Như các bạn đã biết một vụ ầm ĩ dư luận lại vừa nổ ra ở Uông Bí, nóng hơn cả chuyện 200k trong thang máy, nóng hơn cả chuyện BOT bẩn, và đương nhiên nóng hơn nhiều chuyện giới cần lao vừa bị móc túi 8,36% vì giá điện sinh hoạt. Có nhiều người hồ nghi rằng đây là đòn truyền thông nào đó, nhằm đánh lạc hướng dư luận, kéo sự chú ý của dư luận khỏi chuyện Trung Quốc, chuyện môi trường, hay chuyện củi lửa lò tôn của ông đầu bạc… nhưng theo tôi thì không phải vậy. Đây chỉ là giọt nước tràn ly vì từ lâu đã có quá nhiều người bức xúc trước các vấn đề trong sinh hoạt Phật giáo mà chưa được giải toả. Nạn cúng bái tràn lan, chùa phủ xây nguy nga, sư tăng ăn chơi xa hoa người ta nói nhiều lần rồi. Nhưng mới đây, một sự việc còn nghiêm trọng hơn đã xảy ra ở chùa Ba Vàng làm không chỉ người dân bức xúc mà các cơ quan báo chí, cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo không thể ngồi im. Trong một video đăng tải lên mạng xã hội, bà Phạm Thị Yến, một phật tử, chủ nhiệm CLB Cúc Vàng – Tập Tu Lục Hòa, đạo tràng trưởng đạo tràng Từ Tâm – chùa Ba Vàng đã có những giải thích về vụ nữ sinh Cao Thị Mỹ D. (Điện Biên) khi đi giao gà cho mẹ vào chiều 30 Tết đã bị sát hại.
“Nguyên nhân chính chưa phải là nguyên nhân đi ship hàng (gà) khiến bị hiếp như vậy, mà nguyên nhân chính phải do các ác nghiệp của bạn ấy trong tiền kiếp và duyên trong hiện tại bạn ấy lại sát sinh.
Hai cái này cộng vào nhau khiến cho bạn ấy bị như vậy. Ai làm gì cũng phải là do quả báo của chính mình.
Bạn ấy bị người khác xâm hại về thân thể, hãm hiếp, giết chết, Yến sẽ đưa ra cho quý đạo hữu để chúng ta tư duy.
Bạn ấy trong tiền kiếp phải có hai loại tội: tội thứ nhất là sát mạng chúng sinh dã man; tội thứ hai là về mặt thân thể, trinh tiết của người khác bạn ấy xâm phạm, cho nên bạn mới bị quả báo như vậy…”, bà Yến nói trong clip.
Dư luận đang nổi điên vì những phát ngôn rất hồ đồ, ác độc và xúc phạm đến người đã mất của bà Yến. Không chỉ trong clip đó, người ta còn phát hiện ra trong một clip khác, bà Yến nói “anh hùng chiến sĩ Việt Nam phải đi đánh giặc là vì trong tiền kiếp mắc nghiệp sát sinh…”. Tất cả những điều này không phải là chuyện nói riêng với ai ở đâu đó, mà là lời thuyết giảng của bà Yến trước hàng ngàn Phật tử ở chùa Ba Vàng, được thu hình cẩn thận để đăng lên internet cho hàng triệu người khác vào xem. Rồi còn chuyện “thỉnh vong”, “trả nợ cho vong” thu của Phật tử bốn phương mỗi người cả chục triệu đồng nữa… được rất nhiều tờ báo lớn đang tìm hiểu.
Một câu hỏi lớn đang được đặt ra là tại sao những lời nhảm nhí, thô thiển, áp đặt một cách rất ngô nghê giáo lý của nhà Phật vào các sự kiện trong đời sống này lại được ngang nhiên thuyết giảng trong chùa, cho hàng ngàn người nghe bên dưới, cho hàng triệu người vẫn theo dõi qua internet các sinh hoạt và lời Phật pháp từ chùa Ba Vàng? Rồi chuyện dẫn dụ Phật tử làm lễ gọi vong, trả nợ cho vong rất nhảm nhí, trái với Phật pháp lại diễn ra ngang nhiên nhiều năm nay trong ngôi chùa này? Nhiều tờ báo và dư luận đang lên tiếng đòi hỏi những người có chức trách ở chùa Ba Vàng, những ban Tôn giáo chính phủ hay Giáo hội Phật giáo Việt Nam phải lên tiếng và phản ứng trước sự việc này. Nhưng theo tôi trước khi phán xét hay đòi hỏi những vị đó, chúng ta cũng cần nhìn sâu vào động cơ bên trong của câu chuyện này. Con người không bao giờ hành động nếu không cảm thấy có lợi ích. Không tự dưng hàng ngàn hàng vạn Phật tử kéo về đây nộp tiền cúng vong cho chùa Ba Vàng. Nếu không thể hiểu những gì xảy ra bên trong, thì ngoài chùa Ba Vàng còn hàng vạn ngôi chùa khác đang có hoạt động sinh hoạt tâm linh, ai mà biết hết được điều gì đang xảy ra?
