Tự xích chân, cố thủ
Đúng 8h ngày 22-5, lực lượng cưỡng chế của chính quyền thị xã Điện Bàn có mặt tại khối Quảng Lăng 2 với đầy đủ phương tiện, máy móc phục vụ cho việc cưỡng chế hộ ông Võ Như Ái – chủ nhân căn nhà duy nhất trên tuyến đường ĐT 607 chưa chịu đập bỏ, bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên, trước sự chống cự mang tính quyết liệt của gia đình ông Ái cùng hàng trăm người dân khối Quảng Lăng 2, việc cưỡng chế ở trong thế dùng dằng. Đặc biệt, từ rạng sáng cùng ngày, hơn 20 phụ nữ ẵm theo con nhỏ đã cố thủ trong ngôi nhà ông Ái. Họ dùng dây xích và tự xích chân mình lại với nhau với quyết tâm “một mất, một còn” với chính quyền địa phương. Sự giằng co giữa đôi bên đến thời điểm 16h cùng ngày vẫn chưa đi đến hồi kết. Và quyết định cưỡng chế chỉ dừng lại ở việc đơn vị thi công điều động xe múc và xe lu đến khu vực gần nhà ông Ái để tiến hàng san lấp mặt bằng.
Dự án mở rộng tuyến đường ĐT 607 đoạn qua khối Quảng Lăng 2 (phường Điện Nam Trung) đã ảnh hưởng trực tiếp đến 141 hộ dân. Tuy nhiên, với giá đền bù 720 nghìn đồng/m2 được cho là “rẻ bèo”, người dân bắt đầu cảm thấy hoài nghi và nảy sinh thắc mắc. Để bày tỏ thái độ không đồng tình, trong vòng ba năm qua, người dân liên tiếp tập trung phản đối. Và cái vòng tròn luẩn quẩn: ngăn cản thi công, đối thoại để dẫn đến nâng giá hỗ trợ đền bù giữa chính quyền địa phương và người dân cứ thế nhùng nhằng. Trong khi, dự án thì cứ “giậm chân tại chỗ”. Khởi điểm cho chuỗi ngày “đấu tranh” đòi hỏi giá đền bù đất thỏa đáng của hàng trăm hộ dân bắt đầu bằng việc ngăn cản phương tiện, máy móc của đơn vị thi công san ủi đoạn đường 200m còn lại qua địa bàn khối phố vào ngày 9-12-2016. Tiếp đến là hành động dùng ống cống bêtông chắn ngang đường một chiều để chặn xe công trình vào ngày 17-5-2017.
Mãi đến khi chính quyền thị xã “xuống nước” và “chốt” số tiền đền bù cao hơn 1,7 lần so với giá cũ (tức tương đương 1,2 triệu đồng/m2) thì đại đa số người dân mới đồng tình ký vào biên bản nhận tiền. Riêng trường hợp gia đình ông Ái, với diện tích bị thu hồi quá lớn (hơn 700m2) nên ông yêu cầu chính quyền địa phương bố trí thêm một lô tái định cư. Và khi không được đáp ứng nguyện vọng, gia đình ông cùng hàng trăm hộ dân khác dĩ nhiên chẳng thể “tâm phục khẩu phục” với phương án đền bù mà chính quyền địa phương đưa ra và dẫn đến việc một số phụ nữ tự xích chân mình để phản đối việc cưỡng chế của chính quyền thị xã Điện Bàn vào sáng 22-5.
Áp giá đền bù theo luật cũ dù đã có luật mới
Nhìn lại quá trình người dân Quảng Lăng 2 nhiều lần phản đối chính quyền cưỡng chế, mới thấy không ít bất cập ở đây. Trước đó, người dân Quảng Lăng 2 phản đối UBND thị xã Điện Bàn khi áp giá đền bù theo Luật đất đai năm 2003 chứ không theo Luật đất đai năm 2013, dù luật này đã có hiệu lực từ ngày 1-7-2014 và quyết định thu hồi đất của thị xã này được thông qua ngày 16-9-2015. Trong cuộc họp ngày 6-4-2015, ông Lê Thương – Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất thị xã Điện Bàn – khẳng định: số tiền mà các hộ dân đã nhận là tiền tạm ứng trước theo giá đất cũ theo Quyết định số 43/2014 của UBND tỉnh Quảng Nam ngày 17-6-2014, bao giờ có giá mới, chính quyền sẽ chi trả đầy đủ cho người dân.
