- VietTuSaiGon’s blog – RFA
Chính trị Cộng sản là loại chính trị mâm thịt chó, điều này nhiều người đã nói, thậm chí nói nhiều. Nhưng, nói nhiều vẫn chưa đủ. Bởi kinh tế xã hội chủ nghĩa là kinh tế mâm thịt chó, bị chi phối bởi chính trị mâm thịt chó. Nhưng, vì sao lại không ví với mâm thịt dê hay thịt chồn, thịt nai, thịt chuột… và các loại thịt khác mà phải ví với mâm thịt chó? Và, tại sao lại nói thịt chó làng rồi thịt chó khu vực?
Từ chuyện thịt chó, và chỉ có thịt chó…
Trước đây, trong số những ông bạn, bà bạn nhà thơ mà tôi chơi, có một nhà thơ viết về đồng nội, về tình yêu quê ngoại, về nắng tháng ba đất bệ khói đồng, về những dòng sông chảy miên man trong chữ nghĩa và hệ lụy làm người… Có thể nói, anh là nhà thơ còn giữ giọng quê, chữ nghĩa, câu từ đẹp và hồn hậu nhất tôi từng gặp. Thế nhưng cũng giống như rất nhiều nhà thơ nhớn, nhà thơ bé trong các hội đoàn nhà nước, thịt chó là món khoái khẩu, giúp cho câu chữ thăng hoa và cảm hứng dạt dào hơn, giúp cho ý tứ trở nên sắc sảo, thông minh hơn. Thịt chó luôn là món được hầu hết nhà thơ, nhà văn các hội, đoàn nhà nước mê tít, trừ một số nhà thơ là Phật tử, họ sẽ dùng “thiền” để thay thế thịt chó. Nhưng, nếu chỉ mê thịt chó thuần túy thì có gì để nói?
Nhà thơ chân quê bạn tôi có thói quen giết chó đãi khách, cứ gặp nhà phê bình văn học nào vui tính, hiểu thơ của anh và tỏ ra có quyền lực chữ nghĩa thì anh xem là xứng tầm chơi với anh, anh bắt chó (nhà nuôi) làm thịt, đãi đằng. Lần đó, anh bắt con chó đen đốm của anh đi làm thịt để đãi “nhà phê bình trung ương”, tôi cũng có mặt bữa đó, nhìn thấy con chó đốm quá dễ thương và khôn, khi anh huýt sáo gọi thì nó chạy đến, anh bế nó bỏ vào bao nó vẫn ngoắc đuôi. Tôi can anh nhưng không được, anh nói đã kiếm đủ mẻ rượu, lá mơ, củ riềng, sả và mắm tôm, rượu ngon cũng đang chờ… Anh mang cái bao tải ra ngoài ao và nhận nước con chó. Dìm một hồi, không thấy bong bóng thì anh kéo bao lên, còn cái bao không. Bên kia ao, con chó đang giũ nước, ngoắc đuôi nhìn anh (chắc nó tưởng anh tắm cho nó, còn cái bao lủng đáy là chỗ bồn tắm không chừng!). Tưởng mọi chuyện dừng ở đó, không! Ông bạn nhà thơ quyết bắt chó lần hai và cho ra mâm thịt chó.
Tôi và một người bạn nhà thơ khá nổi tiếng bỏ về, người bạn muốn khóc vì chuyện này! Tôi thì bình tĩnh hơn, trò chuyện một lúc cho hắn bớt buồn, và hắn phán một câu xanh rờn: “Chỉ có thịt chó mới đủ làm con người chó hơn cả chó như vậy. Ghê thật!”. Hóa ra thịt chó có sức hút bởi nhóm protein của nó rất gần với con người, có người bảo rằng thịt chó nướng có mùi hơi giống thịt người bị cháy trong các cơn hỏa hoạn… Và cái sức hút của việc ăn thịt đồng loại được đẩy sang thịt chó một cách bất chấp. Có lẽ vì vậy mà người ta hay ví von những nhóm lợi ích là “chung mâm chó” chứ ít nghĩ tới mâm khác.
