Bộ Chính trị có chỉ đạo nguỵ tạo một cuộc họp quan trọng?

- Quảng Cáo -
Lê Anh Hùng (VNTB)
Ở các quốc gia dân chủ, báo chí được coi là “quyền lực thứ tư” trong xã hội, sau ba quyền lực nhà nước là lập pháp, hành pháp và tư pháp.
***
Lý do thì không có gì khó hiểu. “Tiếng nói là quyền lực” (“Voice is power”), trong khi báo chí lại là phương tiện hữu hiệu nhất không chỉ để người dân lên tiếng bày tỏ chính kiến, biểu đạt ý chí và nguyện vọng, mà còn giúp những tiếng nói ấy lan toả, từ đó tạo thành áp lực dư luận, tác động đến các thiết chế quyền lực trong xã hội. Báo chí không chỉ là quyền lực xã hội quan trọng nhất, mà còn là thứ vũ khí hữu hiệu nhất để người dân giám sát cả ba nhánh quyền lực nhà nước nói trên.
Ý thức rõ vai trò đặc biệt quan trọng của báo chí nên dưới chế độ cộng sản, báo chí luôn được các đảng cộng sản kiểm soát gắt gao. Và Việt Nam trong “thời đại Hồ Chí Minh” cũng không phải là ngoại lệ. Tất cả các cơ quan báo chí ở Việt Nam đều chịu sự giám sát đặc biệt của Ban Tuyên giáo Trung ương về nội dung và sự quản lý nhà nước của Bộ Thông tin – Truyền thông. Tổng biên tập các cơ quan báo chí đều là đảng viên cộng sản. Và dĩ nhiên, tư nhân thì có nằm mơ cũng không thấy mình được ra báo.
Điều này vừa giúp nhà cầm quyền cộng sản tránh được sự giám sát đúng nghĩa của báo chí (hay đúng hơn là của nhân dân), vừa biến báo chí thành một công cụ đắc lực để tuyên truyền cho chế độ, ru ngủ dân chúng, định hướng dư luận xã hội.
Và bản chất công cụ phục vụ quyền lực của “báo chí cách mạng” Việt Nam lại được thể hiện trong một sự kiện hi hữu mới đây.
Ngày 8/12, một loạt tờ báo chính thống ở Việt Nam đã đăng những bài viết tuy nhan đề khác nhau nhưng nội dung thì y chang nhau, sử dụng cùng một bức ảnh duy nhất. Hay nói nôm na là tất cả các bài báo đó đều “từ một lò mà ra”.
Nhan đề bài viết trên báo Nhân Dân là “Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp về tăng cường quản lý báo chí, mạng xã hội”, trên báo Tiền Phong là “Điều tra một số đối tượng nhận tiền để viết bài nói xấu chế độ”, trên báo Pháp Luật Việt Nam là “Yêu cầu điều tra đối tượng nhận tiền viết bài nói xấu chế độ trên mạng”, trên báo VietNamNet là “Báo chí vẫn còn hiện tượng ‘đánh hội đồng, giật gân, câu khách’”, trên website của Bộ Công an là “Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp về tăng cường quản lý báo chí, mạng xã hội”, v.v.
Nội dung các bài báo y chang nhau đó là về việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp về công tác tăng cường quản lý báo chí và mạng xã hội tại trụ sở chính phủ vào sáng ngày 7/12. Thành phần tham gia cuộc họp phải nói khá đa dạng: ngoài ông Võ Văn Thưởng (Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương) và ông Vũ Đức Đam (Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ) còn có đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành, cơ quan trung ương của hệ thống chính trị. Chừng đó đủ nói lên tầm quan trọng của cuộc họp.
Tuy nhiên, quan trọng là vậy, nhưng đây lại là một cuộc họp rất đáng ngờ, vì những lý do sau.
Thứ nhất, mặc dù là một cuộc họp dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ, với sự tham gia của Phó Thủ tướng phụ trách văn hoá – xã hội và đặc biệt là Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, nhưng chương trình thời sự VTV 19h ngày 7/12 lại không đưa tin về sự kiện quan trọng này, và mãi đến chiều ngày 8/12 một số báo mới đăng tải. Trong khi đó, các hoạt động của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là những cuộc họp tương tự, trước nay luôn được các tờ báo điện tử đưa tin ngay sau khi sự kiện kết thúc, còn VTV thì phát tin trong chương trình thời sự 19h cùng ngày.
Thứ hai, mặc dù một số báo nêu thành phần tham gia cuộc họp rất đông, nhưng trong bức ảnh duy nhất với chú thích “Toàn cảnh cuộc họp” lại cho thấy sự hiện diện của vỏn vẹn 4 người, bao gồm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cùng hai sỹ quan quân đội mặc quân phục.
Thứ ba, trong số những website hiển thị thời gian đăng bài thì thời gian hiển thị trên trang web của báo Nhân Dân cho thấy đây là tờ báo đăng bài viết nói trên sớm nhất, cụ thể là vào hồi 3h14 ngày 8/12. Vậy nhưng, các trang báo khác như Tiền Phong hay VietNamNet lại ghi nguồn bài viết là từ Cổng Thông tin Điện tử Bộ Công an chứ không phải từ báo Nhân Dân, còn tờ Pháp Luật Việt Nam thì lại ghi “P. Luật” vào chỗ đề tên tác giả cuối bài viết, mà chắc không ai nghĩ đó là tên tác giả.
Thứ tư, bài viết trên website của Bộ Công an lại có hai chỗ sử dụng phông chữ nghiêng và in đậm là: “Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) có giải pháp từng bước giám sát MXH, đưa ra các chủ trương, giải pháp kỹ thuật để bảo đảm công tác này” và “Bộ Công an cần điều tra một số đối tượng chuyên nhận tiền để viết bài bôi nhọ, xuyên tạc, nói xấu chế độ trên mạng. Chủ động hơn, kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng, không để lợi dụng dân chủ, tự do để xâm phạm an ninh quốc gia”.
Theo thông lệ Việt Nam, căn cứ vào thành phần tham dự cuộc họp, có thể khẳng định ngay đây là cuộc họp do Bộ Chính trị hoặc Ban Bí thư chỉ đạo, bất kể nó có diễn ra hay không.
Trong khi đó, mặc dù một số tờ báo cũng như website của Bộ Công an đưa tin, song thật kỳ lạ là cả trên Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ lẫn trang mạng chính thức của Thủ tướng Chính phủ đều không đề cập gì đến một cuộc họp quan trọng của người đứng đầu chính phủ Việt Nam.
Phải chăng cuộc họp trên là nguỵ tạo? Và vì sao nhà chức trách Việt Nam lại phải nguỵ tạo một cuộc họp quan trọng như thế?
- Quảng Cáo -

ĐÃ CÓ 1 GÓP Ý

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here