Ngô Đồng – Web Việt Tân
Tuyến đường cao tốc Bắc – Nam có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội và có vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng của Việt Nam. Gần đây một Tập đoàn Trung cộng có nhiều khả năng sẽ trúng thầu cho dự án xây dựng cao tốc trên tuyến đường này, đang thu hút sự chú ý của dư luận xã hội, đồng thời đặt lợi ích, an ninh quốc gia vào thế bất lợi.
Theo đó, ít ngày trước, cổng thông tin của Bộ Giao thông Vận tải loan tải thông tin về buổi làm việc giữa Thứ trưởng Nguyễn Văn Công với Chủ tịch Tập đoàn Thái Bình Dương của Trung cộng. Trong buổi làm việc trên, Tập đoàn Trung Quốc đề xuất tham gia đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam. Thậm chí Tập đoàn này còn tuyên bố sẵn sàng ứng tiền làm toàn tuyến.
Mặc dù trả lời truyền thông là chưa quyết định nhà thầu, tuy nhiên những ưu ái trong việc đón tiếp, tham vấn ý kiến từ nhà đầu tư Trung cộng của Bộ Giao thông Vận tải CSVN, cũng đủ khiến dư luận vô cùng lo lắng.
Về khả năng trúng thầu
Môi trường quản lý kinh tế ở Việt Nam có nhiều rào cản như: Thủ tục hành chính phức tạp, nạn quan liêu tham nhũng, thiếu minh bạch, những quy định lỏng lẻo trong đấu thầu, đòi hỏi giá rẻ thay vì đặt nặng yếu tố chất lượng, tỷ giá hối đoái không ổn định… Điều này khiến cho việc kêu gọi đầu tư từ những nước phát triển như Châu Âu, Nhật, Mỹ… là rất khó.
Trong khi, những rào cản này nhà thầu Trung cộng lại dễ dàng đáp ứng. Bên cạnh đó, nhà thầu Trung cộng thường đưa ra giá thấp, đồng thời dùng những thủ thuật mua chuộc, chi hoa hồng, đi đêm với quan chức, để có được lợi thế khi tham gia đấu thầu. Cho nên, khi đấu thầu chọn nhà đầu tư cao tốc Bắc – Nam, phía Trung cộng sẽ có nhiều lợi thế thắng thầu.
“Trái đắng” từ Trung Quốc
Chúng ta có quá nhiều kinh nghiệm khi đụng đến các nhà thầu Trung cộng. Họ thường bỏ thầu thấp nên khả năng trúng thầu sẽ cao, sau đó cố tình trì hoãn tiến độ để đòi tăng vốn gấp 2-3 lần ban đầu. Điều này đã được minh chứng qua những dự án điển hình như:
Tại 49 dự án xi măng do Trung cộng làm tổng thầu, các nhà máy thua lỗ nghìn tỷ đồng, sân vận động Mỹ Đình, các dự án nhiệt điện như Nhiệt điện Duyên Hải 3, Vĩnh Tân 2, Uông Bí, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bô xít Tây Nguyên… Đều có điểm chung là đội vốn, chậm tiến độ, chi phí bảo dưỡng cao, năng suất thấp.
Chất lượng thi công thì khỏi phải bàn cãi. Đơn cử như, đến nay tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông chưa sử dụng thì có nguy cơ hư hỏng, phá sản. Còn sân vận động Mỹ Đình đang trong tình trạng nhanh chóng xuống cấp, dự án cao tốc 34.000 tỷ đồng Đà Nẵng – Quảng Nam có một số nhà thầu Trung cộng vừa làm xong đã hỏng…
Nỗi lo di dân Trung Quốc
Thực tế đã cho thấy, các dự án Trung cộng thường dùng công nghệ lạc hậu, thiết bị cũ chất lượng thấp. Ngoài ra, họ còn thường xuyên thay đổi tiêu chuẩn vật liệu khiến công trình nhanh hỏng nhiều lần, gây tốn kém. Thậm chí, với thiết bị máy móc và công nghệ Trung cộng thì các nhà thầu khác khó vào làm thay được. Điều đó còn tạo ra sự lệ thuộc lâu dài vào Trung cộng của các công trình tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, sau khi thắng thầu các dự án, phía Trung cộng thường đưa công nhân của họ sang làm việc, ở lì lấy vợ sinh con. Việt Nam đã có quá nhiều bài học về chuyện này, như: Hàng nghìn lao động Trung Quốc làm việc không phép ở công trường nhà máy đạm Cà Mau, bô xít Nhân Cơ Đắk Nông, Formosa, Vĩnh Tân, Lee & Man, v.v.
