Theo quan niệm Á Đông từ xưa nay, người phụ nữ thường bị xem là nhân vật đứng sau người chồng, chăm lo công việc gia đình và chỉ là tác nhân góp phần cho sự thành công của người chồng ngoài xã hội. Tuy vậy xã hội đang thay đổi và ngày càng có nhiều phụ nữ ý thức được về vai trò, quyền của họ rồi tự vươn lên làm chủ cuộc sống.
Nhân dịp 8 tháng 3, chúng tôi ghi nhận ý kiến của một số phụ nữ tại Việt Nam về vấn đề liên quan.
Ngày 8 tháng 3 là Ngày Quốc Tế Phụ Nữ trên nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Để có được ngày này nữ giới trên nhiều nước đã phải tranh đấu cho quyền lợi của nữ giới qua nhiều giai đoạn, hàng thế kỷ trước.
Đã hơn 1 thế kỷ, những đòi hỏi chính đáng của phụ nữ đã được giải quyết bằng cách này hay cách khác trên nhiều quốc gia. Còn tại Việt Nam hiện nay, người phụ nữ được hưởng quyền lợi của mình như thế nào?
Chị Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định:
“Đã năm 2019 rồi, tôi thấy cũng có nhiều phụ nữ Việt Nam ý thức được cái quyền của họ. Ở Việt Nam thì đặt nặng tư tưởng phong kiến nhưng ngày nay đã có chuyển biến rất là nhanh, có nhiều phụ nữ hiểu về cái quyền của mình. Riêng tôi nghĩ thì con người sinh ra vốn đã không bình đẳng, nhưng mình phải hướng đến việc đòi hỏi sự bình đẳng cho giới tính của mình.”
Khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 6 tháng 3 năm 2019, từ Nha Trang, Chị Nguyễn Lai thì cho rằng:
“Từ xưa đến nay, người phụ nữ vẫn luôn được tôn vinh, được ca ngợi không chỉ bởi vẻ đẹp bên ngoài mà còn bởi vẻ đẹp của nội tâm bên trong. Đó là cái đẹp của đức tính cần cù, chịu thương, thịu khó, cam chịu và hy sinh. Đó cũng là đặc tính của người phụ nữ Việt. Nhưng trong xã hội ngày nay, người phụ nữ VN chịu thiệt thòi quá nhiều trong đời sống , định kiến của xã hội, một xã hội chuyên hô hào khẩu hiệu nhưng luôn làm ngược lại với những điều luật đã đưa ra.”
Cùng quan điểm, Chị Trang ở Hòa Bình nói:
“Thật ra phụ nữ ở Việt Nam không hẳn được bình đẳng mà vẫn phải phụ thuộc nhiều vào đàn ông, không được nói lên tiếng nói của mình, nhiều mặt khác cũng không được thể hiện rõ ràng. Thật ra tôi thấy những cái không công bằng đối với phụ nữ cũng rất là nhiều cái, người có tiền thì không sao, còn không có tiền thì lúc nào cũng phải chịu thiệt.”
Theo Chị Nguyễn Lai, quyền lợi của đa số người phụ nữ Việt Nam rất là thua thiệt, hầu như không có. Vẫn còn tình trạng chồng đánh vợ, không những trong gia đình, ngoài xã hội cũng có những người đàn ông đánh phụ nữ rất vô cớ:
“Thật nực cười khi hiện tại luật bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ khá nhiều như Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân gia đình… Tuy nhiên, phụ nữ vẫn chịu thiệt thòi, yếu thế. Chưa có nơi nào nạn bạo hành phụ nữ lại nhiều như ở Việt Nam, nhất là những người bất đồng chính kiến, chuyện 4,5 thằng đàn ông giả danh côn đồ đánh một người phụ nữ đến ngất xỉu là chuyện thường tình, chuyện đối xử bất công đối với các tù nhân nữ về tội chính trị xảy ra ở nhiều trại tù cộng sản.”
