Bản hùng ca trỗi dậy

- Quảng Cáo -

Chí Quang – (VNTB) – Hãy nhìn ra thế giới đi, có cái nhà nước nào do dân bầu ra mà lại đi chiếm đất canh tác của dân để phân lô bán nền như Việt Nam không?

Từ thuở hồng hoang sơ khai, khi xã hội loài người chỉ mới phát triển đến hình thái bộ lạc và chưa ai có khái niệm chính trị là gì, thì họ đã biết áp dụng chế độ bầu cử dân chủ, dù chỉ ở mức độ bản năng tự nhiên, trong việc lựa chọn thủ lĩnh, tức người có vai trò lãnh đạo, dẫn dắt bộ lạc.

Ví dụ trong một bộ lạc có 500 người, thì bao giờ họ cũng chọn ra một cá nhân cao niên nhất, có uy tín nhất, gọi là già làng, hay thậm chí một hội đồng bô lão gồm nhiều vị già làng như thế, nắm quyền lực tối cao, để duy trì mọi sinh hoạt của bộ lạc trong vòng trật tự.

Tất nhiên, để đảm bảo cho sự công bằng về quyền lợi và nghĩa vụ của tất cả các thành viên, họ sẽ cùng nhau xây dựng một hệ thống luật lệ, tuy đơn giản mộc mạc nhưng rất thực tế, được đa số chấp thuận.

- Quảng Cáo -

Để trở thành thủ lĩnh hay tù trưởng trong một bộ lạc như vậy, anh phải được sự tín nhiệm và bầu chọn của đa số các thành viên. Mỗi bộ lạc có tiêu chuẩn riêng để chọn ra người thủ lĩnh, nhưng cái tiêu chuẩn cốt lõi vẫn là: anh phải được đa số bầu chọn và ủng hộ. Và tất nhiên, vì lợi ích chung của tập thể, họ sẽ chọn một người ưu tú nhất, sáng suốt nhất, tài năng nhất, can đảm nhất, đạo đức nhất…làm thủ lĩnh. Nếu có vài người tài đức ngang nhau đều muốn làm thủ lĩnh thì đám đông sẽ có quyền lựa chọn và quyết định ai sẽ thắng, giống như việc bỏ phiếu trong cuộc bầu cử của xã hội hiện đại. Và người thủ lĩnh, sau khi lên nắm quyền lãnh đạo, không phải anh muốn làm gì thì làm, mà anh phải chịu sự giám sát của già làng hoặc hội đồng bô lão…và nếu anh lợi dụng quyền lực được giao phó để vi phạm luật lệ chung thì anh sẽ bị xử lý. Một điểm quan trọng nữa là người thủ lĩnh đó không phải cứ thế mà nắm quyền lãnh đạo suốt đời rồi truyền lại quyền lực cho con cháu hoặc bất kỳ người nào anh ta muốn. Mà ngay khi tập thể nhận thấy anh ấy không còn đủ năng lực để giữ vai trò lãnh đạo, họ sẽ phế truất anh ấy bằng một cơ chế nào đó (thông qua hội đồng bô lão chẳng hạn), để bầu ra một thủ lĩnh mới, phù hợp hơn, hiệu quả hơn, chứ không có kiểu nắm quyền vĩnh viễn cha truyền con nối như chế độ phong kiến sau này.

Đó là mô hình dân chủ sơ khai, rất tự nhiên mộc mạc nhưng vô cùng hiệu quả trong việc lựa chọn ra một “bộ máy lãnh đạo” ưu việt nhất cho tập thể. Trong cơ chế giản dị ấy, quyền lực tối cao thực sự không tập trung vào một cá nhân hoặc một nhóm người nào, mà được chia đều cho tất cả các thành viên trong tập thể.

Ngày nay, mô hình dân chủ này vẫn đang được áp dụng rất hiệu quả ở các quốc gia có nền chính trị dân chủ tiến bộ như Hoa Kỳ, Úc, và nhiều nước châu Âu cũng như một số nước châu Á. Tất nhiên nó đã biến tướng và mang nhiều khác biệt so với thời kỳ sơ khai, nhưng về bản chất thì vẫn vậy: quyền lực tối cao thuộc về người dân.

