Trong một cửa hàng nọ, ông chủ cửa hàng để bảng giá 300 ngàn một kí cua biển. Ông A mua 600 ngàn được chủ cửa hàng cân cho 2 ký cua với dây buộc là loại dây nilon mảnh và có trọng lượng không đáng kể. Còn ông B cũng bỏ ra 600 ngàn cũng nhận được 2 ký cua nhưng trong đó hết 1 ký là dây buộc bằng vải ngấm nước. Kết quả, ông B kiện thì chủ cửa hàng nói rằng “tôi đã áp dụng hình thức ưu tiên đặc biệt cho ông A”. Ông B không chịu, ông mời nhiều người vào chứng kiến sự việc, nhiều người cũng bất bình cách ứng xử của chủ cửa hàng và họ yêu cầu chủ cửa hàng phải tháo bỏ dây buộc ra và phải tính cho ông B là 1 ký cua mới đúng. Hết đường chối cãi, ông chủ cửa hàng chấp nhận mình sai và phải thối lại ông B 300 ngàn.
Đó là một ví dụ về sự đấu tranh để giành lợi thế về mình một cách công bằng. Giá đã có sẵn, đấy là khung chuẩn để áp dụng chung cho mọi người. Mỗi người phải trả tiền ít hay tiền nhiều vì họ mua ít hay mua nhiều mà thôi nhứ không phải cùng một sản phẩm và cùng khối lượng như nhau mà lại trả liền khác nhau. Đó là bất công.
Trong vấn đề pháp lý cũng có hình thức giống vậy. Pháp luật chính là bảng giá, sản phẩm là tội của công dân. Số năm tù được áp cho từng tội danh là cái giá đã định sẵn. Như vậy, để giảm số năm tù mà anh phải nhận thì anh phải chứng minh tội của anh là nhỏ để số năm ở tù phải giảm đi, chứ anh không có quyền đòi được “áp dụng tình tiết giảm nhẹ” để rồi anh phạm tội ác tày trời nhưng lại chẳng hề trả giá cho tội ác đó.
Ở các nước thượng tôn pháp luật, tội phạm phải thuê luật sư để đấu tranh pháp lý với chính quyền. Cơ quan công tố đại diện cho nhà nước chính là phía buộc tội, luật sư bào chữa đại diện cho quyền lợi bị cáo là kẻ gỡ tội. Bên buộc bên gỡ đấu tranh căng thẳng với nhau cốt để chứng minh tội của bị cáo to hay nhỏ để giảm hay tăng số năm tù mà thôi. Giống như ông B mua cua, thì ông ta chứng minh khối lượng cua mình mua chỉ có 1 ký để trả tiền 300 ngàn thay vì 600 ngàn, chứ ông B không thể đòi mua giá thấp được. Giá là cố định để đảm bảo công bằng. Tương tự vậy, tại tòa án, luật sư có nhiệm vụ chứng minh tội của bị cáo là nhỏ để không phải ngồi tù lâu chứ không có quyền áp dụng ưu tiên cho bị cáo.
“Khoan hồng” hoặc “tình tiết giảm nhẹ” đang áp dụng trong hệ thống tòa án Việt Nam là một hình thức phá bỏ sự công bằng. Trong cuộc đấu tranh pháp lý, công tố và cơ quan điều tra không chứng minh được tội của tôi thì phải trả tự do cho tôi chứ không phải vì nghiệp vụ của anh kém, dùng cái gọi là “khoan hồng” để dụ tôi khai rồi nuốt lời áp hình phạt thật nặng cho tôi, các anh dở thì hãy biến khỏi chính quyền cho người khác có năng lực lên làm. Một khi đã đại diện cho một bộ máy nhà nước, thì các anh không được lừa gạt công dân.
“Tình tiết giảm nhẹ” là một chiêu bài nhằm phá bỏ sự công bằng khi kẻ phạm tội không còn đường chối cãi. Tội có thể phải tử hình nếu áp khung phạt như thường dân thì với quan chức, họ được áp dụng tình tiết giảm nhẹ A, tình tiết giảm nhẹ B…. cho đến tình tiết giảm nhẹ Z để rồi sau đó, tội ác của kẻ đó như núi hắn vẫn được ung dung hưởng thụ như người vô tội. Nghĩa là gì? Tức trong hệ thống tư pháp Cộng Sản nó bảo đảm quan chức giết người, ấu dâm vẫn được nhởn nhơ. Đấy được gọi là nhà nước ư? Đấy giống với băng đảng lừa đảo hay một tổ chức tội ác hơn. Với cách áp dụng luật pháp kiểu này, nhà nước đang khuyến khích quan chức gây nên tội ác với dân một cách bừa bãi.
Hãy nhìn vào cái “pháp quyền xã hội chủ nghĩa” thì sẽ thấy, ở đó được làm quan chức được ăn trên đầu trên cổ dân rồi còn có thể phạm tội ác trắng trợn nhưng vẫn được hưởng mọi thứ ưu đãi để đảm bảo rằng, quan chức thì khỏi phải trả giá. Nếu muốn xã hội ổn định hơn, quan chức không lộng hành với sự ỷ lại nhà nước bao che tội ác của mình thì chỉ có thể loại bỏ thể chế này, không khác được. Nếu để nó tồn tại, xã hội Việt Nam trong thời hiện đại này chẳng khác nào thời Trung Cổ./.