Trúc Giang – (VNTB) – Dự luật này mặc dù được báo chí nhắc tới nhiều lần, song như đã nói ở trên, cụ thể nội dung mà các nhà soạn thảo của Bộ Công an đã chấp bút ra sao thì đến nay vẫn không thấy đăng tải công khai để người dân tìm hiểu.
Về dự án Luật Biểu tình đang được Bộ Công an tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu lý luận, cơ sở pháp lý và tổ chức khảo sát thực tế tại các đơn vị, địa phương để nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Biểu tình bảo đảm thực thi quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tránh các thế lực thù địch lợi dụng biểu tình để gây rối mất trật tự, chống phá Đảng, Nhà nước”.
Đó là nội dung ngắn gọn mang tính thông báo được đưa ra tại phiên họp thứ 33, cho ý kiến về chương trình xây dựng Luật và Pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tính đến thời điểm hạ tuần tháng 4-2019, trên trang Thư viện Quốc hội, chuyên mục về các dự thảo luật, vẫn chưa thấy đăng tải dự thảo luật biểu tình. Người dân muốn tìm kiếm dự luật này để tham khảo, góp ý vẫn không biết phải tìm ở đâu. Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, chuyên mục “Văn bản dự thảo đang lấy ý kiến” cũng không có nội dung liên quan đến dự luật biểu tình. [http://bocongan.gov.vn/van-ban/van-ban-du-thao.html]
Sẽ tương thích với nhiều luật liên quan “quyền con người”?
Trên báo Tuổi Trẻ số phát hành ngày 17-7-2018 có đăng bản tin “Cải chính” như sau (trích): “Báo Tuổi Trẻ Online ngày 19-6-2018 đăng bài viết “Chủ tịch nước đồng ý cần ban hành Luật biểu tình”. Trong bài viết này, Tuổi Trẻ Online có đăng: “Tiếp xúc cử tri với vai trò đại biểu Quốc hội TP.HCM, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nói ông đồng tình với kiến nghị của cử tri cần có Luật biểu tình và hứa báo cáo Quốc hội về nội dung này”. Trên thực tế, khi tiếp xúc với cử tri tại TP.HCM ngày 19-6-2018, Chủ tịch nước Trần Đại Quang không phát biểu nội dung trên”.
Sinh thời, chủ tịch nước Trần Đại Quang không lên tiếng về nội dung “Cải chính” đó. Tuy nhiên trên thực tế, theo ghi nhận của báo chí, đúng là cử tri và nhiều đại biểu Quốc hội nhiều lần yêu cầu cần phải luật hóa quyền biểu tình được Hiến định, vì đây còn là “quyền con người”.
Trước đó, vào năm 2016, tại phiên thảo luận của Quốc hội sáng 26-7 về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) yêu cầu được trả lời câu hỏi “Luật biểu tình lùi đến bao giờ?”. Theo bà Kim Thúy, biểu tình là quyền con người, quyền công dân đã được Hiến pháp quy định, việc xây dựng Luật biểu tình là trách nhiệm của Quốc hội. Vì vậy, câu hỏi nêu trên phải được trả lời rõ ràng, minh bạch.
“Đề nghị đưa dự án luật vào chương trình kỳ họp thứ 4 của Quốc hội (cuối năm 2017), thông qua vào kỳ họp thứ 5 (giữa năm 2018) để sớm trả món nợ Luật biểu tình cho dân” – đại biểu Trương Trọng Nghĩa (luật sư, Đoàn TP.HCM) yêu cầu. Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho rằng việc Chính phủ giao Bộ Công an trực tiếp soạn thảo đạo luật này là gây khó cho Bộ Công an. “Tôi đề nghị giao cho Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng, Bộ Công an chỉ tham gia phản biện” – ông Xuyền gợi ý.
Tập hợp kiến nghị cử tri từ Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho biết, cử tri các tỉnh Quảng Bình, Long An, TP.HCM, Hải Phòng kiến nghị: trong tình hình hiện nay, việc ban hành Luật biểu tình là rất cần thiết, nhằm hướng dẫn người dân thực hiện quyền công dân chính đáng của mình và xử lý nghiêm các hoạt động biểu tình trái phép, gây mất an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Tuy nhiên mọi chuyện vẫn tiếp tục được treo đến tận hôm nay, và Bộ Công an vẫn là nơi được giao chấp bút soạn thảo. Bối cảnh hiện tại khác nhiều so hồi giữa năm 2018, vì Quốc hội đã phê chuẩn việc thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership – CPTPP); trong đó quyền tự do lập hội, tự do công đoàn và tự do bày tỏ chính trị là một thỏa thuận mang tính ràng buộc phía Việt Nam phải thực hiện. Như vậy dự luật biểu tình còn phải đồng thời có tính tương thích với tất cả các quyền dân sự này.
Diện mạo của dự luật biểu tình ra sao?
Hội đồng Hiến pháp “vắng mặt” trong Hiến pháp 2013, trong khi hệ thống tư pháp còn thiếu tính độc lập, chưa thực sự là các cơ quan bảo vệ công lý khiến khả năng bảo đảm các quyền con người, quyền công dân là một thách thức.
