CTM Media (Uyên Nguyễn): Mùa hè năm ngoái, khi Tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng quốc phòng CSVN gặp Tướng Jim Mattis, Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ tại Thủ đô Hoa Thịnh Đốn, ý tưởng đưa một Hàng không mẫu hạm đến thăm Việt Nam đã gây một sự chú ý rất lớn của dư luận. Lý do là lúc đó, tình hình biển Đông đang căng thẳng khi Trung Quốc áp lực CSVN không để cho công ty Repsol của Tây Ban Nha tiếp tục khai thác dầu khí tại bãi Tư Chính.
Sự kiện CSVN chấp nhận để cho Hàng không mẫu hạm Mỹ viếng thăm Đà Nẵng là một động thái cho thấy có một khuynh hướng mới trong quân đội đang muốn có những đối phó mạnh hơn trước các áp lực ngày gia tăng đối với các áp lực của Bắc Kinh trên biển Đông. Để tìm hiểu điều này xin kính mời quý vị theo dõi phần nhận định sau đây của ông Lý Thái Hùng, Tổng Bí Thư Đảng Việt Tân về mối quan hệ an ninh quốc phòng giữa Hà Nội và Hoa Thịnh Đốn hiện nay.
Uyên Nguyễn: Kính chào ông Lý Thái Hùng. Từ trước cho đến nay kể cả trong thời gian xảy ra cuộc chiến trước năm 1975, chưa có một Hàng không mẫu hạm nào như đoàn tàu USS Carl Vinson thuộc Hạm Đội số 3 của Hải Quân Hoa Kỳ đến viếng thăm Đà Nẵng. Ông nhận định ra sao về chuyến viếng thăm này?
Lý Thái Hùng: Trong thời gian chiến tranh trước năm 1975, mặc dù quân đội Hoa Kỳ đang tác chiến trực tiếp tại Việt Nam, nhưng chưa có một Hàng không mẫu hạm nào cập bến vào một cảng của miền Nam. Đa số các hàng không mẫu hạm chỉ đậu ở Subic Bay, Phi Luật Tân hay thả neo ở ngoài khơi Việt Nam.
Do đó, việc nhà cầm quyền CSVN đồng ý để cho Hoa Kỳ đưa đoàn tàu của Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson viếng thăm cảng Tiên Sa, thành phố Đà Nẵng từ ngày 5 đến 9 tháng 3, cho thấy là Hà Nội đang có những động thái mới, trong các quan hệ quân sự với Hoa Kỳ.
Thứ nhất, trong nhiều năm qua đã có rất nhiều tàu ngầm, chiến hạm ghé thường xuyên vào Cam Ranh hay Đà Nẵng, nhưng sự kiện Hàng không mẫu hạm Carl Vinson thăm viếng Đà Nẵng cho thấy là phía Hà Nội đã có những hợp tác tích cực hơn với Hoa Kỳ. Điều này đã phản ảnh phần nào sự lo ngại của Hà Nội là nếu không đi gần với Hoa Kỳ để được hỗ trợ về mặt quân sự, chắc chắn sẽ bị Bắc Kinh nuốt chửng ở biển Đông. Tuy không nói ra, Hà Nội rất cay cú sự kiện Bắc Kinh hăm dọa sẽ tấn công các căn cứ ở Trường Sa vào tháng 7 năm 2017, nếu Việt Nam không ra lệnh cho công ty Repsol của Tây Ban Nha ngưng khai thác dầu khí ở bãi Tư Chính. Nói cách khác, một phần không nhỏ trong 18 thành viên Bộ chính trị CSVN đã chọn giải pháp hợp tác với Hoa Kỳ – không phải để chống lại Trung Quốc vì họ không dám làm như thế; nhưng mà để qua đó xoa dịu dư luận trước sức ép ngày một thêm quá đáng của Bắc Kinh.
Thứ hai, thông tin về việc Hàng không mẫu hạm Carl Vinson sẽ đến thăm Đà Nẵng vào tháng 3 đã được chính Tướng Jim Mattis, Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ công bố tại Hà Nội, nhân chuyến viếng thăm đầu tiên ở Việt Nam hôm 25 tháng 1, 2018 cho thấy Hoa Kỳ coi chuyến viếng thăm này rất quan trọng. Đây là cách Hoa Thịnh Đốn bày tỏ quyết tâm trong việc củng cố sự hiện diện lâu dài ở khu vực Á Châu nhằm trấn an các đồng minh ở đây, trước sự bành trướng của Trung Quốc trong những năm vừa qua. Nói cách khác, việc đưa Hàng không mẫu hạm Carl Vinson – thuộc loại tân tiến và mạnh nhất của Hoa Kỳ – ghé thăm Việt Nam và Phi Luật Tân, giữa lúc Trung Quốc bất chấp sự lên án của các nước tiếp tục gia tăng việc lắp ráp những thiết bị quân sự công nghệ mới ở hai quần đảo Hoàng sa và Trường sa, là Hoa Kỳ muốn nhắn gửi thông điệp “tiếp tục chính sách xoay trục về Châu Á.”