Ukraine là một ví dụ mới mẻ nhất về mô hình dân chủ như vậy. Nhà lãnh đạo của họ, tức tổng thống Volodymyr Zelensky, là do người dân lựa chọn thông qua hoạt động bầu cử tự nhiên. Ông ta được lựa chọn làm lãnh đạo thông qua một cơ chế không khác gì mấy so với cái cơ chế đã lựa chọn người thủ lĩnh của bộ lạc sơ khai hàng ngàn năm trước. Và thực tế đã chứng minh ông ta hoàn toàn xứng đáng với sự lựa chọn của người dân Ukraine.

Ở khu vực châu Á thì không thể không nhắc tới bà Thái Anh Văn, tổng thống Đài Loan, cũng là một vị lãnh đạo do người dân bầu chọn một cách tự nhiên và tự nguyện giống như ông Zelensky của Ukraine. Và bà ấy có xứng đáng hay không thì cứ hỏi nhân dân Đài Loan tất sẽ biết.

Và còn rất nhiều ví dụ khác nữa cho thấy cơ chế bầu cử tự nhiên, tự do và tự nguyện ở các quốc gia dân chủ có thể chọn ra những nhà lãnh đạo “chất lượng” như thế nào.

Việt Nam là một câu chuyện hoàn toàn trái ngược.  

Từ sau 1945 khi Việt Minh (tiền thân của chế độ cộng sản Việt Nam) cướp được chính quyền cho tới nay, người dân Việt Nam đã bị tước bỏ quyền bầu cử tự nhiên, tự do và tự nguyện để chọn lựa bộ máy lãnh đạo.

Người dân Việt Nam không được quyền chọn lựa, thông qua bầu cử tự do, một người lãnh đạo ưu tú nhất, xứng đáng nhất như người Ukraine chọn ông Zelensky và người Đài Loan chọn bà Thái Anh Văn, mặc dù ở Việt Nam không thiếu những người xuất sắc như vậy.

Sau 1945, Các lãnh đạo, các quan chức, ở Việt Nam đều do đảng cộng sản chọn lựa, sắp đặt, chỉ định theo ý mình chứ không phải theo nguyện vọng của nhân dân. Và thực tế đã cho thấy từ đó tới nay, chả có lãnh tụ nào của Việt Nam đạt được tầm mức về tài năng và đạo đức như ông Zelensky và bà Thái Anh Văn cả.

Bản thân cái đảng cộng sản cũng không phải do người dân Việt Nam bầu ra. Về mặt bản chất, nó chỉ là một nhóm người tự ý quy tụ với nhau thành một bang hội như Thanh Bang, Hồng Bang, Hội Tam Hoàng…bên Tàu, hay Yakuza bên Nhật, rồi thừa cơ cướp chính quyền năm 1945 và sau đó dùng mọi thủ đoạn để duy trì quyền cai trị đất nước từ đó tới nay. Lộ trình đi tới quyền lực của đảng cộng sản khác xa với đảng của ông Zelensky và bà Thái Anh Văn. Trong khi ông Zelensky và bà Thái Anh Văn lên nắm quyền là theo ý nguyện của người dân nước họ thông qua bầu cử, thì người dân Việt Nam chưa bao giờ bầu cho đảng cộng sản lên nắm quyền điều hành đất nước cả. Đảng cộng sản Việt Nam tự cướp lấy quyền này và dùng vũ lực cưỡng ép người dân phải chấp nhận vai trò lãnh đạo của nó. Ai lên tiếng phản đối lập tức bị khủng bố bằng vũ lực hoặc trừ khử, tiêu diệt bằng cách này hay cách khác.

Thực trạng Việt Nam giống với cái gì? 

