Trân Văn – VOA
Các viên chức ngoại giao Việt Nam đang uốn lưỡi biện minh về nhân quyền tại Việt Nam. Nhân quyền tiếp tục trở thành một trong những vấn đề mà nhiều tổ chức hoạt động cho nhân quyền trên thế giới khuyến cáo Liên hiệp châu Âu (EU) phải cân nhắc khi xem xét Hiệp định Thương mại tự do giữa EU với Việt Nam (EVFTA) (1).
Tháng trước, tại Kỳ họp thứ 39 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, nhiều tổ chức hoạt động cho nhân quyền trên thế giới tố cáo chính quyền Việt Nam xâm hại tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do biểu tình, tự do tôn giáo và lừa gạt Liên Hiệp Quốc về thăng tiến nhân quyền (2).
Đến giờ, những tổ chức hoạt động cho nhân quyền trên thế giới vẫn không ngừng hối thúc hết chính phủ Mỹ, chính phủ Úc (3), chính phủ Nhật (4), EU,… sử dụng tất cả các hình thức khả thể, gây sức ép, buộc chính quyền Việt Nam phải thực thi các cam kết với cộng đồng quốc về nhân quyền.
Cho tới giờ, ít nhất cũng đang có 130 công dân Việt Nam bị tống giam, phạt tù chỉ vì bày tỏ, hoặc vận động đồng bào của mình bày tỏ khát vọng được sống như thiên hạ. Khoảng 2/3 số này mất tự do chỉ vì dám thể hiện sự bất bình, âu lo cho môi trường sống đang càng ngày càng tệ hại…
***
Trung tuần tháng trước, tờ Phụ Nữ Việt Nam cho biết, chỉ trong vòng mười tháng (từ tháng 9 năm 2017 đến tháng 6 năm 2018), lúc tiến hành tầm soát, chẩn đoán trước khi sinh và sơ sinh, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An phát giác 678 phụ nữ mang thai có dị tật (5). Tuy bài viết vừa kể chỉ nhằm giới thiệu hiệu quả hoạt động của Trung tâm Sàng lọc trước sinh và sơ sinh thuộc Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An (góp phần giảm số lượng trẻ kém phát triển về trí tuệ và thể lực do hậu quả của các bệnh rối loạn chuyển hóa, di truyền, qua đó giảm thiểu số người tàn tật, giảm gánh nặng về chi phí cho gia đình và xã hội, góp phần nâng cao chất lượng dân số,…) và không đề cập tới nguyên do nhưng tự thân sự kiện buộc người ta liên tưởng đến nhà máy thép của Formosa ở Khu Công nghiệp Vũng Áng.
Tháng 4 năm 2016 – khoảng 18 tháng trước thời điểm Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tiến hành tầm soát, chẩn đoán trước khi sinh và sơ sinh – các loại hải sản đột nhiên chết trắng khu vực bờ biển chạy dọc bốn tỉnh phía Bắc miền Trung. Hai tháng sau, chính quyền Việt Nam thừa nhận, nước do nhà máy thép của tập đoàn Formosa thải ra là nguyên nhân dẫn tới thảm nạn vô hiệu hóa toàn bộ hoạt động của ngư nghiệp, nông nghiệp, du lịch ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế (6). Trên khắp Việt Nam, đặc biệt là tại khu vực Nghệ An – Hà Tĩnh đã có rất nhiều hoạt động đòi truy cứu trách nhiệm hình sự những viên chức từ trung ương đến địa phương “rước” Tập đoàn Formosa vào Việt Nam và đóng cửa nhà máy thép của tập đoàn này song vô ích. Sau khi sử dụng “biện pháp hành chính”, kỷ luật khoảng hai chục viên chức trong hệ thống công quyền ở Hà Tĩnh và Bộ Tài nguyên – Môi Trường, nhận 500 triệu Mỹ kim bồi thường, chính quyền Việt Nam đã cho phép Formosa hoạt động trở lại.
Cần lưu ý rằng qua hệ thống truyền thông Việt Nam, một số chuyên gia đã từng chứng minh, chính quyền Việt Nam biết trước hậu quả nguy hại cho môi sinh, môi trường nhưng vẫn “rước” Formosa vào Việt Nam và sau thảm nạn tháng 4 năm 2016, vẫn cho phép Formosa vận hành trở lại nhà máy thép.
