Thượng đỉnh Kim-Trump: Tình yêu và ác mộng

Banner về thượng đỉnh Trump - Kim tại một nhà hàng Hàn Quốc.
- Quảng Cáo -

Nguyễn Hùng – VOA

Chủ Nhật vừa rồi, chỉ vài ngày trước cuộc họp thượng đỉnh hai ngày giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim tại Hà Nội, kênh truyền hình Fox yêu thích của ông Trump phát đi đoạn video với thổ lộ tình yêu của ông Trump với lãnh đạo tối cao Bắc Triều Tiên.

Trong đoạn video đó, ông Trump nói trước công chúng: “Chúng tôi [trao đổi qua lại] và rồi chúng tôi phải lòng nhau, được chưa.” Cử toạ cười ồ khiến ông nói tiếp: “Không [phải đùa đâu], thật đấy. Ông ấy viết cho tôi những lá thư hay lắm, và đó là những lá thư tuyệt vời. Chúng tôi đã yêu nhau.”

Sau khi phát đoạn video này, người dẫn chương trình Chris Wallace của Fox News đề nghị Ngoại trưởng Mike Pompeo bình luận và ông nói: “Quan hệ có ý nghĩa [quan trọng]. Chúng ảnh hưởng tới mọi thứ trong cuộc sống của chúng ta, dù đó là chiến lược to lớn về phi hạt nhân hoá hay những chuyện đơn giản hơn… Chuyện các nhà lãnh đạo thực sự có thể trao đổi một cách hiệu qủa là quan trọng. Tôi đã chứng kiến điều này trong các tuần và các tháng qua, tôi thấy họ trao đổi thông điệp, tôi thấy nhóm của chúng tôi hiểu các thông điệp mà hai nhà lãnh đạo phát đi.”

- Quảng Cáo -

Trong khi đó Susan Glasser, biên tập viên của trang Politico và phụ trách mục “Washington của Trump” trên tạp chí The New Yorker nói với CNN:

“Một trong những diễn biến lạ thường nhất của những năm vừa qua là chứng kiến tổng thống Hoa Kỳ, nền dân chủ lớn, phải lòng một nhà độc tài Bắc Hàn. Ông gọi ông ta là “Chủ tịch Kim” và khi khách khứa tới văn phòng của Tổng thống, ông kêu… ‘Mang thư ra đây! Mang thư ra đây? Để tôi cho quý vị xem thư của Kim Jong Un’ mà thực ra là một loạt những lời hoa mỹ chung chung và nhạt nhẽo.”

Một số chuyên gia đang cho rằng tình yêu của ông Trump với ông Kim có thể sẽ dẫn tới những tình huống “ác mộng” khi vị Tổng thống nhượng bộ nhà độc tài quá nhiều mà không lấy lại được bao nhiêu.

Hãng thông tấn AP của Hoa Kỳ đưa ra ba kịch bản “ác mộng” gồm:

  1. Thay vì một thoả thuận phi hạt nhân hoá toàn diện, ông Kim sẽ đồng ý từ bỏ một phần kho vũ khí hạt nhân để đổi lấy nới lỏng cấm vận. Một phần này có thể là các tên lửa xuyên lục địa nhắm vào Hoa Kỳ hoặc lò phản ứng hạt nhân chính. Ông Kim cũng còn có thể thuyết phục Hoa Kỳ giảm một phần số gần 30.000 binh lính Hoa Kỳ đang đóng tại Nam Hàn và tiếp tục đóng băng các cuộc tập trận chung. Chuyên gia về Triều Tiên Duyeon Kim của Trung tâm An ninh Hoa Kỳ Mới được dẫn lời nói: “Mối lo Trump sẽ nhỡ mồm đi tới thoả thuận tồi là có thực, giống như ông đã làm ở Singapore [trong thượng đỉnh đầu tiên] hồi tháng Sáu năm 2018, qua đó để mất những con bài đàm phán quan trọng và gây bất lợi cho lợi ích của Hoa Kỳ và an ninh của các đồng minh châu Á.”
  2. Kịch bản tồi tệ thứ hai là Kim và Trump quá gần nhau về mục tiêu. AP nói các chuyên gia Bắc Hàn đang chia sẻ với nhau chuyện đùa: “Bạn có nghe thấy là cả Kim Jong Un và Donald Trump đều muốn cùng một thứ tại thượng đỉnh ở Hà Nội không? Hoa Kỳ ra khỏi Nam Hàn”. Trong thượng đỉnh ở Singapore, ông Trump dùng từ “rất khiêu khích” mà Bắc Hàn thường dùng để nói về các cuộc tập trận chung giữa Hoa Kỳ và Nam Hàn. AP nói ngay trong tháng Hai này ông Trump đã phát biểu: “Nam Hàn – chúng ta bảo vệ họ và mất bao nhiêu là tiền. Hàng tỷ đô la mỗi năm [để] bảo vệ họ.”
  3. Tình huống tồi tệ thứ ba là Bắc Hàn vẫn ngựa quen đường cũ bất chấp những lời nói miệng của họ. “Kim sẽ không đơn phương từ bỏ vũ khí hạt nhân,” ông Vipin Narang, chuyên gia về vấn đề hạt của Bắc Hàn tại Viện Công nghệ Massachusetts được dẫn lời phát biểu. “Giờ đã rõ là Trump không quan tâm tới chuyện Kim có đơn phương giải giáp không, miễn là ông ta không làm bẽ mặt Trump bằng những vụ thử tên lửa lộ liễu hay công khai thử vũ khí hạt nhân.”

