Minh Quân – (VNTB) – Ngay sau khi Tổng thống Donald Trump thốt ra – một cách mỉa mai và có phần nổi đóa – về Việt Nam là “kẻ lạm dụng thương mại tồi tệ nhất” trong cuộc trả lời phỏng vấn trực tiếp trên đài Fox Business vào cuối tháng 6 năm 2019, giới quan chức Bộ Kế hoạch và Đầu tư vội trấn an dư luận: “Khả năng Mỹ áp thuế trừng phạt Việt Nam là chưa có”.
Lời trấn an trên xuất hiện bởi Phó giám đốc Trung tâm kinh tế dự báo của bộ này là Lương Văn Khôi, tại cuộc họp báo thường kỳ quý 2/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư diễn ra sáng 27/6/2019.
Đối với khả năng Việt Nam có thể bị áp thuế từ Mỹ, ông Khôi cho hay, việc áp thuế của Mỹ thường dựa vào ba tiêu chí: một là thặng dư tài khoản vãng lai lớn hơn 3% tổng sản phẩm quốc nội GDP, hai là thặng dư thương mại hàng hoá song phương với Mỹ ít nhất là 20 tỷ USD và sự can thiệp vào thị trường ngoại hối vượt quá ít nhất 2% GDP.
“Có một tiêu chí là can thiệp một chiều vào thị trường ngoại hối chúng ta không phạm nên khả năng bị áp thuế là không có””.
Thế nhưng quan chức Lương Văn Khôi đã ‘quên’ rằng vào tháng 5 năm 2019, lần đầu tiên Việt Nam đã suýt bị liệt vào danh sách các nước thao túng tiền tệ – danh sách được Bộ Tài chính Mỹ cập nhật cứ sau mỗi 6 tháng. Khi đó, Việt Nam bị Mỹ xem là một nước lũng đoạn tiền tệ vì đã cho hạ giá đồng tiền của mình một cách giả tạo.
Trong vài năm qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã liên tiếp tăng tỷ giá trung tâm để kích thích gom USD trôi nổi. Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2019, dù đã trám bớt lỗ hổng toang hoác của Quỹ dự trữ ngoại hối để có tiền trả nợ nước ngoài, nhưng cơ quan ‘siêu ngân hàng’ này đã phải trút vào thị trường tự do đến 200.000 tỷ đồng – chiếm đến hơn 4% GDP, tức vượt xa giới hạn 2% GDP mà Mỹ quy định đối với quốc gia thao túng tiền tệ.
Ngay từ cuối năm 2017, những đòn trừng phạt đầu tiên của Trump đối với Việt Nam đã khởi động.Thoạt đầu là những cú tăng vọt thuế lên mặt hàng tôm, rồi sau đó là thép và cả nhôm của Việt Nam xuất sang Mỹ. Nhưng những đòn này vẫn chưa thấm vào đâu nếu nhìn sang tương lai đầy đe dọa bắt nguồn từ cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung.
Bắt đầu từ năm 2018, Trump khởi động chiến dịch tấn công vào nền kinh tế Trung Quốc và có thể cả vào hệ thống chính trị độc tài của quốc gia đông dân nhất thế gới này. Chỉ ít lâu sau đó, một làn sóng ngấm ngầm di chuyển vùng đầu tư từ các doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam đã diễn ra. Còn đến khi Trump áp thuế cao lên toàn bộ hàng hóa Trung Quốc thì làn sóng doanh nghiệp Trung đổ bộ vào Việt Nam đã trở thành một phong trào thực sự. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019, đã có đến 2,2 tỷ USD đăng ký vốn đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam.
Nhưng nguồn cơn khiến Trump và nhiều quan chức Mỹ giận dữ là chính quyền Việt Nam đã trở thành một nhân tố tiếp tay cho hàng Trung Quốc gắn nhãn ‘made in Vietnam’ tràn ngập thị trường Hoa Kỳ
Trong vụ tung ra biện pháp trừng phạt đánh thuế “thép Việt Nam có nguồn gốc Trung Quốc” vào tháng 12/ 2017, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã xác định rằng có đến 90% sản phẩm thép từ Việt Nam nhập sang Mỹ có xuất xứ từ Trung Quốc.
Trong khi đó ở Việt Nam, một số chuyên gia độc lập đã cảnh báo về việc nhôm tấm Trung Quốc mượn đường Việt Nam sang Mỹ nhưng chính phủ và Bộ Công thương Việt Nam không có hành động cứng rắn gì. Không những thế, còn có một lỗ hổng pháp lý mà dường như bộ này cố tình để lại cho Trung Quốc tuồn hàng qua Việt Nam.
Cũng có nghĩa là thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ bao gồm cả giá trị hàng hóa thép và nhôm có xuất xứ từ Trung Quốc, tức Việt Nam đã thông đồng với Trung Quốc để lừa người Mỹ.
Theo đó, khả năng Mỹ gia tăng áp thuế trừng phạt đối với Việt Nam, đặc biệt là những mặt hàng ‘nhạy cảm’ như thép và nhôm, là rất có thể sẽ xảy ra trong thời gian tới, tước đi kỷ lục xuất siêu 35 tỷ USD vào thị trường Mỹ của Việt Nam và gây khó khăn đáng kể cho nền kinh tế độc tài.