Thứ ba, thay vì chọn viếng thăm cảng Cam Ranh, Hàng không mẫu hạm Mỹ chọn Đà Nẵng là nơi mà Hoa Kỳ từng có những mối quan hệ tốt với người dân ở đây cách nay hơn 4 thập niên, và sẽ được dân chúng Việt Nam đón tiếp long trọng hơn. Đây cũng chính là cú hích mà Hoa Kỳ muốn nhìn thấy quyết tâm của lãnh đạo CSVN trong lời hứa “mở rộng quan hệ đối tác toàn diện” với Hoa Kỳ trong thông cáo chung, nhân chuyến viếng thăm Hà Nội của Tổng thống Donald Trump vào đầu tháng 11, 2017. Qua thông cáo chung này, Hà Nội và Hoa Thịnh Đốn đã cùng nhau xác nhận sẽ đẩy mạnh các kế hoạch hợp tác quân sự trong giai đoạn 2018-2020. Đây cũng chính là giai đoạn mà Hoa Kỳ sẽ hoàn thành mục tiêu đầu tiên trong chiến lược xoay trục khi đưa được 2/3 lực lượng hải quân có mặt thường trực tại Thái Bình Dương.
Nói tóm lại, việc Hàng không mẫu hạm Carl Vinson viếng thăm Đà Nẵng là nhằm đáp ứng nhu cầu của Mỹ muốn tái khẳng định quyết tâm xoay trục về Á Châu, còn đối với CSVN là muốn mở rộng sự hợp tác quân sự với Mỹ để cân bằng lại áp suất đe dọa từ Trung Quốc.
Uyên Nguyễn: Như vậy qua cuộc viếng thăm này cho thấy là CSVN từ chiến thuật đu dây giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong nhiều năm qua, đang tiến gần hơn về phía Hoa Kỳ để tìm sự hợp tác về mặt quân sự nhằm đối phó sự bành trướng của Bắc Kinh trên biển Đông, phải không thưa ông?
Lý Thái Hùng: Đa số lãnh đạo đảng CSVN hiện nay đều rất lo sợ tham vọng bành trướng của lãnh đạo Bắc Kinh, nhưng họ không dám chống lại một cách mạnh mẽ vì vừa không có đủ sức, vừa sợ mất chỗ dựa để giúp duy trì quyền lực độc tôn. Chính sự mâu thuẫn này mà Hà Nội phải chọn thế đu dây và luôn luôn bị rất nhiều áp lực từ cả hai phía Bắc Kinh và Hoa Thịnh Đốn.
Khi CSVN có những động thái tích cực đi gần với Hoa Kỳ, như vụ Hàng không mẫu hạm Carl Vinson viếng thăm Đà Nẵng, không phải là Hà Nội thay đổi thế đu dây mà là để giải quyết hai nhu cầu tâm lý:
Một là giải tỏa tâm lý bị bắt chẹt bởi đàn anh Trung Quốc hung hãn và thô bạo. Càng lúc sự lấn lướt của Bắc Kinh trên biển Đông đã trở thành mối nguy cho lãnh đạo CSVN vì nó sẽ kích lên các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc, và qua đó biến thành làn sóng xô sập ách độc tài nhu nhược Hà Nội.
Hai là giải tỏa tâm lý sợ bị cô lập khi một số lớn các quốc gia trong khối ASEAN bị Bắc Kinh mua chuộc để đứng ra ngoài các tranh chấp ở Biển Đông. Chính không khí bất thuận lợi này sẽ ảnh hưởng trầm trọng lên nội bộ khiến CSVN buộc phải hợp tác tích cực hơn với Hoa Kỳ trong thời gian gần đây.
Trong khi đó, Hoa Kỳ ngày nay không còn ở vào thời kỳ ngăn chận sự bành trướng, mà bị đẩy vào thế phải đối đầu quân sự với Bắc Kinh. Trong bối cảnh đó, chỉ có Việt Nam mới là địa bàn giúp cho Hoa Kỳ đối đầu hiệu quả với các sức ép từ Bắc Kinh so với Mã Lai, Thái Lan hay Tân Gia Ba.
Do bối cảnh ở biển Đông đã thay đổi nói trên, CSVN buộc phải hợp tác tích cực với Hoa Kỳ trước khi tình hình có những chuyển biến xấu hơn do tham vọng bành trướng của Bắc Kinh.
Uyên Nguyễn: Phản ứng của Trung Quốc ra sao qua sự kiện này?
