Paulus Lê Sơn – Web Việt Tân
Ngày 14/3/1988, cuộc Thảm Sát Gạc Ma do quân xâm lược Trung Cộng gây ra tại đá Gạc Ma (Johnson South Reef) của Việt Nam đã giết chết 64 thủy binh. Nhưng đã 31 năm trôi qua mà sự im lặng sau cuộc thảm sát man rợ đó vẫn còn chìm nghỉm giữa đại dương.
Sự im lặng đó khiến cho đại đa số người dân thắc mắc và có nhu cầu được biết chuyện gì đã xẩy ra. Một cư dân tại Hà Nội đã viết trên Facebook yêu cầu: “Hãy đưa sự kiện 14/3/1988, cuộc Thảm Sát Gạc Ma vào sách học lịch sử để đời đời dạy con cháu chúng ta không được phép lãng quên.”
Từ không ai có quyền được biết
Trong tất cả các chương sử hiện đại, không một câu chữ, một dòng sử nào được chép lại hay nhắc nhở về sự kiện Gạc Ma ngày 14/3/1988. Có tới 64 anh hùng phơi xác nơi biển đảo dưới họng súng của kẻ thù, tuyệt nhiên không ai được vinh thăng, không hòm bia mộ gió. Tất cả đều chìm trong bóng tối, cuốn theo sóng biển trôi vào hư vô. Tại sao vậy?
Một tài liệu được giải mật mang tên “Sino-Vietnamese Confrontation in Spratlys unlikely for now” của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cho biết đó là trận hải chiến và Việt Nam là bên nổ súng trước. Thông tin này gần giống những tuyên truyền trên sách báo của phía Trung Quốc.
Về phía Việt Nam, Thiếu tướng Lê Mã Lương trong một tọa đàm năm 2011 nói về sự tồn tại của một mệnh lệnh “không được nổ súng”. Ông Nguyễn Khắc Mai, Giám Đốc Trung tâm Nghiên cứu Văn hoá Minh Triết cho biết người được xem là đã ra lệnh cho bộ đội không được nổ súng là ông Lê Đức Anh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khi đó.
Đến cầm tù công dân
Hiện tại Việt Nam có hơn 200 tù nhân lương tâm đang bị chế độ cộng sản giam cầm trong các nhà lao khắc nghiệt trải dài từ Bắc chí Nam. Họ đều là những người lên tiếng chống lại quân xâm lược Trung Cộng, kêu gọi lòng yêu nước và bảo vệ biển đảo, khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.
Nhiều thế hệ thanh niên, sinh viên Việt Nam bị án tù dài đằng đẳng chỉ vì câu chữ “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”. Vào năm 2010, chúng tôi có chiến dịch cổ võ lòng yêu nước trước hiểm họa xâm lăng của Bắc triều Trung cộng bằng hình thức rải truyền đơn, kẻ vẽ dòng chữ Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam khắp hang cùng ngõ hẻm nhằm để lan tỏa sự hiểu biết về biển đảo trong các tầng lớp nhân dân.
Đáp lại lòng yêu nước nồng nàn da diết đó thì chúng tôi bị chế độ bắt giam với những mức án nặng nề. Trong vụ án yêu nước của tuổi trẻ chúng tôi có một người con gái của biển đảo Nguyễn Đặng Minh Mẫn bị kết án 8 năm tù giam và 5 năm quản chế.
Trong một diễn biến liên quan mới nhất, vào ngày 1/2/2019, Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư của đảng Cộng sản trả lời cử tri quận Tây Hồ (Hà Nội) trong cuộc một tiếp xúc đại ý: “Trung Quốc có ý đồ muốn hiện thực hóa đường lưỡi bò, độc chiếm biển Đông, muốn khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc. Chúng ta khẳng định rằng Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.”
Lời nói của ông Trọng về chủ quyền biển đảo có đáng tin? Hay đó chỉ là những lời nói xảo ngôn, mị dân mà miệng lưỡi người cộng sản vẫn cứ mãi lấp liếm trước nhân dân Việt Nam theo đúng bản chất của họ.
Thực tế diễn ra cho chúng ta thấy thì, cộng sản đã cho Nhà nước tổ chức tưởng niệm công khai, vinh danh các anh hùng hi sinh tại Hoàng Sa, Trường Sa bởi giặc Trung Cộng chưa?
Mặt khác, nhân dân khắp nơi tự đứng ra tổ chức tưởng niệm thì bị ngăn cản, phá quấy, đàn áp, đánh đập trong nhiều năm qua, và năm nay vẫn vậy.
Gạc Ma vẫn là của Việt Nam
Hiện tại trên đất nước chúng ta có biết bao khu vực mà công dân Việt Nam không được bén mảng tới ngay trên đất nước mình mà có nơi còn bị cấm không được đến. Từ Quảng Ninh biên giới kéo tới Thanh Hóa, Hà Tĩnh, từ miền trung duyên hải cho đến cao nguyên Trung phần, lại xuống tít miệt vườn Tây đô, phóng cho tới Phú Quốc. Đất nước mỗi ngày như bị thực thể Trung Cộng cát cứ càng nhiều, mạnh hơn và rõ ràng hơn.
Luật Đặc khu 99 năm cho Trung cộng thuê đất là câu trả lời gần nhất, sát nhất về chủ quyền dân tộc Việt Nam. Quốc hội cộng sản có ý định thông qua Luật Đặc khu nhưng nhân dân Việt Nam không chấp nhận. Họ đứng lên phản kháng hôm 10/6/2018 thì bị đàn áp, đánh đập, tra tấn và bắt nguội những người biểu tình, kết án mỗi lần vài chục con người mang nặng lòng yêu nước, trong đó có những sinh viên, thậm chí bắt cóc cả những người mẹ có con còn nhỏ.
Nguyễn Phú Trọng ra tay bắt bớ người dân yêu nước phản đối Trung cộng xâm lược biển đảo, dã tâm thôn tính Việt Nam. Thế nhưng ông ta vẫn khua môi múa mép “bảo vệ chủ quyền, lấy lại biển đảo” trước nhân dân. Nguyễn Phú Trọng xua quân đi canh giữ, nhưng không phải canh giữ chủ quyền biển đảo đất nước mà canh giữ những trái tim thổn thức lòng yêu nước trước vận mệnh dân tộc đang bị hán hóa từng ngày.
Gạc Ma biết bao giờ lấy lại hay là Việt Nam sẽ dần dần rơi vào tay Trung Cộng? Câu trả lời có thể nghiêng hẳn về vế sau bởi đơn giản là Việt Nam chúng ta đang bị tập đoàn tay sai Nguyễn Phú Trọng kiểm soát theo lệnh quan thầy Tập Cận Bình.
Nhưng trong lòng người dân Việt Nam thì luôn luôn khắc ghi “Gạc Ma vẫn là của Việt Nam” để chờ ngày quật khởi!
Portland, OR 13/3/2019
Paulus Lê Sơn