Hôm Chủ Nhật ông Trump đã lên Twitter đưa ra những lời khích lệ nhà lãnh đạo Bắc Hàn: “Chủ tịch Kim, có lẽ hơn bất kỳ ai khác, nhận ra rằng nếu không còn vũ khí hạt nhân, đất nước của ông có thể nhanh chóng trở thành một trong những cường quốc kinh tế trên khắp Thế giới. Vì vị trí của nó [Bắc Hàn] và người dân (và ông [Kim]), nó có tiềm năng để phát triển hơn bất kỳ dân tộc nào khác!”

Trong khi đó tờ Wall Street Journal (WSJ) nói rằng nơi tổ chức cuộc họp thượng đỉnh, Hà Nội, sẽ mang tới thông điệp cho Kim Jong Un rằng Bắc Hàn sẽ có được sự chuyển đổi kinh tế như Việt Nam nếu hợp tác với Hoa Kỳ.

WSJ nói tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam đã tăng 10 lần kể từ khi bắt đầu đổi mới kinh tế hồi năm 1986. Việt Nam được hưởng lợi từ đầu tư của Nhật Bản và Hàn Quốc, vốn là đồng minh của Hoa Kỳ, nước đã trở thành một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Các chuyên gia được dẫn lời nói mô hình của Việt Nam rất hợp với Bắc Hàn vì Hà Nội vừa phát triển được kinh tế, vừa giữ được chế độ chính trị. Ông Kim dự kiến sẽ thăm chính thức Việt Nam trước khi bước vào thượng đỉnh với Tổng thống Hoa Kỳ.

WSJ nhắc lại rằng Hà Nội cũng bỏ tù và sách nhiễu các nhà hoạt động và cũng kiểm soát báo chí cho dù không tới mức như Bắc Hàn. Tờ này cũng nói Bắc Hàn cũng đang nới lỏng dần nút thắt với nền kinh tế. Bằng chứng là từ chỗ cả nước không có bất cứ một chợ buôn bán nào hồi những năm 1990, giờ họ đã cho phép hơn 430 chợ hoạt động.

‘Đặng Tiểu Bình của Bắc Hàn’?

Cây bút Michael Schuman viết trên Bloomberg rằng ông Kim vẫn lo ngại về khả năng mất quyền lực khi thay đổi và cũng lo ngại liệu những thay đổi hiện nay về thương mại toàn cầu sẽ ảnh hưởng thế nào tới Bắc Hàn. Ông Schuman nói kinh nghiệm của Việt Nam trả lời được cả hai câu hỏi của ông Kim.

Thu nhập bình quân của người Việt đã tăng từ 95 đô la Mỹ trong năm 1990 lên 2.342 đô la Mỹ trong năm 2017 trong khi vẫn giữ chế độ độc đảng như Singapore và Trung Quốc.

Ngoài ra, ông Schuman viết, Việt Nam cũng cho thấy họ đã cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ để cân bằng ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc và nhờ đó mà có thể lên tiếng phản bác Bắc Kinh về vấn đề lãnh hải.

Hà Nội cũng có thể cho Bắc Hàn thấy mô hình phát triển cũ của châu Á vẫn hiệu quả khi xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2017 đã vượt quá 100% tổng sản phẩm quốc nội so với dưới 7% hồi năm 1986 và 70% của năm 2007. Theo ông Schuman, Việt Nam đạt được điều này nhờ tham gia vào các hiệp định mậu dịch tự do trong đó có cả Hiệp ước Xuyên Thái Bình Dương, cải thiện môi trường đầu tư và giữ chi phí thấp.

Nobel Hoà bình?

Trong khi đó cây viết Nicholas Christof viết trên báo New York Times rằng cả hai ông Kim và Trump có thể sẽ được khuyến khích để tích cực đàm phán nhờ “ảo tưởng” họ có thể được giải Nobel Hoà bình.

Ông dự đoán về một thoả thuận có thể đạt được ở Hà Nội: “Bắc Hàn sẽ hứa phá bỏ tổ hợp hạt nhân Yongbyon và một vài nơi kém quan trọng, chấp nhận thanh tra quốc tế và tiếp tục ngưng thử tên lửa và hạt nhân. Đổi lại Hoa Kỳ sẽ nới lỏng cấm vận đối với các dự án liên Triều liên quan tới du lịch và sản xuất. Hai bên có thể tuyên bố Cuộc chiến Triều Tiên chấm dứt (hiện mới chỉ là đình chiến), trao đổi văn phòng liên lạc ngoại giao, nới lỏng trao đổi văn hoá và đồng ý về con đường tiến tới gỡ bỏ chương trình hạt nhân.”

Ông Christof nói ông không tin ông Kim sẽ giã từ vũ khí hạt nhân vì sợ rằng sẽ bị lật đổ nếu làm vậy. Nhưng cây viết này nói từ chỗ người ta sợ sẽ có chiến tranh Hoa Kỳ – Bắc Hàn khi ông Trump khoe ông có nút bấm hạt nhân to hơn nút của ông Kim, giờ đạt được việc ngưng thử vũ khí hạt nhân cũng đã là tiến bộ./.

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here