Thấy gì qua cách hiểu về giáo dục của hai vị bộ trưởng?

Nguyễn Ngọc Thiện - Phùng Xuân Nhạ
- Quảng Cáo -
Trúc Giang (VNTB) – Người viết bài này trước khi bước vào nghề báo, có một năm làm thầy giáo cấp 2 dạy các em học trò khiếm thị trường Nguyễn Đình Chiểu, Sài Gòn. Xin được luận bàn về hai vị bộ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, và bộ trưởng bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện quanh chủ đề ‘giáo dục – tiền’.
Quan chức nào thì giáo dục nấy!
Tháng 6-2018, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về chất lượng giáo dục đại học, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng “đồng tiền đi liền chất lượng”, chất lượng thấp vì mức học phí người học bỏ ra còn thấp so với thế giới.
Tháng 10-2018, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về trách nhiệm trước tình trạng đạo đức xuống cấp, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định: “Sự xuống cấp đạo đức xã hội xuất phát từ các ngành kinh tế!”.
Ý chung của cả hai vị bộ trưởng là sở dĩ giáo dục bết bát, đạo đức suy đồi là vì nền kinh tế còn nghèo nàn, eo hẹp tiền bạc.
Thế nhưng khi xem xét lại các Nghị quyết Trung ương 3, khoá VII năm 1993 của đảng cộng sản Việt Nam, thì thấy có những câu văn khẳng định: “Khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển”. Nghị quyết Trung ương 8, (khoá XI) một lần nữa khẳng định: “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân”. [Nguồn: http://bit.ly/2AGAbP1]
Trong các báo cáo thống kê công khai trước Quốc hội, lãnh vực giáo dục được ưu tiên đầu tư nguồn lực lớn từ ngân sách nhà nước. Tỷ lệ chi ngân sách cho giáo dục hàng năm của Việt Nam ở mức xấp xỉ 20%, tương đương 5% GDP. Đây là mức được ghi nhận là rất cao so với nhiều nước trên thế giới, kể cả các nước có trình độ phát triển kinh tế cao hơn Việt Nam rất nhiều. (Singapore 3,2%/GDP năm 2010, Malaysia 5,1%, Thái Lan 3,8%, Hàn Quốc 5,2% năm 2011, Hồng Kông 3,5%).
Từ những số liệu nêu trên cho thấy tiền không phải là nguyên cớ cho sự tuột dốc của giáo dục và đạo đức. Lỗi chính ở đây là thuộc về Bộ Chính trị, nơi đưa ra các quyết định về nhân sự cho bộ máy điều hành của chính phủ. Nói một cách khác, thì ‘quan chức nào – giáo dục nấy’!
Thử nhìn lại một nền giáo dục đã qua
Miền Nam trước tháng 4-1975, nói theo ngôn ngữ của tuyên giáo Hà Nội xã hội chủ nghĩa, là phải sống trong sự kềm kẹp của Mỹ – Ngụy. Tuy nhiên nếu mang so sánh giáo dục thời gian đó với hiện nay, cho thấy có những ưu điểm vượt trội không hề mang màu sắc của đồng tiền như cách nhìn của hai vị bộ trưởng nói trên.
Miền Nam trước tháng 4-1975, học trò thi vào trường công từ lớp Đệ Thất và đi thẳng luôn lên Đệ Nhất, không phải tốn công, tốn tiền thi chuyển cấp với đủ thứ nguyện vọng 1, 2, 3 cũng như ‘chạy’ trường. Đậu vào trường công thì hầu như không tốn tiền gì cả, ngoài một số tiền nhỏ làm thẻ học sinh và học bạ đầu năm chỉ tương đương với 1 tô phở bình dân.
Đồng phục nam là quần ka ki xanh và áo sơ mi trắng. Không chấp nhận loại vải nào khác. Nữ sinh thì áo dài trắng. Sách học thì hầu như không thay đổi nhiều trong thời gian dài, nên em thì tiếp tục dùng sách của anh chị, đỡ hao tiền phụ huynh.
Thật ra cũng khó so sánh, vì bây giờ có nhiều tiến bộ về khoa học. Trước 1975, học trò chỉ có cây viết và tập, sách chứ không gõ máy tính như bây giờ. Học trò những niên khóa 1975 trở về trước, nghĩ hè là đi chơi ‘mút mùa Lệ Thủy’ cả 3 tháng, khỏi họp hành, học thêm. Khi nghĩ hè thì được thông báo trước ngày tựu trường cho niên khóa mới. Cứ tới ngày đó là ôm cặp tới trường là đúng y chang.
Mặt bằng kiến thức của học sinh thì đồng đều. Không có điểm ưu tiên, diện ưu tiên gì hết ráo.
Mặc dù tồn tại chỉ trong 20 năm, từ 1955 đến 1975, bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh và những bất ổn chính trị thường xảy ra, phần thì ngân sách eo hẹp do phần lớn ngân sách quốc gia phải dành cho quốc phòng và nội vụ (trên 40% ngân sách quốc gia dành cho quốc phòng, khoảng 13% cho nội vụ, chỉ khoảng 7–7,5% cho giáo dục) nhưng theo giáo sư Việt văn Nguyễn Thanh Liêm [1933 – 2016], cựu hiệu trưởng trường Petrus Trương Vĩnh Ký – Sài Gòn, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục, thì nền giáo dục khi ấy đã phát triển nhanh, đáp ứng được nhu cầu gia tăng nhanh chóng của người dân, đào tạo được nhóm trí thức có học vấn và có khả năng chuyên môn đóng góp vào việc xây dựng quốc gia và tạo được sự nghiệp ngay cả ở các quốc gia phát triển.
