Vấn nạn giáo dục học đường

- Quảng Cáo -

Quỳnh Hương – Web Việt Tân

Vào tháng 8 năm ngoái, tại Hội nghị toàn quốc đầu tiên về công tác bảo vệ trẻ em, các chuyên gia đã báo cáo rằng mỗi năm, cả nước có khoảng 2.000 trường hợp trẻ em bị bạo hành, xâm hại. Những trẻ em bị bạo hành, bị đánh đập, bị xúc phạm thân thể và nhân phẩm trong môi trường học đường không là ngoại lệ.

Mấy ngày qua trên mạng xã hội lan truyền một video clip được quay trong một lớp tiểu học trường Quán Toan ở Hải Phòng vào giờ kiểm tra học kỳ, với hình ảnh cô giáo đánh nhiều học sinh bằng cách tát, nhéo tai, đánh bằng thước và đánh liên tiếp vào đầu bằng tay… Hình ảnh này gây phẫn nộ đối với nhiều người.

Chuyện học sinh bị thầy cô phạt với những hình thức đến mức ‘bạo hành’ từng xảy ra rất nhiều lần tại Việt Nam. Tình trạng này bị báo chí cả trong lẫn ngoài nước cũng như mạng xã hội đề cập khá rộng rãi.

- Quảng Cáo -

Một trong những vụ gây bàng hoàng xã hội xảy ra vào tháng 11/2018 tại trường THCS Duy Ninh, tỉnh Quảng Bình: cô giáo bắt 23 bạn trong lớp tát một học sinh, mỗi bạn tát 10 cái. Sau khi nhận 230 cái tát vì tội “văng tục” thì cô giáo tát thêm cái cuối cùng khiến em phải đi bệnh viện.

Trước đó vào tháng 10/2015, một cô giáo lớp 6 trường THCS Nhân Đạo, tỉnh Vĩnh Phúc bắt học sinh súc miệng bằng nước xà phòng do các em “nói tục” nhiều lần. Còn nhiều nữa những vụ bạo hành học sinh như bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng, bắt học sinh phơi nắng do tập sai động tác thể dục, v.v.

Sự việc mới nhất là vụ bắt học sinh quỳ gối trước bục giảng ngay giữa giờ học tại lớp 9B, trường THCS Tô Hiệu, Hà Nội do vi phạm nội quy. Hình ảnh học sinh bị quỳ đăng tải trên mạng xã hội từ hôm 10 tháng 5. Cô giáo bị đình chỉ giảng dạy một tuần.

Điều đáng nói là cô Nguyễn Thị Thu Trang khóc nức nở khi nghe bị kỷ luật rồi nói xin lỗi gia đình cháu bé, xin lỗi vì làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành giáo dục, hình ảnh, uy tín của nhà trường. Và mong các cơ quan chức năng cho cơ hội để sửa sai!

Điều này làm người ta nhớ đến vụ Trịnh Xuân Thanh và những cán bộ khác của Tập Đoàn Dầu Khí bị mang tòa ra xét xử về tội tham nhũng vào năm ngoái. Trước tòa, nhóm người này không hề nhận rõ những sai lầm làm thiệt hại đến tài nguyên quốc gia mà lại khóc lóc bày tỏ sự hối lỗi đối với đảng CSVN, nhất là Trịnh Xuân Thanh khóc nức nở nghẹn ngào nói “con xin lỗi bác Trọng”. Tại sao nhóm người này không xin lỗi nhân dân vì đã biển thủ hàng tỷ đô la tiền thuế của người dân mà chỉ xin lỗi “bác Trọng’, xin lỗi cơ quan? Điều này cho thấy là họ chỉ lo quyền lợi, ghế ngồi và hoàn toàn vô cảm đối với lợi ích của người dân. Đó chính xác là hình ảnh cán bộ, quan chức ngày nay!

Vì thế mà thực trạng giáo dục của Việt Nam hiện nay có thể mô tả ngắn gọn: Thảm Họa. Nó là hệ quả của nền giáo dục độc tài, vô đạo đức. Thảm họa này đã hủy hoại biết bao thế hệ và hủy hoại cả đất nước này mà ngày hôm nay tất cả chúng ta đều nhận thấy hệ quả tai hại của nó! Bởi giáo dục chính là nguồn gốc, là cái cốt lõi tác động tới mọi mặt của xã hội và đất nước.

