Biểu tình là tụ tập nhiều người cùng một quan điểm, cùng một nguyện vọng để bày tỏ thái độ ủng hộ cái gì đó, phản đối cái gì đó, góp ý sửa chữa cái gì đó. Đó có thể là chống chiến tranh, chống quân xâm lược, ủng hộ hoặc phản đối chính sách mới nào đó của nhà nước, kêu gọi bảo vệ môi trường, góp ý với chính quyền cải thiện dân sinh dân chủ, v.v… Biểu tình vốn là hành động “thiện lành” như thế nhưng sợ rằng những người biểu tình bị những người không thích biểu tình đàn áp, cho nên cũng giống như nhiều nước khác, nước Việt Nam ta phải ghi vào Hiến pháp để bảo vệ quyền biểu tình của người dân. Nó là một quyền Hiến định.
Hiến pháp năm 1946 tuy không ghi rõ chữ biểu tình nhưng vẫn có nội dung bảo đảm quyền này. Từ Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1980, Hiến pháp 1992 cho đến Hiến pháp hiện hành đều ghi rõ công dân có quyền biểu tình. Từ khi nước ta tuyên bố độc lập năm 1945 cho đến ngày nay, chưa có một nhà lãnh đạo nào, chưa có một quan chức nào dám phát biểu không thừa nhận quyền hiến định đó của người dân, trừ một người. Đó là Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân.
Trong cuộc gặp mặt với các tướng lãnh đã nghỉ hưu ngày 26-4 vừa qua, ông Nguyễn Thiện Nhân đã tuyên bố : TP.HCM hứa với Bộ Chính trị sẽ không có biểu tình. Kèm theo đó là các phương án “chống biểu tình” để thực hiện lời hứa đó. Phát biểu của ông đã được một số tờ báo chính thống tường thuật. “May” là các bài tường thuật đó đã bị gỡ bỏ, có lẽ do cơ quan tuyên giáo đã nhận ra ngay phát biểu vi hiến này. Nhưng “rủi” là nhiều phương tiện truyền thông tiếng Việt ở nước ngoài đã nhanh chóng dẫn lại và suy diễn theo nhiều mục đích khác nhau.
Theo Hiến pháp thì công dân có quyền biểu tình và việc thực hiện quyền này do pháp luật quy định, nên nhiều người cho rằng phải có Luật biểu tình thì mới đi biểu tình được. Nhưng theo tôi thì không nhất thiết, vì người dân có quyền làm tất cả những gì mà luật pháp không cấm. Ban hành Luật Biểu tình là trách nhiệm của Quốc hội, việc chưa có nó có thể là cơ quan lập pháp thấy chưa cần thiết hoặc né tránh. Nhưng dù là thấy chưa cần thiết hay là né tránh thì việc chưa có đạo luật này phải được hiểu là việc biểu tình không bị giới hạn gì thêm ngoài những giới hạn quy định tại các đạo luật hiện hành liên quan. Có nghĩa là, người dân vẫn có thể đi biểu tình nhưng không được gây cản trở giao thông, không bạo loạn xâm hại đến tính mạng và thân thể người khác, không xâm hại tài sản của nhà nước và của công dân cùng các hành vi khác bị pháp luật cấm. Nước ta đã có đủ các luật để điều chỉnh các hành vi này.
Nhiệm vụ của chính quyền là ngăn chặn các hành vi phạm pháp của những người biểu tình nếu có, chứ không phải là áp dụng các biện pháp loại bỏ biểu tình, trừ việc cải thiện tình trạng bất bình do chính quyền gây ra để người dân không còn lý do đi biểu tình nữa. Chính quyền chỉ được phép chống bạo loạn, không để cho những người biểu tình vi phạm pháp luật chứ không được phép chống biểu tình ôn hòa theo đúng nghĩa của nó. Đó là chưa nói chính quyền có nghĩa vụ phải lắng nghe nguyện vọng mà những người biểu tình ôn hòa đề đạt.
Ở tất cả các nước, kể cả ở những nước dân chủ nhất, không một nhà đương cục nào thích có biểu tình. Nhưng các nhà lập hiến bảo đảm cho công dân có mọi cơ hội để biểu đạt ý kiến, trong đó có biểu đạt bằng biểu tình. Các công dân có nhiều cách biểu đạt ý kiến, những ai thấy chỉ đi biểu tình mới biểu đạt được ý kiến của mình thì Hiến pháp bảo đảm. Các nhà đương cục dù không thích nhưng vẫn phải chấp nhận và nên coi đó là một trong những phương thuốc chữa những khiếm khuyết của bộ máy nhà nước.
Nếu như trong Bộ Chính trị ai cũng không thừa nhận quyền hiến định này của công dân như Bi thư Thành ủy TP.HCM thì việc xây dựng Nhà nước pháp quyền chỉ tồn tại trên giấy, thỉnh thoảng mang ra nói đi nói lại cho vui mà thôi. Hy vọng đây chỉ là trường hợp cá biệt trong giới lãnh đạo đất nước./.