Dự thảo hiến pháp mới của Cuba chỉ là bản sao của phiên bản 2013 Hiến pháp Việt Nam, thậm chí còn là phiên bản 1992.
Cuba có… ‘bỏ gác’?
Ngày 22-7-2018, tại phiên họp thường kỳ đầu tiên nhiệm kỳ khóa 9 với sự tham dự của 100 đại biểu, Quốc hội Cuba đã tranh luận và thông qua một dự thảo hiến pháp sửa đổi. Theo dự thảo này, Cuba vẫn khẳng định duy trì sự lãnh đạo của đảng Cộng sản với kinh tế và chính trị đất nước.
Tuy nhiên, Cuba cũng sẽ có bước tái tổ chức, mở đường công nhận sở hữu tư nhân và kinh tế thị trường. Dự thảo bỏ một điều khoản trong hiến pháp năm 1976 về mục tiêu xây dựng “xã hội cộng sản”, mà thay vào đó chỉ tập trung vào vấn đề chủ nghĩa xã hội.
Báo Granma, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cuba dẫn lại phát biểu của Bí thư thứ nhất Raul Castro trong kỳ họp khai mạc Quốc hội khóa 9 rằng, quốc đảo Caribe sẽ có chức danh mới là Thủ tướng. Bước cải tổ này là việc tách 2 chức danh Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chuyển thành “Thủ tướng”, hiện vẫn do 1 người đảm nhiệm.
Xem ra bản dự thảo nói trên của Cuba chỉ là bản sao của phiên bản 1992 và 2013 Hiến pháp Việt Nam. Từ “Lời nói đầu” cho đến 13 điều của Chương I “Chế độ chính trị”, bản Hiến pháp của Nhà nước CHXHCN Việt Nam hoàn toàn không có điều nào hướng tới mục tiêu xây dựng “xã hội cộng sản”. Do đó, việc một số thông tin hồ hỡi cho rằng “Cuba bỏ gác”, vì đã từ bỏ cộng sản là điều cho thấy chưa có gì rõ ràng.
(Số là ông Nguyễn Minh Triết – Chủ tịch nước thứ 7 của Việt Nam, nhiệm kỳ từ 27 tháng 6 năm 2006 cho đến 25 tháng 7 năm 2011, trong bài phát biểu ở chuyến thăm Cuba năm 2009, có đoạn: “Có người ví von, Việt Nam Cuba như là trời đất sinh ra. Một anh ở phía đông, một anh ở phía tây. Chúng ta thay nhau canh giữ hòa bình cho thế giới. Cuba thức thì Việt Nam ngủ, Việt Nam gác thì Cuba nghỉ”).
Cuba học hỏi Việt Nam?
Người viết cho rằng Cuba đang nhắm đến mô hình kinh tế của Việt Nam. Năm 1986, Việt Nam khởi xướng chính sách Đổi Mới, một tập hợp các cải cách kinh tế, rất giống với các cải cách của Đặng Tiểu Bình ở Trung Quốc, nhằm tạo ra một nền kinh tế thị trường dưới sự cai trị của Đảng Cộng sản.
Việt Nam đã giải tán các hợp tác xã nông nghiệp, loại bỏ các biện pháp kiểm soát giá đối với hàng nông sản và cho phép nông dân sở hữu đất đai trong mức hạn điền. Việt Nam cũng tư nhân hoá nhiều công ty, giảm bớt các quy định đầu tư nước ngoài, tạo ra một môi trường hỗ trợ nhiều hơn cho các doanh nghiệp tư nhân, thành lập các khu chế xuất, và thúc đẩy các ngành sản xuất tuyển dụng nhiều lao động.
Trong 30 năm tiếp theo, nền kinh tế của Việt Nam đã tăng trưởng với tốc độ trung bình hàng năm là 6,7%. Đến năm 2017, con số mà nhà nước Việt Nam thông báo, là GDP bình quân đầu người đạt 2.340 đô la và xuất khẩu vượt mức 210 tỷ đô la – gần bằng với Úc và Brazil. Các nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm các tập đoàn Hàn Quốc như Samsung, đã đóng một vai trò quan trọng trong quá trình này.
Dĩ nhiên là nợ công của Việt Nam cũng tăng rất cao cùng nạn tham nhũng, bè phái ngay trong nội bộ Đảng Cộng sản. Đây là hệ lụy tất yếu của nền chính trị độc đảng toàn trị.
Cuba tuy đi sau nhưng về trước?
Nếu tìm hiểu về mặt văn bản, dễ dàng nhận ra việc Cuba “công nhận sở hữu tư nhân”, thì điều này Việt Nam đã công nhận trong Hiến pháp 1992. Cuba công nhận “hôn nhân đồng tính” và việc này Cuba cũng đi sau Việt Nam trên 1/4 thế kỷ. Việt Nam đã có hẳn luật liên quan đến hôn nhân đồng tính. Các việc “khuyến khích đầu tư nước ngoài và ra các biện pháp bảo vệ nhà đầu tư”, như đã nói ở trên, Việt Nam cũng đã đi trước từ thời kỳ “Đổi Mới”, khẳng định qua Hiến pháp 1992.
Riêng ‘hệ thống tư pháp’ ở Hiến pháp 2013 Việt Nam bắt đầu đưa vào khái niệm “nhà nước pháp quyền”, được xem là tương đương với khái niệm “etat de droit” của Tây phương, chỉ khác là Việt Nam lại thòng thêm “xã hội chủ nghĩa” phía sau. Điều 4, Hiến pháp của Việt Nam đã khẳng định “mọi tổ chức của đảng phải hoạt động theo hiến pháp và pháp luật”. Như vậy, chuyện Nhà nước Cộng sản Cuba “Tăng cường hệ thống tư pháp” xem ra cũng trễ so với Việt Nam.
Ngay cả các việc “công nhận nguyên tắc suy đoán vô tội trong xét xử”, hay việc “lập ra chức thủ tướng để điều hành đất nước bên cạnh chủ tịch nước”, Cuba cũng đi sau Việt Nam.
Vấn đề của Cuba là đang chờ xem thực chất của việc cải tổ tư pháp là gì?. Bởi Việt Nam chịu ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc nằm kề biên giới. Đối với Việt Nam, việc cải tổ hay “tăng cường hệ thống tư pháp” chỉ là việc “luật hóa” sự can thiệp sỗ sàng của đảng vào các sinh hoạt nhà nước, xã hội.
“Trong khi Cuba có khối dân lưu vong sống cận bên (ở Mỹ), đa số là khá giả. Khối dân này về chính trị, lập trường chống cộng sản khá giống với dân Việt Nam tỵ nạn ở Mỹ. Nhưng họ đông đảo, có ‘dây mơ rễ má’, có thế lực thực sự ở trong nước, nếu Cuba thực sự tôn trọng “quyền tư hữu và tài sản tư nhân” cũng như đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra lãnh tụ Cuba, thế hệ “cách mạng sắt đá”, đều ở tuổi gần đất xa trời. Thế hệ trẻ ít có tư tưởng “cách mạng cực đoan”, kiểu thời Che Guevara và Castro. Cuba sẽ nhanh chóng “Mỹ hóa”, từ kinh tế đến chính trị. Do đó Cuba có nhiều khả năng “tới bến” trước Việt Nam”. Nhà quan sát chính trị Trương Nhân Tuấn nhận xét như vậy.
Người Việt có câu “30 chưa phải là Tết”./.