Nền giáo dục Việt Nam hiện đang mắc phải một số bệnh trầm kha như sau:

Bệnh thành tích – Bộ máy giáo dục cao nhất đặt ra những chỉ tiêu thi đua không sát thực tế, buộc các trường, các địa phương phải làm mọi cách – trung thực cũng như không trung thực – để đạt được chỉ tiêu đề ra. Tỷ lệ thi đỗ trên 90% trong các kỳ thi, thậm chí gần 100%, là hình ảnh tiêu biểu của bệnh hình thức. “Thành tích” này mang lại giấy khen, huy chương, giải thưởng cho người lớn và căn bệnh ỷ lại cho tuổi trẻ. Các em học sinh biết rằng có học lơ mơ cũng đỗ nên không còn động lực phấn đấu, ganh đua để đạt những thành tích cao và có thực chất trong học tập. Một nền giáo dục chỉ có thành tích và thành tích. Trò viết chậm hay không viết được thì bị cắt thi đua, trong khi nếu có phương pháp kèm cặp riêng, thì tình hình bạn học sinh sẽ được cải thiện. Lỗi của cô giáo 1 thì lỗi của cái nền giáo dục này là 10.

Bệnh chính trị hóa giáo dục – Nhiều môn học như Văn, Sử Địa, thậm chí cả… Toán, thường lấy chính trị làm nòng cốt. Văn thì phải học những bài viết ca tụng cá nhân và đoàn thể, đề cập sát sườn đến những cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh “giải phóng dân tộc”. Lịch sử thì dạy thật chi tiết thời điểm 1930-1975, học sinh được học cách phân tích các trận đánh y như những lớp huấn luyện chiến thuật quân sự cao cấp ở đâu đó. Cách đây không lâu lắm, vẫn còn thấy những bài toán lớp 2, lớp 3 lấy đề tài bắn rớt máy bay Mỹ, tiêu diệt những tên “ngụy ác ôn” làm ví dụ. Cách dạy này khiến học sinh chán học, hậu quả thấy rõ là có những kỳ thi, tại một số trường thi, môn sử chỉ có lèo tèo một vài thí sinh ghi danh.

Bệnh dễ dãi trong tuyển chọn người – Lương bổng thấp hơn nhiều ngành nghề khác trong xã hội, vị thế của người thầy bị coi thường so với những thập niên nửa đầu thế kỷ 20. Nghề giáo không còn hấp dẫn người dân trong xã hội, khiến cho cơ quan quản lý giáo dục đã phải hạ thấp tiêu chuẩn tuyển chọn người.

Bệnh hư danh, coi nhẹ thực chất – Ngoài sự hiện diện của hàng chục ngàn tiến sĩ, giáo sư, phó giáo sư, hàng năm cỗ máy giáo dục “xuất xưởng” hàng ngàn “đại trí thức” khác trong khi nền công nghệ vẫn là công nghệ lạc hậu. Sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm, chủ yếu do không đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của các cơ quan, xí nghiệp, nhất là những cơ sở kinh tế hoạt động bằng vốn FDI, lấy hiệu quả hoạt động, chứ không phải thành tích chính trị làm tiêu chí cho sự tồn tại và phát triển của họ.

Cái nhục lớn nhất của nền giáo dục hiện nay là không có một trường đại học Việt Nam nào nằm trong danh sách 1000 trường đại học hàng đầu thế giới, thậm chí cũng không vào nổi danh sách 300 trường đại học hàng đầu châu Á!

Nền giáo dục tồi tệ không giết chết con người NGAY tức khắc mà soi mòn và giết chết TỪ TỪ, tính bằng thập kỷ. Chính vì vậy chúng ta ít để ý đến hậu quả mà cải cách hoặc có chỉ trích cũng rất sơ sài, qua loa. Hiện tượng chết tiệm tiến này đã làm cho người dân không để ý hoặc vô cảm.

Để nền giáo dục Việt Nam tốt hơn, nhân bản hơn thì hãy:

– Xử lý mua bán điểm

– Dẹp thói chạy theo thành tích

– Xem xét lại chất lượng biên soạn sách giáo khoa

– Tuyển chọn thầy cô thật sự có chất lượng và trả lương xứng đáng

– Xác định lại đâu là mục đích của nền giáo dục

Cầu mong những đứa trẻ sẽ được lớn lên và trưởng thành bằng một tâm hồn nhân văn, bao dung và hướng thiện, chứ không trở nên sợ hãi, hằn học, duy giữ thù hận hay nuôi chứa bạo lực trong mình đối với con người.

Những người trưởng thành tử tế xin hãy tử tế. Đừng nhân danh tử tế để chà đạp và cưỡng bức, trấn áp những đứa trẻ nữa, dân tộc sẽ trở nên ngày càng què quặt với những thế hệ ngày càng man rợ hơn. Hãy tử tế bằng tri thức lý tính khách quan và tình yêu thương dựa trên sự chia sẻ và khích lệ để giáo dưỡng thế hệ tiếp theo.

Họ vẫn tưởng rằng bắt những đứa trẻ quỳ xuống trong giáo dục là có thể nên người hay đạt được điều gì đó tốt đẹp, thì sau này những đứa trẻ lớn lên sẽ sẵn sàng quỳ gối trước bất công và quyền uy, nhưng cũng sẵn sàng hung bạo và bắt kẻ khác quỳ xuống trước chúng như một lẽ bình thường, thậm chí chính kẻ đã bắt đứa trẻ đó quỳ trước đây.

Quỳnh Hương

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here