Ngô Nhân Dụng – Người Việt
Vụ chùa Ba Vàng bị vỡ lở vì làm tiền bằng cách gieo rắc mê tín dị đoan không phải chỉ là một hành động lẻ loi của một ông sư đảng viên quá tham lam. Cũng không phải chỉ là cuộc tranh chấp giữa một ông sư tỉnh lẻ với một ông sư ở trung ương được báo chí nhà nước hỗ trợ. Nhìn kỹ, thì đây là một “hiện tượng” nổi lên trên mặt nước mà dưới đáy lâu là “bản chất,” một chế độ độc tài toàn trị muốn kiểm soát cả các hoạt động tôn giáo.
Ông sư chùa Ba Vàng, Vũ Minh Hiếu, 52 tuổi, là một đảng viên Cộng Sản. Ông ta mới cạo đầu năm 1999 sau khi xin vào chùa thực tập năm trước. Ông đã chọn tới xin học tại một thiền viện ở miền Nam do một vị hòa thượng được mọi người kính trọng sáng lập. Chính vị hòa thượng lớn tuổi chắc cũng không biết ông là người thế nào khi ông được xuất gia; nhưng ông sư trẻ 40 thì được hưởng lây uy tín.
Nhưng hoạt động kinh doanh của ông đã đi quá đà khi lợi dụng lòng mê tín của người dân một cách quá lộ liễu. Và ông thành công rầm rộ đến nỗi “cấp trên” trong tổ chức tôn giáo của đảng Cộng Sản phải ganh tức. Báo chí được khuyến khích đi phanh phui, tố cáo những hoạt động mê tín làm ra tiền này.
Vũ Minh Hiếu đã tổ chức các lễ “thỉnh vong, giải oan gia trái chủ,” được một bà đệ tử góp công vận động qua những bài thuyết giảng, video và tổ chức việc kinh doanh. Họ thỉnh vong, theo phong tục “gọi hồn,” khi một người muốn tiếp xúc với vong linh người đã chết. Họ có thể mời vong hồn nhập vào một người, giống như khi “lên đồng.” Khi đó “bà đồng” sẽ chữa bệnh và “phán số kiếp” của người đến xin. “Vong” sẽ bắt người thân của mình phải “trả nợ” để chính họ được thoát nợ những tội lỗi đã làm từ kiếp trước. Số tiền gọi là “tiền giải nghiệp,” lớn từ vài triệu đến vài chục triệu đồng Việt Nam.
Vũ Minh Hiếu đã bị mất chức, nhưng chưa thấy nói có mất thẻ đảng hay không. Nhưng qua vụ này người ta thấy bản chất của việc lũng đoạn các tổ chức tôn giáo của đảng Cộng Sản Việt Nam.
Bản chất của Cộng Sản là độc tài toàn trị. Họ muốn kiểm soát tất cả các hoạt động trong xã hội, qua các đoàn thể phụ thuộc, từ các hội nhà văn, công đoàn, cho tới Hội Chữ Thập Đỏ. Họ không thể kiểm soát được Giáo Hội Công Giáo, nhưng đã nắm Phật Giáo trong tay qua tổ chức Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, mà người dân gọi là Giáo Hội Phật Giáo Quốc Doanh.
Từ mấy ngàn năm nay, Phật Giáo vốn không có một tổ chức cai quản tất cả các người đi tu và các tu viện, chùa chiền. Thời xưa ở nước ta, các ông vua, họ có thể phong chức “tăng thống” nhưng vị tăng thống chỉ là một người đạo hạnh cao để làm gương chứ không phải là người quản trị, điều hành các chùa hoặc tu viện. Và ông vua không có quyền hành gì trên vị tăng thống, cũng như các chùa chiền.
Tại những nước Nam Tông mà đạo Phật được coi là quốc giáo, vẫn luôn luôn có các vị sư sống độc lập, có khi sống một mình trong rừng. Các Phật tử kính mộ có thể mời vị sư vào một ngôi chùa, mà không cần chỉ thị nào từ trên ban xuống. Miền Nam Việt Nam trước đây vẫn sống trong truyền thống như thế, cho nên mới có những danh tăng nổi tiếng. Phật Thầy Tây An, Ông Sư Vãi Bán Khoai, đều là những người tự do hành đạo xây dựng những đạo tràng trong thế kỷ 19. Đức Huỳnh Giáo Chủ đã xây dựng cả một tông phái Phật Giáo mới vào đầu thế kỷ trước.
Hiện nay tổ chức Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam hoàn toàn nằm trong vòng tay kiểm soát của đảng Cộng Sản; đặc biệt tại miền Bắc. Không ai được “tu độc lập, tự do.”
