EU đề ra chiến lược cạnh tranh với Con Đường Tơ Lụa Trung Quốc

- Quảng Cáo -

Trọng Nghĩa – RFI |

Vào lúc thái độ nghi ngờ đối với đề án Con Đường Tơ Lụa mới của Trung Quốc ngày càng tăng, Liên Hiệp Châu Âu chuẩn bị đưa ra một dự án thay thế cho vùng Châu Á, được quảng bá là không khiến cho các nước tham gia bị ngập đầu trong những khoản nợ mà họ không thể trả. Theo tiết lộ của hãng tin Pháp AFP ngày 26/09/2018, kế hoạch này sẽ được các nước châu Âu ký trong những ngày sắp tới cho kịp hội nghị thượng đỉnh Á – Âu [ASEM 12 tại Bruxelles 18 & 19/10/2018, CTM Media] mở ra vào tháng 10 tới đây.

Mang tên “Chiến lược kết nối châu Á – Asia Connectivity Strategy“, dự án này nhằm mục tiêu cải thiện màng lưới năng lượng, giao thông vận tải, thông tin liên lạc bằng kỹ thuật số, đồng thời cổ vũ cho việc bảo vệ môi trường và tôn trọng chuẩn mực lao động.

Bruxelles nhấn mạnh là mô hình châu Âu không nhằm đáp trả bất kỳ một ai, nhưng giới quan sát đều gắn liền việc đề xuất chiến lược này với việc Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung Quốc, với hạ tầng cơ sở, đường xá, cảng biển, tuyến xe lửa được xây khắp thế giới, sử dụng hàng tỷ đô la tiền vay Trung Quốc, đang mất dần hào quang.

- Quảng Cáo -

Lãnh đạo ngành ngoại giao Châu Âu Federica Mogherini, cho biết là các cuộc thảo luận đã mất hàng tháng trời với một số quốc gia Châu Á “chú ý đến cách làm của Châu Âu“. Trả lời báo chí, bà Mogherini xác định rằng mục đích của châu Âu là tạo công việc làm, tăng trưởng, sao cho có lợi cho các cộng đồng tại chỗ. Bà nói thêm: “Tôi không muốn nói là điều đó có khác với đề nghị của ai khác hay không, nhưng đó là đề nghị của chúng tôi.”

Theo ghi nhận của AFP, chiến lược châu Á mới này được đưa ra sau khi chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu có một chính sách ngoại giao mạnh mẽ hơn, đẩy mạnh kinh tế của khối, đối mặt không chỉ với chủ trương “Nước Mỹ Trên Hết” của tổng thống Donald Trump, mà cả với sự can dự của Trung Quốc ở Châu Phi cũng như Châu Á.

Maaike Okano-Heijmans, một chuyên gia về quan hệ Á-Âu thuộc viện Clingendael Institute (Hà Lan), đánh giá đây là bước đi “rất quan trọng” sau khi Châu Âu bị chỉ trích là quá chậm chạp trong việc đối phó với quyền lực mềm của Trung Quốc, thời gian qua.

Trả lời AFP, chuyên gia này cho rằng: “Chúng ta không thể tố cáo Liên Hiệp Châu Âu là không có tầm nhìn nữa. Thách thức bây giờ là làm thế nào là biến nó thành một cái gì có thực chất mà một số quốc gia có thể chọn lựa. Bởi vì một kế hoạch như vậy đòi hỏi rất nhiều tiền, mà không ai có thể cạnh tranh với tiền của Trung Quốc.”

Vào thượng tuần tháng 9, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói là thương mại của Trung Quốc với các nước tham gia Con Đường Tơ Lụa mới đã vượt mức 5 ngàn tỷ đô la, trong đó có hơn 60 tỷ đầu tư trực tiếp.

Thế nhưng, một số nước đã bắt đầu tự hỏi là những ràng buộc gắn với các món tiền phải chăng đang biến tiền vay thành gánh nặng hơn là thuận lợi ?

Chiến lược đề nghị nhấn mạnh trên những “chuẩn mực cao về môi trường và lao động”, và tính chất vừa phải về mặt tài chính của các dự án hạ tầng cơ sở.

Theo AFP, lời nhấn mạnh đó rõ ràng là nhắm vào Con Đường Tơ Lụa của Trung Quốc, đang bị cho là đã tạo ra bẫy nợ đối với những nước tin vào sự hào phóng của Trung Quốc.

Nỗi lo ngại này có vẻ có cơ sở khi vào năm ngoái, 2017, Sri Lanka đã phải cho Trung Quốc thuê trong 99 năm cảng chiến lược của mình vì không trả nổi khoản nợ 1,4 tỷ đô la cho dự án. Tháng 8 vừa qua, đến lượt Malaysia tuyên bố ngưng 3 dự án mà Bắc Kinh tài trợ, trong đó có đề án đường xe lửa trị giá 20 tỷ đô la. Còn Pakistan, cho đến gần đây còn rất hứng thú đón nhận tiền Trung Quốc, nay đã cam kết minh bạch hơn nữa trước dư luận lo ngại khả năng không trả được nợ.

- Quảng Cáo -

ĐÃ CÓ 1 GÓP Ý

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here