Phạm Chí Dũng – Người Việt |
Lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức thủ tướng từ giữa năm 2016, ông Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì họp với một số bộ ngành về “tăng cường quản lý báo chí và mạng xã hội.”
Cuộc họp trên – diễn ra vào ngày 7 Tháng Mười Hai, 2017 tại trụ sở chính phủ – có vẻ mang tính bất thường chứ không theo kế hoạch làm việc của lãnh đạo chính phủ đã được lập cho từng quý và 6 tháng.
Vì sao Thủ Tướng Phúc là tiêu điểm của mạng xã hội?
Cuộc họp trên diễn ra trong bối cảnh trên mạng xã hội đang xuất hiện một số bài viết và tin tức công kích Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc, tập trung vào những vấn đề như “sân sau,” “xung đột nội bộ,” “sức khỏe”… Một số trang Facebook có thể là địa chỉ chính nêu ra và truyền dẫn những thông tin này.
Trong thời gian gần đây, một số hãng truyền thông chính thống ở nước ngoài cũng thường đề cập về “thành tích điều hành kinh tế – xã hội” theo báo cáo của Thủ Tướng Phúc. Nhiều nghi ngờ đã được đặt ra về tính thực chất của các báo cáo tô hồng thành tích như vậy.
Thật ra, tình trạng Thủ Tướng Phúc được/bị giới truyền thông quốc tế, trong nước và mạng xã hội tập trung mổ xẻ hơn hẳn các chóp bu khác cũng hoàn toàn dễ hiểu, bởi ông Phúc phải chịu trách nhiệm điều hành vừa kinh tế vừa xã hội và đương nhiên phải đụng chạm nhiều lãnh vực, vấn đề hóc búa, trong tình cảnh xã hội Việt Nam đang ngày càng xuất hiện nhiều dấu hiệu và biểu hiện của sự xuống dốc và hỗn loạn.
Chi tiết đáng chú ý trong cuộc họp ngày 7 Tháng Mười Hai của Thủ Tướng Phúc là “Cùng dự, có các đồng chí: Võ Văn Thưởng, ủy viên Bộ Chính Trị, bí thư Trung Ương Đảng, trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương; Vũ Đức Đam, ủy viên Trung Ương Đảng, phó thủ tướng Chính Phủ” (theo báo Nhân Dân), nhưng lại không thấy giới thiệu lãnh đạo Bộ Công An và Bộ Thông Tin Truyền Thông – hai bộ bị xem là “sát thủ” về “quản lý báo chí và mạng xã hội.”
Cũng không thấy báo cáo nào từ phía Bộ Công An và Bộ Thông Tin Truyền Thông mà chỉ là “kết luận của thủ tướng” – theo bản tin của báo Nhân Dân.
Viettel “phản bội khách hàng”
Trong phần biểu dương như một thói quen “có qua có lại” của giới quan chức lãnh đạo, ngoài việc đề cập đến hai Bộ Công An và Bộ Quốc Phòng, ông Phúc đã biểu dương “Tập Đoàn Viễn Thông Quân Đội (Viettel) có giải pháp từng bước giám sát mạng xã hội, đưa ra các chủ trương, giải pháp kỹ thuật để bảo đảm công tác này.”
Có thể cho rằng đây là một trong hiếm hoi lần mà Viettel được/bị tiết lộ như một nhân tố chính về công tác kỹ thuật để “quản lý mạng xã hội.” Bởi trong nhiều năm qua, một câu hỏi lớn mà người sử dụng mạng xã hội vẫn cố công tìm hiểu là trong số những nhà mạng lớn ở Việt Nam là FPT, VNPT, Viettel, nhà mạng nào có nhiều thành tích nhất mà do đó cũng bị dư luận xem là “phản bội khách hàng” nhất trong việc dựng tường lửa để “ngăn chặn truy cập thông tin xấu, độc” để từ đó cũng ngăn chặn luôn cả nhiều bài viết mang tính phản biện độc lập.