Lý Thái Hùng: Trên bề nổi Trung Quốc không có phản ứng gì đáng chú ý; nhưng trong thâm tâm, Trung Quốc không muốn Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson đến Việt Nam. Lý do đơn giản là vì Hoa Kỳ đang lôi kéo CSVN hợp tác để chống lại các ảnh hưởng của Bắc Kinh trên biển Đông. Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng không muốn đẩy Hà Nội đi vào quỹ đạo của Hoa Kỳ nên thay vì lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ, Trung Quốc lại tạo áp lực mang tính cảnh cáo CSVN bằng cách ra lệnh ngưng nhập khẩu gạo từ ba doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam vào cuối tháng 1, 2018 ngay sau khi Bộ trưởng quốc phòng Mỹ chính thức công bố thông tin Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson viếng thăm Đà Nẵng.
Lấy lý do cần thời gian điều chỉnh chính sách về xuất nhập khẩu, siết chặt các vấn đề quản lý chất lượng, bảo hộ sản xuất trong nước cũng như hạn chế mậu dịch biên giới… nên Bắc Kinh thông báo tạm ngưng nhập khẩu gạo từ Việt Nam. Những lý do mà Trung Quốc đưa ra không khác gì đòn trả đũa ngưng nhập khẩu chuối từ Phi Luật Tân hồi năm 2012 khi chính quyền Phi lên tiếng xác định chủ quyền trên bãi đá Hoàng Nham đang tranh chấp với Bắc Kinh vào lúc đó.
Uyên Nguyễn: Sau chuyến viếng thăm Đà Nẵng của Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson, quan hệ quốc phòng giữa Hoa Kỳ và CSVN chắc sẽ không ngừng ở đây mà sẽ có những hợp tác nhiều hơn, đặc biệt lực luợng tàu chiến của Mỹ sẽ ra vào thường xuyên các hải cảng Việt Nam. Theo ông thì liệu tình hình biển Đông sẽ trở nên phức tạp với những xung đột quân sự khó tránh hay không?
Lý Thái Hùng: Sự kiện Hoa Kỳ đưa một đoàn tàu của Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson, lớn nhất thế giới và được đánh giá là Hàng không mẫu hạm dày dạn kinh nghiệm chiến đấu nhất của Hoa Kỳ, từng tung hoành trong khu vực Ấn Độ Dương và Trung Đông, đến viếng thăm Đà Nẵng và sẽ hiện diện thường trực tại Thái Bình Dương với Hạm đội 7, cho thấy là giới quân sự Hoa Kỳ đang cho CSVN và các quốc gia đồng minh thấy Hoa Kỳ muốn đối đầu với lực lượng Trung Quốc chứ không bỏ chạy, sau khi rút khỏi Hiệp định TPP.
Vấn đề là CSVN có “tin tưởng” những hứa hẹn nói trên và có dám hợp tác toàn diện như đã ký trong thông cáo chung Mỹ-Việt vào tháng 11 năm 2017, hay là vừa hợp tác vừa coi chừng phản ứng của đàn anh Phương Bắc. Vì thế, tuy giới quân sự Hoa Kỳ chọn thế đối đầu trực diện với Bắc Kinh khi tăng cường nhiều Hạm đội thường trực ở Thái Bình Dương, nhưng vẫn còn quá sớm để có thể kết luận là Hà Nội sẽ để cho các tàu chiến ra vào thường xuyên ở Đà Nẵng hay Cam Ranh.
Trung Quốc hiện không chỉ kiểm soát hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở ngoài khơi Việt Nam, mà còn kiểm soát hơn 80% nền kinh tế Việt Nam. Chính vòng kim cô này đã siết chặt CSVN nên Hà Nội không thể và không dám đứng về phía Hoa Kỳ để chống lại chính sách xâm lược của Trung Quốc.
Tuy nhiên, nếu Trung Quốc bất chấp dư luận, tiếp tục dấn tới trong thế đối đầu lại Hoa Kỳ như trong vài năm qua, thì sự xung đột quân sự giữa hai bên khó tránh. Nếu điều này xảy ra thì sẽ hoàn toàn bất lợi cho Việt Nam. Lúc đó, CSVN khó có thể chọn thế đu dây hay đứng ra ngoài cuộc tranh chấp, mà phải chọn một trong hai. Đây chính là tử huyệt của đường lối ngoại giao khấu tấu kéo dài quá lâu của thân phận một kẻ chư hầu phương Bắc, khiến cho Việt Nam mất thế độc lập để giữ vững bờ cõi trước sức ép của các siêu cường.
Uyên Nguyễn: Xin cảm ơn ông Lý Thái Hùng đã chia xẻ một số nhận định về tình hình biển Đông và nhất là mối quan hệ mới giữa Hoa Kỳ và CSVN trước sự kiện chưa từng có, đó là Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson của Hoa Kỳ ghé thăm Đà Nẵng trong tuần lễ đầu tháng 3.