Cơ chế nào đã loại bỏ tính công bằng của luật pháp?

- Quảng Cáo -

Đỗ Ngà|

Từ năm 2014, Nhóm VN Pharma bị phát hiện làm giả giấy tờ nhập thuốc ung thư giả do Nguyễn Minh Hùng và Võ Mạnh Cường chủ mưu. Vụ án được khởi tố sau đó và được đưa ra xét xử với 2 tội danh là tội buôn lậu và tội buôn tân dược giả. Ngày 25/8/2017, tại phiên tòa sơ thẩm, Tòa án nhân dân TP.HCM tuyên phạt bị cáo Nguyễn Minh Hùng và Võ Mạnh Cường cùng bị 12 năm tù về tội “Buôn lậu” và bỏ lọt tội buôn tân dược giả.

Vấn đề là khung hình phạt tội buôn lậu luật pháp quy định tối đa 20 năm, nhưng tội buôn tân dược giả có thể bị tử hình. Vụ xét xử sơ thẩm, tòa án nhân dân TP. HCM đã trắng trợn bỏ lọt tội của bị cáo Hùng và Cường. Phiên tòa này có mùi của sự mua chuộc, nếu cơ quan điều tra vào cuộc một cách nghiêm túc thì chắc chắn sẽ lòi ra nhiều vấn đề chạy chọt đằng sau đó. Có thể nói đây là một hành động buôn bán công lý trắng trợn. Nếu không làm vậy thì cán bộ tư pháp đâu có giàu?

Tuy nhiên, sau đó 2 tháng tại tòa phúc thẩm, ngày 30/10/2017, Tòa án nhân dân tối cao tại TP.HCM đã tuyên huỷ toàn bộ bản án, yêu cầu điều tra lại và kiến nghị điều tra hàng loạt cá nhân liên quan. Sau một thời gian điều tra lại thì dự kiến ngày 24/09/2019 đến ngày 30/09  sẽ xét xử sơ thẩm vụ án này. Những gì mà bên bị cáo chi cho tòa án Nhân dân TP.HCM để có bản án nhẹ thì với lần xử lại này thì xem như mất trắng. Vụ án này có liên quan đến Bộ Y Tế, mà những sai phạm của cấp bộ thì khi nào các thế lực chính trị lợi dụng nó để đấu đá thì lúc đó họ mới xua Thanh tra vào cuộc. Lúc này là lúc cần xới lên những sai phạm để loại nhau ra khỏi danh sách cơ cấu cho đại hội 13, nên họ khơi dậy sai phạm của Bộ Y Tế chính vì thế mà họ mới cho xử lại vụ án, chứ không thì họ ém chìm xuồng lâu rồi.

- Quảng Cáo -

Trong vấn đề phạm tội của VN Pharma, được chia làm 2 phần, phần 1 là phía doanh nghiệp buôn tân dược giả và phần 2 là sự tiếp tay của phía cơ quan nhà nước mà cụ thể trong trường hợp này là Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế. Cơ quan này hiện nay đang được Thanh Tra Chính Phủ thanh tra trách nhiệm của cán bộ liên quan đến vụ án này. Điều đáng nói là, trong quá trình thanh tra, Thanh Tra Chính Phủ đã vấp phải tảng đá lớn, đó là sai phạm của những nhân vật thuộc Bộ Chính Trị và Ban Bí Thư quản Lý thì bắt buộc Thanh tra Chính phủ phải chuyển hồ sơ lên Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý.

Như ta biết ở cấp bộ với người đứng đầu là Ủy Viên Trung Ương Đảng như Bộ Y Tế, thì chỉ có Bộ Trưởng là người thuộc Bộ Chính Trị quản lý, còn thứ trưởng là người thuộc Ban Bí Thư quản lý. Như vậy câu hỏi đặt ra là, nếu người đứng đầu Bộ chính Trị và Ban Bí Thư quyết định không xử lý người này thì xem như luật pháp bất lực sao? Đúng! Vụ buôn tân dược giả này có trót lọt hay không là bởi sự tiếp tay từ phía Cục Quản Lý Dược của Bộ Y Tế. Vậy nếu không có bàn tay của Bộ Chính Trị và Ban Bí Thư Trung Ương thọc vào mang tính bắc buộc trong quy định của ĐCS, thì chắc chắn những người có trách nhiệm của bộ này đã bị truy tố từ hơn 2 năm trước. Đó chính là quy trình xử lý những lãnh đạo phạm pháp của ĐCS, quyền xử lý này đã không trao cho luật pháp mà lại trao cho người đứng đầu ĐCS.

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng chống tham nhũng do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 04/03/2016, ông Phạm Trọng Đạt – Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ đã nói “chống tham nhũng có khi chúng tôi chết trước”. Đây là câu nói thật lòng của ông này, nó thể hiện bản chất của bộ máy nhà nước CS. Thanh tra phát hiện sai phạm của quan chức rồi, đủ cơ sở để đề nghị khởi tố rồi, nhưng nếu kẻ sai phạm kia là người của Bộ Chính Trị hoặc của Ban Bí Thư quản lý thì phải gởi hồ sơ về nơi đó để quyết định. Nếu chẳng may người đứng đầu của 2 tổ chức này xem những bộ hồ sơ gởi về là cái cớ để trả thù những Thanh tra, thì xem như xong đời mấy ông Thanh tra luôn. Đó là lý do vì sao ông Cục trưởng Cục Chống Tham hũng phải thốt lên câu nói như vậy.

Ai cũng biết, người đứng đầu Ban Bí thư và cả Bộ Chính trị chính là Tổng bí thư. Vậy thì có phải tất cả những sai phạm những cán bộ thuộc hàng thứ trưởng trở lên thì bắt buộc phải có cái gật đầu của tổng bí thư không? Đúng! Như vậy rõ ràng là, ông Nguyễn Phú Trọng chính là kẻ ra quyết định cho phép luật pháp sờ gáy ai tha cho ai. Chính cơ chế này của ĐCS, mà pháp luật bị tước mất tính công bằng của nó và trao cho ông Trọng quyền dẹp bỏ vai trò luật pháp. Khi được nắm quyền dẹp bỏ vai trò luật pháp, chính người này hướng luật pháp vào mục đích thanh trừng rất dễ dàng. Lúc đó luật pháp chỉ trừng phạt những kẻ phạm pháp mà tổng bí thư muốn trừng phạt mà thôi. Tức tính công bằng trong luật pháp không còn nữa.

Điều làm cho những người dân rất bức xúc trong thời gian gần đây là tình trạng tội phạm Trung Quốc được đặt cách không chịu tội hình sự khi phạm pháp trên lãnh thổ Việt Nam. Đây rõ ràng là một dạng của sự can thiệp vào luật pháp từ người đứng trên pháp luật. Chính người này đã cho bộ máy chính quyền dẹp bỏ luật pháp Việt Nam để ưu ái cho tội phạm Trung Quốc. Điều này đưa đến một mối nguy khôn lường cho đất nước, đó là đất nước này sẽ dễ dàng bị kiểm soát bởi ngoại bang nếu kẻ đứng trên pháp luật mà rắp tâm làm việc cho ngoại bang. Và Việt Nam ta đang như vậy. Bất hạnh thay!

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here