Trong lịch sử xã hội Việt Nam, quyền của người phụ nữ rất hạn chế, bởi vì Việt Nam nằm trong chế độ phong kiến thực dân. Nhưng nhìn lại quá trình lịch sử thì vai trò của người phụ nữ lúc nào cũng muốn vượt trội lên để thể hiện quyền phụ nữ của mình. Đó nhận định của Bà Bùi Thị Minh Hằng. Theo bà, người phụ nữ Việt Nam đều có sự kế thừa những truyền thống từ xưa cho đến nay. Tuy nhiên, trong xã hội cộng sản cai trị như hiện nay thì quyền con người hầu như không có, vì vậy rất ảnh hưởng đến quyền của người phụ nữ:
“Bản thân tôi, những năm tháng trong nhà tù Gia Trung, tôi đã từng làm nhiều việc yêu sách về nữ quyền, như chuyện có nhiều phụ nữ ở tù cả hai mươi năm nhưng chưa từng được chăm sóc sức khỏe phụ nữ, khám phụ khoa. Tôi đã hướng dẫn các chị em đòi hỏi cái quyền của họ, đầu tiên phải cho những người xung quanh biết cái quyền mà mình phải được hưởng, trong đó có quyền đòi hỏi phải được chăm sóc sức khỏe y tế. Dù là bị cầm tù nhưng chúng tôi cũng đưa ra những yêu sách để đòi bằng được những quyền đó. Cuối cùng trại giam Gia Trung cũng phải chấp nhận đưa các đoàn bác sĩ bên ngoài về khám, bao gồm khám phụ khoa cho phụ nữ.”
Nhìn chung, đa số phụ nữ Việt Nam là những người giúp việc của gia đình, bị nhiều bất công. Những ai chịu hết nổi sự bất công, dám đấu tranh thì có thể dẫn đến gia đình đổ vỡ.
Vậy các Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam hay các hội, ngành địa phương có giúp đỡ gì cho các chị em phụ nữ phải chịu bất công. Để tìm hiểu, chúng tôi liên hệ số điện thoại đường dây nóng bảo vệ phụ nữ và trẻ em được quảng bá trên Trang Chủ của Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, tuy nhiên không ai nghe máy. Thử hỏi nếu có trường hợp khẩn cấp, thì người gọi phải làm sao?
Liên quan vấn đề này, Chị Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định:
“Các ban ngành hội phụ nữ của chính phủ thì đa phần họ lập cho có, chưa thật sự quan tâm đến quyền của phụ nữ cũng như đời sống của người phụ nữ trong xã hội hiện nay.”
Chị Nguyễn Lai cho biết kinh nghiệm khi viết bài hướng dẫn các các bé gái vị thành niên hay phụ nữ tránh bị bạo hành, xâm hại:
“Ở Việt Nam, nạn bạo hành và xâm hại tình dục trẻ em – phụ nữ ngày càng gia tăng . Có những trường hợp hiếp xong rồi thủ phạm giết chết luôn. Thật đau lòng. Mặc dù chính quyền đã thành lập các hội phụ nữ, hội bảo vệ bà mẹ và trẻ em, nhưng thật chất chỉ là các hội ăn hại. Họ đã làm gì khi tệ nạn bạo hành phụ nữ và trẻ em ngày càng tăng???”
Trong xã hội Việt Nam hiện nay, chính phủ hầu như không thực hiện hầu hết quyền con người nói chung, đặc biệt nữ quyền còn bị hạn chế hơn nữa, ngay cả có những quyền phụ nữ bị tước đoạt. Vì vậy, theo Bà Bùi Thị Minh Hằng, phải hướng dẫn những người xung quanh phải biết nhận thức, hiểu biết về pháp luật, những quy định đó cụ thể ra sao. Bà nói tiếp:
“Tôi từng đi nhiều nơi, ngay cả ở thành thị, có những người phụ nữ, có lẽ do đặc thù công việc, cuộc sống họ cũng không hiểu những quyền của họ nữa. Vì vậy việc tuyên truyền đến mọi tầng lớp người dân rất quan trọng.”
Theo bà, không cần phải quảng bá không thực tế như các hội ngành thuộc nhà cầm quyền hay làm, mà chỉ cần từ những câu chuyện trong cuộc sống, hướng dẫn cho nhau để đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình.
Còn Chị Nguyễn Lai thì cho rằng phụ nữ Việt Nam phải biết mình luôn có cái quyền: Quyền được yêu thương, quyền được bình đẳng. Hãy biết sống cho bản thân mình và biết dứt áo ra đi nếu ai đó không làm mình hạnh phúc để tự trả lại tự do cho chính bản thân mình và nhất là tự do chọn người đại diện đấu tranh cho quyền lợi phụ nữ./.