Mới chỉ vài dự án Trung cộng trúng thầu đã thấy giật mình, trong khi dọc chiều dài đất nước còn bao nhiêu dự án khác. Lao động Trung Quốc làm việc không phép không những làm mất cơ hội làm việc của người Việt Nam, khiến ngành cơ khí nội địa phát triển èo uột mà còn gây nhiều hệ lụy tiêu cực. Chính quyền buông lỏng quản lý đến mức báo động, vì vậy không có gì để bảo đảm tình trạng tương tự sẽ không lặp lại ở dự án cao tốc Bắc – Nam này.
Đe dọa an ninh quốc gia
Dự án cao tốc Bắc – Nam là dự án rất quan trọng mang tính chiến lược, toàn tuyến cao tốc có tổng chiều dài 654 km, đi qua địa phận 13 tỉnh, chạy dọc sát với biển Đông. Ngoài kinh tế, dự án còn liên quan đến vấn đề an ninh, quốc phòng của Việt Nam. Nếu để Trung cộng thắng thầu, họ có thêm dịp để cài cắm sâu hơn nữa hệ thống tình báo tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, khi khảo sát địa tầng, họ cũng thêm dịp để biết tường tận hơn các vị trí địa lý hiểm yếu về quân sự. Trung cộng luôn muốn kiểm soát cơ sở hạ tầng Việt Nam, bởi một khi kiểm soát được các công trình này, đồng nghĩa sẽ kiểm soát được nền kinh tế. Vì vậy việc để nhà thầu Trung cộng làm những công trình trọng điểm là hành động “rước giặc vào nhà”.
Phải nói KHÔNG với thầu Trung cộng
Dự án đường cao tốc Bắc – Nam là dự án trọng điểm lớn nhất của Việt Nam trong tương lai, nếu chọn sai nhà thầu thì hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Vì vậy, nhà chức trách Việt Nam cần phải xem xét thận trọng, và không nên chấp nhận đề xuất tài trợ vốn của Tập đoàn Trung cộng. Bởi dù có ứng vốn trước, nhưng sau này Việt Nam vẫn phải trả lại họ tiền.
Nhà thầu Trung cộng không đáng tin cậy, công trình nào do họ làm là không có kết thúc tốt đẹp, mà đi từ thua lỗ này đến thua lỗ khác. Muốn loại bỏ vết xe đổ này, cần phải thay đổi tiêu chí lựa chọn thầu. Theo đó, nên chuyển từ giá rẻ sang tiêu chí quan trọng là phải đảm bảo chất lượng công trình, đúng tiến độ và không đội vốn. Muốn vậy, phải đấu thầu công khai, minh bạch, xóa bỏ tình trạng “đi đêm”, lót tay. Từ đó mới có thể tìm được nhà thầu tốt nhất.
Cuối cùng, cần phải xây dựng hàng rào kỹ thuật, để loại bỏ sự tham gia sâu quá mức cần thiết của các nhà thầu Trung cộng vào các dự án tại Việt Nam. Bởi sự tham gia này là không an toàn, đặc biệt trong tương lai, mối quan hệ CSVN và Trung cộng chắc chắn sẽ còn gặp nhiều sóng gió liên quan đến vấn đề chủ quyền biển đảo.
Ngô Đồng