Như vậy phải chăng điệp khúc quen thuộc sẽ được lặp lại: Muốn biểu tình phải chờ luật? Và dự luật này mặc dù được báo chí nhắc tới nhiều lần, song như đã nói ở trên, cụ thể nội dung mà các nhà soạn thảo của Bộ Công an đã chấp bút ra sao thì đến nay vẫn không thấy đăng tải công khai để người dân tìm hiểu.
“Tôi không nghĩ phải tiếp tục chờ đợi, nếu như một khi có công đoàn độc lập, thì những tổ chức công đoàn, nghiệp đoàn này đã có quyền tổ chức những cuộc biểu tình theo đúng những cam kết thực thi CPTPP”. Luật sư Trần Thành nói. Theo đó, “quyền biểu tình” của công dân được nhắc đến trong Điều 25 Hiến pháp 2013. Một khi Luật về Hội sắp tới đây được ban hành, có nghĩa yêu cầu của vế thứ hai trong Điều 25 “Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”, đã được hình thành.
Dĩ nhiên khi chưa có phần quy định riêng cho quyền công dân trong biểu tình (luật chuyên ngành), thì công dân đương nhiên được biểu tình, và khi ấy có thể đối mặt với việc nảy sinh bạo loạn, sử dụng bạo lực.
Nhà chức trách lâu nay vẫn ám ảnh bởi những cuộc biểu tình ở miền Nam Việt Nam trước 1975, nên mặc định biểu tình có sử dụng bạo lực và các hành vi gây rối trật tự công cộng. Thế nhưng nhà chức trách lại quên mất rằng phải nhìn nhận đây là một quyền của công dân. Con người có quyền bày tỏ ý kiến về vấn đề nào đó họ muốn, trong một giới hạn cho phép, và giới hạn này sẽ được nêu ra khi xây dựng Luật biểu tình.
Nói một cách khác, Luật biểu tình sẽ tạo hành lang pháp lý cho việc giải tỏa những căng thẳng, bức xúc trong xã hội, qua đó tạo ra sự đồng thuận xã hội nhằm thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển, là căn cứ pháp lý để nhà nước Việt Nam đấu tranh chống lại những xuyên tạc về dân chủ, nhân quyền của các thế lực thù địch – nếu có.
Khi nào thì biểu tình là trái pháp luật?
“Điều 25 của Hiến pháp hiện hành quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.
Mệnh đề “các quyền này do pháp luật quy định” khiến người dân lúng túng, do dự khi thực hiện quyền biểu tình, và bộ máy chính quyền dựa vào đó để phủ nhận quyền biểu tình của công dân trên thực tế. Cần phải hiểu “do pháp luật quy định” là tuân theo những quy định thuộc về pháp luật – nếu đã có. Chưa có luật tương ứng thì có nghĩa là chưa có hạn chế, bởi không thể dùng cái chưa có để hạn chế thực tại. Trong bối cảnh thực thi CPTPP với việc sắp tới đây sẽ ban hành Luật về Hội, cho thấy chính các tổ chức hội đoàn dân sự này đã có thể đứng ra tổ chức những cuộc biểu tình đúng theo “pháp luật quy định”. Luật gia Cao Minh Tâm lập luận.
Thế nhưng trên thực tế thì làm gì có “pháp luật quy định” về biểu tình? Luật gia Tâm cho rằng lâu nay nhà chức trách vẫn viện dẫn Nghị định 38/2005/NĐ-CP với lý do ‘để giữ gìn trật tự công cộng, góp phần bảo đảm quyền tự do dân chủ của công dân theo quy định của pháp luật’ để cho rằng biểu tình trái pháp luật.
“Tôi nghĩ một khi có Luật về Hội, thì Hội Nhà báo độc lập Việt Nam hay bất kỳ hội đoàn dân sự nào khác đều đứng ra tổ chức ‘biểu tình đúng pháp luật’, qua việc thực hiện đăng ký trước với Uỷ ban nhân dân có thẩm quyền nơi diễn ra các hoạt động đó, được quy định ở Điều 7 Nghị định 38/2005/NĐ-CP, về việc tập trung đông người ở nơi công cộng”.
Luật sư Trần Thành tiếp lời, “Điều 14 Hiến pháp đã khẳng định: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.
Như vậy, khi biểu tình diễn ra mà không đe dọa an ninh quốc gia, trật tự xã hội thì hoàn toàn phù hợp; nhất là trong trường hợp các hội đoàn dân sự đứng ra tổ chức những cuộc biểu tình này thì Ủy ban nhân dân địa phương nơi sẽ diễn ra biểu tình, bắt buộc phải chấp nhận đăng ký. Bằng không thì các vị chủ tịch ủy ban này sẽ đối mặt cáo buộc tù tội hình sự.
Điều 167, Bộ luật hình sự 2015 quy định người nào dùng vũ lực, đe doạn dùng vũ lực hay các thủ đoạn khác cản trở công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân mà đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm”.