Hãy tưởng tượng ra cảnh trong một ngôi làng, người dân hiền hòa đang sống cuộc đời thanh bình yên ấm, bỗng có một nhóm cướp hung dữ xông vào, dùng dao kiếm, súng đạn khống chế dân làng, rồi áp đặt quyền cai trị lên họ từ đời này sang đời khác. Với sức mạnh bạo lực trong tay, những tên cướp muốn làm gì mà không được? chúng tự dựng lên thể chế, hiến pháp, luật lệ, tự áp đặt mọi ý muốn của chúng lên đầu người dân, biến họ thành bầy nô lệ phục vụ cho băng đảng của chúng. Trong vị thế đó thì băng đảng của chúng muốn tự đặt cho mình tên gọi đẹp đẽ gì mà chẳng được? nào là xã hội chủ nghĩa, nào là cộng sản, nào là giải phóng, nào là độc lập tự do hạnh phúc…nhưng thực chất thì vẫn chỉ là nhóm cướp như Thanh Bang hoặc hội Tam Hoàng mà thôi, chứ đâu phải do dân làng bầu chọn?

Và bản chất ăn cướp đó thể hiện rõ nét qua cái luật lệ mà chúng đặt ra và bắt buộc dân làng phải chấp nhận “toàn bộ đất đai trong làng thuộc về nhà nước quản lý” nghĩa là “nhà nước” muốn lấy đất ở bất cứ đâu cũng được, dân làng phải giao nộp, không thì bị cưỡng chế bằng bạo lực. Thật nực cười là cái băng cướp tàn ác bất lương như vậy lại thích sử dụng những danh xưng đẹp đẽ để gọi chính mình như: chính quyền nhân dân, nhà nước của dân do dân vì dân. Hài vãi chưởng! Xin lỗi, không có nhân dân nào lại bầu ra cái nhà nước hay cái chính quyền để nó quay lại cướp đất của mình để phân lô bán nền cả! Hãy nhìn ra thế giới đi, có cái nhà nước nào do dân bầu ra mà lại đi chiếm đất canh tác của dân để phân lô bán nền như Việt Nam không? Nhà nước của ông Zelensky và bà Thái Anh Văn, do dân bầu lên, có làm vậy không?

Trong số những dân làng tội nghiệp bị băng cướp tự xưng là “nhà nước” kia cai trị, có những con người dũng cảm, họ thừa hiểu là không bao giờ có chuyện cái băng cướp dã man đó tự nguyện trao trả lại quyền làm chủ cho dân làng và rời đi chỗ khác. Đó là chuyện hoang đường. Dân làng muốn lấy lại quyền làm chủ thì phải đứng lên đấu tranh dành lại, chứ không còn cách nào khác. Nhưng phần lớn họ sợ bị băng cướp đàn áp, tiêu diệt bằng vũ lực nên đành im lặng chấp nhận kiếp sống nô lệ, mong được yên thân cho qua kiếp người, và ngôi làng đã bị bọn cai trị độc ác biến thành cái trại súc vật hai chân mất rồi. Và một số cá thể ít ỏi đã dũng cảm đứng lên tranh đấu cho quyền lợi của toàn thể dân làng.

Họ là những chiến sĩ lẻ loi đơn độc không tấc sắt trong tay, chỉ dùng tiếng nói hay ngòi bút của mình để phản kháng những chính sách bất công tàn ác mà băng cướp áp đặt lên người dân. Dù biết là với bản chất tàn bạo của mình, bọn cướp kia sẽ thẳng tay trừng trị những ai dám chống lại chúng, dù chỉ bằng lời nói và lý lẽ. Với tầng lớp dân chúng hiểu biết và cộng đồng quốc tế, Họ là những tấm gương bất khuất, can đảm phi thường, đứng lên vì chính nghĩa, đối đầu với bạo quyền sắt máu mà không hề run sợ. Những con người ấy là Trần Huỳnh Duy Thức, là Phạm Đoan Trang, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Trịnh Bá Phương, Cấn Thị Thêu, Nguyễn Thị Tâm, Lê Dũng Vô Va, Lê Trọng Hùng, Nguyễn Lân Thắng…và hàng trăm người khác đang bị bọn cướp tự phong là “nhà nước” bỏ tù với tội danh “phản động” bằng những điều luật man rợ như 331 và 117 mà không xã hội văn minh nào công nhận.