“Kết quả này là nhờ các nhà giáo có ý thức rõ ràng về sứ mạng giáo dục, có ý thức trách nhiệm và dành nhiều tâm huyết đóng góp cho nghề nghiệp, cũng như nhiều bậc phụ huynh đã sẵn sàng đóng góp tài chính cho việc xây dựng nền giáo dục, cùng những ý tưởng, sáng kiến, và nỗ lực mang lại sự tiến bộ cho nền giáo dục ở miền Nam Việt Nam”. [Trích Nguyễn Thanh Liêm, “Giáo Dục ở Miền Nam Tự Do trước 1975” Đồng Nai Cửu Long xuất bản, Santa Ana 2006].
Như vậy, tuy vẫn là chuyện tiền, nhưng ở đây với các quan chức trong ngành giáo dục, đó không phải điều kiện tiên quyết như cách nghĩ của bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện.
Nếu không phải vì tiền, thì vì cái gì?
Xin trả lời luôn: vì thiếu lá phiếu thực sự của cử tri công chúng. Với thể chế bầu cử tính từ mốc tổng tuyển cử ngày 25 tháng 4 năm 1976 [tham khảo thêm tại http://bit.ly/2qp58Bl] cho đến nay, lá phiếu cử tri chỉ mang tính ước lệ dân chủ, vì mọi đặt để nhân sự Quốc hội cho đến Chính phủ đều thuộc cơ quan có tên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, gọi vắn tắt là Bộ Chính trị, với người đứng đầu là Tổng Bí thư.
Lá phiếu ở cử tri trong một nền giáo dục với ba nguyên tắc là “nhân bản – dân tộc – khai phóng” như miền Nam trước đây vì sao lại có tầm quan trọng trong lựa chọn những ông, bà nghị sĩ đại diện cho dân chúng?
Nhà báo Lê Văn Nghĩa của báo Tuổi Trẻ, kể lại thời thanh niên của ông ở Sài Gòn khi xong tú tài, nếu chọn các trường đại học như Văn Khoa, Luật, Khoa học thuộc Viện Đại học Sài Gòn, chỉ cần thủ tục ghi danh. Vì vậy cũng có nhiều sinh viên Luật cũng là sinh viên Văn Khoa, và ngược lại.
“Có lẽ vì Bộ Giáo dục thời Việt Nam Cộng Hòa đánh giá Văn khoa là một phân khoa có tầm quan trọng đặc biệt. Chính phân khoa này thể hiện được các sắc thái thuần túy dân tộc, soi sáng được truyền thống dân tộc, mới duy trì và tiếp tục vun xới bồi đắp cho nền văn hóa dân tộc được vững bền và ngày thêm phong phú. Chỉ ở văn khoa mới tìm thấy được những gì thuần túy Việt Nam. Giúp bạn sống một cách nhân bản hơn, gắn bó với quê hương nhiều hơn”. Nhà báo Lê Văn Nghĩa nhận xét.
Khi những lá phiếu cử tri dân chúng từng là sinh viên Văn Khoa, sinh viên trường Luật thì ắt hẳn họ sẽ không đời nào chấp nhận làm những con cừu ngoan ngoãn bầu chọn cho những ông bà nghị kiểu như Phùng Xuân Nhạ, Nguyễn Ngọc Thiện, hay Nguyễn Thị Quyết Tâm, hoặc Lê Thanh Hải…
Tinh thần quốc gia phải là trên hết
“Hiến pháp là văn kiện chính trị pháp lý quan trọng vào bậc nhất sau Cương lĩnh của Đảng”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có ý nhấn như vậy tại trao đổi với cử tri hai quận Tây Hồ, Hoàn Kiếm ngày 28-9-2013 về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 [Nguồn: http://bit.ly/2yKMx7y]
Với cách nghĩ ‘phi pháp luật’ của người đứng đầu Bộ Chính trị, tất yếu lúc ‘cơ cấu nhân sự’, thì yếu tố ‘trung thành tuyệt đối’, ‘trung thành mù quáng’ với đảng cộng sản luôn mang tính mặc định. Điều này còn thể hiện trong nền giáo dục xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc trước đây, và trên cả nước từ sau tháng 4-1975. “Đảng và Nhà nước lo” từng là câu cửa miệng quen thuộc.
Giáo dục ở miền Nam những niên học 1975 trở về trước, như lời ca khúc “Học sinh hành khúc” của nhạc sĩ Lê Thương: “Học sinh là mầm sống của ngày mai – Nung đúc tâm hồn để noi chí lớn – Theo các thanh niên sống vì giống nòi – Liều thân vì nước, vì dân mà thôi”, thì rõ ràng việc phát triển tinh thần quốc gia ở mỗi học sinh được chú trọng hàng đầu.
Điều này thực hiện bằng cách chỉ dạy học sinh hiểu biết hoàn cảnh xã hội, môi trường sống, và lối sống của người dân; giúp học sinh hiểu biết lịch sử nước nhà, yêu thương xứ sở mình, ca ngợi tinh thần đoàn kết, tranh đấu của người dân trong việc chống ngoại xâm bảo vệ tổ quốc; giúp học sinh học tiếng Việt và sử dụng tiếng Việt một cách có hiệu quả; giúp học sinh nhận biết nét đẹp của quê hương xứ sở, những tài nguyên phong phú của quốc gia, những phẩm hạnh truyền thống của dân tộc; giúp học sinh bảo tồn những truyền thống tốt đẹp, những phong tục giá trị của quốc gia; giúp học sinh có tinh thần tự tin, tự lực, và tự lập.
- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here