Minh Quân (VNTB) – Đã có những bằng chứng rất thực tế và xác thực về việc tại sao “Tiền thu ngân sách năm 2018 từ bất động sản của TP.HCM giảm hơn 16%, trong đó phần thu tiền sử dụng đất giảm hơn 24%”.
Một bài viết trên báo Dân Trí cho biết dịp cuối năm, nhu cầu mua nhà của người dân thường tăng cao và các môi giới, cò lái lại có dịp “ăn nên làm ra”. Tuy nhiên, dịp cận Tết nguyên đán năm nay lại là những ngày “u ám” đối với dân môi giới nhà đất tại TPHCM.
Anh Hùng, một cò đất ở huyện Củ Chi cho biết, anh đang nhận bán một lô đất diện tích 145m2 tại xã Tân Phú Trung với giá 1,1 tỷ đồng nhưng cả tháng nay không có người mua. Một số người đến xem rồi cũng đi luôn và không thèm trả giá.
“Năm ngoái, đất đai dễ làm ăn lắm, năm nay sao khó quá. Cả tháng nay mới chỉ bán được một lô nhưng cũng phải chia cho hai cò đất khác nên mỗi người chỉ kiếm được khoảng 7 triệu đồng”, anh Hùng nói.
Sau một thời gian nhà đất quận 12 có lượng giao dịch sôi động thì đến nay đã khá trầm lắng. Giá nhà hiện tại đang ở ngưỡng khá cao, dao động từ 45 – 50 triệu đồng/m2. Điều này khiến cho người dân có nhu cầu mua để ở “chùn tay” vì cách đây một năm, giá nhà tại các con hẻm lớn ở quận 12 cũng chỉ dao động ở mức 27 – 30 triệu đồng/m2.
“Giá nhà đất leo thang cũng là do một số đầu nậu, cò lái “thổi giá”. Khi giá đã lên cao thì lại không giảm xuống được dẫn tới ít người mua. Nhiều anh chị đầu tư bị “chôn vốn” thời gian dài và rơi vào cảnh nợ nần cũng chỉ vì nhà đất”, chị Linh nói.
Nhiều nhân viên môi giới làm việc tại các công ty bất động sản ở quận 2 và quận 9 cũng cho biết, dịp cận Tết nguyên đán năm nay là một trong những đợt buôn bán “ảm đạm” nhất của các nhân viên này trong vài năm trở lại đây. Nguyên nhân là do các dự án “bình dân” đang ngày càng ít đi nên các công ty môi giới có rất ít “hàng” để tung ra thị trường. Trong khi đó, khách đi mua nhà dịp Tết chủ yếu là tìm phân khúc bình dân, giá rẻ.
Theo Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), năm 2018, TPHCM chỉ có 77 dự án nhà ở hình thành trong tương lai với 28.316 căn, quy mô thị trường giảm đến 34,1% so với năm 2017. Phân khúc cao cấp có giá bán trên 40 triệu đồng/m2 chiếm 30%, tăng 4,5% so với năm 2017. Phân khúc trung cấp chiếm 45,3% tương đương với năm 2017. Phân khúc bình dân chỉ còn chiếm 24,7% giảm 4,4% so với năm 2017…
Những bằng chứng trên cho thấy tình hình thu ngân sách từ bất động sản năm 2018 là kém khả quan hơn hẳn so với năm 2017 – năm mà đất nền Sài Gòn được các nhóm đầu cơ ‘đánh lên’ dữ dội để vừa đút túi một khoản chênh lệch giá khổng lồ, vừa ‘cống hiến’ thuế cho chính quyền thông qua số lượng giao dịch tăng vọt.
Vào cuối năm 2018 và đầu năm 2019, bất chấp việc một số nhóm đầu cơ vẫn cố sức PR ‘triển vọng bất động sản sán lạn trong năm 2019’, không ít người trong giới chuyên gia đã phải nhận định rằng 2019 sẽ là một năm ‘điều chỉnh’, nói cách khác là năm giảm giá nhà đất khi mặt bằng giá đã bị đẩy lên quá cao nên không thể thu hút được túi tiền của người mua.
Nhưng lại có một quy luật đặc thù của thị trường bất động sản Việt Nam: khi giá đang lên thì người mua rùng rùng đổ xô vào khiến tăng vọt lượng giao dịch, nhưng khi giá giảm thì thị trường gần như đóng băng, đặc biệt đối với phân khúc đất nền mà trước đó đã bị đẩy giá trên trời. Ngân sách TP.HCM và kéo theo ngân sách trung ương sẽ thất thu lớn từ tình trạng đóng băng của phân khúc này.
Gần như chắc chắn, tiền thu ngân sách năm 2019 từ bất động sản, trong đó có thu tiền sử dụng đấtcủa TP.HCM sẽ còn giảm hơn cả năm 2018.
Quả bom bất động sản ở Sài Gòn sẽ phải nổ, hoặc không nổ đột ngột thì sẽ phải xì hơi dần. Khi đó chắc chắn mật độ thương vụ mua bán đất đai sẽ giảm dần hoặc giảm mạnh, kéo theo số thu thuế từ giao dịch đất đai sẽ giảm đáng kể trong những năm sau. Khi đó, ngân sách sẽ khó còn có nguồn thu tăng thêm từ tiền đất lên đến 60,000 – 70,000 tỷ đồng/năm, trong khi nguồn thu từ 3 khối kinh tế đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân vẫn không có gì khả quan hơn trong thời buổi kinh tế ngập ngụa suy thoái.
Cần nhắc lại vào trung tuần tháng Năm năm 2018, trong một cuộc báo cáo cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã phải thừa nhận một sự thật mà đã bị giấu biệt vào năm 2017: dù tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước năm 2017 vượt 49,16 nghìn tỷ đồng so với số báo cáo Quốc hội, vượt 76,48 nghìn tỷ so với dự toán, nhưng số tăng thu đạt được chủ yếu không phải từ hoạt động sản xuất kinh doanh mà là nhờ tăng thu từ tiền sử dụng đất (61,58 nghìn tỷ đồng so với dự toán), và một phần khác từ thu cổ tức và lợi nhuận còn lại của doanh nghiệp nhà nước (15,19 nghìn tỷ đồng), tăng thu từ dầu thô (11,28 nghìn tỷ đồng so với dự toán).