Về giá trị tuyệt đối, số thu dự kiến cho ngân sách năm 2018 vẫn “năm sau cao hơn năm trước” do chế độ “thu cùng diệt tận giai đoạn cuối” cưỡng bức dân đóng thuế “kiến tạo” và còn phải bán vốn nhà nước trong những doanh nghiệp “bò sữa” cho tư nhân, nhưng về tỷ lệ tăng so với dự toán thì lại là một thất bại đau đớn của nhà nước Cộng Sản.
“Vượt dự toán thấp nhất trong 4 năm!”
Một bản báo cáo của cơ quan Kiểm Toán Nhà Nước Việt Nam được công bố vào Tháng Mười năm 2018 đã phải thừa nhận rằng phần thu cân đối ngân sách nhà nước 2018 tuy có thể đạt 1.358,4 nghìn tỷ đồng, vượt dự toán đầu năm 39,2 nghìn tỷ đồng – tức tăng 3% so với dự toán – nhưng đây là số tăng thấp nhất so với kết quả thực hiện dự toán trong 4 năm trở lại đây.
Báo cáo này cũng cho biết số thu vượt dự toán chủ yếu từ các nguồn thu về nhà, đất và dầu thô, trong đó nhà, đất tăng 35,9% (38.705 tỷ đồng), dầu thô tăng 53,2% (19.100 tỷ đồng). Tuy nhiên, thu từ đất không ổn định còn thu từ dầu thô chủ yếu do giá dầu lập dự toán thấp hơn thực tế ($73,5/$50/thùng) và sản lượng ước tăng 450 nghìn tấn.
Có 22/57 địa phương dự kiến không đạt dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn. Đáng chú ý, Sài Gòn, Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc ước hụt thu 2 năm liên tiếp (năm 2017 đạt 80.5% và năm 2018 đạt 88.8% dự toán giao). Tỷ lệ huy động từ thuế, phí 20.7% GDP cũng thấp hơn so với mục tiêu đề ra 21% GDP.
Thu ngân sách trung ương dù đạt 100.8% so với dự toán, chiếm tỷ trọng 44.7% tổng thu ngân sách nhà nước nhưng thấp hơn so với mục tiêu đặt ra trong giai đoạn 2016-2018 từ 60-65%…
Nếu tiến độ “thu cùng diệt tận giai đoạn cuối” xảy ra theo đúng dự báo của Kiểm Toán Nhà Nước và “Bộ Thắt Cổ” (một cách gọi của dân gian đương đại dành cho Bộ Tài Chính với vô số sắc thuế “kiến tạo” đè đầu dân), mức thu vượt dự toán 3% của năm 2018 sẽ là sự tiếp nối của một năm nữa, sau năm 2017 chỉ có mức thu thực tế dự toán khoảng 2.3%, thấp hơn nhiều so với mức vượt dự toán lên tới 8-9% của những năm trước – khoảng thời gian mà doanh nghiệp và dân chúng vẫn còn một số nguồn tài chính dự trữ chứ không đến mức phát sinh nhiều dấu hiệu cạn kiệt như hiện thời.
Nhìn lại năm 2017, nếu không tính đến vụ chính phủ phải bán vốn Tổng Công Ty Rượu Bia-Nước Giải Khát (Sabeco), thu được chẵn $5 tỷ, tương đương 110.000 tỷ đồng, thì phép trừ đơn giản nhất cho thấy kết quả thu ngân sách năm 2017 chỉ là 1.173 ngàn tỷ đồng (1.283 ngàn tỷ trừ 110 ngàn tỷ), chỉ đạt 96,8% dự toán thu đầu năm 2017 (1.212 ngàn tỷ đồng).
Kết quả 96,8% thu ngân sách năm 2017 không những không được xem là thành tích mà còn bị coi là một thất bại, bởi đây là lần đầu tiên sau nhiều năm, thu ngân sách quốc gia không đạt so với dự toán. Cũng là năm thứ ba liên tiếp, thu ngân sách từ khối trung ương không đạt dự toán.
Nguồn thu từ nhà đất sẽ đổ nhào vào năm 2019?
Nỗi lo lắng của cơ quan Kiểm Toán Nhà Nước về nguồn thu từ nhà đất và dầu thô “không ổn định” (hay còn được xem là “cấu trúc thu không bền vững”) cũng chính là tâm trạng lo sợ không nguôi của chính thể độc đảng ở Việt Nam: nếu trong năm 2019 và những năm sau đó mà hai nguồn thu này vẫn “không ổn định” theo chiều hướng suy giảm chứ không tăng vọt ồn ào như năm 2017 và 2018 – đặc biệt đối với thu thuế buôn bán nhà đất, ngân sách nhà nước và ngân sách đảng sẽ tìm đâu ra nguồn mới để bù đắp cho cái miệng rộng ngoác như hàm cá mập của quốc nạn bội chi ngân sách, chi xài lãng phí vô tội vạ cùng quốc nạn tham nhũng mà đang nhấn chìm xã hội Việt Nam xuống tầng dưới cùng của địa ngục thời hiện đại?