Những con người đó, xét về thể chất, họ rất bé nhỏ và yếu ớt trước cỗ máy khủng bố đồ sộ hung hãn của tà quyền với công an nổi, công an chìm, súng đạn, nhà tù…nhưng họ mang trong mình một sức mạnh mà chẳng vũ khí nào diệt nổi, đó là sức mạnh chính nghĩa. Khi họ đứng lên đương đầu với bọn cướp đang dùng vũ lực thống trị ngôi làng, bọn cướp kết án họ, tống giam họ vào ngục tối, đó là điều dễ hiểu. Ai chống lại bọn cướp thì đối với chúng, người đó là tội phạm, điều đó là hiển nhiên rồi. Nhưng đối với nhân dân và cộng đồng quốc tế, họ không có tội. mà trái lại, họ là những anh hùng. Họ không cần ai xây cho mình những tượng đài trăm tỷ lòe loẹt phô trương sặc mùi tham nhũng, vì tượng đài của họ đã được vĩnh viễn dựng lên và tỏa sáng trong lòng hàng triệu người dân rồi.

Và cái bản án phúc thẩm trơ tráo mới đây mà cái “tà án” của nhà nước tự phong, dành cho nhà báo Phạm Đoan Trang: y án sơ thẩm 9 năm tù, trong con mắt của người dân yêu chuộng tự do và công lý trong và ngoài nước không có giá trị nào khác hơn là một nỗi ô nhục kinh tởm. Cả một hệ thống quyền lực khổng lồ hung hãn nhưng lại run sợ trước một người phụ nữ nhỏ nhắn, yếu ớt, tay không tấc sắt, đến nỗi phải xử án người ta một cách lén lút bưng bít, không cho cả người thân của bị cáo lẫn các viên chức ngoại quốc vào tham dự, mặc dù vẫn tuyên bố rằng phiên tòa xét xử công khai! Đúng là cái thứ công lý man rợ rừng rú đê hèn của đẳng cấp đầu đường xó chợ!

Hàng ngàn năm trước, cũng trong bối cảnh bị người Tàu đô hộ, bà Trưng bà Triệu đã quật khởi đứng lên tranh đấu cho tự do của dân tộc, dù sau đó bị quân Tàu tiêu diệt, nhưng tấm gương hào hùng của các bà đã trở thành bất tử trong sử sách và trong lòng người, như bản hùng ca oanh liệt không bao giờ dứt.

Và hôm nay, một lần nữa, bản hùng ca ấy lại trỗi dậy từ người phụ nữ Việt Nam, nhà báo yêu nước Phạm Đoan Trang. Dù không rền vang tiếng trống đồng và tiếng ba quân reo hò xung trận như bà Trưng bà Triệu năm xưa, nhưng chỉ một câu nói nhẹ nhàng cũng đủ sức mạnh làm tà quyền khiếp vía “con thú có thể giết chết con người, nhưng nó mãi mãi không thể thành người. Con người dù có phải ngã xuống để bảo vệ chân lý thì vẫn không thể lùi bước, vì đó là thiên chức của loài người”

Tù nhân lương tâm Đỗ Công Đương vừa ngã xuống trong ngục tối do bị tước bỏ quyền khám chữa bệnh. Nhân đây, xin kính dâng lên vong linh anh một nén tâm hương.

Cuộc đấu tranh nào mà không có đau thương mất mát? 

Cám ơn nhà giáo chân chính Thiện Căn đã sinh ra cho ngôi làng bất hạnh mang tên Việt Nam một người con ưu tú, đã bất chấp an nguy của bản thân, đứng lên tranh đấu vì dân tộc. Dã thú đã gầm lên nhưng bản hùng ca đã trỗi dậy rồi. Xin cám ơn nhà báo Đoan Trang rất nhiều.

Mong rằng đến một ngày không xa, toàn dân sẽ vượt qua nỗi sợ và đứng lên tiếp bước nhà báo Đoan Trang, trỗi lên bản hùng ca tranh đấu, đòi lại quyền làm người cho chính mình và cho con cháu muôn đời sau. Mong rằng ngày ấy sẽ mau đến./.

- Quảng Cáo -