Thảo Vy – (VNTB) – Có quá nhiều bê bối trong lãnh vực giáo dục đã và đang tiếp tục xảy ra, liệu ông Vũ Đức Đam có nghĩ tới việc từ chức, bởi đó còn là lòng tự trọng và tư cách cần có của một chính khách.
Dĩ nhiên nếu ông Vũ Đức Đam tự nguyện rời ghế Phó Thủ tướng, thì tương ứng, cần xem xét đến trách nhiệm của ông Nguyễn Xuân Phúc, người đang giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quốc gia giáo dục.
Tay trái đánh tay mặt à?
Theo Quyết định số 1527/QĐ-TTg ngày 01-8-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phân công công tác của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ, thì Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Ủy viên Ban cán sự Đảng Chính phủ được phân công nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực công tác: Giáo dục, đào tạo và dạy nghề; Khoa học và công nghệ; Lao động, việc làm và các vấn đề xã hội; Thông tin và truyền thông; Văn hóa; du lịch; thể dục, thể thao; Y tế, dân số, gia đình và trẻ em.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi và chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Với hàng loạt ‘bổn phận’ nêu trên, câu hỏi đặt ra là vì sao ông Vũ Đức Đam không đưa ra đề xuất với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc thay đổi nhân sự đang giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo?
Giả dụ ông Vũ Đức Đam có ‘tham mưu’ việc thay Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, thì trên thực tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫu muốn, cũng phải thông qua ý kiến chấp thuận của một tổ chức có tên “Bộ Chính trị” với quyền lực tập trung cao nhất vào 3 vị có thứ tự sau đây: Nguyễn Phú Trọng, Trần Quốc Vượng, Phạm Minh Chính. Đó là yêu cầu của Quyết định 105-QĐ/TW “về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử”, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị, ký ban hành ngày 19-12-2017.
Các chức danh cán bộ do Bộ Chính trị quyết định bao gồm: Ủy viên Bộ Chính trị, Ban bí thư, Ban chấp hành Trung ương; Phó chủ tịch nước, Phó chủ tịch Quốc hội, Phó thủ tướng… Bộ Chính trị cũng quyết định: Chủ nhiệm, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Trưởng các ban của Trung ương Đảng; Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ…
Như vậy, nếu có trách cứ về bất kỳ ai trong bộ máy nhân sự quản trị quốc gia, thì địa chỉ đúng nhất, cần thiết nhất phải nhận mọi búa rìu dư luận chính là Bộ Chính trị, có trụ sở đóng tại số 1A, Hùng Vương, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội.
Kỷ luật của đảng: nói hay, làm thì…
Trở lại với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Phùng Xuân Nhạ – người còn là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII. Vụ việc mua điểm thi với giá từ 1 tỷ đồng cho một thí sinh ở tỉnh Sơn La mà cơ quan công an vừa hoàn tất kết luận điều tra, cho thấy chỉ xét riêng về sai phạm trong nội bộ đảng cộng sản Việt Nam, trước mắt là đã hội đủ lý do để kỷ luật khai trừ hàng loạt đảng viên, tính từ Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trở xuống.
Quy định số 08-QĐi/TW “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 25 tháng 10 năm 2018, tại “Điều 2. Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải gương mẫu đi đầu thực hiện”, ở khoản 8, ghi: “Nghiêm túc thực hành tự phê bình và phê bình; thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh; không tranh công đổ lỗi. Dũng cảm nhận khuyết điểm và trách nhiệm. Chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ”.
Vụ án nâng điểm thi tốt nghiệp trung học phố thông (THPT) quốc gia 2018 được xem là bê bối thi cử lớn nhất từ trước đến nay, với hơn 222 thí sinh được nâng điểm. Trong đó Hà Giang có 114 thí sinh, Sơn La và Hòa Bình lần lượt có 44 và 64 thí sinh.
Cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với 16 bị can về các tội danh khác nhau. Trong đó, Sơn La có cán bộ 8 ngành giáo dục và công an liên quan.
Theo kết quả điều tra (đã được tống đạt đến các bị can), trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại tỉnh Sơn La, ông Trần Xuân Yến được phân công là ủy viên ban chỉ đạo thi của tỉnh, phó chủ tịch hội đồng thi, trưởng ban vận chuyển và bàn giao đề thi, phó trưởng ban thường trực ban coi thi, phó trưởng ban thường trực ban chấm thi, tổ trưởng tổ xử lý bài thi trắc nghiệm. Kết quả điều tra cho thấy vị phó giám đốc sở này đã nâng điểm cho 13 thí sinh, đây đều là những trường hợp do cấp trên, do đồng nghiệp và người quen nhờ vả. Đáng chú ý, trong số 13 thí sinh đó có 8 trường hợp do chính giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La ‘gửi gắm’.
