Có lẽ không có nơi nào có tư duy làm luật quái đản như Việt Nam. Luật pháp được viết ra là thứ ngôn từ không thuộc loại như văn chương, nó là thứ thứ ngôn từ dùng để đưa xã hội vào nề nếp, trật tự nên nó phải có tiêu chuẩn của nó. Nói về luật, thì trước hết về ngôn từ phải rõ ràng; về ý nghĩ thì không được đa nghĩa, không tối nghĩa; về cấu trúc câu không phức tạp để ai đọc cũng hiểu. Nói chung, đã là luật thì phải có tính định lượng một cách rõ ràng, trắng là trắng, đen là đen không thể viết ra luật mà hiểu đen cũng được mà hiểu trắng cũng ok tùy theo cách diễn giải.
Lại nói về từ “xu nịnh”. Trong từ này trong nó chứa quá nhiều hành động, có thể phân tích rằng, trong từ “xu nịnh” nó có 3 thành phần là: thứ nhất, nói lời tâng bốc; thứ nhì, mưu cầu lợi ích bản thân; thứ 3 là quà biếu kèm theo để đạt được lợi ích cụ thể.
Kẻ nói lời tâng bốc thì không thể quy vào tội được. Tôi miệt thị người ta thì đó là sự xúc phạm, tất nhiên tôi có tội vì tôi đã lấy mất danh dự người khác hoặc đã làm tổn thương tinh thần họ. Còn nếu tôi tâng bốc người ta thì tôi có lấy đi của người ta cái gì không? Không hề. Vậy tôi không lấy đi của người ta cái gì thì sao tôi có tội? Thực sự nói lời tâng bốc không có cơ sở nào quy kết tội tôi được, có chăng là anh đánh giá bản chất con người tôi qua lời nói đó thôi, còn bản thân tôi nói lời tâng bốc với ai là tôi không có tội.
Còn kẻ mưu cầu lợi ích bản thân có tội không? Không, vì đó là một mưu cầu chính đáng của mọi con người. Tôi mưu cầu lợi ích bản thân là tội chỉ khi nào vì lợi ích của mình mà tôi đã hại người khác hay cướp mất cơ hội người khác. Như vậy mưu cầu lợi ích thông thường không thể là tội được.
Nếu trong lời tâng bốc mà tôi còn dùng tiền hay lợi ích nào đó hối lộ để đoạt được những vị trí như mong muốn thì khi đó tôi phạm tội gì? Phạm vào tội đưa hối lộ, và kẻ trao ghế cho tôi sẽ bị quy kết tội nhận hối lộ theo luật pháp. Thế thôi.
Vậy câu hỏi đặt ra là, tôi nói lời xu nịnh và không hối lộ nhưng được ghế cao thì ai có lỗi? Kẻ quyết định trao ghế cho tôi là kẻ có lỗi chứ không phải tôi. Vì chính kẻ đó đã đối xử không công bằng với những ứng viên cho vị trí đó. Vậy thì tại sao quy kết kẻ “xu nịnh” như tôi là có tội?
Vì vậy, trong luật pháp không thể nào đưa ra yếu tố “xu nịnh” thành luật được. Xin khẳng định, từ “xu nịnh” không thể dùng trong văn bản luật, vì nó không có tính định lượng. Với kẻ ghét thì nói đó là “xu nịnh”, với người được nịnh thì nói “thằng đó có nghệ thuật sống”. Vậy làm sao định lượng được hành động này đây? Mà không định lượng được thì buộc tội thế nào? Từ “xu nịnh” nó cũng giống như từ “thuần phong mỹ tục” mà CS đang dùng, nó tạo ra những sự quy kết mơ hồ để gây thêm bất công xã hội chứ chẳng làm cho xã hội tốt hơn được. Luật vớ vẩn.
Cho nên qua đây chúng ta thấy trong cái nghị trường 500 cái đầu kiêm đủ thứ chức, từ thành viên bên lập pháp cho đến kiêm thêm một chức nữa bên hành pháp hoặc tư pháp, nó tạo ra một quốc hội hổ lốn không biết viết luật cho ra hồn nên mới có một đề xuất vớ vẩn như vậy – luật hóa việc “công chức không được nịnh cấp trên”. Chất lượng của cái gọi là “Quốc hội” của ĐCS chỉ có thế, thế nhưng lại giành hết quyền lãnh đạo đất nước mới khốn khổ chứ. CS mãi mãi là CS và đẳng cấp cũng chỉ là CS, không bao giờ khá được./.