VietTuSaiGon’s blog – RFA
Câu trả lời rõ, nhanh, gọn là: Không thể công bố, vì sự gian lận có trong một hệ thống chứ không riêng gì vài trường hợp, nếu công bố thì cả hệ thống giáo dục lung lay. Vì sao?
Vì không riêng gì lúc này, không riêng gì năm 2018, 2019 mới có chuyện gian lận cộm cán trong giáo dục. Cũng không riêng gì ngành công an hay trường an ninh mới có gian lận cộm cán trong giáo dục mà hầu hết các ngành.
Sở dĩ năm 2018 ngành công an bị thòi ra một mớ thí sinh gian lận thi cử vì ngành này đang hot, đang được xem là ngành kiếm ăn dễ nhất và có quyền lực nhất trong mọi ngành (thời công an trị thì phải vậy thôi!).
Trước đây, khi ngành tòa án, giáo dục hay y tế có ăn, chuyện gian lận thi cử cũng xảy ra nhiều vô kể nhưng thời đó không có các mạng xã hội để phanh phui. Hơn nữa, thời đó “con quan lại được làm quan” như một hiển nhiên, người ta biết con của cán bộ đó dốt đặc cán mai, học hành, đạo đức chả ra trò trống gì nhưng vẫn thi được điểm cao và khi ra trường giữ ghế quyền lực… Và xem đó là lẽ đời, thói đời, chẳng có gì để bàn.
Những năm 2000, hình ảnh các nhóm sinh viên tốt nghiệp ra trường và các nhóm giang hồ phối hợp với nhau ở các hội đồng thi tốt nghiệp từ Nam chí Bắc, còn công an thì cũng đứng canh, cũng làm mọi thủ tục nhưng “không hề nhìn thấy chuyện gì”. Các nhóm giang hồ nhảy rào vào trong phòng thi để lấy đề ra, ngoài này các sinh viên ngồi giải bài rồi giao cho giang hồ mang vào bên trong cho thí sinh…
Những năm 2010 trở đi, chuyện này có phần giảm bớt, thậm chí không thấy ở một số thành phố lớn bởi các trang mạng xã hội bắt đầu xuất hiện và hình ảnh nhảy rào sẽ bị phanh phui. Có vẻ như thấy được điều này, các hội động thi chuyển vào hoạt động kín, thay vì nhận tiền, làm ngơ để các thí sinh tha hồ coppy và đề thi lộ ra ngoài thì người ta làm nghiêm chuyện này và có những thương lượng bên trong. Hơn nữa, thời kinh tế phát triển, mọi thứ dễ mua dễ bán hơn và cũng tinh vi hơn.
Và, không ít những trường hợp dốt đặc cán mai, thi toàn quay cóp của những năm 2000 bây giờ đã ngồi ghế lãnh đạo. Đó là chưa nói đến các ông, các bà cán bộ học hệ tại chức hoàn toàn không biết gì khi ngồi trên lớp nhưng có điểm thi cao ngất. Có nhiều ông, nhiều bà khi chép bài giải, dấu hiệu vô cực mà các ông, các bà cứ nghĩ đó là số 8 viết bị nghiêng nên sửa cho nó đứng lại thành số 8 và khi ra khỏi phòng thi còn hí hửng khoe cái sự thông minh, nhanh trí này của mình! Các lớp cán bộ này hiện nay không ít người đứng đầu tỉnh, có người lóp ngóp bò ra tới trung ương.
Thử hỏi, bây giờ nếu chấp nhận cuộc chơi, phanh phui tên tuổi 44 thí sinh ở Sơn La thì hệ quả là các thí sinh bị phanh phui sau 44 thí sinh kia cũng bị nêu danh tánh. Mà nêu danh tánh họ thì việc gì sẽ xảy ra?
Trước nhất, phải hỏi là 44 thí sinh kia và những thí sinh gian lận điểm thi là ai? Là con ông nào, bà nào? Câu trả lời là chắc chắn một điều cha mẹ họ có quyền lực, đặc biệt là quyền lực liên quan đến ngành công an. Mà một khi nêu danh tánh của con thì phải lòi mặt cha mẹ. Người ta nói “đánh chó phải ngó mặt chủ” là vậy!
