Ngân sách thâm hụt nhưng vẫn chi hàng ngàn tỷ cho cán bộ đi nước ngoài

Xe công biển số xanh. Ảnh: tapchitaichinh
- Quảng Cáo -

Nguồn: RFA

Những con số khổng lồ

Đầu năm nay Chính phủ Việt Nam cho biết trong năm 2017, ngân sách đã chi 1.030 tỷ đồng để mua 1.081 ôtô công, trung bình giá gần 1 tỷ đồng/xe. Hiện Việt Nam có khoảng 40.000 xe công, trong số đó có đến 7.000 chiếc đang dư thừa.

Mỗi một năm các chi phí từ việc mua bán đến bảo trì xe công ở VN lên đến 13.000 tỷ đồng/năm.

- Quảng Cáo -

Công luận chưa kịp hết ‘sửng sốt’ về con số xe công được công bố, thì đến cuối tháng Sáu lại có thông tin trong bốn năm từ 2012 đến 2016, Việt Nam đã chi 1.200 tỷ đồng cho 53.000 cán bộ đi xuất ngoại. Đây là những chuyến đi được báo cáo là để xúc tiến đầu tư, ngoại giao, học hỏi kinh nghiệm, đào tạo cán bộ,…Nhưng trong thực tế nhiều cán bộ đã lợi dụng những chuyến “công tác nước ngoài” để đi thăm quan, thăm người thân, gia đình.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định việc chi tiêu ngân sách như vậy là không hợp lý và thậm chí không đúng với quy định của pháp luật:

“Việc đi công tác nước ngoài để khảo sát, nghiên cứu là cần thiết nhưng vấn đề là đi phải được tổ chức làm sao tiết kiệm nhất và có hiệu quả. Báo chí cho thấy nhiều nơi có hiện tượng đi nhưng không có hiệu quả khi không xác định được mục tiêu rõ ràng, kết quả khảo sát mang về có thể giúp gì cho hệ thống làm việc. Hay những bài học gì mang về. Những kết quả này không được nói tới trong khi việc đi thì quá nhiều. Tôi nghĩ tình trạng này rất bất ổn.”

Bộ Công Thương là cơ quan chi nhiều nhất cho việc đi nước ngoài. Điển hình là ông Vũ Huy Hoàng, lúc bấy giờ còn là Bộ trưởng, có năm đi nước ngoài tới 163 ngày/năm.

Về tình trạng mua sắm xe công hay tài sản công, chuyên gia Phạm Chi Lan đánh giá là căn bệnh nan y nhiều năm nay. Có năm bộ Tài chính đã thốt lên rằng số xe công quá nhiều lên đến 40.000 chiếc nhưng không thấy nói rõ đã cắt giảm bao nhiêu. Ngược lại chi phí cho xe công vẫn tiếp tục tăng hàng năm. Bà Phạm Chi Lan cho rằng đây là một sự lãng phí ngân sách rất nghiêm trọng, mà hậu quả người dân phải gánh chịu:

“Trong khi đó ngân sách ngày càng eo hẹp hơn, thường hay bị thâm hụt và cứ mỗi lần thâm hụt ngân sách lại dẫn tới việc tăng thu thuế của người dân. Tôi nghĩ điều đó hết sức bất hợp lý.”

Tình trạng bội chi ngân sách của Việt Nam liên tục xảy ra trong những năm gần đây. Năm ngoái Bộ Tài chính cho biết mức bội chi cả năm ước tính hơn 115 ngàn tỷ đồng. Trước đó, năm 2016, bội chi 192 ngàn tỷ đồng. Năm 2015 là hơn 256 ngàn tỷ đồng và năm 2014 là 249 ngàn tỷ đồng.

