Tôi tin những điều ông Trọng tuyên thệ hôm qua là “lời thật từ đáy lòng”. Tức là “trình độ, năng lực, sự hiểu biết” của ông Trọng là “có hạn”, “tuổi tác đã lớn” và “sức khỏe yếu”. Ông Trọng tự nhận mình “phận mỏng cánh chuồn” và e ngại rằng không biết có “hoàn thành được nhiệm vụ hay không.”
Vấn đề là tại sao một quốc hội trên 500 người lại đi bầu một con người không có trình độ, không có năng lực, thiếu hiểu biết lại không đủ sức khỏe… vào ghế “chủ tịch nước” ?!
Nếu ta xét lại lịch sử CSVN thì điều này không phải là hiếm. Ta đã thấy những lãnh tụ “thiểu năng” như Phạm Văn Đồng, Đỗ Mười, Nông Đức Mạnh… lên nắm những chức vụ chủ chốt của quốc gia. Di sản của những người này còn di hại cho đất nước và dân tộc đến nhiều thế hệ mai sau.
Công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng nhìn nhận chủ quyền của TQ ở Hoàng Sa và Trường sa. Hội nghị Thành Đô ông Đỗ Mười đã gắn liền “vận mệnh dân tộc VN” vào TQ (vận mệnh tương quan). Ông Đỗ Mười còn để lại di sản “nhà nước pháp quyền XHCN”, trong đó đảng (và đảng viên) đứng trên và đứng ngoài pháp luật.
Điều tai hại mà quốc dân VN cần biết rõ là yêu sách đường chữ U của TQ ở Biển Đông (và chủ quyền HS và TS) hiện nay là đặt nền tảng trên công hàm 1958 do Phạm Văn Đồng ký.
Điều tai hại khác (mà quốc dân VN cần hiểu) là “nhà nước pháp quyền XHCN” của Đỗ Mười đã khiến cho chính trị, xã hội VN đã không thể cải tổ theo chiều hướng “hiện đại”. Việc này đã khiến cho VN lẩn quẩn bốn thập niên trong vũng bùn nghèo hèn chậm tiến.
Một lãnh đạo có đầu óc, biết đặt quyền lợi của đất nước lên trên thì không thể ký công hàm 1958. Một lãnh đạo có tầm nhìn, có hiểu biết, đặt quyền lợi đất nước lên trên quyền lợi đảng phái thì không thể áp dụng khái niệm “nhà nước pháp quyền”, một mô hình chưa từng thấy áp dụng trong lịch sử xây dựng các quốc gia.
Chủ tịch nước là người đứng đầu nước (quốc gia), có quyền hạn lớn lao là “thay mặt quốc gia trong vấn đề đối nội và đối ngoại”.
Chủ tịch nước “thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân nhân”, là người đứng đầu “hội đồng quốc phòng và an ninh” có quyền đệ trình quốc hội quyết định “tuyên bố chiến tranh”…
Ông Trọng còn là tổng bí thư đảng cộng sản, là người có quyền ra chỉ thị cho 95% đại biểu quốc hội, vốn là đảng viên đảng CS, thực hiện (hay không thực hiện) quyết định của chủ tịch nước. Cương vị tổng bí thư ông Trọng còn có thẩm quyền đề cử hay bãi nhiệm tất cả những thành viên của chính phủ, của cơ quan tư pháp các cấp…
Quyền lực của ông Trọng là vô biên. Tất cả quyền lực quốc gia đều tập trung vào trong tay ông Trọng.
Không có trình độ, không có sức khỏe, không có tự tin… ông Trọng đưa đất nước này về dâu ?
Tôi hy vọng những gì ông Trọng nói chỉ là “lời khiêm nhượng”.
Nếu nhìn lại “quá trình” chinh phục quyền lực của ông Trọng, ta có thể cho rằng ông Trọng “nói vậy mà không phải vậy”.
Ông Trọng có tuyên thệ:
“Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam, nỗ lực làm hết sức mình, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.”
Theo tôi, ông Trọng chỉ cần “trung thành với tổ quốc, với nhân dân” là đủ.
Nếu ông Trọng đặt quyền lợi của đất nước lên trên thì đây là cơ hội hãn hữu để cải tổ lại “nhà nước pháp quyền XHCN”, nguyên nhân của mọi nguyên nhân khiến cho “thượng bất chánh hạ tất loạn”. Mô hình “nhà nước pháp quyền XHCN” của Đỗ Mười cần phải dẹp bỏ để thay thế vào đó mô hình xây dựng quốc gia phổ cập là “Etat de Droit” (dịch là Quốc gia Pháp trị). Theo đó đảng phải có “tư cách pháp nhân”, phải hoạt động trong khuôn khổ của luật pháp cho phép và chịu trách nhiệm trước luật pháp.
Tuổi đã già, trí đã cạn. Ông Trọng chớ nên phiêu lưu sử dụng “đức trị”, đưa đất nước trở về thời phong kiến đế quyền.
Đất nước 95 triệu người không thể cai trị bằng “thiện chí”, bằng “đức trị”. Có thể ông Trọng “có đức, có tài”. Nhưng chỉ cần 3 năm nữa, ông Trọng như đèn cạn dầu. Ai là người ”có đức có tài” để tiếp tục mô hình phong kiến “đức trị” ?
Sẽ có bao nhiêu Đỗ Mười, Phạm Văn Đồng, Nông Đức Mạnh… lên trị nước ?