Trong một cuộc báo cáo cho Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội vào trung tuần Tháng Năm năm 2018, chính bộ trưởng “Bộ Thắt Cổ” – ông Đinh Tiến Dũng – đã phải thừa nhận một sự thật trần trụi và tàn nhẫn trong cơ cấu thu ngân sách của chính thể độc đảng ở Việt Nam vào năm 2017: dù tổng thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2017 vượt 49,16 nghìn tỷ đồng so với số báo cáo Quốc Hội, vượt 76,48 nghìn tỷ so với dự toán, nhưng số tăng thu đạt được chủ yếu không phải từ hoạt động sản xuất kinh doanh mà là nhờ tăng thu từ tiền sử dụng đất (61,58 nghìn tỷ đồng so với dự toán), và một phần khác từ thu cổ tức và lợi nhuận còn lại của doanh nghiệp nhà nước (15,19 nghìn tỷ đồng), tăng thu từ dầu thô (11,28 nghìn tỷ đồng so với dự toán).
Hãy nhớ lại, vào năm 2017 chính “Bộ Thắt Cổ” đã tham mưu cho chính quyền âm thầm, hoặc lén lút tăng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp gấp 3-4 lần mà không thông báo trước cho dân.
Trong cơ cấu thu ngân sách quốc gia, tiền thuế sử dụng đất chiếm khoảng 9%, tương đương khoảng 100 ngàn tỷ đồng. Nếu đồng loạt tăng thuế sử dụng đất ở các tỉnh thành, ngân sách sẽ có thể “móc túi” dân gấp ít ra vài ba lần con số trăm ngàn tỷ đó.
Năm 2017 lại là năm mà thị trường bất động sản ở Việt Nam được giới đầu cơ cá mập lẫn đầu cơ nhỏ lẻ “đánh lên” ở nhiều tỉnh thành. Ở miền Nam như Sài Gòn, Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu. Ở miền Trung như Đà Nẵng. Ở miền Bắc như Hà Nội, Phúc Yên, Bắc Ninh, Hải Phòng. Đặc biệt là “đánh lên” dữ dội ở ba đặc khu kinh tế tương lai là Vân Đồn (Quảng Ninh), Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang).
Từ đầu năm 2017 đến nay, mặt bằng giá đất được đẩy lên cao đến mức hoang tưởng – hàng chục lần, thậm chí hàng trăm lần.
Đó cũng là bối cảnh mà có đến 80-90% kẻ mua người bán đất là nhằm mục đích đầu cơ chứ không phải để ở. Hồ sơ mua bán đất chồng chất như núi ở các văn phòng đăng ký đất đai và cơ quan thuế, mà do đó đã giúp cho Tổng Cục Thuế một năm bội thu.
Nhưng niềm vui thu thuế không phải cứ kéo dài mãi mãi. Cũng như những cơn sóng bất động sản vào những năm 2000 và giai đoạn 2007-2011 đều có điểm kết thúc bi kịch của nó, phong trào đầu cơ bất động sản từ năm 2016 kéo dài đến nay đã đẩy mặt bằng giá đất quá cao so với giá trị thực và tạo nên một quả bom khổng lồ chỉ chực chờ phát nổ vào năm 2019, hoặc có thể ngay trong năm 2018.
Một dấu hỏi quá khốn quẫn đối với nền ngân sách ăn bám của nhà nước Cộng Sản: Nếu quả bom bất động sản nổ, hoặc không nổ đột ngột thì sẽ phải xì hơi dần, chắc chắn mật độ thương vụ mua bán đất đai sẽ giảm dần hoặc giảm mạnh, kéo theo số thu thuế từ giao dịch đất đai sẽ giảm đáng kể trong những năm sau. Khi đó, ngân sách sẽ khó còn có nguồn thu tăng thêm từ tiền đất lên đến 60.000 – 70.000 tỷ đồng/năm, trong khi nguồn thu từ 3 khối kinh tế đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân vẫn không có gì khả quan hơn trong thời buổi kinh tế ngập ngụa suy thoái.
Vậy ngân sách nhà nước sẽ lấy đâu ra tiền để nuôi đội ngũ gần 3 triệu công chức viên chức “còn đảng còn mình” mà có ít nhất 30% trong số đó ăn không ngồi rồi?
Lại in tiền ồ ạt?
Nhưng vào lúc này, ngay cả thao tác in tiền để “bù đắp khó khăn ngân sách” đang trở nên quá nguy hiểm trong bối cảnh lạm phát thực tế đã lên tới vài ba chục phần trăm mỗi năm chứ tuyệt đối không phải “được kềm chế dưới 5%/năm” như các báo cáo chính phủ bất cần biết dân chúng và dân sinh. Chỉ so sánh con số tổng dư nợ tín dụng cho vay vào thời điểm năm 2008 là 2,3 triệu tỷ đồng và vào năm 2017 lên đến khoảng 7 triệu tỷ đồng – tức gấp đến 3 lần, thì trong gần một chục năm qua Bộ Chính Trị đảng và Ngân Hàng Nhà Nước rất có thể đã phải cho in tiền từ 400.000 – 500.000 tỷ đồng/năm, đặc biệt vào thời Nguyễn Tấn Dũng “tiền ra như nước Sông Đà.”