Xin giới thiệu đến quý độc giả bài viết của bình luận gia Lý Thái Hùng, đăng trên báo Asia Sentinel ngày 4 tháng Giêng, 2019. Hoàng Thuyên chuyển ngữ
Tuy giới quan sát quốc tế cho rằng Việt Nam sẽ hưởng lợi rất lớn trong cuộc xung đột thương mại Mỹ-Trung do Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump khởi động, điều này không dễ dàng xảy ra như vậy mặc dầu ấn tượng hiện nay là xung đột giữa hai cường quốc đã mang đến các cơ hội bằng vàng cho nhà cầm quyền Việt Nam.
Đầu tư ngoại quốc (FDI) đã đổ vào Việt Nam vì các công ty ngoại quốc, kể cả các công ty Trung Quốc, muốn tìm các nơi sản xuất khác để tránh thuế của Hoa Kỳ đánh trên các thành phẩm từ Trung Quốc. Là một quốc gia lân cận, Việt Nam là khu vực đầu tư và chế xuất mới lý tưởng. Gia tăng dòng vốn FDI sẽ giúp nền kinh tế xuất khẩu của Việt Nam.
Kế đến, do những bận tâm đối phó với các đòn trừng phạt về kinh tế của Tổng thống Trump, lãnh đạo Bắc Kinh sẽ “lơ là” đối với các quốc gia chung quanh, đặc biệt là Việt Nam. Đây là thời điểm thích hợp để Việt Nam tiếp tục nỗ lực đa dạng hóa các mối quan hệ ngoại giao hầu tăng cường an ninh và cải thiện thế đứng trên trường quốc tế.
Với những cơ hội này, giới phân tích kết luận rằng đây là thời điểm để Việt Nam cắt đứt mối quan hệ chênh lệch với Trung Quốc và thoát khỏi sự phụ thuộc kinh tế và chính trị với Bắc Kinh.
Tuy nhiên, Việt Nam liệu có thật sự thoát khỏi gọng kềm của Trung Quốc hay không?
Theo nghiên cứu của UBS (4 tháng 1, 2019), một công ty đầu tư ngân hàng, cho thấy trong số 200 công ty chế xuất để xuất khẩu, gần phân nửa xuất khẩu trực tiếp sang Hoa Kỳ, 37% đã dọn một số khâu sản xuất ra khỏi Trung Quốc và 33% dự tính sẽ di dời trong vòng 6 tháng đến 1 năm. Hầu hết cho biết sẽ mở rộng kinh doanh sang các lãnh vực khác ngoài xuất khẩu.
Theo UBS, rủi ro của chiến tranh mậu dịch là yếu tố chính cho việc đầu tư bỏ chạy, nhưng không phải là yếu tố duy nhất. Thăm dò cho thấy tiêu chuẩn môi sinh khắt khe hơn, giá lao động và giá đất tăng là những yếu tố hàng đầu khiến các công ty chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Cản trở lớn nhất là xin phép đầu tư bên ngoài.
Tuy nhiên, cũng theo bản báo cáo, các nền kinh tế Bắc Á như Hồng Kông, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan, được xếp hạng cao hơn Đông Nam Á. Các nền kinh tế này thắng thế nhờ tiếp cận dễ dàng đến chuỗi cung ứng, hạ tầng tốt hơn, gần với thị trường tiêu thụ, tỷ giá hối đoái tương đối ổn định và tình trạng bất ổn chính trị thấp.
Theo tờ Nikkei của Nhật Bản, có đến 35% trong số 430 công ty ngoại quốc và Trung Quốc đang tìm cách thiết lập nhà máy sản xuất tại Bangladesh và Việt Nam vì giá lao động rẻ và các điều kiện bảo vệ môi trường lỏng lẻo.
Như vậy, theo nghiên cứu của UBS và các nguồn thông tin khác, thì dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam không đầy hứa hẹn như mong muốn. Thực chất thì chiến tranh mậu dịch thúc đẩy các công ty đưa các cơ sở sản xuất cũ kỹ, lỗi thời sang Việt Nam. Nói cách khác, Trung Quốc đã “tống khứ” được các gánh nặng kỹ nghệ với công nghệ thấp, gia công cao, gây nhiều ô nhiễm sang các quốc gia nghèo hơn – như Việt Nam.
Vì là kỹ nghệ gia công cho nên Việt Nam hay Bangladesh muốn sản xuất hàng hóa cũng phải nhập khẩu các nguồn nguyên liệu thô giá rẻ từ bên ngoài, đa số là từ Trung Quốc, như tơ sợi, vải, máy móc hay các linh kiện điện tử.
Điều này cho thấy là dòng vốn FDI càng gia tăng thì nền kinh tế của Việt Nam càng lệ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc, chứ không ít đi. Nói cách khác, Việt Nam sẽ không thể thoát khỏi tầm ảnh hưởng của Trung Quốc.
Thêm vào đó, sự xung đột giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc không phải chỉ có mậu dịch mà còn dính đến các vấn đề an ninh, quốc phòng. Tranh chấp ở biển Đông sẽ khiến cho Bắc Kinh không thể buông tha cho CSVN.
