FB Hồi Vi Đức
Bảo Ngân
Lê Đình Lượng (LĐL) sinh ngày 10/12/1965 tại Nghệ an, anh nổi tiếng về những hoạt động: từ thiện; mạng lưới Blogger; nhân quyền và là thành viên nổi bật của công giáo tỉnh Nghệ an. Với những hoạt động tích cực trên LĐL đã bị chính quyền cộng sản Việt Nam bắt ngày 24/7/2017. Tòa sơ thẩm tuyên phạt LĐL 20 năm tù giam và 5 năm quản chế, ngày 18/10/2018 tòa phúc thẩm tuyên LĐL y án.
Là một cựu quân nhân có thời phục vụ tại biên giới Việt-Trung (1983), chính thời gian này LĐL đã tận tai nghe, mắt thấy về tội ác của giặc Trung quốc xâm lược, từ đó đã hình thành cho anh về bản lĩnh và ý chí đấu tranh cho dân chủ-nhân quyền và chống sự bành trướng Trung quốc.
Anh được chứng kiến sự thảm khốc của cuộc chiến tranh biên giới Việt- Trung để lại sau 1979. Những thành phố, thị xã, thị trấn, làng mạc trên toàn tuyến biên giới Việt-Trung ngổn ngang thành những đống đổ nát, những cây cầu bị đánh sập cắt đứt mạch huyết giao thông, những cây cổ thụ cây thì bị mìn đánh đổ ngổn ngang, cây thì xơ xác thân chi chít găm đạn. Nhà cửa của dân, các cơ quan công sở tan hoang, trên những bức tường không chịu sập, chi chít những lỗ chồng lỗ do giặc lia đạn…
Anh cũng trực tiếp nghe những câu chuyện người dân bản xứ tường thuật rằng những ngày đầu giặc rút chạy, toàn tuyến giáp biên một mùi hôi tanh cả một vùng trời rộng lớn bởi xác chết của quân ta và địch trong đó có cả người dân. Từng tốp, từng đàn quạ kêu vang trời lượn bay gọi nhau đến mổ xẻ những xác người thối rữa, nhất là các dòng chảy của sông, suối, rạch tất cả đổi màu vàng lợ. Loài động vật như trâu, bò, ngựa, dê trúng đạn chết trương phình tạo thêm mùi hôi tanh sặc sụa cả một vùng trời biên giới.
Trước khi tháo chạy, quân xâm lược Trung quốc dắt, lùa những con trâu, bò, ngựa còn sống đến những địa điểm người có thể dễ quan sát, bắn chết rồi gài mìn sẵn ở đó để quân và dân ta đến thu dọn chiến trường, mìn nổ tiêu diệt tiếp. Trên những nẻo đường mòn dân sinh, nhất là đường giáp biên, đường đi vào lân lũng, ruộng nương, chúng đều đặt mìn làm không biết bao người sau chiến tranh vẫn ngã xuống trên chính quê hương mình, đến nay lác đác vẫn có tin người bị trúng mìn vv và vv…
Những hình ảnh sự kiện trên đã thôi thúc Lê Đình Lượng tự nguyện hiến thân cho công cuộc đấu tranh chống Trung quốc, lên án sự lệ thuộc vào giặc phương Bắc của giới cầm quyền cộng sản Việt Nam. Lê Đình Lượng ý thức rằng: con đường đấu tranh cho dân chủ- nhân quyền, xóa bỏ độc tài, hòa nhập vào thế giới tự do là con đường duy nhất để Việt Nam thoát Trung. Bởi thế ngay sau khi xuất ngũ, Lê Đình Lượng đã có những hoạt động thực hiện theo mục tiêu lý tưởng của mình, cụ thể:
1. Lê Đình Lượng tham gia Hội Bảo Vệ Sự Sống (HBVSS), được thành lập từ năm 2008 tại Nghệ An, với các mục tiêu:
– Truyền thông nâng cao ý thức cho cộng đồng về bảo vệ sự sống
– Giúp đỡ các chị em có bầu đơn thân
– Tiếp cận và thuyết phục chị em giữ lại thai nhi
– An táng các hài nhi xấu số
Đối với Lê Đình Lượng và các hội viên HBVSS, nghĩa địa cho trẻ em sơ sinh bị bỏ chết tại xã Nghi Thanh, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An là một kho tàng vô giá và có ý nghĩa rất nhân văn nên họ vô cùng trân quý.
2. Hoạt động chống bầu cử quốc hội: Lê Đình Lượng vận động tẩy chay cuộc bầu cử quốc hôi khóa 13, vì cho rằng người dân chưa bao giờ biết đến các ứng viên nghị viện, người đại diện cho mình nên có quyền không đi bầu.
3. Hoạt động chống hủy hoại môi trường: Vào tháng 10/2010 ký tên trong bản kiến nghị ngừng sản xuất Alumina tại Tây nguyên.
4. Năm 2014-2015 Lê Đình Lượng tích cực trong việc đòi quyền lợi chính đáng cho người dân như đòi quyền sinh con thứ ba, phản đối việc đóng phí giáo dục, phản đối việc thu phí sản phẩm nông nghiệp.
5. Thăm tù nhân lương tâm: lần thăm đón tù nhân lương tâm Trần Minh Nhật mãn hạn tù, lần này bị đánh đập gây thương tích.
6. Ngày 19/5/ 2015 Lê Đình Lượng được Đại Sứ Quán Đức tại Hà Nội mời điều trần về đàn áp nhân quyền tại Việt Nam.
7. Ngày 4/11/2017, tham gia phản đối Tập Cận Bình thăm Việt Nam.
8. Tháng 4/2016 Lê Đình Lượng gặp Liên Minh Châu Âu để vận động cho nhân quyền Việt Nam.
9. Năm 2016-2017 tham gia chống ô nhiễm môi trường do công ty Formosa thải chất độc ra biển miền Trung:
– Yêu cầu công ty Formosa ngừng hoạt động
– Đòi tiền thiệt hại do công ty Formosa làm ô nhiễm môi trường biển tại Nghệ An và các tỉnh phụ cận Quảng Bình, Quảng Tri, Thừa Thiên-Huế.
Những hoạt động của Lê Đình Lượng như trên không hề ẩn chứa âm mưu lật đổ chính quyền. Tòa án tỉnh Nghệ an quy kết Lê Đình Lượng hợp tác, móc nối với đảng Việt tân tiến hành hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân theo điều 79 Bộ luật hình sự, với mức án 20 năm tù giam và 5 năm quản chế.
Anh bình thản và tuyên bố: “Việc của tôi lịch sử sẽ phán quyết”.