Đầu tháng 7 năm 2016, Thời báo Kinh Tế Sài Gòn đăng “Formosa Hà Tĩnh: Phát thải ‘siêu độc’, quản lý ‘chưa tiên liệu’?”. Theo đó, từ năm 2009, Cục Thẩm định – Ðánh giá tác động môi trường thuộc Tổng cục Môi trường nằm trong Bộ Tài nguyên – Môi trường từng xuất bản tài liệu “Hướng dẫn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án luyện gang thép”. Tài liệu này phân tích rất chi tiết về công nghệ luyện gang thép, các tác động môi trường, các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường, các chương trình phải thực hiện để quản lý và giám sát môi trường, tham vấn ý kiến cộng đồng và hướng dẫn rất cặn kẽ về kỹ thuật lập “Báo cáo đánh giá tác động môi trường” cho những dự án xây dựng các nhà máy luyện gang thép. Tài liệu vừa kể chứng minh cơ quan quản lý môi trường của chính quyền Việt Nam đủ khả năng để tính được rằng, chỉ trong giai đoạn 1 (sản xuất với công suất 15 triệu tấn/năm), nhà máy thép của Formosa tại Hà Tĩnh sẽ thải ra 36 triệu tấn khí thải/năm, riêng trong nước thải sẽ có 28,000 tấn các chất ô nhiễm/năm và khoảng 9 triệu tấn chất thải rắn/năm. Toàn bộ các chất thải xả vào không khí và vào nước đều cần được kiểm soát – xử lý chặt chẽ.
Dựa vào “Hướng dẫn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án luyện gang thép”, các chuyên gia tính ra rằng, nếu Formosa tiếp tục hoạt động, tiếp tục xả nước thải theo đúng giấy phép đã được cấp (45,000 mét khối/ngày) và hoạt động xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn mà chính quyền Việt Nam đã cho phép thì mỗi năm, vẫn có tới 17.37 tấn phenol và cyanide được xả ra biển. Tổng lượng độc chất được xả vào biển mỗi năm lớn gấp 9.5 lần so với lượng chất thải đã gây ra thảm họa cá chết hồi đầu tháng 4 năm 2016. Đó cũng là lý do người ta thắc mắc, liệu hệ sinh thái biển miền Trung – vốn đã bị hủy diệt gần như toàn bộ “chỉ” vì 1.82 tấn phenol và cyanide – có tiếp tục chịu đựng nổi trong 70 năm tới khi đều đặn mỗi năm phải tiếp nhận lượng phenol và cyanide lên tới 17.37 tấn? Ðó là chưa kể Formosa dự trù sẽ nâng công suất nhà máy thép ở Hà Tĩnh lên 1.5 lần nên tất nhiên lượng phenol và cyanide xả vào biển sẽ tăng tương ứng?
Đó là chưa kể đến một nguồn ô nhiễm cực lớn khác từ Formosa mà công chúng chưa chú ý tới vì Formosa chỉ mới chạy thử một lò luyện thép hồi tháng 4 năm 2016, đó là khí thải. Nếu nhà máy thép của Formosa ở Hà Tĩnh vận hành đúng như thiết kế thì riêng lượng phát thải khí nhà kính của Formosa đã tương đương 50.5% tổng lượng phát thải khí nhà kính của tất cả các nhà máy trên toàn Việt Nam. Ngoài ra còn có CO2, bụi,… khoảng 1 triệu tấn/năm – những tác nhân gây ra các bệnh về đường hô hấp, trong đó có ung thư phổi. Chưa kể tới SO2 (33,000 tấn/năm) và NOx (34,500 tấn/năm) – những loại khí gây ra mưa acid làm suy giảm chất lượng đất, chất lượng nước, giảm năng suất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.
Cho phép Formosa hoạt động trở lại, liệu Bộ Tài nguyên – Môi trường có áp dụng “Hướng dẫn về môi trường, sức khỏe và an toàn” do Tổ Chức Tài Chính Quốc Tế (IFC) đề nghị đối với nước thải của các nhà máy sản xuất thép như Formosa với 25 thông số phải đạt hay vẫn chỉ áp dụng “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp sản xuất gang thép” chỉ có 12 thông số, trong đó bỏ qua yêu cầu xử lý rất nhiều chất thải rắn nguy hiểm, khi xét cấp giấy phép xả nước thải cho Formosa? Tại sao ITC đề nghị 18 thông số đối với khí thải của các nhà máy sản xuất thép mà cơ quan quản lý môi trường của Việt Nam chỉ ấn định 11 thông số? Tại sao lại nâng cao (cho phép xả nhiều hơn) các chỉ tiêu về dioxin/furan, nồng độ bụi so với tiêu chuẩn mà ITC đề nghị? Tại sao để đến đầu năm 2017 mới kiểm soát dioxin/furan và đầu năm 2018 mới kiểm soát khí thải của các nhà máy sản xuất thép?