Trung Quốc đã tuyên nhận chủ quyền hơn 80% biển Đông qua đường chín-đoạn tự xưng mặc dầu Tòa án quốc tế The Hauge đã phán quyết tuyên nhận này không có giá trị. Tuy thế Trung Quốc vẫn khẳng định biển Đông là “lợi ích cốt lõi” và sẵn sàng bảo vệ bằng mọi giá, kể cả chiến tranh.
Hơn thế nữa, do chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” mà Tập Cận Bình sử dụng nhằm trấn áp các phe nhóm khác, đã tạo ra tình trạng xung đột ngầm trong nội bộ đảng ngày một gay gắt, họ Tập đã phải dùng tranh chấp biển Đông như là biện pháp để làm giảm và điều hướng bất mãn nội bộ.
Trong hướng đó, Tập Cận Bình còn áp lực cả Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính trị đảng CSVN không được có những động thái theo Mỹ hay ủng hộ Mỹ về các chính sách biển Đông. Sự kiện Đại sứ CSVN tại Ấn Độ, ông Phạm Sanh Châu, vào ngày 15/11/2018 khi được hỏi quan điểm về Bộ tứ Kim cương Mỹ – Nhật – Úc – Ấn, đã nói với tờ The Times of India rằng: Việt Nam phản đối bất cứ liên minh quân sự nào mà không dẫn tới duy trì an ninh ở khu vực.
Phát biểu của ông Phạm Sanh Châu đã không đi ra ngoài chính sách 3 không (không liên minh quân sự, không hợp tác với bất cứ quốc gia nào tấn công nước thứ ba, không để cho nước nào xây dựng căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam) của Hà Nội trong nhiều năm qua. Rõ ràng, Hà Nội đã không dám chọc giận Bắc Kinh, trong khi đa số các quốc gia tại Á Châu đều tán thành việc kết hợp Bộ Tứ để kiềm chế tham vọng bành trướng quân sự của Trung Quốc trên biển Đông.
Điều sau cùng là, qua chiến dịch “đốt lò” bài trừ tham nhũng tại Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng đã cố loại trừ thành viên của các phe nhóm đối nghịch trong hai năm qua. Ông Trọng và phe nhóm tuy đã đưa khá nhiều đàn em của các phe khác vào tù hay mất chức, thậm chí mất mạng, nhưng quan tâm duy nhất của ông Trọng hiện nay là không để bất cứ một cuộc nội loạn nào xảy ra – dù trong đảng hay trong nước. Nói cách khác là trên bề nổi, phe ông Trọng đang kiểm soát quyền lực; nhưng những nạn nhân của các vụ đốt lò, đang là những ngòi nổ đe dọa sự ổn định của triều đại Nguyễn Phú Trọng.
Vào thời điểm này, Việt Nam đang hưởng lợi kinh tế từ chiến tranh mậu dịch Mỹ-Trung với nguồn vốn FDI gia tăng. Tuy nhiên, nếu hy vọng là nguồn đầu tư đa dạng này sẽ giúp Việt Nam độc lập hơn với Trung Quốc thì thực tế càng ngày càng thêm ảm đạm. Vào tháng 10 năm 2017, Thiếu tướng công an Trương Giang Long, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Công an Nhân dân và Giám đốc Học viện Chính trị Công An Nhân dân, đã tiết lộ là Trung Quốc đã cài cắm người trong nội bộ đảng CSVN để làm việc cho Bắc Kinh.
Hai tháng sau khi những nội dung phát biểu nói trên bị tiết lộ ra bên ngoài, Thiếu tướng công an Trương Giang Long đã bị cho “nghỉ hưu” non. Các quốc gia trong khối cộng sản không xa lạ gì với các nỗ lực kềm chế và áp đảo nhau qua việc khai thác chia rẽ nội bộ và cài cắm gián điệp, mà Bắc Kinh đã quen làm. Bản chất cài cắm để gây ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc trong thượng tầng lãnh đạo Việt Nam cho thấy là ngay cả khi kinh tế Việt Nam có vững mạnh, cũng khó thoát khỏi gọng kềm của Trung Quốc.
Tóm lại, bài phân tích này cân nhắc thực tế của nguồn vốn FDI đổ vào Việt Nam và mối quan hệ Việt-Trung hiện nay để kết luận là chiến tranh mậu dịch Mỹ-Trung chỉ làm Việt Nam lệ thuộc hơn vào Trung Quốc. Vẫn còn nhiều phụ thuộc về mặt kinh tế, mậu dịch và quân sự. Quan trọng hơn nữa, ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí Thư của Đảng Cộng sản Việt Nam, và hiện kiêm luôn vị trí Chủ Tịch Nước, cần Trung Quốc để duy trì quyền lực.
Ông Lý Thái Hùng là bình luận gia chính trị về thời sự Việt Nam và là Tổng Bí Thư Đảng Việt Tân.
Nguyên bản Anh ngữ: Will the US-China trade war help Vietnam escape China’s hold? by Ly Thai Hung – Asia Sentinel, January 4, 2019