Như chúng ta thấy, ông sư Vũ Minh Hiếu đã bị Ban Thường Trực Hội Đồng Trị Sự của khu vực miền Bắc họp bàn và cách chức. Nhưng trong hội nghị của họ, “có mời đại diện Cục An Ninh Nội Địa và Ban Tôn Giáo Chính Phủ cùng tham dự.” Chỉ cách chức ông sư tại một ngôi chùa, mà cũng phải mời cả hai ngành của guồng máy nhà nước chứng giám! Chính những người cầm đầu “giáo hội” chịu cúi đầu khuất phục dưới chế độ độc tài!
Ban Tôn Giáo Chính Phủ, mà báo Lao Động gọi là “cơ quan có nhiệm vụ theo dõi hoạt động tôn giáo,” là một tổ chức vừa lo kiểm soát vừa làm kinh tài của đảng Cộng Sản. Họ “chỉ đạo” cho những người cầm đầu “Giáo Hội Phật Giáo.” Không ai được phép trụ trì một ngôi chùa nếu không được đảng cho phép, dù đông đảo Phật tử có kính mộ. Các chùa thu được nhiều tiền sẽ được hỏi thăm.
Cuối cùng, các chùa chiền thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam bị biến thành guồng máy kinh tài cho đảng Cộng Sản. Không khác gì các doanh nghiệp nhà nước làm kinh tài cho các bộ công nghệ, bộ canh nông hoặc thương mại.
Một điều đặc biệt là tổ chức kinh doanh tôn giáo này không bị ràng buộc như các “xí nghiệp” khác.
Luật Sư Phùng Thanh Sơn ở Sài Gòn viết trên Facebook cá nhân cho thấy “Kinh doanh thần thánh là ngành nghề được ưu đãi và an toàn nhất Việt Nam.”
Nghề này được ưu đãi “vì được miễn tiền sử dụng đất, không đóng thuế thu nhập, không bị thanh tra, kiểm tra thuế, không bị nhà nước kiểm toán, không bị xử lý nếu sử dụng tiền (cúng dường) sai mục đích.”
Ngoài ra, Luật Sư Phùng Thanh Sơn còn nhận thấy “những người có chức sắc không bị xử lý hình sự nếu lấy tiền công đức (tức là thu nhập của công ty) làm của riêng.” Trong khi đó, giám đốc các xí nghiệp quốc doanh có thể bị hỏi tội này nếu phe đảng của họ đổ.
Khi một một vụ tham nhũng ở công ty quốc doanh bị khui ra, các chức sắc sẽ bị đưa ra tòa. Còn khi vụ kinh doanh mê tín của Vũ Minh Hiếu bị đổ bể, ông ta mất chức ở chùa, nhưng không biết có bị đưa ra tòa án ngoài đời hay không!
Các ông cựu giám đốc doanh nghiệp nhà nước đang ra tòa có thể khiếu nại: Tại sao, cùng là đảng viên nhận nhiệm vụ do đảng giao phó, mà chúng tôi bị bạc đãi còn các cán bộ đầu trọc được hưởng đủ thứ ưu tiên như vậy?
Tất cả những tệ nạn mê tín, buôn thần bán thánh như trên, đều là hậu quả của tình trạng đảng Cộng Sản kiểm soát tôn giáo, đặc biệt là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.
Đảng Cộng Sản không thao túng được tất cả các chùa chiền và các tăng ni. Rất nhiều chùa bị bắt buộc phải gia nhập tổ chức này, nhưng tăng ni vẫn sống trong thanh quy, giới luật. Họ vẫn giúp các Phật tử tìm về chánh đạo nhờ gìn giữ hạnh tu. Họ không bị đảng Cộng Sản sách nhiễu nếu không tỏ ra chống đối nhà nước. Nhờ những người đó mà đạo Phật vẫn còn tương lai; nhất là khi các tăng ni tu học theo các pháp môn mới, đáp lại nhu cầu tu tập của thế hệ trẻ và có học.
Nhưng không ai tin rằng những người cầm đầu Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam có thể cải thiện các chùa dưới quyền họ để giảm bớt nạn kinh doanh lợi dụng óc mê tín như ở chùa Ba Vàng. Bởi vì mỗi quyết định của “Giáo Hội,” ở trung ương và nhất là địa phương, đều phải được các bí thư và đảng ủy phê chuẩn. Một ngôi chùa “phát tài” là một nguồn lợi lớn và an toàn cho các ông bà quan này. Lớn và an toàn hơn các doanh nghiệp nhà nước trong địa phương của họ. Ai muốn giết những con gà đẻ trứng vàng như thế?
Đại nạn của Phật Giáo Việt Nam hiện nay là phải sống dưới một chế độ độc tài toàn trị. Khi nào chế độ đó tan rã, mới có thể xây dựng lại xã hội, xây dựng lại đạo ý, và trùng hưng Phật Giáo.
Ngô Nhân DụngN