Chỉ vài giờ sau khi đưa “Formosa Hà Tĩnh: Phát thải ‘siêu độc’, quản lý ‘chưa tiên liệu’?” lên trang web của mình, Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn “tự ý đục bỏ” nó (7). Vài chục người có cùng mối quan tâm, cùng lên tiếng, cùng vận động dân chúng nói “không” với Formosa, cùng đòi môi trường sống phải sạch và an toàn hơn, giờ đang thi hành những bản án tù. Có bản án mà hình phạt lên tới 20 năm!
***
Luận điệu chính mà các viên chức ngoại giao Việt Nam thường sử dụng khi biện minh cho thực trạng tồi tệ về nhân quyền tại Việt Nam là Việt Nam có… “đặc thù” riêng. Những cá nhân bị tống giam, phạt tù, bị sách nhiễu đủ kiểu chỉ vì bày tỏ, hoặc vận động đồng bào của mình bày tỏ khát vọng được sống như thiên hạ đã “vi phạm pháp luật Việt Nam”. Luận điệu đó chẳng khác gì quan điểm mà bà Tôn Nữ Thị Ninh (cựu Đại sứ Việt Nam tại EU, cựu Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Việt Nam) từng nêu trong một buổi họp báo được tổ chức ở Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia của Mỹ hồi tháng 10 năm 2004, khi bị chất vấn về nhân quyền tại Việt Nam: “Trong gia đình chúng tôi có những đứa con hỗn láo, bướng bỉnh, hãy để chúng tôi đóng cửa lại trừng trị chúng theo cách của chúng tôi. Hàng xóm đừng gõ cửa đòi xen vào chuyện riêng của gia đình chúng tôi” (8).
Nhiều triệu người tại Việt Nam hiểu điều đó nên ráng “ngoan” để không bị trừng trị như những Lê Văn Lượng, Hoàng Đức Bình, Nguyễn Nam Phong, Nguyễn Văn Hóa, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh,… Song môi sinh, môi trường sống bị hủy diệt vì đủ thứ tác nhân được tạo ra và được hỗ trợ từ chính quyền kiểu như Formosa chẳng chừa ai. Mỗi ngày, ở Việt Nam có 250 người chết vì ung thư. Mỗi năm, số người chết vì ung thư là 94.000 (9). Chưa kể, mỗi năm có thêm 150.000 người khác mắc bệnh ung thư và đến năm 2020, con số này sẽ xấp xỉ 200.000 người/năm (10). Dù thuộc nhóm bệnh không lây nhiễm nhưng theo các chuyên gia y tế Việt Nam, ung thư chiếm 2/3 gánh nặng bệnh tật và tử vong toàn quốc và nhìn một cách tổng quát, các bệnh không lây nhiễm đang tăng đáng ngại. Các chuyên gia y tế Việt Nam cùng bày tỏ sự ngạc nhiên và lo âu khi tuổi trung bình của người mắc bệnh ung thư tại Việt Nam trẻ hơn nhiều so với thế giới. Chẳng hạn phụ nữ Việt Nam mắc ung thư vú sớm hơn thiên hạ từ năm đến mười tuổi, thậm chí số thiếu nữ trong độ tuổi 20 bị ung thư vú không còn là cá biệt (11). Họ đã trả lời tại sao, các bệnh không lây nhiễm, trong đó có ung thư tăng chóng mặt và đe dọa mọi giới: Mức độ ô nhiễm của môi trường ở Việt Nam nặng nề hơn, việc tiếp xúc với những yếu tố độc hại thường xuyên hơn, cường độ cao hơn!
Có “ngoan” không bị trừng trị thì cũng uổng mạng!
Chú thích
(1) http://www.europarl.europa.eu/RegData/etudes/BRIE/2018/628248/EPRS_BRI(2018)628248_EN.pdf
(3) https://www.hrw.org/vi/news/2018/08/27/321790
(4) http://vi.rfi.fr/viet-nam/20180909-hrw-keu-goi-nhat-hoi-thuc-viet-nam-cai-thien-nhan-quyen
(6) https://vi.wikipedia.org/wiki/Cá_chết_hàng_loạt_ở_Việt_Nam_năm_2016
(7) https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/chinh-quyen-biet-truoc-hau-qua-nhung-van-don-nhan-formosa/
(8) https://vi.wikipedia.org/wiki/Tôn_Nữ_Thị_Ninh#cite_note-nv1-5
(9) https://dantri.com.vn/suc-khoe/moi-ngay-co-hon-250-nguoi-viet-chet-vi-ung-thu-20180420214302893.htm
(10) http://congluan.vn/doi-song-xa-hoi/y-te/ung-thu-o-viet-nam-nhung-con-so-dang-ngai-34473
(11) https://news.zing.vn/vi-sao-ngay-cang-nhieu-thanh-nien-viet-nam-mac-benh-ung-thu-post870083.html