Vì cam kết này của ông Thương, người dân đã tự tháo dỡ nhà, đốn hạ cây cối để bàn giao mặt bằng cho dự án. Có số tiền được tạm ứng trước, người dân đã vay mượn thêm để mua đất, làm nhà và chờ tiền đền bù của dự án để trả nợ. Tuy nhiên, đột ngột chính quyền thị xã Điện Bàn thông báo không áp dụng chi trả theo giá mới mà chi trả theo giá cũ theo một Quyết định thu hồi đất khác ghi ngày 30-6-2014, chỉ cách Luật đất đai 2013 có hiệu lực thi hành đúng… một ngày khiến người dân ngã ngửa, vì số tiền đền bù đó không đủ để họ trả tiền mua đất, làm nhà, khiến họ rơi vào cảnh điêu đứng, gần như mất trắng đất.
Chính quyền… “lách” luật?
Người dân Quảng Lăng 2 cho biết phiếu chi mà họ nhận tiền ghi ngày 13-11-2014 nhưng ngày thực hiện chi là ngày 1-7-2015 nên họ không chấp nhận vì cho rằng họ bị cán bộ cố tình “lách” để không đền bù theo luật mới. Ông Đặng Hữu Hiến, người dân khối Quảng Lăng lúc ấy, đặt câu hỏi tại sao khi họp chính quyền và người dân đã thống nhất chủ trương là: “Đối với trường hợp thu hồi và phê duyệt phương án bồi thường từ ngày 1-1-2015 thì giá đất bồi thường được vận dụng theo Quyết định số 13/2015/QĐ-UBND ngày 4-6-2015 của UBND tỉnh Quảng Nam (theo Luật đất đai 2013), trong đó, giá vật kiến trúc, cây trồng, vật nuôi được thực hiện theo Quyết định số: 45/2014/QĐ-UBND ngày 22-12-2014 của UBND tỉnh Quảng Nam”.
Người dân nhận quyết định thu hồi đất tháng 7 và 9-2015 và nhận tiền tạm ứng tháng 7-2015 thì phải được hưởng theo các Quyết định trên của UBND tỉnh Quảng Nam, nhưng tại sao chính quyền thị xã Điện Bàn lại không áp dụng giải quyết cho dân mà lại áp giá cũ? Đồng thời, người dân Quảng Lăng 2 cho rằng nội dung Báo cáo số 128BC-UBND của UBND thị xã Điện Bàn gửi UBND tỉnh Quảng Nam là sai sự thật. Trong khi người dân khối phố Quảng Lăng 2 nhận tiền và Quyết định thu hồi đất là tháng 7-2015, nhưng chính quyền thị xã Điện Bàn lại báo cáo UBND tỉnh Quảng Nam Quyết định thu hồi đất của các hộ dân lùi lại một năm (30-6-2014), khiến cho họ không nhận được đền bù theo giá mới và đặt dấu hỏi liệu có sự “lách luật” nào ở đây hay không?
Theo nội dung Công văn số 158/UBND của UBND thị xã Điện Bàn ngày 16-2-2017 về việc trả lời đơn khiếu nại của các hộ dân do ông Nguyễn Đạt – Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn – ký, trong mục hai có nêu: “Việc sai lệch giữa ngày lập phiếu chi và ngày chi trả là sai sót nghiệp vụ của kế toán, thủ quỹ Chi nhánh Trung tâm phát triển quỹ đất Điện Bàn. Theo đề nghị của UBND thị xã Điện Bàn, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm của từng cá nhân liên quan sai phạm”. Và đối với nội dung phản ánh Quyết định thu hồi đất ghi ngày 30-6-2014 nhưng một năm sau mới gửi quyết định cho người dân là có sai trái trong việc ghi lệch ngày ban hành quyết định thu hồi…
Tuy nhiên, người dân không đồng ý với cách giải thích này. Họ cho rằng, chẳng có lý do gì mà nơi áp dụng Luật đất đai 2013, nơi áp dụng Luật đất đai 2003 trên cùng một tuyến đường ấy./.