Kết luận điều tra cho biết, theo ông Yến, ngày 28-6-2018, ông Hoàng Tiến Đức, giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La, gọi ông Yến đến phòng làm việc của ông Đức. Tại đây, ông Đức đưa cho ông Yến hai tờ giấy ghi thông tin cá nhân của 8 thí sinh nhờ nâng điểm kèm theo ‘đặt hàng’. Cũng ngày 28-6, ông Nguyễn Ngọc Hà – trưởng Phòng giáo dục trung học Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La – đến gặp ông Yến tại phòng làm việc và đưa thông tin của 4 thí sinh để nhờ nâng điểm. Trong số này có 2 trường hợp trùng với danh sách giám đốc sở đã nhờ trước đó.
Sau khi có thông tin của 13 thí sinh, ông Yến tổng hợp thành một danh sách, trong đó ghi rõ họ tên thí sinh, số báo danh, địa điểm thi, các môn thi cần nâng điểm, các mã đề, tổng số điểm cần phải đạt được của từng thí sinh. Sau đó, ông Yến trực tiếp đưa danh sách này cho Nguyễn Thị Hồng Nga – chuyên viên Phòng khảo thí và quản lý chất lượng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La, thành viên tổ xử lý bài thi trắc nghiệm – để Nga giải quyết…
Tất cả các ông, bà có tên nói trên đều là đảng viên đảng cộng sản, thuộc Chi bộ Đảng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La. Chính điều đó cho thấy nếu phải thực hiện theo Quy định số 08-QĐi/TW để buộc ông Phùng Xuân Nhạ phải từ chức, thì xem ra sẽ dắt dây đến hàng loạt trách nhiệm khác của Tỉnh ủy Sơn La. Điều này cho thấy gần như là bất khả thi.
Với mối bùng nhùng như đèn cù trong các quy định đan xen giữa luật pháp quốc gia với ‘luật riêng’ của đảng cộng sản, thì chuyện ‘từ chức’, ‘cách hết mọi chức vụ trong đảng’ quả tình là một hình thái chính trị ‘đặc sắc’ của riêng Việt Nam.
Danh dự của chính khách là đảng viên đảng cộng sản?
Có ý kiến rằng nhiều khi chuyện từ chức dựa trên cơ sở danh dự, văn hóa chứ không cần đến các quy định kiểu như Quy định số 08-QĐi/TW.
Đơn cử việc một bộ trưởng của Nhật, chỉ vì có ì xèo về nguồn tài chính thiếu minh bạch, không ổn khi tranh cử, người ta đã từ chức ngay rồi; hay bộ trưởng Môi trường Mexico đã nộp đơn từ chức ngày 25-5-2019, sau khi bị chỉ trích vì làm một chuyến bay khởi hành trễ khoảng 40 phút. Trước đó, năm 1993, tại Nhật Bản có 3 thủ tướng từ chức. Nhiều vị thủ tướng nhậm chức trong 3 tháng thấy không làm được thì từ chức…
Có thể thấy đây chính là việc tất yếu của một hệ thống chính trị hết sức có lương tâm. Chưa chắc người từ chức đã có vi phạm gì, mà chỉ là người ta cảm thấy không còn uy tín thì người ta xin từ chức thôi. Việc từ chức để nhận trách nhiệm, từ chức vì thấy cắn rứt, từ chức vì thấy đáng ra bản thân phải làm tốt hơn hoặc để người khác làm sẽ tốt hơn mình thì đó là chuyện của đạo đức, không phải chuyện của pháp luật.
Xem ra nếu nhận xét từ những dẫn chứng vừa nêu là có thể chấp nhận, thì phải chăng đạo đức của những quan chức là đảng viên cộng sản lại thuộc chuyện “ăn không từ thứ gì”? [*]
+ Chú thích:
[*] “Người ta ăn của dân không từ cái gì nữa, từ liều vacxin con con đến tiền chữa bệnh bảo hiểm”. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phát biểu như vậy tại phiên thảo luận về báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009-2012 tại UB Thường vụ Quốc hội ngày 11-9-2013.
Xin vui lòng tiếp tay phá vỡ bức màn bưng bít thông tin của chế độ bằng cách bấm LIKE, SHARE và COMMENT. Trân trọng cảm ơn Bạn.