Người dân Việt Nam trong những năm gần đây liên tục bị những vỏ bọc “dùng hàng Việt Nam là yêu nước” đến từ các tập đoàn bất động sản, tập đoàn thực phẩm tiêu dùng.
“Made in Vietnam” hay “hàng Việt Nam chất lượng cao” vốn cao quý, nhưng giờ đây được sử dụng như những chiêu trò, thủ đoạn tinh vi để móc túi người dùng.
Mới đây, Nhật Bản thu hồi gần 20.000 chai tương ớt nhãn hiệu Chinsu do hai lỗi: vi phạm về dán nhãn; hai là có chất cấm trong sản phẩm này, cụ thể là axit benzoic, axit sorbic…
Hồi đáp về sự kiện này, đại diện Công ty Mansan trả lời báo Tuổi Trẻ ngày 6.4 cho biết, “lấy làm tiếc về sự cố nêu trên”, đồng thời, “chưa thể có kết luận chính thức về nguồn gốc xuất xứ của lô hàng này, nhưng nhiều khả năng đây là sản phẩm dành riêng cho thị trường Việt Nam”.
Điều này đồng nghĩa với việc, bấy lâu nay, thị trường nội địa nuôi sống Masan, nhưng bị Masan coi như “đứa con ghẻ”, và chính vì thế, nên những hàng có chất lượng được xuất khẩu đi các nước, trong khi hàng kém chất lượng (có lượng hóa chất cấm) lại được Masan cung cấp cho thị trường Việt Nam.
Facebooker Phạm Việt Thắng trong một chia sẻ trên Facebook cá nhân đã cho biết: [Masan] Coi tính mạng đồng bào mình như cỏ rác, vậy thì còn lí do gì nữa mà không tẩy chay ngay và luôn!.
Đây không phải là lần đầu tiên những tập đoàn Việt Nam chuộng ngoại và khinh nội, nơi mà giá trị về chất lượng sản phẩm luôn là sự lừa dối, và vì lợi nhuận, các tập đoàn này bằng quyền lực truyền thông kêu gọi người dân “ủng hộ sản phẩm Việt”. Trước đó, sản phẩm Bphone của tập đoàn Bkav gây “bão dư luận” bởi việc lừa dối khách hàng Việt trắng trợn về nguồn gốc xuất xứ của điện thoại. Những tập đoàn lừa dối này tiếp tục sống và vươn lên bằng sự nhẫn nhịn của người dùng Việt Nam, họ được phong là “tỷ phú USD Việt Nam” với các danh từ hảo mỹ như “tỷ phú đầu tiên của người Việt trong lĩnh vực…”, “tấm gương lập nghiệp thành công”.
Người Việt từng kỳ vọng vào những hậu nhân nối tiếp tinh thần của cụ Bạch Thái Bưởi, người mà được coi là “bậc vĩ nhân đất Bắc, một bậc trượng phu nơi thương trường mà cuộc đời của Cụ đáng phô bầy cho quốc dân, sự nghiệp của Cụ đáng làm gương cho các nhà buôn bán noi theo”. Tấm gương noi theo bao hàm cả tài và đạo đức trong kinh doanh của cụ Bạch Thái Bưởi. Đáng tiếc, cho đến nay, những tỷ phú USD người Việt hầu như không có “nhu cầu” để đạo đức lên ngôi, bởi họ có đầy đủ quyền và tiền trong tay khuynh đảo những giá trị ngay thẳng trong xã hội, và một phần đến từ việc người dùng Việt chưa thực hành đầy đủ sự tẩy chay đối với các hàng hóa kém chất lượng.
Cần một cuộc vận động tẩy chay hàng kém chất lượng
Khi không gian thông tin được mở rộng, sự hiểu biết của con người Việt nam trở nên đa chiều hơn. Sức mạnh của mạng xã hội trong phô bày sự không minh bạch và những gian dối trong con người, tổ chức, thì đây cũng là những điều kiện thuận lợi để tiến hành một cuộc vận động tẩy chay hàng kém chất lượng, những sản phẩm từ các tập đoàn phi nhân tính.
Mới đây, việc xuất hiện hình ảnh nước mắm, tương ớt Masan bị ném vào sọt rác vì chiêu trò dìm hàng nước mắm truyền thống đã cho thấy, nếu người dân Việt đồng thuận, coi việc “gian dối trong tiêu chí sản phẩm và cạnh tranh không lành mạnh” là kẻ thù thì việc quay lưng lại với sản phẩm là một phương pháp đấu tranh dân sự, phản ánh đúng mức quyền lực và vai trò người tiêu dùng. Là cách thức để tuyên bố thẳng rằng: dân không cần những tập đoàn phi nhân tính. Những tập đoàn với những kẻ lưu manh làm kinh doanh, tìm kiếm lợi nhuận trên chính sự tận diệt sức khỏe của đồng bào mình. Chính cuộc vận động tẩy chay này sẽ buộc các tập đoàn phi nhân tính phải suy tính lại cách kinh doanh vô đạo đức của chính mình, trong bối cảnh, vai trò quản lý nhà nước đối với các tập đoàn phi nhân tính này còn lu mờ./.