Và khi đã ngồi vào mâm chó thì hình như người ta rất tôn tin trật tự, nghĩa là có lớp có lang, người bự thì được gắp trước, gắp miếng ngon, người bé thì gắp sau, gắp miếng dính mỡ, miếng nhỏ, còn con nít thì không được ăn thịt chó. Ăn vồ vập, ăn nhanh nhưng gọn, chùi mép cũng sạch, chứ lòm thòm lòi thòi thì mắm tôm văng đầy bàn, dính đầy mồm. Và để giữ hòa khí, để tránh bị mất ngon, khi ăn thịt chó, người ta tập trung vào chuyên môn rất cao, phần ai nấy ăn, biết thân biết phận mà gắp, tránh để căng thẳng làm rây mắm, đổ rượu, tránh nộ xung thiêng khiến mâm chó bị hất, cả bàn mất ăn.
Cái kiểu chia chác lợi ích nhóm bây giờ trong nội bộ đảng Cộng sản có nét rất giống với cung cách ngồi mâm chó. Cũng chia chác từng lát từng miếng, cũng có lớp có lang, cũng “con nít không được ăn thịt chó”, cũng giữ hòa khí để tránh đổ mâm… Có tất mọi thứ. Và mọi thứ qui luật, nguyên tắc mâm thịt chó trong thời kinh tế mở cửa chỉ mới dừng ở cấp độ tỉnh, trung ương, quốc gia nhưng chưa mở rộng theo cấp độ khu vực và khối như hiện nay.
Nếu như trước đây, sau cái đói, cái khó của chủ trương kinh tế tập trung bao cấp, cào bằng và chỉ một số kẻ nắm quyền lực được đối xử công bằng hơn những người khác không có quyền lực, những mâm thịt chó lén lút trong bóng tối… để rồi bước sang giai đoạn kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, những mâm thịt chó mới, thịt chó không cần giấu diếm, không cần phải ăn lén lút được bày ra với đủ món, từ rựa mận đến hấp, dồi, xáo măng, quay, thui, nướng… Nguồn chó vẫn cứ là nguồn chó trộm, chó đánh bả, nguồn tàn nhẫn và bất chấp, máu lạnh hơn. Kẻ ăn hơn hớn, kẻ bán hằm hằm… Và cái mâm thịt chó thời kinh tế thị trường theo định hướng XHCN tràn mứa, ê hề đến độ người ta trở nên chán vì hàm lượng độc tố ngày càng cao do đánh bả mà quanh đi quẩn lại cũng chỉ giọng Việt ngồi ăn với nhau, có bị đánh, bị đập thì cũng chỉ một nhóm lẻ loi. Chi bằng kéo bè kéo đám khu vực cho nó ra vẻ Mafia chó!
Cho đến thời điểm bây giờ, bất kì mâm chó nào bày ra ở Việt Nam cũng đều có đến ba, bốn giọng lơ lớ Bắc – Nam – Trung và Trung Hoa ngồi lại với nhau. Vì có thêm anh bạn ngoại bang to vâm, ăn khỏe, vồ vập nên mâm chó bày ra cũng đầy hơn, có thêm gái gú chân dài ngồi cho thêm màu thêm sắc. Một khi mọi thứ đã thành thói quen, mâm chén, chiếu ngồi đã hình thành thì thông lệ thịt chó cũng hình thành. Nếu như trước đây, thông lệ thịt chó cấp làng, cấp xã, cấp quận huyện, cấp tỉnh thành, cấp trung ương đã chấp nhận nít nhịn để giữ ngon bữa ăn và chấp nhận mọi khuất tất, trái khoáy để no bụng. Thì bây giờ, mâm chó khu vực, mâm chó khối Cộng sản cũng theo thông lệ này để giữ nguyên tắc cả nhóm cùng chén no bụng, cả nhóm cùng hưởng thịt chó, không phân biệt giọng Tàu giọng Ta.
Đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Formosa Hà Tĩnh, casino ở Đà nẵng, khu người Hoa ở Bình Dương, quyền lực xã hội đen của người Hoa ở vùng biên giới Viêt – Trung và các tỉnh thành trên cả nước… Mọi thứ đều mang lại bất lợi, nguy hiểm cho người Việt nhưng lại sinh lợi và đảm bảo mâm thịt chó Cộng sản Việt – Trung đủ ngon, đủ đầy để chén. Chỉ riêng đường sắt Cát Linh – Hà Đông và Formosa đang mang lại thiệt hại vô kể cho Việt Nam, vậy mà những kẻ thèm thịt chó trong hệ thống mâm bát chó Việt – Trung vẫn tiếp tục đào cho được đường cao tốc Bắc – Nam cho nhà thầu Trung Quốc với đủ các lý do, trong đó không quên dìm hàng nhà thầu Việt Nam và chê bai năng lực của nhà thầu Việt Nam.
Chỉ riêng chuyện chê bai năng lực của nhà thầu Việt Nam, nếu Chủ tịch kiêm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng bộ sậu trung ương Cộng sản đủ khôn, đủ tỉnh táo và không dây vào mâm thịt chó Việt – Trung thì họ sẽ không bao giờ chấp nhận thứ lập luận phản động này.
Từ những năm 1960, nếu như giới lãnh đạo Nam Hàn chê bai nhà thầu của Nam Hàn không có kinh nghiệm và không đủ năng lực (có ý kiến cho rằng trong thời điểm đó, chê bai như vậy là đúng với thực tế) và không giao các cơ hội xây dựng quốc gia cho các nhà thầu Nam Hàn, không đặt ra các thiết chế gắt gao chống tham nhũng, chống thất thoát và nâng cao trình độ, năng lực thi công cho nhà thầu của họ mà giao cho nhà thầu nước ngoài thì mãi cho đến bây giờ, Nam Hàn chũng chỉ là một quốc gia không có gì để nói trong khu vực. Nhưng không, giới lãnh đạo Nam Hàn đã sáng suốt nhận ra rằng không có gì cao quí hơn việc xây dựng quốc gia và không có bất kì nhà thầu của quốc gia nào có trách nhiệm và thấy được sự thiêng liêng này ngoài nhà thầu Nam Hàn. Và kết quả là một Nam Hàn (mặc dù còn phân li Nam – Bắc) hùng mạnh như hiện nay!
Và, hơn bao giờ hết, thời điểm hiện nay là thời điểm mà nhà lãnh đạo Việt Nam cần phải nhìn rõ tầm qua trọng của việc kiến thiết, xây dựng quốc gia, tạo ra hành lang pháp lý phù hợp, chặt chẽ để giảm thiểu và triệt tiêu mọi vấn đề tham nhũng, tắc trách, cửa quyền, lũng đoạn… Phải đặt niềm tin, đặt trọng trách xây dựng quốc gia lên đôi vai của chính người dân Việt Nam và cho họ thấy rằng nếu họ gian lận của quốc gia, dân tộc một xu thì chính họ phải trả giá bằng mạng sống của bạn trước sông núi, trước tổ tiên và dân tộc. Ngược lại, nếu các nhà lãnh đạo tiếp tục giữ luận điệu “nhà thầu Việt Nam không đủ năng lực” để rồi giao các công trình trọng điểm quốc gia cho nhà thầu nước ngoài thì chẳng khác nào các vị tự khai ra rằng “tớ cũng đang chung mâm chung chiếu chó với người Trung Hoa, có lỗ, có chết tớ cũng phải giao, giờ không giao cho họ làm thì khác nào hất cái mâm ấy đi!”.
Ông bà thường nói “Miếng ăn là miếng tồi tàn/ Mất đi một miếng lộn gan lên đầu”. Mong quí vị hãy bỏ qua cái miếng tồi tàn ấy để góp tay xây dựng đất nước. Mong các vị hãy nghĩ đến những bàn thịt chó thừa mứa Formosa, đường sắt Cát Linh – Hà Đông đang xả xương, nhổ bọt và mắm tôm lên đầu, lên lưng dân tộc! Và đừng để vì miếng ăn ấy mà các nhà thầu Việt “lộn gan lên đầu” thay vì họ được giao để làm một cách chân chính, mình bạch, có khoa học và có giám sát tài chính rành mạch, họ vẫn vừa kiếm được chén cơm lại vừa góp tay xây dựng quốc gia đúng với ý nghĩa thiêng liêng của cụm từ này! Dù muộn còn hơn không, xin đừng vì mâm chó ấy nữa!