Giờ nếu tên tuổi của những thí sinh kia bị lộ trước công chúng, cha mẹ cũng bì thừ mặt trước công luận, thì hậu quả cho giới quan chức đương quyền thật là khó mà lường. Người Việt thường nói, “chó chết thì mèo cũng nhăn răng” là vậy. Giờ mà tên tuổi thí sinh gian lận điểm bị phanh phui thì không chừng, có cả hàng tá, hàng đống cán bộ có bằng đại học, cao học, thạc sĩ, tiến sĩ cũng bị phanh phui, cũng chịu nhục còn nặng nề hơn vụ các thí sinh kia!
Vì cả một hệ thống toàn những tấm bằng giả cầy, những tấm bằng chưa một ngày đi học và người cầm bằng không biết gì về lượng tri thức mà tấm bằng ấy bảo chứng. Thứ mà họ biết là luồn lách, thủ đoạn, chơi bẩn với nhau… Giờ nếu như có một cuộc thanh lọc bằng cấp, nếu như có một cuộc tổng kiểm tra bằng cấp và trình độ của chủ bằng, không chừng tỉ lệ sống sót chưa tới 10%!
Và đây không còn là vấn đề đơn giản, nó trở thành chuyện nhức nhối của chế độ. Bởi đuổi hết những kẻ bằng giả về vườn hoặc để họ lòi mặt, mất uy tín thì lấy ai làm cán bộ? Mà để cho họ ngồi thêm thì lại càng làm cho chế độ lung lay tận gốc rễ!
Từ đó để suy ra, để thấy rằng việc không công bố danh tánh 44 thí sinh gian lận điểm chẳng liên quan gì đến tính nhân văn mà cũng chẳng liên quan gì đến cái gọi là “cơ hội học tập nghiêm túc hơn” cho họ. Đơn giản, đó là sự sợ hãi từ phía ban ngành chủ quản. Mà đúng hơn, không chừng nó là sự sợ hãi từ trung ương đảng Cộng sản Việt Nam. Bởi nhìn bề ngoài thì đơn giản vậy thôi. Nhưng một khi nhà đã cháy thì câu chuyện trở nên thê thảm hơn nhiều.
Chính vì vậy, hiện tại, mọi thủ tục cần làm của nhà nước là bưng bít và ém nhẹm tất cả những thông tin liên quan đến vấn đề thi cử, gian lận điểm. Bởi có rất nhiều vị ngồi ở ghế công đường, đang xét xử chuyện gian lận nhưng sống lưng họ chẳng còn chút nhiệt nào vì sợ. Họ sợ cái đà xâu chuỗi như vậy thì họ cũng không tránh khỏi tội gian lận điểm, gian lận bằng cấp.
Khi viết bài này, tôi nhớ đến một nhân vật hiện nay đang là chánh án một tòa án huyện, nói một cách nghiêm túc là hắn dốt đặc cán mai nhưng rất giỏi nịnh và xảo trá. Cách đây chừng 15 năm, một hôm đứa em kết nghĩa của tôi chạy vào tá hỏa bảo lỡ giải đề thi giùm. Hỏi sao nó bảo hôm trước ông kia vào nhờ viết giùm một bài văn và giải giùm mấy bài vật lý trước ngày thi tốt nghiệp, hôm sau, đề thi mới được công bố thì đúng y đề nó đã giải. Hóa ra hắn đã biết trước đề thi từ một “ai đó”! Và mới tép riu như hắn đã biết như vậy thì các ông lớn hơn hắn biết cỡ nào chắc đã rõ!
Và có bao nhiêu cán bộ trên đất nước này không sợ bị soi mói quá trình học và thi? Vì vậy, cũng đừng ngạc nhiên khi nhóm 44 thí sinh kia và rất nhiều cán bộ khác không bị công bố tên. Và càng phải đừng ngạc nhiên hơn nếu họ bị công bố tên, bởi lúc đó, cần phải biết rằng cha mẹ họ đang bị cô thế, thuộc một bang phái đang mất quyền lực trong hệ thống. Vậy thôi!