Trong cuộc sống, chúng ta ai cũng từng có lúc gặp phải những chuyện buồn đau. Nỗi đau hay sự bất hạnh đến từ đâu, thực ra không phải lúc nào ta cũng có thể biết rõ một cách tường minh. Mình có lỗi hay không? Nguyên nhân nào gây ra tai hoạ? Sự dằn vặt đôi khi đeo đẳng rất lâu, tiếp tục làm khổ ta dù sự việc không còn mới. Tuy nhiên tâm lý con người sẽ luôn được xoa dịu khi ai đó chỉ ra rằng chuyện không may của mình đến từ một sự việc nào đó từ bên ngoài. Con người ta khi được rũ bỏ trách nhiệm sẽ cảm thấy nhẹ nhõm và bình an. Và rồi họ sẽ cảm thấy hạnh phúc và tự nguyện làm theo những chỉ dẫn để bằng mọi cách đẩy những lo lắng và đau khổ ra bên ngoài. Nếu sự lý giải đó được thể hiện trong màu sắc thần bí kỳ diệu của tôn giáo thì càng cuốn hút nhiều người tin theo. Đó chính là nút thắt cơ bản mà nhiều kẻ từ trước đến nay đã lợi dụng tôn giáo để mua thần bán thánh, lợi dụng vấn đề tâm linh để trục lợi cho mình.
Bàn về giáo lý nhà Phật thì rất dài, tu cả đời chưa chắc đã thành chính quả, nên tôi không dám lạm bàn nhiều. Nhưng xin hãy đọc kỹ một đoạn ngắn sau đây trên wikipedia khi tra tìm chữ “quả báo”:
<<<…Một trong các nguyên lý cơ bản của giáo lý Phật giáo là: Có luân hồi tất có nhân quả, hai việc ấy vốn liên tục nhau. Phật dạy: “Cha làm điều chẳng lành, con không chịu thế được, con làm điều chẳng lành, cha không chịu thế được. Làm lành tự được phước, làm dữ tự mang họa” (Phụ tác bất thiện, tử bất đại thọ, tử tác bất thiện, phụ bất đại thọ. Thiện tự hoạch phước, ác tự thọ ương). Lại có câu: “Ðiều lành dữ cuối cùng đều có trả, khác nhau chỉ đến chóng hay chầy, nhanh hay chậm mà thôi”
Cái Quả hay Nghiệp vốn là kết quả cái nhân hay duyên của con người tạo ra trong kiếp trước hoặc kiếp này. Rồi cái Quả ấy lại làm nhân cho cái Quả khác sẽ báo ứng về sau. Nhơn và Quả cứ tiếp tục tương ứng như vậy mãi như bóng với hình, mãi mãi là cuộc trả vay, vay trả của cõi luân hồi.
Nghiệp ở tiền kiếp làm con người đầu thai trong một cuộc đời, một hoàn cảnh nhất định. Nhưng điều này không có nghĩa là “số phận đã an bài từ trước”, mà thực ra hành động và lựa chọn của con người trong kiếp đó vẫn có sự tự do. Nghiệp sinh ra hoàn cảnh, nhưng sự phản ứng đối với hoàn cảnh này lại nằm trong tay con người, do con người lựa chọn. Phật dạy: “Ác nghiệp chính do mình tạo, tự mình sinh ra. Ác nghiệp làm hại kẻ ngu dễ dàng như kim cương phá hoại bảo thạch… Làm dữ bởi ta, mà nhiễm ô cũng bởi ta; làm lành bởi ta, mà thanh tịnh cũng bởi ta. Tịnh hay không tịnh đều bởi ta, chứ không ai có thể làm cho ai thanh tịnh được.”
Do vậy con người không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh khó khăn khiến bản thân mình sa đọa. Làm Thiện hay làm Ác, tạo Ác nghiệp hay Thiện nghiệp đều là do tự thân mình chọn lấy, quả báo thế nào là do chính mình làm ra chứ không phải do Thần Phật nào quyết định…>>>
Nếu những con người ốm đau, bất hạnh đang bấu víu vào chùa Ba Vàng hay những ngôi chùa khác chỉ cần hiểu một phần nào đó những điều ở trên thì quả là phúc cho họ. Những tai ương, bệnh tật, những nghịch cảnh ở đời xảy ra là điều không ai muốn. Nhưng những điều đó (quả) có một phần trách nhiệm lớn (nhân) của chính chúng ta chứ không phải là ai khác. Có thể chúng ta bỏ tiền của để thực hành những nghi thức tôn giáo nào đó nhằm đẩy mối lo hay nỗi khổ đau ra khỏi tâm trí mình, nhưng tồn tại xã hội vẫn còn nguyên đó. Và khi đó ta không khác gì con đà điểu khi gặp nguy hiểm chui đầu xuống cát.
Đất nước kiệt quệ. Môi trường bị hủy hoại. Con người bị bóc lột. Ai là người phải chịu trách nhiệm? Sức khoẻ và đời sống của chúng ta gặp phải tai ương vì lẽ đó chứ chẳng phải tà ma quỷ thần nào hết. Không tự chịu trách nhiệm về tất cả cuộc đời mình, lãnh nhận nghịch cảnh, và đấu tranh trực diện với nó, chẳng tiền bạc nào mua nổi sự bình an.
Sau tất cả, hãy biết tự hỏi mình như người đàn ông trong bức ảnh này các bạn ơi./.