồng, tức hơn 7 ngàn tỷ đồng. Còn trang bị mỗi hộ một cái lu thì chi phí sẽ là 1.772 tỷ đồng, gần 2 ngàn tỷ. Một con số khá lớn vào thời điểm hiện tại.

Thứ hai, diện tích và vị trí đặt lu. Ngoài việc trang bị lu, việc đặt lu sẽ trở thành một vấn đề lớn vì các gia đình nội thành có nhà rất chật chội nên đặt trong nhà là không khả thi. Nếu đặt tại các vỉa hè sẽ bị chiếm dụng lề đường vì vậy cần quy hoạch khu vực đặt lu chung và với diện tích đáy lu chiếm là 1 m² thì diện tích đất cần đặt lu sẽ là 7,087 triệu m² tức hơn 700 ha. Nếu mỗi hộ một cái lu thì cần 178 ha đất. Giả sử giá tiền đất là 10 triệu đồng/m² thì chi phí đất đặt lu là khoảng 70,87 nghìn tỉ đồng, hoặc 17,72 nghìn tỷ đồng tiền đất nếu đặt 1 lu/hộ.

Thứ ba, để hứng được nước mưa cần có hệ thống mái che hứng và gom nước mưa. Tùy theo thiết kế chi tiết nhưng chi phí này cũng không thể nhỏ được.

Thứ tư, về cách sử dụng. Khi không có mưa người dân phải được huấn luyện để đổ nước mưa ra, khi mưa phải mang lu ra hứng nước điều này dẫn đến chi phí vận hành cần nhân sự để làm việc này.

Thứ năm, bảo đảm tính công bằng đặc biệt những hộ gia đình sống trên chung cư, những hộ sống trong hẻm nhỏ hay những hộ có nhà mái ngói biệt thự…, đều phải được trang bị và vận hành đầy đủ.

Thứ sáu, để bảo đảm người dân được trang bị lu sử dụng đúng mục đích, phải cần hệ thống vận hành và giám sát. Việc này đòi hỏi tuyển dụng và bổ nhiệm một hệ thống cán bộ với biên chế nhà nước lại tiếp tục phình to.

Như vậy chi phí tính ra cao hơn rất nhiều lần lợi ích mang lại, tuy nhiên rõ ràng việc chống ngập đang rất cấp thiết vì diện tích ngập đang tăng cao và chiều sâu cũng không dừng lại.

Được biết, thành Hồ đã có 97 dự án chống ngập lụt và số tiền chi phí đến 33.200 tỷ đồng nhưng ngập thì vẫn ngập, mưa xuống là bị tắc đường, dân không đi được. Tất nhiên, đề xuất giải pháp chống ngập bằng cách trang bị cho mỗi hộ dân thành phố một cái lu là đáng ngạc nhiên, đáng xem xét. Có lẽ cái lu của PGS. TS. Trưởng Khoa đô thị học, Đại Học KHXH & NV TP. HCM Phan Thị Hồng Xuân phải to lắm.

Chuyện tàu Hải Dương 8 vào Biển Đông

Xem ra, cái đáng quan tâm thì lại không mấy quan chức quan tâm. Đó là Trung Quốc đang gây hấn ở khu vực bãi Tư Chính có thể gây căng thẳng đến khu vực Nhà giàn DK1. Báo chí trong nước không đăng, nhưng cư dân mạng lại đang âu lo, tranh cãi quyết liệt về một nguy cơ chết người trên biển: liệu căng thẳng có bị đẩy thành xung đột vũ trang giữa hải quân hai nước hay không?

Tàu Hải Dương 8 (Haiyang Dizhi 8) của Trung Cộng đã vào vùng biển gần rạn san hô do Việt Nam kiểm soát để thực hiện cuộc khảo sát địa chấn từ ngày 3 tháng Bảy 2019. Ảnh: Ryan MartinsonTàu Hải Dương 8 (Haiyang Dizhi 8) của Trung Cộng đã vào vùng biển gần rạn san hô do Việt Nam kiểm soát để thực hiện cuộc khảo sát địa chấn từ ngày 3 tháng Bảy 2019. Ảnh: Ryan Martinson

Trang mạng báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (South China Morning Post – SCMP) chiều 12 tháng Bảy có đăng bài của tác giả Liu Zhen, cho biết: “Hôm thứ Tư tuần trước (3 tháng Bảy), tàu khảo sát Trung Quốc Hải Dương Địa chấn 8(Haiyang Dizhi 8 – Marine Geology) đã vào vùng biển gần rạn san hô do Việt Nam kiểm soát để thực hiện một cuộc khảo sát địa chấn. Hộ tống nó gồm tàu hải cảnh vũ trang số hiệu 3901, tải trọng 12.000 tấn, có trang bị máy bay trực thăng và tàu 37111, tải trọng 2.200 tấn.”

Các thông tin này được Ryan Martinson, trợ lý giáo sư Trường Chiến Tranh Hải Quân Hoa Kỳ (Naval War College) tại Newport, Rhode Island đăng trên tài khoản Twitter của mình.

Các nguồn tin cho biết: có 4 tàu Cảnh sát biển Việt Nam đã thường xuyên bám đuổi các tàu Hải cảnh và tàu HD 8 của Trung Quốc. Tàu Việt Nam cũng đã có những hành động chấp pháp kiên quyết. Hai bên đã có những đối đầu căng thẳng, rượt đuổi và phun nước vào nhau. Trong khi đó, chiều 11 tháng Bảy, ở cách không xa khu vực căng thẳng, Lữ đoàn hải quân 162 đã tiến hành tập trận “nâng cao chất lượng bắn đạn thật trên biển”, không rõ là trùng hợp ngẫu nhiên hay cố ý về mặt thời điểm. SCMP đã đưa ra nhận định: “Có nguy cơ xảy ra cuộc đụng độ lớn nhất giữa hai quốc gia trong vòng 5 năm qua” (tính từ sự kiện đẩy đuổi giàn khoan HD – 981 năm 2014).

Chuyện biển đảo chắc chắn quan trọng và đáng quan ngại hơn nhiều so với chuyện cái lu to hay bé để có thể chống ngập cho thành Hồ.

Việt Nam rồi sẽ đi về đâu?
Dưới biển giặc đang chiếm đảo
Trên bờ dân lên tiếng phản đối thì nó mang Lu Lon ra lấp liếm
Bên kia chủ tịch Quốc Hội tay bắt, ôm thắm thiết với tướng giặc
Trên mặt báo thì lũ bút nô im re.

Diễm Quỳnh

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here