Với một nghìn tỷ đôla, với con đường tơ lụa, Trung Quốc muốn có tiếng nói quyết định ở mọi nơi

- Quảng Cáo -

Alexander Görlach – FOCUS Online

Nguyễn Xuân Hoài

Trung Quốc chi rất nhiều tiền cho dự án “Con đường tơ lụa mới”. Nhưng đây là một dự án đầu tư tốt: Các quốc gia đầu tiên đã không kham nổi và phụ thuộc tài chính của Trung Quốc, hiện đang phục vụ như những chư hầu trung thành của chế độ độc tài cộng sản. Kể cả ở Châu Âu.

“Con đường tơ lụa mới” là dự án phô trương của chính phủ Trung Quốc. Cho đến nay chưa bao giờ có sự đầu tư lớn hơn vào cơ sở hạ tầng ở trên khắp thế giới: Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng ở 140 quốc gia ở Châu Á, Châu Âu, Châu Phi, Nam Mỹ và Châu Đại Dương thông qua sáng kiến này.

- Quảng Cáo -

Mục đích là xây dựng hành lang cho Trung Quốc bằng đường bộ và đường biển đầu tư xây dựng đường bộ, bến cảng, sân bay và nhà máy điện, qua đó hàng hóa có thể xuất khẩu từ trong nước ra thế giới và ngược lại hàng hóa có thể nhập khẩu vào Trung Quốc. Đổi lại, Trung Quốc cấp các khoản tín dụng cho các quốc gia mà các hành lang cơ sở hạ tầng mới này chạy qua, hứa hẹn sẽ sử dụng cơ sở hạ tầng này trong tương lai.

Con đường tơ lụa mới của TQ từ 2013 đã tiêu tốn 1.000 tỷ đôla

Để có thể tham gia, các quốc gia ký một “Biên bản ghi nhớ” nêu cơ sở cho việc hợp tác và liệt kê các điều kiện cho việc hợp tác đó. Bản thân Bắc Kinh không công khai các bản ghi nhớ này và danh sách các quốc gia đã ký chúng. Bắc Kinh cũng không cung cấp bất kỳ thông tin nào về tổng ngân sách mà Trung Quốc đã và đang chi cho sáng kiến này.

Đó là lý do tại sao chỉ có con số ước tính về số tiền đầu tư đã thực hiện: Kể từ năm 2013, khoảng 1 nghìn tỷ đô la có thể đã chảy vào công trình đầu tư này. Con đường tơ lụa mới có hai tuyến đường chính, một trên bộ và một trên mặt nước. “Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa” là tuyến đường trên bộ chạy qua miền Tây Trung Quốc và Kazakhstan – một “quốc gia không có biển” không tiếp cận với bất kỳ đại dương nào trên thế giới, đến châu Âu. Tuyến đường biển, “Con đường tơ lụa trên biển”, bao gồm các cảng quan trọng như ở Piraeus, Nairobi, Kolkata, Colombo, Singapore và Jakarta.

Đối với các dự án cơ sở hạ tầng này, Bắc Kinh cho các nước tương ứng vay với các điều khoản ưu đãi hơn so với các nhà đầu tư tư nhân, nhưng đắt hơn các khoản vaycủa các ngân hàng phát triển. Các khoản đầu tư này không theo mô hình kinh tế rõ ràng nào, vì các quốc gia đa dạng như Venezuela và Iran đang được thúc đẩy trong sáng kiến này.

Do đó, Bắc Kinh không mong đợi “lợi tức đầu tư” ngay lập tức. Thay vào đó, giới lãnh đạo Trung Quốc đang trông vào vào hiệu quả lâu dài: họ muốn xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông mới trước tiên và từ đó tạo ra nhu cầu. Trung Quốc hy vọng sẽ giành được lợi thế chiến lược, trước hết từ các khoản đầu tư vào Con đường Tơ lụa mới trên bộ, vì điều này cuối cùng sẽ phá vỡ sự phụ thuộc vào các tuyến đường biển và các chi phí liên quan đối với vận tải container.

Tàu chở hàng “Breb Xian” xuất phát từ khu vực St.Petersburg (Nga) và cập cảng Mukran như một phần của tuyến kết nối “Con đường tơ lụa” mới giữa Trung Quốc và Đức. Các container từ Vũ Hán, Trung Quốc, hoạt động một phần trên tuyến đường thủy và được chuyên chở trở lại trên các toa xe lửa từ đảo Rügen.

Các quốc gia đầu tiên đã bị phụ thuộc tài chính vào Trung Quốc

Cách đầu tư ồ ạt với hy vọng thu hút được đông đảo khách hàng tham gia chỉ có thể thực hiện được thông qua các khoản trợ cấp lớn. Đồng thời, Trung Quốc đã thành công với một nỗ lực tương tự cách đây hai mươi năm, xây dựng các đô thị vệ tinh vào thời điểm đó, ban đầu không có cư dân sinh sống và trống rỗng như những thị trấn ma. Tuy nhiên, ngày nay, một số khu định cư này đã có dân cư sinh sống, những tính toán của Bắc Kinh hồi đó đã được đền đáp trong hai thập kỷ sau đó.