Sai từ bộ máy

Khi ngân sách thâm hụt, nhiều khoản bị nói là vô lý được đưa ra như tăng thuế bảo vệ môi trường xăng dầu lên kịch trần, nhưng lại bỏ tiền thuế này vào ngân sách chung. Rồi đến dự luật áp thuế nhà ở được Bộ Tài chính đề xuất. Các chuyên gia cho rằng cơ quan chức năng cho tăng thuế thu từ người dân để bù vào ngân sách thâm hụt mà một trong những nguyên nhân là do tiêu xài hoang phí.

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Ngô Trí Long cho rằng các biện pháp ngăn chặn lãng phí ngân sách đã được đưa ra nhưng không phải một sớm một chiều đã mang lại kết quả:

“Tại vì năng suất, chất lượng, hiệu quả đầu tư kém; tham nhũng vẫn còn phổ biến. Mà biết điều đó rồi không phải giải quyết một sớm một chiều, ngày một ngày hai là được mà là cả một quá trình. Mặc dù đã sửa đổi rất nhiều cơ chế quản lý và thể chế ví dụ như nâng cao hiệu quả đầu tư công hay tăng cường kỷ luật trong chi tiêu ngân sách. Đây là một vấn đề nan giải và khó giải quyết được, giống như căn bệnh tham nhũng, đã biết từ lâu và đưa ra nhiều biện pháp nhưng thực sự chưa có hiệu quả.”

Hàng ngàn tỷ cho cán bộ đi nước ngoài, rồi hàng ngàn tỷ mua xe cho cán bộ không phải là những trường hợp duy nhất thể hiện sự hoang phí tiền thuế của dân.

Để ngăn chặn tình trạng lãng phí ngân sách, Chuyên gia Phạm Chi Lan cho rằng việc căn cơ nhất phải làm là cải cách bộ máy Nhà nước:

“Một bộ máy quá lớn, cồng kềnh, quá nhiều người tham gia, thì bản thân nó đã kém hiệu quả và đẻ ra các nhu cầu đi nơi này nơi khác hoặc chi tiêu các thứ như mua sắm xe để trang bị cho họ làm việc. Cho nên phải thu hẹp lại bộ máy, bớt đi những đầu mối không cần thiết, giảm biên chế của Nhà nước là việc đầu tiên cần phải làm.”

Gần đây Việt Nam cũng đang ráo riết cắt giảm biên chế, và thu gọn các cơ quan thuộc các bộ. Chẳng hạn như Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, thậm chí Bộ Công an. Tuy nhiên bà Lan nói rằng cần giảm bớt ở tất cả các cơ quan vì ở đâu cũng có hiện tượng thừa. Và phải có sự giám sát trong việc thực hiện.

Bà Phạm Chi Lan cũng nói rằng cần làm rõ chức năng nhiệm vụ của các cơ quan, tránh sự chồng chéo công việc. Một việc giao cho nhiều cơ quan thì sẽ “đẻ ra” nhiều người, nhiều đầu mối.

Và một điều nữa bà đánh giá là rất cần thiết, đó là tăng cường kỷ cương trong cơ quan Nhà nước. Việc chi tiêu một cách lãng phí vi phạm các quy định Nhà nước ban hành:

“Ở đây là việc người ta chi tiêu quá, nhưng ngay cả chất lượng công việc của người ta như thế nào, người ta lạm dụng quyền lực trong các lĩnh vực khác như thế nào để gây khó khăn cho xã hội, doanh nghiệp cũng là điều phải xem xét đến chứ không phải chỉ những thứ có thể đo được như chi tiêu đi nước ngoài hay mua sắm.”

Phát biểu trong Hội nghị Toàn quốc Chống tham nhũng cuối tháng 6 vừa qua, Tổng Bí thư ông Nguyễn Phú Trọng nhắc nhở đảng viên phải biết xấu hổ khi bản thân và người thân tham nhũng, lãng phí. Ông Trọng dặn dò thêm rằng công quỹ là của công nên một xu, một hào cũng không được chi dùng bừa bãi.

- Quảng Cáo -

18 CÁC GÓP Ý

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here