Vào năm 2017, nhiều tờ báo nước ngoài đã dẫn ra một phát hiện thú vị về việc chính quyền Việt Nam dùng những đơn vị tin tặc, có mã số APT32 để làm công tác phản gián, không chỉ phá phách hoạt động của giới đấu tranh dân chủ nhân quyền trong nước mà còn thâm nhập và can thiệp vào cả hệ thống dữ liệu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam.
Vào ngày 25 Tháng Năm, 2017, Công Ty An Toàn Mạng FireEye cho biết những tin tặc được gọi là APT32 vào năm 2016 đã tiến hành tấn công một số công ty gồm một công ty sản phẩm tiêu dùng của Philippines, một công ty cơ sở hạ tầng công nghệ cùng những công ty khác; trong số này có một số có làm ăn tại Việt Nam. APT là chữ viết tắt của ba từ tiếng Anh “advanced persistent threat,” tạm dịch “nguy cơ liên tục cấp cao.” Đây là thuật ngữ thường được dùng để chỉ những nhóm tin tặc được nhà nước hỗ trợ.
Viên chức trưởng công nghệ khu vực Á Châu Thái Bình Dương của FireEye, Bryce Boland, còn cho báo giới biết những tin tặc còn nhắm đến những cơ quan chính phủ Philippines. Theo vị này thì có thể mục tiêu những cuộc tấn công mạng vào những nơi như thế nhằm thu thập thông tin về hoạt động chuẩn bị quân sự, cũng như cách thức hoạt động của các cơ quan trong chính phủ để có được chuẩn bị tốt hơn trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự.
Còn vào lần này, với tiết lộ của Thủ Tướng Phúc về “thành tích” của Viettel, điều này đã thỏa mãn phần nào thắc mắc bức bối của dư luận mạng, nhưng có lẽ lại chẳng khiến giới lãnh đạo Viettel cùng cơ quan chủ quản của tập đoàn này là Bộ Quốc Phòng cảm thấy hãnh diện khi bị hiện hình chân tướng.
Có cấm được mạng xã hội?
Tại phần kết luận, trong khi chỉ nói sơ bộ về báo chí (nhà nước), Thủ Tướng Phúc đã dành phần lớn nội dung kết luận để tập trung vào mạng xã hội.
Trong nội dung kết luận về mạng xã hội, có vẻ ông Phúc tập trung vào hành vi “nói xấu lãnh đạo” mà cụ thể là “Chúng ta chưa chủ động đề ra giải pháp kỹ thuật hiệu quả; quy định xử lý chưa rõ ràng, nhất là đối với những tội vu khống, bôi nhọ lãnh đạo. Trách nhiệm các cơ quan chức năng, cá nhân trong vấn đề này không rõ ràng. Các cơ quan, cá nhân còn mơ hồ, né tránh trách nhiệm, ngại đụng chạm…”
Thủ Tướng Phúc cũng yêu cầu “Bộ Công An cần điều tra một số đối tượng chuyên nhận tiền để viết bài bôi nhọ, xuyên tạc, nói xấu chế độ trên mạng.” Tuy nhiên, ông Phúc đã không làm rõ những đối tượng này là ai và nhận tiền của ai hay tổ chức nào. Ông Phúc cũng không làm rõ trường hợp những hãng thông tấn và báo chí nước ngoài trả nhuận bút cho tác giả trong nước thì những tác giả này có bị xếp vào dạng “đối tượng chuyên nhận tiền để viết bài bôi nhọ, xuyên tạc, nói xấu chế độ trên mạng” hay không.
Một chi tiết đáng chú ý khác là mặc dù đăng nội dung kết luận của Thủ Tướng Phúc khá dài và nhiều vấn đề, nhưng tường thuật của báo Nhân Dân đã không nêu tên cụ thể của những trang mạng xã hội bị xem là “nói xấu chế độ.”