Với con đường Tơ lụa mới trên bộ, chính quyền trung ương ở Bắc Kinh không chỉ theo đuổi lợi ích kinh tế, mà trên hết là lợi ích chính trị và địa chiến lược. Một số quốc gia mà Cộng hòa Nhân dân cho vay, các dự án cơ sở hạ tầng của họ không còn có thể phục vụ những lợi ích này. Trong số đó có Sri Lanka . Theo thỏa thuận cho vay với Colombo, cảng Hambantota sẽ được chuyển giao cho Công ty Kỹ thuật Cảng Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước nếu Sri Lanka không thanh toán được các khoản vay.

Cảng Hambantota là một trong những dự án không thu hút được nhu cầu. Chỉ có 34 tàu ghé cảng trong năm 2012, theo báo cáo của New York Times. Trung Quốc hiện đang thuê cảng và 60 km vuông xung quanh nó trong 99 năm tới, tương tự như các hiệp ước mà các cường quốc thuộc địa từng lập với Trung Quốc trước đây. Hiện Trung Quốc đang sở hữu một cơ sở cũng thích hợp cho việc sử dụng vì mục đích quân sự. Cơ sở này lại ở kế bên đối thủ Ấn Độ.

Cánh tay của Bắc Kinh vươn tới châu Âu qua Con đường Tơ lụa

Sri Lanka chỉ là một ví dụ. Một số quốc gia đã vay tiền cho các dự án thông qua RBI đang mắc nợ Trung Quốc rất nhiều. Theo danh sách của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, Mông Cổ, Tajikistan, Kyrgyzstan, Campuchia đang mắc nợ trên 20% GDP, Kazakhstan là 12% và Sri Lanka với 9,5%. Đứng thứ nhất là Djibouti của châu Phi, với khoản nợ chiếm hơn 80% tổng sản lượng kinh tế. Djibouti cũng nằm ở vị trí địa chiến lược, đó là lý do tại sao Bắc Kinh đã xây dựng một trong hai căn cứ quân sự bên ngoài Trung Quốc ở đó (căn cứ thứ hai ở Bắc Triều Tiên).

Con đường tơ lụa mới nối liền châu Á với châu Âu

Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã tăng cường đầu tư vào Châu Phi trong những năm gần đây để tiếp cận với các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở lục địa này. Tại đây Nigeria có tầm quan trọng đặc biệt đối với Trung Quốc. Theo dự báo của Liên hợp quốc, quốc gia này sẽ là một trong những nền kinh tế quan trọng nhất thế giới vào cuối thế kỷ này do sự gia tăng dân số.

Cánh tay của Bắc Kinh cũng mở rộng sang châu Âu thông qua RBI: các quốc gia như Ý và Hy Lạp đã bị thu hút bởi nguồn vốn của Trung Quốc, và Hungary cũng không chê. Ví dụ từ Serbia cho thấy rõ Bắc Kinh hy vọng gián tiếp có tiếng nói ở châu Âu thông qua các khoản đầu tư của mình. Các nước chư hầu của Bắc Kinh bắt đầu có thái độ coi thường quyền con người và tán dương Trung Quốc.

Trung Quốc muốn có quyền sinh quyền sát ở khắp nơi trên thế giới

Lợi ích địa chính trị của Trung Quốc là tiêu chí quyết định cho Con đường Tơ lụa Mới. Sự hân hoan tuyệt vời về dự án, bắt đầu vào năm 2013 với rất nhiều sự phô trương, dường như đã kết thúc. Một số quốc gia, bao gồm Malaysia, Myanmar, Pakistan, Sierra Leone và Kyrgyzstan, đã giảm quy mô hoặc tạm hoãn các dự án RBI. Không phải lúc nào cũng có thể nói lý do cho quyết định này. Pakistan, quốc gia coi mình là đối tác thân thiết của Trung Quốc chỉ ra rằng đại dịch corona là yếu tố quyết định dẫn đến sự chậm trễ trong việc thanh toán.

Cuối cùng, các dự án RBI lý tưởng thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc, cả trong và ngòai nước. Trong khi đó, các quốc gia không thể thực hiện thanh toán các khoản tín dụng do đó bị phụ thuộc vào Trung Quốc, có thể buộc phải chịu sự chi phối theo các mục tiêu của Trung Quốc và thậm chí có thể gây sức ép phải thay đổi chính sách đặc biệt là đối với thế giới dân chủ, đi theo chế độ độc tài Bắc Kinh. Không còn nghi ngờ gì nữa, Trung Quốc muốn có quyền sinh quyền sát trên toàn thế giới./.

Về tác giả:

Alexander Görlach là Thành viên cao cấp tại Hội đồng Carnegie về Đạo đức trong Các vấn đề Quốc tế ở New York. Ông là nhà ngôn ngữ học và thần học, có bằng tiến sĩ, giảng dạy lý thuyết dân chủ ở Đức, Áo và Tây Ban Nha với tư cách là giáo sư danh dự tại Đại học Leuphana. Trong năm học 2017-18, ông đã làm việc ở Đại học Quốc gia Đài Loan và Đại học Thành phố Hồng Kông chuyên nghiên cứu về sự trỗi dậy của Trung Quốc. Ông hiện đang nghiên cứu các công nghệ mới tại Viện Internet của Đại học Oxford và cách chúng được sử dụng trong các nền dân chủ và bị lạm dụng trong các chế độ độc tài.

Nguồn: Für 1 Billion Dollar: Mit der Seidenstraße will China überall das Sagen haben – FOCUS Online

- Quảng Cáo -