Paulus Lê Sơn – Web Việt Tân
Trong số 50.000 cử nhân công nghệ thông tin ra trường mỗi năm, chỉ có khoảng 30% làm việc được ngay, còn 70% phải đào tạo lại. Đó là con số được đưa ra bởi ông Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục và Đào Tạo Phùng Xuân Nhạ.
Cuối tháng 3 vừa qua, trong buổi tọa đàm “Phát triển nguồn nhân lực ICT (Công nghệ thông tin và truyền thông) trình độ cao: Gắn kết cơ sở giáo dục đại học – doanh nghiệp” được tổ chức tại Hà Nội, ông Phùng Xuân Nhạ, sau khi đưa ra số liệu đáng buồn nói trên, thì khẳng định là sẽ quyết tâm làm khác, để việc đào tạo đi vào thực chất, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Thật trớ trêu trong bối cảnh xã hội đang khát nhân lực có chất lượng cao, phẩm chất tốt nhất để phát triển đất nước thì có hơn đến 2/3 số cử nhân ra trường phải đào tạo lại.
“Không hiếm trường hợp sinh viên ra trường không viết nổi một văn bản, nhiều doanh nghiệp phải đào tạo bổ sung nếu tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp. Nhà trường chưa dành nhiều thời gian đào tạo kỹ năng mềm, người học thiếu tính chủ động, nên sản phẩm giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng và xã hội”, Đại Biểu Quốc Hội Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) đã nhận định.
Tại sao lại có chuyện vô lý như vậy?
Hệ thống giáo dục và đào tạo tại Việt Nam không có định hướng. Đào tạo tràn lan, chạy bằng, xin điểm, thi đua thành tích, không màng gì đến mục đích căn cơ là đào tạo nhân sự chất lượng cao, phẩm chất tốt cho xã hội.
Theo Giáo Sư Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ Trưởng Bộ GD & ĐT cho rằng “Giáo dục đại học rất quan trọng. Bởi nếu không tốt thì sẽ không ra được nguồn nhân lực như chúng ta mong muốn, không ra con người trí thức trẻ. Mình cứ nói ‘hiền tài là nguyên khí của quốc gia’, nhưng nếu không có người nối tiếp thì cũng không có nguyên khí. Một điều đáng lo lắng, thuộc về căn nguyên là không chỉ người dân mà ngay nhà nước vẫn có chính sách khuyến khích chạy theo bằng cấp.”
Một thực trạng hiện nay là rất nhiều sinh viên ra trường thất nghiệp lên đến 63%. Họ bị các doanh nghiệp từ chối tuyển dụng, trong đó có hai lý do khiến nhà tuyển dụng lo sợ như là không có định hướng nghề nghiệp rõ ràng hoặc thiếu các kỹ năng mềm cần thiết. Thậy vậy, nhiều trường đại học vẫn chưa xác định được kỹ năng cần thiết để trang bị cho sinh viên.
Thông thường trong 4 năm học của sinh viên thì năm nhất, năm hai khi bắt đầu bước vào đại học buộc phải học các môn đại cương gồm Triết học Mác Lê, tư tưởng Hồ Chí Minh, Kinh tế chính trị, Chủ nghĩa xã hội khoa học, lịch sử Đảng, Pháp luật đại cương, Tâm lý, Xác suất thống kê… được giảng dạy ở hầu hết các học viện, đại học, cao đẳng.
Thay vì mất thời gian học các môn học này, các sinh viên nên được đào tạo bài bản các môn học chuyên ngành ngay từ đầu cùng những kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp thì sẽ có nguồn nhân lực chất lượng cho xã hội chứ không phải là những tay mơ sau khi ra trường.
Tổ chức đào tạo sinh viên tốt để có lực lượng nhân chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xã hội và là sức bật cho sự phát triển kinh tế. Tuy nhiên, trong môi trường giáo dục và đào tạo tại Việt Nam hoặc biến sinh viên trở thành con robot, hoặc thụ động, nhồi sọ, mang nặng tính giáo điều, lý thuyết suông.
Cơ chế xã hội nhồi nhét vào não trạng của học sinh, sinh viên quá nhiều điều theo chủ quan của nhà cầm quyền mà bất cần đến đích đến của họ trong tương lai. Dường như sinh viên bị triệt tiêu tư duy phản biện, khả năng sáng tạo tri thức rất nhiều trong giảng đường. Sinh viên có thể bị giáng phạt nếu đứng lên phản biện những điều phi logic, phi thực tế trong các môn học Triết học Mác Lê, tư tưởng Hồ Chí Minh, Kinh tế chính trị, Chủ nghĩa xã hội khoa học.
Con số 70% cử nhân công nghệ thông tin phải đào tạo lại sau 4 năm đại học cho thấy sản phẩm của một nền giáo dục không định hướng, không có triết lý và mang nặng tính kềm kẹp kéo dài hàng mấy thập niên qua.
Nó cũng cho thấy sự hoang phí nguyên khí quốc gia là con người, là trí tuệ. Cùng với thời gian dài đằng đẳng của hàng ngàn sinh viên trong suốt 4 năm học, và tài sản hàng ngàn tỉ đồng khổng lồ của phụ huynh học sinh tất cả ném xuống sông, xuống biển.
Nhà cầm quyền có dám để cho giáo dục phá bỏ tư duy, thói quen cũ để thay áo mới?
Có lẽ họ sợ hãi, hoảng hốt, sợ thay đổi hay rụt rè. Bởi khi đổi thay cơ chế đào tạo thì trí tuệ con người, tư duy xã hội, dân trí được nâng lên tầm cao mới, và lúc đó thì người dân sẽ phản biện mạnh mẽ hơn trước những thực tại bất công xảy ra trong xã hội. Như vậy nhà cầm quyền mất khả năng kiểm soát, dẫn đến tiêu vong.
5/4/2019
Paulus Lê Sơn