Tại kỳ họp quốc hội Việt Nam vào Tháng Mười – Mười Một, 2017, Bộ Trưởng Thông Tin và Truyền Thông Trương Minh Tuấn phát biểu chính thức rằng “thông tin tiêu cực như xuyên tạc, nói xấu, bôi nhọ, kêu gọi kích động biểu tình, chống phá nhà nước… chủ yếu tồn tại trên các mạng xã hội nước ngoài.” Đây là lần thứ hai ông Trương Minh Tuấn nêu quan điểm và cách nhìn như vậy. Lần đầu tiên vào năm 2015.
Trong cuộc họp “tăng cường quản lý báo chí và mạng xã hội” ngày 7 Tháng Mười Hai, có vẻ giải pháp chính mà Thủ Tướng Phúc chỉ đạo là dùng báo chí (nhà nước) để phản bác các luận điệu sai trái và nói xấu lãnh đạo trên mạng xã hội.
Tuy nhiên ông Phúc đã thừa nhận với vẻ bức xúc: “Nhiều tờ báo còn thụ động, chờ lãnh đạo cấp trên chỉ đạo mới đưa tin phản bác sự sai trái trên mạng xã hội.”
Thực ra, không phải đến bây giờ giới lãnh đạo chính phủ mới bức bối về “nói xấu lãnh đạo” trên mạng xã hội. Vào đời trước của ông Phúc, người tiền nhiệm là Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã không dưới một lần ký quyết định được hiểu như hành động cấm cản mạng xã hội, đặc biệt vào năm 2012 khi nổ ra cuộc chiến quyền lực “Dũng – Trọng.” Nhưng cho đến năm 2015, trong một cuộc họp, Nguyễn Tấn Dũng đã bất ngờ thốt lên “không thể cấm được mạng xã hội đâu các đồng chí à!”
Chính một con số thống kê của Bộ Thông Tin Truyền Thông Việt Nam đã cho biết có tới hơn 80% người Việt dùng mạng xã hội. Cơ chế cấm cản mạng xã hội ở Việt Nam sẽ có thể ngay lập tức dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống thông tin trong khối doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, khiến GDP – vốn đang quá èo uột – sẽ tăng tốc sụt về số âm.
Ngoài ra, còn có một nguồn cơn rất “tế nhị” khác: từ năm 2012, ở Việt Nam đã chính thức diễn ra cuộc chiến nội bộ đảng với trang mạng xã hội có tên Quan Làm Báo. Đến cuối năm 2014, một trang mạng còn ghê gớm hơn là Chân Dung Quyền Lực đã hiện hình và khuynh đảo cả chính trường. Trước đại hội 12 của đảng cầm quyền, một số trang mạng xã hội cũng làm mưa làm gió với những tin tức thuộc loại “Tối Mật,” Tuyệt Mật” của đảng và chính quyền. Từ đó đến nay, ngày càng nhiều trang mạng xã hội nặc danh được tung ra với ngồn ngộn thông tin phanh phui giới quan chức trong nội bộ về nạn tham nhũng, tài sản khủng, bồ nhí con riêng, thủ đoạn chạy chức chạy quyền…
Làm thế nào để “nhu cầu đấu đá nội bộ” có thể tồn tại trong thời gian tới, đặc biệt trong cuộc chiến sát phạt thâu tóm giữa các nhóm quyền lực mới – lợi ích mới đối với các nhóm quyền lực cũ – lợi ích cũ, nếu mạng xã hội bị chính các cơ quan quản lý Việt Nam siết chặt?
Tháng Mười Hai năm 2017. Ngay sau vụ khởi tố và tống giam chấn động đối với cựu Ủy Viên Bộ Chính Trị Đinh La Thăng, đã xuất hiện những dấu hiệu mới về một cuộc chiến mới trong nội bộ đảng. Trên mạng xã hội một lần nữa hiện lên đơn thư tố cáo dành cho vài quan chức cao cấp. Nhiều vụ việc tưởng đã chìm lãng trong dĩ vãng đang được một bàn tay nào đó “xới” lại…
Cấm được can được cái qq
Cấm đi cấm đi….hahahahahahaha